Bản thân Thấu hiểu

XỬ LÝ CẢM XÚC ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN

Làm thế nào để xử lý cảm xúc của đứa trẻ bên trong bạn? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài chia sẻ này của mình nhé.

Sáng nay có chị học viên của mình hỏi mình rằng chị không biết làm thế nào với những người liên tục muốn tấn công, chỉ trích chị. Chị rất khó để giữ bình tĩnh trước những lời khó nghe. Thường chị sẽ phản ứng lại với họ và cuối cùng là mối quan hệ đó sẽ chẳng đi đến đâu và chính chị cũng bị tổn thương, cảm xúc đó cứ theo chị cả ngày mà chị không thể nào cho nó ra ngoài được.

  1. Xử lý cảm xúc bên trong bạn

Mình xin chia sẻ về quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này, miễn bàn đúng sai nha cả nhà, vì cái này mình sẽ đứng về góc độ xử lý luôn cảm xúc của mình về tình huống này mà thôi.

Thứ nhất hãy xem người đang chỉ trích ta là ai?
Người đó có quan trọng với ta hay không? Nếu đó là mối quan hệ bạn bè, người thân, người mà ta đang rất yêu mến và kính trọng hãy chia sẻ cảm nhận của mình khi nghe họ nói như vậy. Đôi khi họ chỉ trích chỉ vì họ làm theo thói quen hoặc họ bị giáo dục nếp xưa như thế chứ bản chất họ không hề muốn gây tổn thương cho chúng ta. Mình đã từng gặp tình huống này với bé con nhà mình, khi hai mẹ con cùng đi mua đồ với những người hàng xóm tốt bụng. Khi bé nhà mình mặc đồ, mọi người bảo bé nhà mình lớn, mập (trộm vía con) to như người này, người kia…cảm giác của mình lúc đó rất khó chịu. Và mình đã nói luôn “cho cháu hỏi tại sao người lớn chúng ta lại cho mình cái quyền bình luận về cơ thể của người khác, nhất là một đứa trẻ? Trẻ con rất dễ bị tổn thương vì những lời bình luận như thế này, vậy nên cháu rất mong đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mọi người bình luận về bé nhà cháu. Bất cứ đứa trẻ nào cũng cần được tôn trọng và yêu thương. Việc bình luận hay nói trước mặt một đứa trẻ như vậy còn hơn việc đánh nó, bởi đó là những lời lẽ sẽ ảnh hưởng tới mặt tâm lý của bé. Rất may là cháu đang ở đây” Sau đó mọi người xin lỗi mình và bé con, và quay sang khen bé mình mặc đẹp thế nào. Bản chất mình hiểu họ chỉ muốn nói bé nhà mình có da có thịt nên mặc đồ xinh hơn những bé khác. Thế nhưng họ lại chọn cách nói quen thuộc lâu nay. Bản thân mình mình thẳng thắn chia sẻ quan điểm, cảm nhận của bản thân luôn với họ. Vậy nên sẽ khiến mình xử lý được cảm xúc của chính bản thân mình và cho bé con cảm giác được mẹ vỗ về, bảo vệ. Ngay sau khi mọi người vừa nói mình có ôm bé con lại, sau đó phân tích cho bé con hiểu, tại sao lại không nên làm như thế, và nếu ai nói với con như vậy thì con sẽ nói lại như thế nào. Mình cũng muốn thiết lập ranh giới cảm xúc cho con ngay từ thời tấm bé để con biết rằng con cần biết bảo vệ bản thân trước những cảm xúc độc hại.

Qua câu chuyện trên mình cũng đã cho mọi người thấy được ranh giới cảm xúc của mình cũng như có một bài học để chia sẻ cho con gái. Quan trọng nhất là vấn đề đó không còn tiếp diễn và mối quan hệ của mình và những người hàng xóm tốt bụng vẫn vui vẻ, và thoải mái với nhau. Bởi mình hiểu họ không hề có ác ý, chẳng qua cách họ chia sẻ khiến mình cảm thấy tổn thương và không được thoải mái. Do đó lời khuyên của mình là nếu gặp những người thân hành xử và cách nói chuyện khiến bạn tổn thương bạn hãy chia sẻ về cảm nhận của bản thân khi nghe họ nói thế. Một phần sẽ khiến bạn thiết lập được ranh giới cảm xúc với người khác, một phần sẽ khiến bạn không khiến bản thân tiếp tục bị thương, hay đả kích. Và cuối cùng bạn và họ sẽ hiểu, và tôn trọng nhau hơn, giữ được mối quan hệ tốt đẹp lâu nay.

Thứ hai mối quan hệ giữa những người ta xã giao

Những người này họ chỉ biết một chút về bạn, mình hay gọi là mối quan hệ xã giao. Nếu lúc này họ chỉ trích bạn, khiến bạn tổn thương. Theo mình bạn vẫn nên chia sẻ quan điểm, cảm nhận của bạn khi bạn nghe họ nói như thế. Nếu họ vẫn cố tình muốn làm tổn thương bạn và không có dấu hiệu dừng lại. Bạn hãy bình tĩnh, chánh niệm trong 5 giây rồi chia sẻ rằng nếu mình nói đến mức độ bạn vẫn chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu thì chúng ta nên kết thúc câu chuyện tại đây. Bởi nó sẽ là mối quan hệ độc hại (những mối quan hệ luôn khiến bạn bị tổn thương hoặc căng thẳng), bạn có quyền được từ chối mối quan hệ này. Và cách để giải quyết dứt điểm mối quan hệ này là bạn hãy dành ra 5 phút để học về những điều mà mối quan hệ với người kia đã giúp bạn học được.

Mình ví dụ như mình có mối quan hệ xã giao, mình gặp một người đúng như mình nói phía trên, chỉ muốn mình bị tổn thương hoặc ức chế, vậy nên mình tạm gọi đó là mối quan hệ độc hại. Khi họ tấn công mình mình vẫn lịch sự, nhẹ nhàng nhưng cương quyết vạch rõ đường biên giới của mình (ranh giới cảm xúc). Để họ biết rằng mình là người không dễ bắt nạt (nhất là về mặt cảm xúc). Mình chỉ ra cho họ thấy, chia sẻ cho họ hiểu cảm nhận của mình. Và nếu họ vẫn tiếp tục thì kết quả là mối quan hệ của mình và họ sẽ kết thúc như thế nào. Nếu họ vẫn cố gắng để duy trì mối quan hệ độc hại thì mình sẽ dừng lại. Và thay vì việc để nó ảnh hưởng tới mình mình sẽ viết ra 5 – 10 bài học mà mình đã học được từ mối quan hệ đó.

Mình ví dụ tôi biết ơn Nam vì bạn ấy đã cho tôi biết việc thiết lập ranh giới cảm xúc quan trọng như thế nào

Tôi biết ơn Nam vì nhờ bạn ấy tôi đã lắng nghe được đứa trẻ bên trong của chính mình và học cách để bảo vệ nó.

Tôi biết ơn Nam vì nhờ bạn ấy tôi biết rằng việc duy trì một mối quan hệ độc hại sẽ nguy hiểm gấp bội phần việc dừng lại mối quan hệ đó…

Đó là cách mình học bài học từ bất cứ mối quan hệ nào và xử lý bên trong mình. Điểm rất hay là khi bạn học được bài học từ mối quan hệ đó và tốt nghiệp thành công (học xong), bạn sẽ gần như không bao giờ gặp lại sự việc tương tự nữa kể cả từ người đó hay người khác. Mình đã làm và kết quả chuẩn đét gần như 100%.

  1. Suy nghĩ quá nhiều

Một điểm nữa chị ấy đang gặp phải là chị ấy nghĩ quá nhiều, sự việc dù rất bé những chị ấy luôn nghĩ và làm cho nó trở nên phức tạp. Chị ấy có hiểu là không nên nghĩ nhiều nhưng việc suy nghĩ và phức tạp hóa vấn đề lên dường như đã trở thành thói quen của chị ấy. Vậy nên chị ấy rất muốn mình chia sẻ về điều này. Như chúng ta đã biết một ngày chúng ta có thể có tới 60.000 suy nghĩ trong đầu, suy nghĩ này còn nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Để kiểm soát suy nghĩ này thật sự là rất khó khăn, tuy nhiên có một cách chúng ta có thể kiểm soát được những suy nghĩ không tốt bằng cảm xúc. Mà cảm xúc thì có hai loại, cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực.

Thứ nhất nếu bạn có cảm xúc tích cực thì bạn rất khó để có những ý nghĩ tiêu cực.

Vậy làm thế nào để bạn có cảm xúc tích cực, hãy đọc lại ví dụ một, bạn phải học cách lắng nghe cảm xúc bên trong và xử lý theo hướng tích cực. Nếu một sự việc không được như ý muốn hãy tự hỏi mình “mình học được gì từ điều này? Thông điệp phía sau tình huống này là gì?” khi đó bạn sẽ xử lý được mặt cảm xúc của mình trước. Và nhớ một điều quan trọng, cốt lõi ở đây là những điều gì chúng ta cần học thì hãy học và học cho xong. Người bạn kia chỉ là đem đến bài học đó cho chúng ta mà thôi, nếu bạn vẫn không học xong thì sẽ có thêm nhiều người bạn khác mang tới những tình huống tương tự. Đó là lý do vì sao bạn luôn gặp cùng một tình huống với nhiều người, đó là do bạn chưa xử lý dứt điểm nó và học xong bài học của mình.

Thứ hai là bạn hãy ngồi lại viết ra những điều bạn cảm thấy lo lắng, bất an. Viết ra nếu trường hợp xấu nhất, tình huống này diễn ra bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề gì? Giải pháp bạn cần đưa ra nếu gặp vấn đề đó, như thế bạn sẽ không mất nhiều thời gian để suy diễn về vấn đề của mình nữa. Mình ví dụ, sáng nay bạn có tranh luận với một đồng nghiệp. Bạn hãy ngồi viết ra những tình huống mà bạn và người bạn đó sẽ gặp phải sau tình huống này

Tình huống A:Không nói chuyện với nhau nữa (bạn có buồn không? Người này là mối quan hệ độc hại hay mối quan hệ tích cực của bạn, nếu là độc hại thì tốt nhất là nên cách xa nhau, còn nếu là mối quan hệ tích cực thì để bạn ấy bình tĩnh lại bạn hãy nhắn tin hoặc gặp riêng để trò chuyện, làm lành)

Tình huống B: bạn ấy công khai chỉ trích bạn trên mọi mặt trận (nói xấu bạn trên facebook, với những mối quan hệ xung quanh bạn nhằm hạ bệ uy tín của bạn. Mình từng gặp nhưng thường họ nói ý là nhiều, với những người như thế mình chọn cách im lặng, xử lý bên trong của mình trước, những người nếu chỉ nói ý (nói sau lưng bạn thì không đáng để bạn bận tâm vì họ chỉ ở phía sau bạn mà thôi, mãi mãi là như vậy) thì bạn không cần nghĩ nhiều; còn nếu họ nói thẳng bạn, thì bạn nên có sự đáp trả duy nhất một bài chia sẻ về câu chuyện của hai người và thay vì chỉ trích hãy cảm ơn những điều họ đã dạy cho bạn qua tình huống lần này.

Tình huống C: Bạn ấy và bạn nhận kỉ luật, khiển trách hoặc buộc phải thôi việc (nếu bạn không sai mà bạn bị dồn vào thế phải nghỉ việc thì cũng k có vấn đề gì cả, bởi ít nhất bạn đã dám sống thật với chính mình; những nơi không thể bảo vệ cho bạn, cho đứa trẻ cảm xúc bên trong bạn sớm muộn cũng nhấn chìm bạn, đồng tiền bạn kiếm được sẽ là những đồng tiền không hạnh phúc. Chỉ khiến bạn mệt mỏi thêm mệt mỏi mà thôi; hãy bình tâm và cho bản thân được đến với môi trường tốt hơn bởi vì bạn xứng đáng”

Sẽ có vô vàn tình huống trong mỗi vấn đề, nếu bạn càng lo lắng, càng bất an thì bạn càng nên viết nó ra để bản thân nhìn nhận rõ ràng, tránh việc tự mình suy diễn. Mình có thể đề xuất bạn đọc cuốn sách “Những bước đơn giản đến ước mơ” có thể giúp bạn xử lý vấn đề này. Nếu lười đọc có thể xem chia sẻ sách này của mình trên trang cá nhân hoặc trong câu lạc bộ đọc sách của chị Thủy.

Như vậy khi bạn nhìn rõ hơn về tình huống đó, đi đôi với những thứ bạn phải đối mặt từ đó có giải pháp cho vấn đề của mình bạn sẽ không thấy bị bất an nữa.

  1. Liên tục cảm thấy bất an, lo lắng và sợ hãi mà không rõ là do đâu

Vấn đề này nằm ở một phần kí ức chị ấy đã bị tổn thương từ thời tấm bé. Mình có thể hiểu được vì ngày trước bố mình cũng là một người rất nóng tính, do đó mỗi lần mình nhận được điện thoại của bố mình luôn có cảm giác bất an, lo lắng mà không hiểu tại sao. Sau này khi đọc sách, chiêm nghiệm và kết nối với đứa trẻ bên trong mình đã dần dần hiểu ra đó là tự kỉ ám thị, chính mình luôn bị ám ảnh bởi những tình huống đột ngột kéo đến của gia đình nên thành ra mình luôn thường trực sự bất an trong lòng.

Sau này mình mỗi lần gặp tình huống đó mình ghi ra, ồ đấy bố gọi chỉ để báo tin vui là em trai được đi thi học sinh giỏi thôi mà, hoặc bố gọi chỉ để báo là bố mẹ vẫn khỏe và hỏi thăm sức khỏe của mình thôi. Gia đình mình bây giờ đã khác trước rất nhiều nên sẽ không bao giờ có vấn đề gì nữa đâu, an tâm đi cô gái. Cứ mỗi lần như thế mình lại ghi ra những cảm xúc bên trong cảm thấy, và ghi ra những cảm nhận mới để bạn tiềm thức tiếp nhận và khắc sâu. Đó cũng chính là cách cho bạn tiềm thức có những hạt giống mới, giúp bạn ấy khỏe mạnh, tự tin, không tập trung vào những hạt giống lo lắng, sợ hãi mà ta đã vô tình gieo vào bạn ấy trước đó.

Việc chữa lành và gieo những hạt giống mới này đòi hỏi chúng ta phải liên tục làm, mỗi ngày một ít, dần dần chúng ta sẽ thấy nội lực của mình được tăng cao. Luôn bình tĩnh và an yên với mỗi điều mà cuộc sống đem lại, vì chúng ta biết rằng đó chính là cách để giúp ta trưởng thành và phát triển hơn mà thôi.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *