Kỹ năng Rèn luyện

VÌ SAO CẦN CHUẨN BỊ TÂM THẾ TRƯỚC KHI CƠ HỘI ĐẾN?

Vì sao cần phải chuẩn bị tâm thế khi cơ hội đến, lý do là bởi vì khi luôn trong tâm thế sẵn sàng, cơ hội đến bạn sẽ nắm bắt ngay thay vì tiếc nuối hoặc bỏ lỡ.
Mình vẫn còn nhớ lần đầu tiên khi mình đi đại học, mình tên Nghĩa nên thi cùng toàn các bạn nam. Mình thì khá tự tin nên rất nhanh làm quen, nói chuyện với các bạn khi thi xong. Nhưng kỉ niệm làm mình nhớ nhất là bạn Nghĩa ở Lào Cai nói với mình “đến tên mình cậu còn không nói đúng nữa thì làm sao để tự tin nói chuyện hay thuyết trình được”. Mình khi đó chẳng tin lời bạn ấy vì mình đâu có nhận thức được mình nói sai. Xung quanh mình ai chẳng nói thế, mình là người tự tin thế cơ mà, sao phải xoắn.

Nhưng sau này khi vào đại học, lần đầu tiên lên thuyết trình trước lớp thì xoắn thực sự. Mình bị các bạn cười ồ vì nói hỏi ngã lẫn lộn, chính mình cũng không ý thức được. Sau này tập trung nghe các bạn nói thì đúng là mình nói sai kinh khủng, thanh hỏi thì ngang phè phè, nó đúng phải là ngọt lịm, mềm và nằm ở trong khoang miệng. Thanh ngã thì cần phải tông cao nhưng mình cứ nói lưng trừng, thành ra nghe rất ngán. Nếu mình chưa từng thất bại ở lần hùng biện thời cấp hai chắc mình sẽ khóc, rồi tự ti, rồi sợ hãi, rồi đổ lỗi là do mình sinh ra ở Thanh Hoá…Nhưng do từng thất bại, và học cách vượt qua từ chính thất bại đó nên rất nhanh mình khắc phục được ngọng thanh hỏi, thanh ngã. Mình gọi đó là kĩ năng giải quyết vấn đề.

Cũng chính lúc này mình nhận được lời mời phỏng vấn tại học viện đào tạo Design Global. Nếu không xử lý ngọng hỏi ngã thành công, có lẽ cánh cửa làm chuyên viên tư vấn tuyển sinh sẽ khép lại với mình. Nhờ việc thay đổi đó mình đã tự tin thể hiện bản thân bằng chất giọng truyền cảm và tự tin thuyết trình trước anh Thắng – giám đốc marketing. Khi đi làm thì mình cũng là đứa trẻ tuổi nhất, còn lại toàn các anh chi đã ra trường và đi làm rồi, hoặc ít nhất cũng hơn tuổi mình. Hơn nữa sau này mình còn là đứa làm cừ nhất nhóm, tuổi nhỏ nhưng mình không thua bất cứ anh chị nào về năng lực làm việc. Công việc đó cho mình rất nhiều thứ, mình có tiền lo cho việc đi học, phát triển được kĩ năng giao tiếp thuyết trình, kĩ năng xử lý vấn đề, kĩ năng tương tác ở môi trường công sở từ rất sớm. Đó là lý do vì sao sau này ra trường mình rất tự tin khi mình đã có gần 4 năm kinh nghiệm khi ra trường là như vậy.

Quay lại câu chuyện về việc chuẩn bị tâm thế trước khi cơ hội đến. Nó đơn giản là khi bạn nhận được thông điệp nào đó về việc bạn phải thay đổi, thay đổi để tốt hơn, thay đổi để có hoàn thành tốt một điều gì đó tại thời điểm hiện tại. Chính điều đó sẽ dẫn bạn tới rất nhiều thành công và cơ hội khác nhau. Nếu ngày đó mình cứ ôm khư khư là em chỉ được vậy thôi, em ở quê Thanh Hoá, thì có lẽ sẽ không có một Lê Nghĩa những ngày sau đó. Và cũng không có một Lê Nghĩa như ngày hôm nay.

Thuyết trình không phải là kỹ năng chuyên môn nhưng nó là kỹ năng nền tảng, rất nhiều người có chuyên môn giỏi nhưng cách truyền đạt không tốt sẽ tạo ra một rào cản rất lớn trong việc phát triển sự nghiệp. Nếu bạn là một kế toán ngày xưa thì bạn chỉ cần chuyên môn nghiệp vụ tốt là đủ, nhưng trong thời đại hiện nay thì giỏi mình chuyên môn nghiệp vụ sẽ là một thiếu sót cho sự phát triển cá nhân của bạn. Nếu muốn phát triển sự nghiệp thật lớn mạnh, phủ sóng thương hiệu cá nhân tốt, bạn không chỉ làm giỏi bạn còn phải nói sao cho thật hay và thu hút nữa. Bạn phải trở thành người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình nếu bạn không muốn bị bỏ lại hoặc bị thay thế. Mình từng hỏi các học viên rằng “Các anh chị em có biết tại sao em lại yêu cầu chúng ta nói 1 phút 30 giây không?”, bởi vì đó là khoảng thời gian để ta có thể để lại ấn tượng với bất cứ ai về công việc và sứ mệnh của chúng ta. Một kế toán viên đi dự hội thảo cùng sếp, khi được hỏi về bản thân, nếu cô ấy đủ bình tĩnh, tự tin để chia sẻ về chính mình, về công ty thì cô ấy sẽ tạo được một vị trí rất tốt trong lòng sếp và các đối tác với thời gian ngắn ngủi là 1 phút 30 giây. Tuy nhiên nếu cô ấy nói như cơm nguội, lí nhí, không ai nghe thấy gì thì lần tới chắc chắn sẽ có người thay thế cô ấy trong những buổi gặp gỡ quan trọng dù chuyên môn cô ấy giỏi thế nào đi chăng nữa. Đó là lý do mình luôn nói chúng ta sẽ cần chuẩn bị tâm thế trước khi cơ hội đến là như vậy.

Mình cũng rất tiếc khi khép lại khoá thuyết trình sớm hơn dự kiến nhưng mình là người yêu thích sự đổi mới và sáng tạo liên tục, vậy nên mình không muốn lặp đi lặp lại một thứ gì quá nhiều. Thời gian gần hai năm gắn bó với thuyết trình đã giúp mình chạm đến được rất nhiều học viên, giúp họ yêu thích thuyết trình, yêu thích việc được chia sẻ với ai một điều gì đó ở sâu thẳm bên trong họ. Giúp họ hiểu rằng khi ta nói với ai điều gì đó, đó chính là thông điệp mà ta đang trao đi, trước kia mọi người chưa đón nhận là vì ta chưa biết cách trao nhưng giờ đây thì hoàn toàn khác. Họ háo hức được lắng nghe ta chia sẻ những điều ta nghĩ, ta cảm nhận và ta yêu mến. Họ ở đây chính là bạn bè, là đồng nghiệp, là người thân và thậm chí là bé con của chúng ta nữa. Bởi họ biết rằng để có được ngày hôm nay thì ta đã phải nỗ lực và cố gắng nhiều như thế nào. Một người luôn biết nỗ lực để hoàn thiện mình thì luôn mãi là một tấm gương sáng cho bất cứ ai noi theo. Nhận được sự kính trọng và đón nhận là lẽ đương nhiên cả nhà nhỉ.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *