Khóa học Khóa KID thuyết trình

CON HỌC THUYẾT TRÌNH GIA ĐÌNH… RẠN NỨT

Con mình đang tham gia khóa học thuyết trình kids của cô Lê Nghĩa.

Với tâm thế của một bà mẹ “dày dặn” kinh nghiệm ngụp lặn trong các khóa học của cô Nghĩa, mình đã hồ hởi, hăm hở đăng kí khóa học cho con với mong đợi, con thực sự sẽ “lột xác” và đạt được thành tích nào đó. Nhưng không, đời đúng là không bao giờ như mơ ?

 

1. Tình mẹ con – bố con sứt mẻ
Như tất cả các khóa học khác của cô Nghĩa, 2 tuần đầu nhịp nhàng trôi qua trong yên bình. Về cơ bản, con tự học là chính. Có những ngày mẹ bận rộn bù đầu bù cổ, mang cả việc về nhà, con một mình với cái máy tính, cô Nghĩa, điện thoại quay bài, và khi xong sản phẩm, mẹ chỉ việc up bài, dán link đem nộp cho cô. Mẹ tự an ủi, thôi thì có học có hơn, con đã biết tự hoàn thành nhiệm vụ, ít cần sự hỗ trợ của mẹ, cứ thế này hết khóa thì cũng được.
NHƯNG, đặc sản của cô Nghĩa thì không phải như thế (mình đồ rằng nàng này rất thích kịch tính), nó phải có cao trào và thắt nút mới đủ…ĐÔ!
Người mẹ bắt đầu gào thét trong âm thầm khi con bước vào 2 tuần tăng tốc.
Một cô bé lớp 2 chưa bao giờ viết trọn vẹn được một bài văn.
Phải hoàn thành một bài thuyết trình với mở – thân – kết
Hơn nữa, lại được đồng hành bởi một bà mẹ cầu toàn.
Câu chuyện rạn nứt thực sự đã bắt đầu.
Mình thực sự thấy khó khăn khi hướng dẫn con thực hiện nhiệm vụ, càng khó khăn hơn khi con đã học trại hè và học bơi cả ngày, tối đến là thời điểm con mệt và buồn ngủ.
Con không làm bài được như ý – con buồn.
Mẹ không thấy con được khen – mẹ chán
Bố ngán ngẩm nhìn hai mẹ con oánh vật mỗi ngày.
Nỗi mệt mỏi chưa xong thì lại tới pha con bị bố giận vào đúng ngày làm nhiệm vụ kết nối với bố.
Con tâm huyết viết cho bố lá thư, bố mở ra đọc, thở dài, gấp lại.
Con đưa thư và ôm bố như cô yêu cầu.

Câu nói yêu bố bật ra, bố dửng dưng thở dài không ôm lại.

 

Tới phần mẹ hướng dẫn “Khi đưa thư cho bố, con cảm thấy sao” – “Con thấy bình thường mẹ ạ, bố chẳng nói gì”
Người mẹ muốn hóa hâm trước tình huống, phải hỗ trợ con hoàn thành bài thuyết trình, trong trạng thái “ngay đơ” sặc mùi thuốc súng và bất hợp tác của bố…
Chưa hết, con còn được giao nhiệm vụ kết nối với em, ngay sau khi cô em vô tình chơi chung và làm hỏng đồ chơi của chị!
Những tưởng sắp “Toang” phải xin cô cho dừng khóa học ?

Người mẹ ấy đã từng phải thốt lên rằng “biết vậy chả cho học, cứ như oánh vật”

 

2. Những gắn kết đầu tiên
Sau những ngày “tu” không thành, mình vẫn không ít lần buông tiếng thở dài và kêu chán với con. Mình chợt giật mình khi nhìn lại tiêu đề khóa học: “Con học thuyết trình, gia đình gắn kết”, không thể ngay sau những cảm xúc gắn kết đầy nước mắt cảm động, mẹ con lại căng thẳng làm nhiệm vụ được. Câu nói của chị Nga Giang lại vang vang trong đầu mình “Trong tình huống đó, điều em muốn dạy cho con là gì”
MÌnh muốn con biết cách thuyết trình.
Mình muốn có hoạt động kết nối cùng con.
Mình muốn con sẽ có những chuyển biến tích cực, ở một mặt nào đó, sau khóa học.

Quan trọng hơn cả, mình muốn con hoàn thành khóa học để con học được rằng: Cái gì con đã bắt đầu, con sẽ cần kết thúc nó.

 

Vì vậy, mình thôi cầu toàn.
Mình chấp nhận con nói bằng ngôn ngữ của con, chỉ góp ý, gợi ý, nhưng không áp đặt nếu câu văn con dùng chưa thật hay.
Mình chấp nhận con sẽ có những khoảng ngập ngừng do chưa nhớ hết những điều muốn nói, bởi bố cục một bài thuyết trình vẫn hơi dài với con, thời gian con luyện tập cũng chỉ vỏn vẹn có 20, 30 phút buổi tối trước khi có thể quay bài.
Tâm thế thay đổi, kết quả cũng thay đổi.

Ngày làm nhiệm vụ kết nối với mẹ, để rõ hơn cho con về cảm xúc, mình đã nằm ôm con, nói với con về lần đầu tiên mình nhìn thấy con ra sao, cái cảm giác con đang khóc vang cả phòng sinh, nhưng khi được đăt lên ngực mẹ, con lại nín lặng và ngủ bình yên ra sao. Giây phút đấy, con bỗng bật ra “giống như được về nhà ấy mẹ nhỉ, vì quen quá mà”. Và con chợt nhận ra “con là một phần của mẹ, mẹ nhỉ”, con đã khóc, đã ôm lấy mình khi nói “con thấy con may mắn và hạnh phúc mẹ ạ”.

 

Ngày làm nhiệm vụ kết nối với bố, bố vì giận nên bất hợp tác. Người làm mẹ đang sốt ruột cho xong nhiệm vụ để con đi ngủ lại phải ra tay làm cầu nối. Nhỏ to với ông chồng giờ như thế, anh như thế thì con không xong bài được blabla, cuối cùng, ông chồng cũng chịu dẹp cái tôi đang sôi sục giận dỗi con gái để chìa tay ôm lại con vào lòng. Khi ông bố cởi bỏ áo giáp, nàng con cũng nhanh chóng khiến bố lịm tim. Kết quả, đang giận dỗi lại có 1 màn sướt mướt “bố đã cố gắng cho mình đi thật nhiều nơi, biết thêm thật nhiều điều”
Củ chuối nhất tới hiện tại, có lẽ là màn viết thư cho em, trong khi lòng đang sục sôi giận dữ vì nàng em lỡ làm hỏng món đồ chơi yêu thích của chị. Mẹ lại phải ra tay động viên, con hãy tạm quên việc em làm hỏng đồ chơi của con, hãy nghĩ về chuyến đi Quan Lạn vừa rồi, con đã ôm em, kề má thơm em, bế em ra sao. Nàng bỗng ỏn ẻn cười. Kết quả, một lá thư sướt mướt được đặt vào tay cô em, xấu hổ chui vào phòng chờ mẹ đọc thư cho em xong mới đi ra. Cô em, để tương tác cùng màn “so deep” của chị, cũng ôm chị, thơm chị và đề nghị “Bố ơi, bố mở tiệc trà, ăn kẹo lạc và hát “Tổ ấm gia đình, không gì sánh được, còn trong kí ức…” đi bố.

Thế mới thấy, nếu chẳng học khóa thuyết trình, bố sẽ “được” giận con lâu hơn, chị sẽ được “dỗi” em lâu hơn, nhưng nhiệm vụ phải nộp mỗi ngày, mẹ chẳng thể để các thành viên giận dỗi quá 1h, ảnh hưởng nhiệm vụ cần hoàn thành nên cuối cùng, tất cả đều phải cố gắng mà “gắn kết”. Vừa tốn trà, còn tốn kẹo lạc nữa.

 

3. Kĩ năng “cãi” phát triển vượt trội
Nàng nhà mình vốn là cô bé hay tranh luận, cá tính mạnh, thích thể hiện bản thân. Điều này khiến quá trình đồng hành cũng không ít lần dở khóc, dở cười.
Câu chuyện về lần đầu tiên mẹ sinh bạn ấy ra, cảm động là thế, nhưng với vốn từ non nớt của mình, con đã có những câu vô cùng đáng yêu khi làm bài thuyết trình “mẹ nói với mình rằng mẹ đã rất hạnh phúc khi ĐẺ ĐƯỢC MÌNH RA” – Ôi nghe nó mới buồn cười làm sao, mình bảo con, hay con dùng từ “sinh con” đi, sẽ hay hơn từ đẻ được con. Với cá tính và thích khẳng định mình, con bảo “không, con không thích dùng từ đó, từ đó mẹ nói rồi”, kết quả, nàng đã chuyển hướng “mẹ đã rất hạnh phúc khi nhìn thấy mình chào đời” – ok fine, quá hay!

Cả bài, có rất nhiều sạn, nhưng đã xác định tư tưởng không cầu toàn, vì vậy mình chỉ còn nghe thấy những đoạn con nói bằng ngôn từ của con, và mình thấy hạnh phúc vì con bắt đầu có sự điều chỉnh ngôn ngữ theo cách của con, vô cùng thú vị.

 

Lần làm nhiệm vụ về Mạc Đĩnh Chi, con nhất quyết đi tìm cuốn truyện về Mạc Đĩnh Chi vì cho rằng “bài cô Nghĩa gửi không đúng mẹ ạ, rõ ràng con đọc Mạc Đĩnh Chi vẫn có người nuôi mà, không phải mồ côi đâu mẹ ạ”, mẹ đành cho nàng thêm thời gian đi xác thực thông tin, nàng lúi húi đọc rồi bảo “à, mồ côi thật mẹ ạ, nhưng mồ côi cha thôi”. Cứ phải mất thời gian như thế, thấy tâm phục khẩu phục về thông tin, rồi mới yên tâm làm bài. Trong lúc làm, cũng phải thể hiện cá tính của mình. Dù bài cô Nghĩa đưa không có thông tin chi tiết về bài thơ Mạc Đĩnh Chi làm để đáp lại việc nhà vua chê ông xấu xí đen đúa, nhưng vì thông tin con tâm đắc, nên khi quay bài, nàng đã tự động chèn thêm “Về nhà Mạc Đĩnh Chi đã làm một bài phú có tên “Hoa sen trong giếng ngọc” khiến nhà vua vô cùng thán phục”.

Kế hoạch bàn bạc không có, khi quay bài mẹ mới giật mình thấy nàng bí mật cho thêm vào. Việc đó khiến bài bị quá thời gian quy định, nhưng mẹ cũng thấy ổn, điều gì là sở trường, con muốn thể hiện ra, đều là điều nên được mẹ ghi nhận.

 

Bất ngờ lớn nhất với mình, tới giờ, có lẽ là bài nhiệm vụ về Quý trọng thời gian. Như thói quen, ngay sau khi cùng con bàn luận về nội dung cần làm, mình bảo “nhiệm vụ này quá hay, con có thể sử dụng đồ vật liên quan tới thời gian đấy” – “Đồng hồ hả mẹ”. Nhưng, khác với vẻ hí hửng của mẹ vì cho rằng có đồ vật, hôm nay phần mở đầu sẽ nhanh chóng thôi, nàng lại quyết định “Không, con giỏi đặt câu hỏi hơn, hôm nay con sẽ đặt câu hỏi mẹ ạ” – Người mẹ chỉ biết than thầm kêu giời nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chờ đợi nàng tư duy.
Nếu ngày đầu tiên, câu hỏi nàng đặt thường là “bạn có biết quản lý thời gian không”, “Bạn có yêu mẹ bạn không” – Xổ thẳng vào vấn đề cần bàn luận, sau đó sẽ tịt, không biết làm sao để dẫn vào nhiệm vụ thuyết trình.
Thì, mẹ đã thực sự bị nàng làm cho bất ngờ khi nàng chia sẻ “Con sẽ hỏi là, bạn đã bao giờ đi học muộn chưa, khi đó, bạn cảm thấy thế nào, có phải rất lo lắng và sợ hãi không” – mình thực sự rất sung sướng khi nghe thấy con đưa ra được cách vào đề mà chính mình cũng không nghĩ ra được, bởi quá “già” để tư duy về vấn đề đi học muộn. Nhưng, lại hồi hộp không biết nàng sẽ dẫn vào ra sao khi mấy lần trước cứ đặt xong câu hỏi là TỊT. Mình đang định gợi ý thì nàng xua tay “mẹ đừng nói kẻo con quên mất con định nghĩ gì”. Mẹ lại tiếp tục câm nín thì nàng bảo “Đó là khi bạn đang quản lý thời gian chưa hợp lý đấy. Hôm nay mình đã được đọc một câu truyện về Bác Hồ và cách bác quản lý thời gian vô cùng ý nghĩa,mình sẽ chia sẻ với các bạn nhé”

Một mở bài vô cùng thú vị, được nàng tự biên tự diễn 100%.

 

Thôi, thế là tôi mãn nguyện rồi, học giời học bể gì cũng được, có thể tự nghĩ ra được một mở bài thú vị, biết cách kết nối với chủ đề chính của bài thuyết trình, như vậy là đã có thành quả.
Người mẹ như mình, khi hạ toàn bộ tiêu chuẩn cầu toàn xuống, bỗng thấy thật nhiều niềm vui trong quá trình đồng hành, và quả thật quả ngọt đã tới sau những ngày “vật lộn” cùng nhau.
Khóa học đã tạo ra lý do gắn kết gia đình, đã khiến một người mẹ bận bù đầu bù cổ như mình, mỗi tối đều phải ưu tiên dành cho con 1-2h đồng hành hoàn thành nhiệm vụ.

Qua quá trình ấy, mình thấy khả năng phản biện, chuyển ý, lựa chọn ngôn từ của con có những chuyển biến tích cực và rõ rệt.

 

Mình từng than thở với cô Nghĩa “nhiệm vụ khó quá, con thậm chí chưa bao giờ làm một bài văn đủ Mở – Thân – Kết nên để hiểu cách mở bài, chuyển ý với con cũng khó”, nhưng có lẽ mình đã đánh giá hơi vội, hóa ra con hoàn toàn có thể học được những điều này qua luyện tập, và giờ này, thì mình không còn cảm thấy ân hận vì đã lựa chọn đăng kí khóa học cho con nữa.
Khóa học, sẽ là một thành tựu với mẹ con mình, cho mùa hè 2022 này!

Cảm ơn cô Nghĩa, cô Hồng đã luôn đồng hành để mẹ con Hoài Anh được nhận những trái ngọt không thể lịm tim hơn ❤

 

P/S chiếc ảnh gắn kết gia đình sau nhiệm vụ kết nối với em ngày hôm qua

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *