Kỹ năng Rèn luyện

ĐỂ GIAO TIẾP THÀNH CÔNG TA CẦN HỌC CÁCH KẾT NỐI

Gần đây có một chị chia sẻ với mình là chị không thể nào giao tiếp tốt với mọi người. Chị bị sếp coi thường, bị mẹ chồng chỉ trích, con thì không chịu nghe lời, còn chồng thì thường xuyên hằn học với chị. Sau khi lắng nghe các tình huống mà chị gặp phải thì mình nhận ra mấu chốt vấn đề của chị nằm ở kỹ năng giao tiếp, mà cái lõi ở đây là thiếu mất KỸ NĂNG KẾT NỐI. Bài hôm nay mình sẽ đào sâu về kỹ năng này để chúng ta cùng nắm được nhé.

1. Kết nối bằng cảm xúc
Hôm qua bé con của mình không được khoẻ nên ở nhà cùng với mẹ, ban ngày hai mẹ con đã hoàn thành xong những việc buổi tối cần làm nên tối mình cùng con đi cà phê. Quán mình chọn rất đẹp, lại có cả đàn piano nữa nên bạn nhà mình rất thích. Hai mẹ con vào phòng ngồi thì chỉ có duy nhất một cặp đôi đang uống nước ở đấy. Bạn nhà mình thì mê đàn lắm, cứ ngồi đàn dù chưa thực sự biết đánh thành bài. Cô chú kia có lẽ bị thu hút bởi sự đáng yêu và năng lượng của con nên chốc chốc lại nhìn con rồi cười. Lát sau bạn ấy chạy lại bảo mẹ “mẹ ơi cô chú cứ nhìn con rồi cười, còn gọi con lại nói chuyện nữa, mẹ sang nói chuyện với con đi”. Mình bảo “thế con sang đi, con sang giới thiệu bản thân rồi hỏi tên của cô chú.” Và bạn nhà mình sang thật, con trò chuyện xong lại về kể cho mẹ nghe. Cô tên là Thanh Hằng, chú tên là Tiến (lúc đầu nàng ấy nghe nhầm thành tiên nên về bảo mẹ tên chú như nàng tiên ấy mẹ ạ, chú tên là Tiên). Lát sau con giới thiệu con đang học ở đâu rồi bố mẹ con tên gì, làm gì, cô chú cũng lần lượt giới thiệu cho con nghe. Sau khi bé con trò chuyện xong thì mình sang để nói chuyện lại với cặp đôi ấy. Nói chuyện một lát thì mới biết chú ấy làm cùng cơ quan với chị hàng xóm nhà mình, và sự kết nối ấy đã mở màn cho một mối quan hệ đáng yêu sau này nhờ cô công chúa nhỏ nhà mình.

Bạn có thể thấy, sự kết nối mà cô chú ấy mang tới cho bạn Cốm nhà mình chính là sự kết nối về mặt cảm xúc. Thấy bé đáng yêu nên vẫy tay chào, cười, rồi muốn được trò chuyện cùng con. Bạn nhà mình sau khi biết cô chú ấy muốn làm quen với con nên ra hỏi ý kiến mẹ xem có nên đáp lại sự kết nối kia không. Sau khi được mẹ đồng ý và khuyến khích thì con sang trò chuyện và đáp lại sự kết nối của cô chú. Mình còn xin chụp kiểu ảnh để lưu lại sự kết nối đặc biệt này.

Bạn có thể thấy sự kết nối về mặt cảm xúc RẤT QUAN TRỌNG. Nhất là đối với trẻ con. Vậy nên khi bạn muốn trỏ chuyện với con, bạn của con hay bất cứ em bé nào, hãy kết nối về mặt cảm xúc với các bạn ấy trước. Đó có thể là một lời chào, một cái vẫy tay, một nụ cười…có những em bé sẽ quay trở lại mỉm cười, chào lại với bạn; có những em bé sẽ bẽn lẽn quay đi nhưng con rất vui vì được bạn quan tâm, chú ý; Lần tới nếu bạn tiếp tục chào con, dùng sự chân thành, ấm áp của mình để kết nối với con thì chắc chắn con sẽ mở lời và trò chuyện với bạn.

Quay trở lại tình huống chị học viên của mình, bé con không nghe lời mẹ là vì mẹ thường bỏ qua cảm xúc của con. Mỗi khi con làm sai việc gì chị nhanh chóng muốn giúp con nhận ra những sai lầm để sửa chữa chúng. Nhưng dường như con không mấy để tâm, dẫn đến lỗi sai ấy cứ liên tục lặp lại, dù chị đã nói rất nhiều lần. Rồi chị cảm thấy bất lực vì đến con của mình sinh ra mà nói nó còn chẳng nghe thì ai nghe.

Mình hỏi chị ngày xưa có bao giờ chị làm sai việc gì đó, mẹ ngồi phân tích các kiểu rồi nhưng cuối cùng chị vẫn không nghe không? Mình bảo chị, cứ chia sẻ với em, đừng sợ em phán xét….chị bảo có, không những một mà còn rất nhiều lần nữa…Mình hỏi chị vì sao chị lại không nghe mẹ? Có phải là do mẹ nói sai không? Chị bảo không. Mẹ chị nói đúng nhưng cách mẹ chị nói làm chị không thể nghe được, mẹ cứ nói như tát nước vào mặt chị, có khi mẹ chị nói cho cả làng nghe về sự sai lầm của chị. Những lần ấy chị chỉ cảm thấy giận mẹ, chị không muốn nói chuyện với mẹ nữa em ạ…

Mình bảo chị, mấu chốt nó nằm ở đó. Khi chúng ta đang bị cảm xúc chi phối thì ta khó mà nghe được điều gì khác, hơn nữa ở đây đó lại là những cảm xúc tiêu cực. Não bộ đang bị bao trùm lên bởi sự tức giận, sự khó chịu thì đâu còn chỗ để lắng nghe những điều phải trái, đúng sai nữa. Và bé con của chúng ta cũng thế, con còn nhỏ, não bộ của con còn chưa phát triển toàn diện, tầng não dưới của con đang chiếm ưu thế những lúc con tức giận, con mệt mỏi. Mình phải giúp con nhận diện được những cảm xúc ấy để đồng điệu với con trước đã, rồi sau đó mới phân tích đúng sai cho con. Khi ấy con sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn. Chị hãy cứ đặt mình vào vị trí của con, người mà con gần gũi nhất, con yêu thương nhất nhưng lại hay mắng mỏ, quát nạt con nhất thì làm sao con có thể an tâm chia sẻ, trò chuyện với chị được. Lời khuyên của em để giúp con hiểu chuyện hơn đó chính là KẾT NỐI với con trước, sau đó rồi mới chia sẻ với con về việc con làm, điều gì được, chưa được, điều gì nên, chưa nên. Cần rút ra bài học gì để tránh lần sau. Khi ấy chắc chắn con sẽ lắng nghe mẹ, biết ơn mẹ và luôn an tâm khi được ở cạnh mẹ chị ạ. Và cũng luôn ghim vào lòng cho em là đừng bao giờ làm con mất mặt trước người khác, nếu có góp ý với con thì nên là một mẹ một con mà thôi, kể cả có bố ở đấy cũng không nên. Tạo một không gian riêng cho con những lúc như thế là vô cùng quan trọng và cần thiết.

2. Kết nối bằng sự công nhận
Phía trên mình đã chia sẻ với bạn cách để bạn có thể kết nối về mặt cảm xúc với con. Còn ở đây mình sẽ chia sẻ với bạn cách để bạn có thể kết nối với người lớn đó chính là KẾT NỐI BẰNG SỰ CÔNG NHẬN. Đây cũng là mấu chốt để chị ấy có thể có được những mối quan hệ tốt đẹp với những người còn lại như chồng, mẹ chồng, đồng nghiệp và những người xung quanh.

Chúng ta sinh ra ai cũng muốn được công nhận về giá trị bản thân của mình. Nhưng nhiều người lại chỉ nhớ đến điều này khi gặp được những người giỏi, người nổi tiếng mà thôi. Đó quả thực là một điều thiếu xót. Bản thân mình, mình luôn dành sự công nhận cho bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào dù là người lái xe taxi, cô lao công, chú bảo vệ, chú xe ôm cho đến chú bộ đội, anh công an, hay luật sư, bác sĩ.

Sự công nhận mà mình nói ở đây đó không phải là lời phỉnh nịnh, chót lưỡi đầu môi mà đó là sự công nhận giá trị, năng lực của người khác. Đó là lý do vì sao mình luôn thiết lập được những đối tác xuất sắc, luôn làm việc hết sự tận tâm và chu đáo cho mình. Bí quyết đều nằm ở sự công nhận bạn ạ. Mình ví dụ mình có hai người mà mình thường xuyên phải làm việc, đó chính là bên chuyển phát nhanh và bên in ấn.

Bên chuyển phát nhanh mình làm việc với bạn Linh, bằng tuổi của mình, là nam giới. Bạn ấy rất nhiệt tình, và luôn hết lòng hỗ trợ cho mình. Trước đấy mình từng phải chạy ra bưu điện để đóng hàng, vừa lâu, vừa mệt lại không nhận được sự tiếp đãi chu đáo. Nhưng khi làm việc với bạn ấy mình đã nói rằng “tớ cảm thấy thực sự rất may mắn khi được làm việc với cậu và công ty của cậu, học viên của tớ hay bảo rằng cô Nghĩa có người nhà làm bên chuyển phát nhanh à, sao mà vừa hôm qua cô nói thì hôm hay bọn chị đã nhận được rồi. Tớ cảm ơn cậu nhiều lắm, nhờ có cậu mà những trải nghiệm tớ mang tới cho học viên ngày càng xuất sắc hơn”. Khi nghe mình nói vậy cậu ấy đã mỉm cười và nói “ôi, có gì đâu, đó là công việc của bên tớ mà, cậu cần gì cứ gọi tớ, tớ có mặt ngay nhé”. Và những gì bạn ấy nói luôn song hành với những việc bạn ấy làm, cậu ấy luôn có mặt mỗi khi mình cần, dù đôi khi chỉ là một hai đơn nhưng cậu đều rất vui vẻ đến và nhiệt tình hỗ trợ cho mình.

Bên in ấn người đồng hành với mình chính là chị Yến, một người mình quen từ ngày làm bên viễn thông. Chị không những in cho mình mà còn thấu hiểu những gì mình làm bởi vì mỗi lần định in ấn gì mình thường sẽ chia sẻ với chị vì sao mình lại in thứ này, nó quan trọng với mình ra sao. Khi in xong chị chu đáo đến mức là cho anh xã cầm qua nhà mình cho mình nữa (may mắn của mình là nhà bố mẹ chị lại ở cùng chung cư của mình). Chị bảo anh nhà chị cầm qua rồi, em xem được chưa, nếu ok rồi chị in nhiều cho em nha. Còn chưa được ở đâu thì bảo chị để chị chỉnh nhé. Và bạn biết không, những lần mà chị thử in cho mình như thế chị chẳng lấy phí, chị bảo ôi làm với em chị thích lắm, học được nhiều, chị tặng cho em bản đó để em dùng cho đỡ phí (sổ quản lý thời gian vì vậy mà mình có tận 6, 7 cuốn). Chị em mình còn thường xuyên có món gì ngon là tặng làm quà cho nhau nữa cơ. Thứ mình mà mình có được đâu chỉ là cuộc giao dịch, là đối tác mà đó chính là những người cộng sự và song hành.

Bạn thấy đấy, nếu mình xem họ là những người làm cho mình, đúng theo quan hệ bên cung cấp dịch vụ, bên trả tiền thì đã chẳng có những sự tận tuỵ, hết lòng kia. Mình xem họ là một phần rất quan trọng trong công việc và cuộc sống của mình nên họ cũng vậy. Họ cũng dành cả TẤM LÒNG để giúp sức và đồng hành cùng với mình.

Bạn sẽ nói với mình là nhưng hai đối tác mà mình có họ đều là người rất chuyên nghiệp, rất giỏi rồi…Câu trả lời là không hẳn bạn ạ, họ như thế nào phần lớn lại do cách đối xử, tiếp cận của chúng ta. Bạn không những giúp sức, công nhận mà còn cần truyền cảm hứng cho họ về công việc họ đang làm nữa. Công việc ấy chính là niềm tự hào của họ, hãy luôn nhớ kỹ chi tiết này bạn nhé. Nếu còn chưa biết cách làm thế nào để có thể công nhận giá trị của người khác và truyền được cảm hứng cho họ thì mình khuyến khích bạn đọc cuốn sách “nhà lãnh đạo không chức danh”.

Giống như lời chia sẻ mà mình dành cho chị học viên của mình là mỗi lần mẹ chồng chị nói “sao giờ đi làm mới về, lại đi chơi à, tao ở nhà làm không hết việc, mày cứ tìm cớ đi làm rồi lại lấy cơ đi đàn đúm tận chiều muộn mới về ” thì chị đừng vỗi cãi nhau với mẹ hoặc phân trần đúng sai. Hãy chuyển hướng, công nhận về giá trị, sự cống hiến của mẹ xong đã rồi chị hãy chia sẻ với mẹ sau về công việc của mình.

Mình ví dụ:
“Con biết mẹ ở nhà làm nhiều việc lắm, ngày con ở cữ, ở nhà con mới hiểu hết được những vất vả của mẹ. Mẹ chịu khó thời gian nữa giúp hai vợ chồng con, kinh tế ổn hơn, cháu đi học rồi con sẽ đăng ký cho mẹ lớp yoga buổi tối, con đèo mẹ đi mẹ nhé. Mẹ thông cảm cho con, mấy hôm nay công ty con nhiều việc quá nên con về muộn chứ không phải con đi đâu đâu mẹ ạ. Con làm chậm, nhiều khi còn bị chị sếp mắng mà vì miếng cơm manh áo của cả nhà con cứ phải cố. Con cũng muốn kiếm việc khác lắm nhưng hiện tại kỹ năng con chưa có nên phải chấp nhận làm ở đây. Thôi mẹ mệt rồi, mẹ vào chơi với cháu đi, để việc còn lại con làm cho mẹ nhé”.

Và để có thể nói ra những câu này bạn phải học được cách GHI NHẬN NHỮNG GIÁ TRỊ của người khác, bao gồm cả chồng, cả mẹ chồng, cả đồng nghiệp và những người xung quanh bạn. Bạn có thương mẹ chồng bạn thật không? Thương mẹ vì tầm tuổi này mà mẹ vẫn phải tần tảo sớm hôm, nhà cửa, vườn tược….đến giờ còn chưa được nghỉ ngơi…xuất phát từ tình thương yêu bạn sẽ ghi nhận rất dễ những giá trị, cống hiến của người khác. Nó cần xuất phát từ sự chân thành thì bạn mới có thể chạm được đến họ, còn nếu đó là sự giả trân rất nhanh thôi nó sẽ tan thành mây khói.

CHỐT LẠI LÀ nếu muốn biểu đạt, giao tiếp với ai đó, bạn hãy KẾT NỐI với họ trước rồi mới đi sâu vào nội dung mà bạn muốn truyền đạt. Khi ấy họ sẽ dễ dàng tiếp nhận và thấu hiểu bạn hơn.

Lê Nghĩa, ngày 30.08.2022

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *