Tuần này Lê Nghĩa trân trọng giới thiệu đến các bạn cuốn sách “35 ĐIỀU PHỤ HUYNH KHÔNG NÊN LÀM” của tiến sĩ Trần Mỹ Linh. Cô ấy không chỉ là một người phụ nữ vô cùng xuất sắc mà hơn thế nữa cô ấy còn nuôi dạy ba người con của mình rất “thành công”. Từ thành công mình muốn chia sẻ ở đây không phải vì ba chàng trai này đều tốt nghiệp xuất sắc tại đại học Stanford mà bởi vì ba chàng trai ấy đều lớn lên trong sự đồng hành tràn đầy tình thương yêu của cha mẹ. Cô ấy đã tạo nên một sự gắn kết an tâm giữa bản thân và các con. Mình đã từng rất yêu mến cô ấy khi đọc cuốn sách đầu tay của cô ấy, cuốn sách “50 bài học giáo dục từ người mẹ có 3 con trai theo học Stanford”. Đến nay đọc cuốn sách “35 điều phụ huynh không nên làm” mình lại càng yêu mến và biết ơn người mẹ tuyệt vời này hơn. Mình xin phép chia sẻ lại vài điều trong số rất nhiều điều mình học được từ cô ấy và cuốn sách giá trị này nha
1. Tạo ra thật nhiều trải nghiệm giữa cha mẹ và con cái
Kể từ ngày nàng Cốm của mình ra đời, cuối tuần nào em cũng được quây quần bên cha mẹ. Ngày nàng ấy bắt đầu có thể đi chơi, cuối tuần nào vợ chồng mình cũng đưa con đi. Lúc thì đi nhà bóng, lúc thì đi công viên, lúc thì đi đến nhà bạn của bố mẹ. Mỗi lần như thế Cốm nhà mình rất rất thích. Đến nay thói quen này cũng không hề thay đổi.
Chồng mình vì làm bên lực lượng vũ trang nên có những ngày cuối tuần anh bận trực. Tuy nhiên không vì vậy mà việc tạo ra những trải nghiệm cho Cốm bị ảnh hưởng. Mình thường dành trọn vẹn ngày chủ nhật để chơi cùng con, hôm qua hai mẹ con mình đi chơi cả ngày với nhau.
Sáng mình cho con đi thăm quan bể bơi mà sau này mình sẽ cùng với con học bơi, rồi sau đó đi uống cà phê ở toà nhà cao nhất Thanh Hoá. Những lúc ấy mình sẽ dành thời gian để kể cho con nghe những câu chuyện về cuộc sống. Tới những nơi sang trọng này cũng là cơ hội để con được lắng nghe những câu chuyện từ những người xung quanh. Hôm qua khi hai mẹ con đi thang máy, có một cô nói tiếng Anh rất hay. Cô ấy bắt chuyện với hai vị khách đến từ Châu Phi. Hai vị khách này đang làm chuyên gia trong khu kinh tế Nghi Sơn. Cốm nhà mình rất tò mò về cuộc trò chuyện của họ, mình phải nghe thật kĩ để còn kể lại cho con. Mình nói cô ấy bảo cô ấy từng du học tại Nhật Bản và có một số người bạn ở Châu Phi, cô ấy rất yêu mến những người bạn của mình. Dù không nhớ cụ thể những người bạn của mình ở đâu nhưng cô ấy rất có thiện cảm với những con người nơi đó. Bạn nhà mình sau khi nghe mẹ nói xong thì bảo “con cũng rất muốn học giỏi tiếng Anh” để có thể trò chuyện với mọi người. Và khi về nàng ấy lại bảo mẹ dạy thêm cho em đi.
Chưa kể tối qua mình còn tạo ra một trải nghiệm thú vị cho con đó là đi xem phim tại rạp. Hai mẹ con tập thể dục, tắm rửa, ăn tối sớm rồi cùng đi. Phim rất hay nhưng toàn bộ bằng tiếng Anh, mẹ vừa xem vừa nói những từ tiếng Anh để bạn ấy nắm được. Đến mức một đôi bạn trẻ bên cạnh cứ hỏi mình, có phải chị là giáo viên dạy tiếng Anh không ạ? em thấy chị phát âm chuẩn quá, chị nghe cũng giỏi nữa. Bạn ấy lại được truyền cảm hứng thêm một lần nữa về việc cần phải học giỏi tiếng Anh. Tối về học thêm 30 phút rồi mới đi ngủ, còn chủ động nói tiếng Anh với mẹ nữa.
Đi ngủ quay sang ôm mẹ và bảo, hôm nay con vui và hạnh phúc lắm, con yêu mẹ nhất trên đời. Những câu nói đáng yêu của con như là một phần qùa lớn cho bản thân của mình.
Đây là lý do mình không bao giờ giận cộng sự của mình khi các chị xin tạm dừng việc đồng hành với mình. Lý do vì đi làm cả ngày rồi, chị ấy muốn có thời gian buổi tối và cuối tuần cho con. Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, vì theo mình tiền bạc chúng ta có thể kiếm từ từ nhưng thời gian với con là vô giá. Chúng ta không nên đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Việc tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa với con không khó nếu cha mẹ dành tâm trí, thời gian của mình vào. Nhà mình thường tổ chức ra những chuyến đi ngắn ngày, hoặc đơn giản là cả nhà cùng đi dạo ở công viên, đi nhà sách, đi xem phim…tất cả những điều đơn giản ấy lại tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa cho bạn cùng với bé con.
2. Hãy kiên nhẫn với con mọi lúc
Mình rất tâm đắc với điều này và thật may mắn mình đã làm đúng từ đầu. Mỗi lần bé con của mình hỏi bất cứ câu hỏi gì, mình đều dừng lại để lắng nghe con. Nếu biết mình sẽ trả lời con ngay, còn nếu không biết thì mình sẽ bảo hai mẹ con mình cùng tìm đáp án nhé. Nhờ đó mà những băn khoăn, thắc mắc của con nhanh chóng được tìm ra, điều đó sẽ giúp bé con nhà mình yêu thích việc học hỏi hơn.
Mình biết nhiều cha mẹ vì quá bận nên không muốn con hỏi nhiều, tuy nhiên đó lại là một điều đáng tiếc. Khi con đặt ra những câu hỏi, đó cũng là khi con mong muốn tìm hiểu tường tận một điều gì đó, chính lúc ấy là lúc ta có thể chia sẻ với con nhiều thông tin giá trị và hữu ích nhất. Mình và chồng được mở mang rất nhiều nhờ những câu hỏi của con gái, có những câu tối đi ngủ chồng mình còn kể lại cho mình nghe anh ấn tượng như thế nào về cô công chúa nhỏ của chúng ta. Con nói chuyện và đặt câu hỏi rất thông minh, anh không nghĩ cái đầu tí hon ấy lại nghĩ ra được những câu hỏi như thế.
Một điều nữa mình muốn nhấn mạnh với các cha mẹ hãy nói chuyện với con như một người lớn. Đây là bí quyết mình đã chia sẻ rất nhiều lần với các cha mẹ. Tác giả Mỹ Linh của chúng ta cũng áp dụng cách này với các con của chị ấy. Mình trò chuyện với bé con ngày từ khi con còn trong bụng, ngày ấy một số người quen còn tưởng mình bị “tâm thần” vì cứ hay nói cười một mình. Tối sang nói chuyện với mình thì thấy mình lúc nào cũng cười tươi, rạng rỡ…mọi người mới hỏi thật, mình bảo cháu nói chuyện với Cốm ở trong bụng. Mọi người cứ thắc mắc trong bụng thì biết gì đâu mà nói. Mình chia sẻ cho mọi người hiểu, từ đó mọi người quen với việc nghe mình nói chuyện với con, lúc con ra đời thì điều này càng rõ hơn. Mình thay bỉm cho con mình cũng nói chuyện “mẹ thay bỉm cho em nha, bỉm này mẹ mới mua đó, hãng này là hãng tốt nhất của Nhật đó, em mặc xem có thích không nha. Không thích thì bảo mẹ để mẹ đổi nhé, mẹ rất quan tâm đến làn da của em, em biết không, yêu em của mẹ lắm”. Cứ thế làm gì mình cũng nói với con, thói quen này đến nay vẫn không đổi. Vì chứng kiến mình hay nói chuyện với con như người lớn nên chồng mình, bố mẹ mình cũng dần dần làm theo. Làm gì cũng nói và giải thích cho bạn ấy biết, nói như nói với một người trưởng thành. Đến khi bé nhà mình biết nói con phản xạ ngôn ngữ cực kì tốt, con cũng nói chuyện rất thông mình vì con sử dụng đa dạng các từ khi trò chuyện. Mình tin rằng đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, đó là cả một quá trình.
3. Câu chuyện về làm việc nhà và sự gắn kết của gia đình
Mình thì chưa phân việc nhà cho con, mình nói với con làm việc nhà là việc của tất cả mọi người, và thật vui khi đó lại là một chiến lược đúng đắn sau khi mình đọc cuốn sách này.
Mình hay nói với con “Em thấy đấy, bố đi làm về mà thấy nhà bẩn thì bố sẽ đi dọn dẹp nhà cửa. Những lúc mẹ bận thì bố sẽ giúp mẹ phơi đồ, nấu cơm…bố không nề hà bất cứ việc gì, và mẹ cũng thế. Mẹ có thời gian mẹ cũng sẽ làm tươm tất mọi việc để cả nhà có thời gian buổi tối dành cho nhau. Vậy nên con xem con có thể làm được việc gì thì con làm giúp bố mẹ nha.” Nàng nhà mình sẽ liệt kê ra một số nhiệm vụ con có thể làm rất tốt như tưới cây, dọn bàn học, thu quần áo cùng bố mẹ, đem quần áo bẩn ra ban công…Những việc này con làm không phải vì bắt buộc mà là làm vì con muốn đóng góp công sức của bản thân vào công việc chung của cả nhà.
Trong cuốn sách này tác giả Mỹ Linh cũng chia sẻ về câu chuyện làm việc nhà của cả gia đình. Việc làm việc nhà là việc của tất cả các thành viên, ai cũng cần làm, chứ không phải phân việc. Nếu phân việc khi các thành viên khác có việc gấp, người còn lại sẽ nói đó đâu phải là việc của con đâu…khi đó con cái sẽ dễ hiểu lầm việc nhà của mỗi người là khác nhau. Con sẽ không có sự gắn kết với các thành viên khác, không có sự sẻ chia và thấu hiểu các thành viên khác.
Nếu chồng nhận thấy việc nấu ăn là của vợ, vợ có bạn tới thì cứ chờ cho bạn của vợ về mới nấu ăn thì bữa tối của gia đình chắc phải tới khuya mới có. Nhưng nếu chồng có sự thấu hiểu thì anh ấy sẽ lăn vào bếp nấu ăn để vợ có thời gian trò chuyện với bạn của mình. Vợ cũng không thấy áy náy với gia đình, người bạn kia cũng không cảm thấy khó xử khi khiến gia đình bạn có mâu thuẫn…Nhờ đó không khí gia đình lúc nào cũng vui tươi và hạnh phúc. Đây không phải là điều tự nhiên mà có, nó cũng là một quá trình hai vợ chồng cùng vun xới và xây dựng.
Gia đình mình đã có những tình huống như thế, đôi lúc mình đang nấu ăn thì có khách của mình tới nhà. Chồng thấy vợ ra tiếp chuyện thì vào nấu cho vợ, khách rời đi thì cả nhà đã có thể ăn tối đúng giờ rồi còn cho bé con học bài nữa. Có những hôm nàng nhà mình muốn mẹ hướng dẫn học tiếng Anh luôn từ đầu chồng mình còn chủ động bảo mình đi dạy con, anh rửa bát cho. Mình rất biết ơn chồng vì những hành động như thế, đó không phải là câu chuyện công việc nhà nữa mà đó chính là sự thấu hiểu và tình yêu thương. Cũng vì thế mình luôn có một gia đình hạnh phúc và đầy ắp tiếng cười. Đó không chỉ là nền tảng vững vàng cho bé con của mình lớn lên mà hơn thế đó cũng là nơi an bình nhất để vợ chồng mình tìm về sau những xô bồ, mỏi mệt ngoài kia.
Hi vọng cuốn sách này sẽ là món quà tuyệt vời mà bạn dành tặng cho bản thân mình trên hành trình nuôi dạy con cái đầy ý nghĩa.