Cùng con Trí tuệ

ĐỂ SÁCH TRỞ THÀNH CÔNG CỤ PHÁT TRIỂN TƯ DUY, NGÔN NGỮ CỦA CON, CHA MẸ CẦN LÀM GÌ?

Tối qua trong giờ đọc sách cùng các bạn nhỏ, mình và các con cùng đọc hai câu chuyện rất hay. Một câu chuyện về “một cậu bé đã từng hư hỏng” và câu chuyện về “lời tuyên dương đặc biệt”. Hai câu chuyện này đều nói tới những học sinh cá biệt, học chưa tốt ở trong lớp. Nhưng chính vì sự khích lệ, động viên của người lớn đã giúp hai cậu bé bước ra khỏi sự tự ti bên trong của bản thân, để từ đó dám nỗ lực để chinh phục những mong muốn của bản thân.

Ở câu chuyện đầu tiên cậu bé bé rất buồn khi xung quanh không ai hiểu mình, thậm chí các bạn còn xem thường cậu. Cậu đã viết một lá thư cho tổng thống, và nhận được sự hồi âm của ông. Trong đó tổng thống nói rằng ông đã đọc thư của cậu, ngoài ra ông con gửi cho cậu tấm ảnh cùng một lời động viên, ông mong cậu hãy nỗ lực học tập để có thể cống hiến tài năng của mình cho quê hương, đất nước mai này. Chính lời động viên đó đã giúp cậu bước ra khỏi sự tự ti ngày nào và nỗ lực nhiều hơn trong việc học tập. Từ đó kết quả học tập của cậu đã tiến bộ trông thấy.

Ở câu chuyện số hai thì đó là sự giúp đỡ, đồng hành của cô giáo chủ nhiệm. Một cậu học sinh đứng thứ 30 trên tổng số 30 học sinh trong lớp. Cậu rất xấu hổ và buồn bã khi bản thân của mình đứng hạng cuối cùng trong lớp học. Khi cô nói cậu hãy chia sẻ về sự thay đổi của bản thân trong năm học vừa qua thì cậu bé liền cúi gằm mặt xuống và không dám nói gì. Trong khi một số bạn thì cười cợt cậu bé thì cô giáo đã thay mặt bạn cậu bé để chia sẻ lại những thành quả mà cậu đạt được trong năm học vừa qua. Dù số thứ tự trong lớp không thay đổi, nhưng cậu đã đạt được số điểm cao hơn kỳ trước. Đó là một sự nỗ lực và xứng đáng được tuyên dương. Kể từ đó cậu bé trở nên cởi mở, tự tin hơn. Cậu không còn nhút nhát, rụt rè. Cậu bé thường xuyên chủ động chào hỏi thầy cô, giao tiếp với bạn bè và nỗ lực học tập vươn lên. Thành tích của cậu đã được cải thiện rõ rệt sau đó. Có một bí mật mà cậu bé không biết đó chính là cô giáo đã sửa điểm của cậu bé. Cô muốn giúp cậu bé có thể tự tin hơn vào bản thân mình vì cô tin rằng cậu bé sẽ làm được và sẽ đạt được những kết quả như cậu mong muốn.

Chúng ta thấy hai câu chuyện phía trên thế nào? Thực sự nó rất hay và chạm đến các bạn nhỏ phải không? Nhưng nếu cha mẹ không biết khai thác câu chuyện ấy để nhận ra thông điệp phía sau thì quả thực rất đáng tiếc. Mình xin chia sẻ với các cha mẹ một số cách mình đã áp dụng rất thành công cho bản thân mình, cho các bạn nhỏ mình đồng hành và cho con gái mình trong quá trình đọc sách nhé.

1. Sau khi đọc xong câu chuyện hãy đặt ra câu hỏi cho con?
Nếu bé còn nhỏ hoặc chưa được mẹ đọc sách bao giờ mình khuyến khích cha mẹ sử dụng cách này, đặt ra cho con những câu hỏi theo thứ tự của câu chuyện để một lần nữa con nhớ lại nội dung câu chuyện ấy. Mình ví dụ ở câu chuyện trên mình hỏi các con:

  • Cậu bé ở trường có học lực như thế nào?
  • Tại sao cậu bé lại bị các bạn xa lánh, khinh thường?
  • Cậu bé cảm thấy như thế nào khi bị bạn bè và thầy cô không yêu mến?
  • Cậu ấy đã làm gì sau đó?
  • Tổng thống có nhận được lá thư của cậu bé không?
  • Ông đã gửi cho cậu bé những gì?
  • Sau khi nhận được thư của tổng thống cậu bé cảm thấy thế nào?
  • Cậu bé đã có những sự thay đổi ra sao?

    Đây là những câu hỏi mình thường tự đặt ra sau khi các con đã đọc xong câu chuyện, với bạn Cốm nhà mình mình cũng thường xuyên sử dụng cách này. Đó là lý do vì sao cô giáo của Cốm rất hay khen con nhanh ý, hiểu bài rất nhanh. Sau khi cô đặt câu hỏi, suy nghĩ có một chút là con có thể đưa ra được câu trả lời chính xác. Lý do không phải do Cốm giỏi đâu mà là do con được mẹ làm điều này thường xuyên, vậy nên nó tạo thành liên kết trong não bộ của con rồi.

2. Cho con tóm tắt lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của con và cách con hiểu.
Đây là điều ban đầu hơi khó với con chút xíu, nhưng làm dần thì sẽ thành quen. Đọc hai câu chuyện ở phía trên bạn sẽ thấy mình hoàn toàn tóm tắt lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của chính mình. Mình tập trung đào sâu vào những chi tiết quan trọng trong câu chuyện.
Cha mẹ hãy thử làm cách này và khuyến khích con được kể lại câu chuyện ấy bằng cách hiểu của bản thân. Chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng kỹ năng của con sẽ vượt trội theo thời gian.

  • Ban đầu con kể sẽ chưa đầy đủ nhưng cha mẹ nên khích lệ và chúc mừng con
  • Thứ hai cha mẹ có thể hướng dẫn con viết ra những ý con nhớ trên một tờ giấy, sau đó dựa vào sườn đó rồi biến nó thành một câu chuyện. Cách này lợi cả đôi đường, giúp con viết ra nhớ lâu hơn lại có thể làm chủ được kỹ năng thuyết trình nữa.
  • Sau khi con tóm tắt xong, hãy khuyến khích con luyện tập nó, kể cho bố nghe hoặc em nghe. Mỗi lần con kể xong cả nhà hãy khích lệ con bằng việc ghi nhận con đã làm tốt phần nào…thậm chí có thể viết tặng con một câu như “chàng trai của bố hôm nay kể chuyện thú vị lắm” hoặc “em rất thích nghe anh kể chuyện, cảm ơn anh, em chờ câu chuyện ngày mai của anh”. Nếu nhà bạn có hai bé hãy khuyến khích các con hỗ trợ, khích lệ nhau như cách phía trên. Thậm chí cuối tuần làm gameshow cả gia đình thi nhau kể chuyện, tóm tắt lại câu chuyện đó xem ai nói hay hơn.

3. Cùng thảo luận với con về bài học rút ra và liên hệ bản thân
Phần này rất quan trọng, nếu bạn bỏ qua thì qủa thật rất đáng tiếc. Bé con của bạn sẽ không nhớ gì nếu con không được đào sâu, suy ngẫm về câu chuyện đó. Hôm qua các bạn nhỏ không những hiểu được tầm quan trọng của sự động viên, khích lệ thông qua hai câu chuyện phía trên mà các con còn nhận diện được bài học đó chính là không nên chê bai, xem thường người khác. Thay vào đó hãy khích lệ, động viên và giúp đỡ bạn, những bạn gặp khó khăn trong học tập cũng rất cần sự cổ vũ, song hành của các con. Sự cổ vũ, động viên bao giờ cũng đem lại kết quả tốt hơn so với sự chê bai hay chỉ trích.

Song song với điều đó mình cũng muốn nhắn nhủ với các con rằng không gì là không thể. Kể cả những bạn học kém nhất lớp, chỉ cần cố gắng, nỗ lực các bạn ấy đều có thể đạt được kết quả mà bản thân mong muốn. Cuối buổi mình phỏng vấn tất cả các bạn nhỏ tham gia buổi học xem sở trường của các con là gì? Các con học giỏi môn nào nhất hoặc làm việc gì giỏi nhất? Đây chính là yếu tố quan trọng để giúp các con thấu hiểu bản thân và là nền tảng quan trọng để mai này các con lựa chọn công việc, nghề nghiệp cho phù hợp.

Nếu cha mẹ làm theo cách này dù chỉ có 30 phút đọc sách ngắn ngủi cùng con nhưng sẽ giúp con bạn học được vô số điều giá trị mà bạn không cần phải gửi con đến trung tâm nào. Hơn thế nữa sự gắn kết của con và bạn sẽ trở nên khăng khít, bền chặt hơn bao giờ hết. Đó chẳng phải là điều mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng mong muốn hay sao.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *