Từ một thiếu niên bỏ nhà ra đi vào năm 17 tuổi, Benjamin Franklin trở thành một thợ in, một người giao báo, một tác giả, một nhà phát minh, một nhà thương thuyết và một nhà lập quốc. Thành công của ông đến từ đức tính tiết kiệm và cần cù. Nhìn lại cuộc đời của Benjamin Franklin, chúng ta có thể học được rất nhiều kiến thức vô cùng hữu ích.
1. Hiểu rõ giá trị của mọi thứ
Benjamin Franklin được học bài học đầu tiên về tài chính cá nhân khi ông vẫn là một đứa trẻ, bài học này đã ảnh hưởng sâu sắc đến những quyết định tài chính của ông sau này. Năm ông lên 7 tuổi, ông nhìn thấy một cậu bé khác đang thổi kèn. Vì quá yêu thích âm thanh của chiếc kèn đó nên ông đã lấy toàn bộ số tiền mà bản thân có ở trong túi để đem ra thương lượng. Cuối cùng ông đã có chiếc kèn của mình, ông mang về và thổi ầm ĩ khắp nhà. Nhưng niềm vui chẳng tày gang khi anh trai và chị gái ông biết được ông đã dùng toàn bộ số tiền mà ông có để đổi lấy chiếc kèn. Và số tiền ấy cao gấp 4 lần giá trị của chiếc kèn. Khi nhận ra điều này ông đã vô cùng buồn phiền, nhiều hơn niềm vui mà chiếc kèn mang lại.
Sau này bất cứ quyết định nào trong cuộc đời ông đều khắc cốt ghi tâm bài học này. Thậm chí trong một lá thư gửi cho người bạn của mình, ông cũng luôn luôn nhắc đi nhắc lại bài học này
“Ấn tượng về ngày hôm đó theo tôi suốt một đời. Mỗi khi có dự định mua thứ gì không cần thiết tôi liền tự nói với chính mình: Đừng có tiêu quá nhiều vào chiếc kèn. Và tôi tiết kiệm được tiền.
Khi lớn lên và đi khắp nơi, tôi quan sát người khác và tôi đã gặp rất nhiều, rất rất nhiều người tiêu quá nhiều tiền vào chiếc kèn.
Khi tôi thấy một người quá tham vọng đến độ xu nịnh và bợ đỡ kẻ khác để đạt được điều anh ta muốn, hy sinh thời gian, giấc ngủ, sự tự do, đức hạnh thậm chí là bạn bè của anh ta, tôi tự nói với chính mình: Người này đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.
Khi tôi thấy một người muốn đạt được sự công nhận và liên tục lao vào chính trường rối ren, quên đi quy tắc của chính mình rồi tự tay phá hỏng nó, tôi nghĩ anh ta đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.
Nếu tôi biết một người keo kiệt từ bỏ mọi tiện nghi của cuộc sống, không làm điều tốt giúp người khác, không quý trọng đồng bào và không rộng lượng với bạn bè chỉ để tích lũy thêm tài sản tôi sẽ nói: Người đàn ông tội nghiệp, anh đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.
Khi tôi gặp một người đàn ông theo đuổi khoái lạc, không đoái hoài đến tâm trí và tài sản của mình để có được những giá trị vật chất và đánh đổi sức khỏe trong quá trình đó, tôi nói: Người đàn ông lạc lối, anh đang mang đến đau đớn cho bản thân thay vì sung sướng. Anh đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.
Nếu tôi thấy một người bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài, bởi quần áo đẹp, bởi nhà cao cửa rộng, bởi nội thất sang trọng hay kẻ hầu người hạ và coi trọng chúng hơn tài sản của mình để rồi mắc kẹt trong nợ nần và kết thúc trong ngục tù, tôi sẽ nói: Ôi Chúa ơi, người này đã trả một cái giá quá đắt cho chiếc kèn.
Nói tóm lại, tôi học được phần lớn đau khổ của con người là do họ tự mang lại vì đã đánh giá sai giá trị của những thứ xung quanh và họ đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.”
2. Yêu thích lao động và sống tự lập
Ban đầu cha của Franklin muốn ông trở thành một mục sư, nhưng do chi phí học tập khá đắt đỏ nên đã cho ông về học viết và số học, thời gian này cha của ông đang phụ trách công việc kinh doanh nến và nấu xà phòng. Cha ông cũng muốn ông có thể làm những công việc này. Tuy nhiên Franklin lại không thích công việc ấy. Cha ông vì sợ ông sẽ bỏ nhà đi biển như một người anh khác trong nhà đã làm, nên thi thoảng cha dẫn ông ra ngoài đi dạo để gặp những người thợ gỗ, thợ nề, thợ làm đồng thau…khi họ đang làm việc. Cha theo dõi thái độ của ông và cố gắng hướng ông theo một trong những nghề đó.
Chính vì điều này đã thổi bùng lên sự yêu thích lao động và tự lập của ông. Ông đã có thêm một số công việc vặt trong nhà khi thợ sữa chữa không thể đến cũng như chế tạo một ố những máy nhỏ để phục vụ cho các thí nghiệm của bản thân. Mình tin rằng đây chính là tiền đề vững vàng cho những phát minh sau này của ông ấy.
Ông đã chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình rằng trở nên tự lập không chỉ tiết kiệm tiền mà còn là con đường dẫn đến hạnh phúc.
“Hạnh phúc của con người không đến từ những vận may lớn lâu lâu mới xuất hiện mà đến từ những lợi thế nhỏ xuất hiện mỗi ngày. Nếu bạn dạy cho một cậu bé nghèo cách cạo râu và sử dụng dao cạo, hạnh phúc mà bạn mang đến cho cậu ấy còn nhiều hơn việc bạn tặng cậu ấy một nghìn đồng vàng. Số tiền này có thể nhanh chóng bị cậu tiêu hết chỉ còn lại nỗi tiếc nuối vì đã sử dụng chúng một cách ngu ngốc. Còn trong trường hợp kia cậu ấy chẳng những không còn bực dọc khi chờ đến phiên mình ở tiệm cắt tóc mà còn không cần chịu đựng những ngón tay dơ, những hơi thở hôi và những lưỡi dao cùn. Cậu ấy có thể tự cạo theo ý mình và tận hưởng điều đó mỗi ngày với một lưỡi dao tốt.”
3. Yêu thích việc đọc sách
“Từ khi sinh ra tôi đã rất thích đọc sách và tất cả tiền tôi có thường được dùng để mua nhiều sách hơn.
Thư viện giúp tôi học dễ dàng hơn và tôi đọc từ 1-2 tiếng mỗi ngày. Cha tôi muốn tôi học hành tử tế nhưng hoàn cảnh không cho phép và tôi muốn vớt vát lại điều đó. Đọc sách là thú vui duy nhất tôi cho phép bản thân thực hiện. Tôi không phí thời gian vào các quán rượu hay những trò chơi, tôi tập trung vào công việc nhiều nhất tôi có thể.”
Nếu bạn muốn có nhiều thời gian và tiền bạc trong tương lai xa thì trong ngắn hạn bạn cần đầu tư một ít tiền bạc và rất nhiều thời gian vào chính bản thân mình. Thay vì hoang phí những nguồn lực đó vào những niềm vui chóng vánh, hãy đầu tư vào những gì giúp cho sức khỏe, các mối quan hệ, học vấn và sự nghiệp, những thứ sẽ giúp bạn đạt được sự giàu có.
Franklin đầu tư vào bản thân bằng cách đọc không ngừng nghỉ. Tiền tiết kiệm và thời gian rảnh của ông được dùng để nâng cao kiến thức. Bằng cách quản lý tốt nguồn lực của mình vào những điều quan trọng nhất trong cuộc sống, Franklin đã tạo ra một tương lai tốt đẹp cho bản thân. Từ một cậu bé chỉ được học hành chính quy trong vài năm, ông trở thành nhà văn, nhà ngoại giao, nhà khoa học nổi tiếng thế giới.
Mình được truyền cảm hứng rất rất nhiều về việc đọc sách khi đọc cuốn tự truyện của ông. Nếu cha mẹ nào muốn yêu thích việc đọc sách hơn hoặc muốn khơi gợi niềm yêu thích đọc sách từ bé con của mình thì đây chính là cuốn sách các cha mẹ có thể khuyến khích con đọc.
4. Kết bạn với những người có cùng quan điểm sống
Trong cuốn hồi ký của ông dù đi đến đâu ông cũng luôn kết bạn với những người yêu thích việc đọc sách và có cùng quan điểm sống với ông. Mình rất ngưỡng mộ ông ở điểm này, vì là một người vô cùng yêu thích đọc sách nên ông trở thành một người rất uyên bác và được rất nhiều người tìm đến để xin kết bạn. Thậm chí là những người có chức sắc và giàu có trong xã hội lúc bấy giờ.
Vì yêu thích đọc sách nên ông ta đã tập hợp được rất nhiều những người bạn yêu thích việc đọc sách và yêu thích học hỏi. Việc thành lập nên một thư viện cũng xuất phát từ niềm yêu thích đọc sách này của ông cùng với những người bạn của mình. Bạn thấy đấy, sau này mô hình thư viện đã trở thành một công việc kinh doanh của ông sau này. Đến nay chúng ta cũng được hưởng lợi rất rất nhiều từ các thư viện sách ở nơi mà chúng ta sinh sống.
5. Đừng bao giờ đánh mất chính mình
Dù là một người vô cùng tham vọng, nhưng ông không bao giờ vứt bỏ lòng tự trọng của bản thân để đạt được mục đích. Ông luôn đặt nguyên tắc cá nhân lên trên lợi ích vật chất để tránh bản thân mình trở thành nô lệ của lối sống phù phiếm, xa hoa.
Điều này được thể hiện rõ khi một người đàn ông muốn trả tiền để được xuất hiện trên tờ báo do Franklin sở hữu, tờ Pennsylvania Gazette:
“Tôi đã xem kỹ tác phẩm của ông và cảm thấy nó rất thô bỉ và lỗ mãng. Để suy xét xem có nên xuất bản nó hay không tôi đã đi về nhà và ăn bữa tối gồm nước và ổ bánh mì 2 xu mua tại tiệm bánh. Sau đó tôi dùng áo khoác bọc lấy bản thân rồi ngủ trên sàn tới sáng rồi dùng bữa sáng, cũng là một ổ bánh mì và một ly nước. Tôi không thấy vấn đề gì với việc ăn uống như thế này. Tôi nhận ra tôi có thể sống như vậy nên chẳng có lý do gì để tôi bán tờ báo của mình hay lạm dụng nó để đổi lấy sự thoải mái về vật chất.”
Ông cũng là một người ăn chay, ăn những thức ăn thiên về thực vật đã giúp ông có một đầu óc minh mẫn, sáng suốt. Mình nhớ đến có một chi tiết về việc ăn cá, ông đã phải suy nghĩ rất nhiều rồi mới ăn. Nhất là khi thấy trong bụng con cá to có rất nhiều con cá con, ông mới nói cá cũng ăn thịt nhau thì mình ăn thịt cá chắc cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên mình nhận thấy ông vẫn thiên nhiều hơn vào việc ăn những món có nguồn gốc từ thực vật trong suốt cuộc đời.
6. Siêng năng cần cù chính là chìa khóa để đạt được sự giàu có
“Tôi luôn chuyên tâm & chăm chỉ đối với bất cứ việc gì tôi làm, không suy nghĩ vẩn vơ khỏi việc đang làm hay nghĩ về những cách kiếm tiền nhanh chóng. Siêng năng và kiên nhẫn là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công.”
Franklin không phải là người thành tỷ phú chỉ sau một đêm. Từ khi bỏ nhà ra đi ông tốn cả thập kỷ để học việc ở các nhà in ở Stateside và London, sau đó mở cửa hiệu cho riêng mình và kiếm được lợi nhuận. Trong khoảng thời gian này ông sống một cuộc sống khắc khổ và siêng năng hơn bất kỳ đối thủ nào.
Vì thế ông giúp mọi người nhận ra tham vọng của mình giống như ông đã nhận ra tầm quan trọng của tính kiên nhẫn và sự nỗ lực bền bỉ trong cuộc sống. Ông không từ bỏ sự thiện lương để đi đường tắt vốn là chuyện được khuyến khích trong thời đại của ông.
Khi đọc cuốn tự truyện về cuộc đời ông bạn sẽ thấy ông vô cùng chăm chỉ làm việc, chưa bao giờ ngơi nghỉ dù bất cứ thời gian nào. Đọc sách là thú vui duy nhất mà ông cho phép bản thân mình thực hiện. Thời gian còn lại ông luôn đầu tư vào công việc để tạo nên những thành tựu lớn lao.
7. Không ngừng hoàn thiện phẩm hạnh
Mình từng chia sẻ với bạn về 13 đức hạnh mà bản thân ông liên tục thực hành để hoàn thiện mình rồi đúng không? Mình được truyền cảm hứng rất nhiều từ ông nên cũng đã làm một cuốn sổ để rèn luyện 13 đức tính này. Mình tin rằng đó là cách tốt nhất để hoàn thiện bản thân và sống một cuộc đời có lý tưởng.
Ông đã rèn luyện mỗi tuần một đức tính, hết 13 đức tính là hết 13 tuần, một năm có 4 lần như thế. Khi rèn luyện một cách có chủ đích như thế này bạn sẽ thấy bản thân mình được hoàn thiện theo năm tháng. Sau một năm bạn có thể chỉ cần rèn luyện thêm 1 – 2 đợt nữa, dần dần 13 đức tính ấy đã trở thành một phần trong con người bạn, thì bạn không cần phải làm nữa. Mình sẽ chia sẻ với bạn những kết quả mà mình đạt được sau khi thực hành 13 đức tính này vào năm sau nhé.
8. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích sống
“Sự thương cảm mà ông dành cho điểm yếu của loài người – tham vọng theo đuổi vật chất không ngừng – được miêu tả theo cách làm tôi thích thú. Chúng rất thú vị, hay ít nhất rất tương đồng với suy nghĩ của tôi. Người ta nói rằng cư dân ở London muốn kiểm đủ tiền để có một cái chết xứng đáng. Tôi nghĩ suy nghĩ đó thật ngớ ngẩn, giống như gọi một người đàn ông tiêu tiền vào 1000 món đồ không cần thiết và rồi mất sạch số ấy và bị cầm tù bởi các chủ nợ là “nghèo cho đáng”. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta có so với những gì chúng ta có thể dùng có thể không thật sự là của ta dù ta sở hữu chúng. Khi một người đàn ông giàu có chết đi thứ anh ta để lại cũng chẳng đáng giá hơn thứ một con nợ phải trả.”
Đối với Franklin việc theo đuổi tiền tài chỉ là phương tiện để đạt được mục đích. Mục đích của ông là “thoải mái đọc sách, học hỏi, làm thí nghiệm, chuyện trò với những người tài hoa và đáng kính – những người thật hân hạnh cho tôi vì quen biết họ – và cùng tạo ra một thứ gì đó có ích cho nhân loại, không bị ràng buộc bởi âu lo của nghề buôn.” Việc Franklin nghỉ hưu sớm thực chất đã đem lại nhiều ích lợi cho loài người, bao gồm sự ra đời của nhiều phát minh (ông không lấy bằng sáng chế – đối với ông giúp đỡ người khác là đủ) và sự hình thành nên một quốc gia.
Với Benjamin Franklin việc tích lũy tiền và bồi dưỡng đức tính tốt không phải để sống một cuộc đời xa hoa (dù ông cũng tận hưởng lối sống ấy) hay để tỏ ra kiểu cách mà là để bản thân trở thành một người có phẩm giá, có kiến thức, có thời gian để trở làm một công dân mẫu mực, giúp đỡ người khác và đất nước của họ. Franklin cũng tin đây là cách tốt nhất để phục vụ Chúa Trời.
Đây cũng là điều mà mình vô cùng tâm đắc và luôn lấy nó làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Mình rất thích câu nói mà ông đã chia sẻ với mẹ của ông đó là khi ông chết đi ông hy vọng người ta sẽ nói rằng ông “đã sống có ích” hơn là “chết trong giàu có”. Vì cái ông để lại cho cuộc đời này không phải là số tiền mà ông đã kiếm ra mà đó chính là những thành tựu giá trị mà ông để lại cho nhân thế, nó bao gồm những phát minh vĩ đại và chính cả con người ông nữa.
p.s Hi vọng những bài học này hữu ích với bạn, đây là bài mình đã biên soạn lại một chút khi đọc được từ một bài viết bằng tiếng Anh, bạn có thể đọc bản gốc ở phía dưới nhé.