Tuần này mình vừa đọc xong cuốn “tứ đại quyền lực” của tác giả Scott Galloway.
Cuốn sách được chia làm 11 chương, 5 chương đầu là phần phân tích chi tiết về tứ đại quyền lực bao gồm amazon, apple, facebook và google.
Tác giả cho chúng ta biết lý do tại sao 4 công ty này lại thành công đến vậy, tại sao họ lại trở thành 1 trong 4 công ty mang tính toàn cầu…ở các chương tiếp theo tác giả lý giải cách vận hành của bốn công ty này, và đưa ra những tiên đoán về chàng kị binh thứ 5 nhưng cũng đồng thời diễn giải cho chúng ta thấy lý do nào khiến chàng kị binh thứ 5 mãi chưa xuất hiện.
Và trong hai chương cuối cùng tác giả chia sẻ về hướng đi cho mỗi chúng ta, chúng ta cần làm gì để có thể thành công trong thời kì công nghệ số như hiện nay…mình rất tâm đắc với hai chương cuối cùng đặc biệt là chương số 10. Xin chia sẻ lại cùng các chị em những điều mình tâm đắc nhất từ cuốn sách giá trị này.
1. Amazon thành công vì họ biết đặt mình vào những trải nghiệm của khách hàng
Thay vì việc khách hàng phải đi ra ngoài tìm chỗ để xe, tự xách đồ, xếp hàng chờ thanh toán rồi ôm rất nhiều hàng hóa chở về nhà thì amazon đã giúp họ tối ưu tất cả các khâu chỉ bằng một cú nhấp chuột, mua hàng chưa bao giờ lại trở nên tiện lợi tới thế. Chưa dừng lại ở đó amazon còn nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc tự đặt mình vào vị trí của khách hàng.
Khác với kiểu mua online, với kiểu mua truyền thống khách hàng có thể thử, sờ, nắm món hàng yêu thích của mình và nhanh chóng đem nó về nhà nếu ưng ý…nhưng nếu đặt online thường khách hàng sẽ không được thử, mất thời gian chờ đợi món hàng đó tới với mình….thế thì amazon đã làm thế nào để xử lý vấn đề này cho khách hàng?
Họ tối ưu việc phân phối hàng hóa, sản phẩm tới tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất có thể bằng máy bay không người lái, bằng những kho chứa hàng nằm khắp các trung tâm thành phố. Để rút gọn thời gian phải chờ đợi của người tiêu dùng xuống mức thấp nhất, ngay cả việc thử đồ, họ sẵn sàng cho khách thử món hàng yêu thích sau một tuần mới quyết định là thanh toán hay trả lại…
Sự tối ưu tới mức hoàn hào như vậy, đã khiến Amazon chiếm trọn trái tim của người tiêu dùng, và trở thành ông trùm trong ngành bán lẻ toàn cầu.
2. Apple tạo nên sự vượt trội bằng việc tạo ra thương hiệu hạng sang thần thánh
Apple theo đuổi triết lý tạo ra sự khan hiếm để đạt được những thành tựu nổi bật, sự khan hiếm mà apple tạo ra thúc đẩy tính chiếm hữu của mỗi người chúng ta lên cao, nhất là apple đã tạo nên một dòng sản phẩm đẳng cấp cả về thương hiệu lẫn chất lượng.
Mình rất thích cách làm của apple: ngay cả khi đứng trước sức ép rất gắt gao của chính phủ nhưng apple cũng không vì thế mà tiết lộ quyền riêng tư của khách hàng. Chính điều đó đã giúp apple giữ vững được thương hiệu của mình trước những vị khách hàng trung thành, cũng như tiềm năng của mình. Chưa bao giờ chúng ta đánh giá một người nào đó qua chiếc điện thoại mà anh ta sử dụng nhưng điều đó chỉ đúng cho tới khi iphone xuất hiện.
Những sản phẩm của apple tạo ra một đẳng cấp thực sự cho những người đang sở hữu chúng. Do đó điều mình học được ở đây chính là muốn thành công vượt trội hãy tạo ra điểm khác biệt chí mạng của mình mà không bao giờ đối thủ nào có được, hoặc sao chép được.
3. Facebook được xem là trường hợp thành công nhất trong lịch sử nhân loại nếu xét về mặt quy mô.
Facebook được rất nhiều người dùng yêu thích bởi nó kết nối được nhiều nhóm người với nhau. Ví dụ như mình muốn tìm hiểu việc nuôi dạy con thông minh, mình thường xuyên quan tâm tới những bài chia sẻ của các anh chị khác trên facebook chia sẻ về chủ đề này. Facebook đề xuất cho mình nhìn thấy điều đó ở các bà mẹ khác có cùng sở thích rồi tập hợp lại thành một cộng đồng về nuôi dạy con thông minh.
Nếu nói về cái phễu trong marketing thì facebook đứng trên cả google. Khi ta có một mong muốn nào đó, facebook sẽ có những đề xuất cho ta, google chỉ cho ta làm thế nào để có nó, còn amazon thì cho chúng ta câu trả lời khi nào bạn sở hữu được nó. Facebook khiến chúng ta hạnh phúc, vui vẻ khi được kết nối với những người chúng ta yêu mến, ngưỡng mộ.
Tuy nhiên có những thông tin trên facebook chúng ta chưa thể kiểm chứng được về mức độ chính xác, chính thống của thông tin. Facebook luôn chỉ nhận mình là nền tảng chứ không phải đơn vị truyền thông để tránh những tai tiếng không đáng có từ việc không kiểm duyệt chặt chẽ thông tin của mình. Qua phần này mình hiểu hơn về cách hoạt động của facebook, những vấn đề về bảo mật thông tin của bản thân, cách hoạt động hiệu quả trên facebook theo lí trí chứ không quá bản năng như trước kia nữa.
4. Google – một ông hiệu trưởng tuyệt vời cho cả nhân loại.
Tác giả ví von google như thượng đế vì bất cứ điều gì chúng ta mong muốn, khao khát, thậm chí không thể kể cho ai chúng ta đều có thể chia sẻ với google. Và chỉ chưa đầy vài giây chúng ta luôn có những câu trả lời cho riêng mình, một loạt những thông tin về điều chúng ta đang muốn tìm kiếm hiện ra.
Google quá ư thông minh và tinh tường, sắp xếp lại mọi thông tin và tối ưu cho người dùng, google cũng phát triển thêm rất nhiều những kênh khác nhau như google map, google dịch, google drive, google pay…và ở bất cứ kênh nào google đều đạt được những kết quả rất khả quan.
Mình học được điều quý giá nhất ở chương này chính là không quan trọng là anh ra đời sau hay anh ra đời trước, mà quan trọng là sự ra đời của anh phải tạo ra sự vượt trội, tối ưu, tân tiến hơn hẳn so với những đối thủ trước đó. Đồng thời không bao giờ được ngừng nâng cấp, tôi luyện và phát triển, bởi đứng yên có nghĩa là chết.
5. Những chàng kị binh và ba bộ phận cơ thể
Ba bộ phận cơ thể – bộ não, trái tim và bộ phận sinh dục – hỗ trợ trực tiếp tới sự thành công vượt bậc của bốn chàng kị binh amazon, apple, facebook và google.
Hãy nhìn google trò chuyện và bổ sung kiến thức cho bộ não của chúng ta. Google không chỉ đưa vào bộ não hàng tỷ thông tin trên cả thế giới mà quan trọng nhất là họ thay thế cho bộ máy tìm kiếm thông tin rất phức tạp và độc nhất cho bộ não của chúng ta.
Với các thuật toán xử lý tốc độ cực nhanh cộng với đường truyền internet băng thông rộng như hiện nay, google đã đưa cả thế giới vào một cuộc đua tìm kiếm thông tin. Chúng ta có thể tự tìm kiếm những thông tin đó hay không?
Câu trả lời là có nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian, rất nhiều nỗ lực và công sức nhưng với google thì không mất tới vài giây, google sẽ cho chúng ta rất nhiều câu trả lời khác nhau, thậm chí còn mở rộng tới những nguồn thông tin liên quan mà chắc chắn chúng ta sẽ rất hứng thú.
Nếu google đại diện cho bộ não thì amazon lại là sự kết hợp của bộ não và những ngón tay hám lợi của chúng ta – bản năng hái lượm thời thượng để tích lũy nhiều thực phẩm, khi tích lũy nhiều món đồ chúng ta sẽ cảm thấy mình đầy đủ, sung túc và hạnh phúc hơn.
Facebook thì lại chọn trái tim để lẻn vào chúng ta. Facebook cho chúng ta một nơi để tạo ra bản thân mình, cho chúng ta những công cụ để trang điểm cho bản thân trên đó, rồi kết nối ta với những người xung quanh. Làm cho mối quan hệ với cộng đồng đó thêm sâu sắc, hạnh phúc hơn.
Còn apple? Apple chọn bộ phận dưới thắt lưng của chúng ta, một thương hiệu hạng sang giúp tự thể hiện bản thân đã đánh vào nhu cầu hấp dẫn tính dục của chúng ta. Apple cho khách hàng của họ thấy được khi sử dụng sản phẩm của apple, họ sẽ cảm thấy rất hãnh diện vì thiết kế tối ưu, hệ điều hành cao cấp, có thể chống lại vius và hacker. Đó cũng chính là lí do tại sao có những người không ngần ngại dựng lều trại trước một cửa hàng apple để chờ đợi mua bằng được chiếc Iphone mới ra bởi đó là một quyết định sáng suốt.
6. Thuật toán T: điểm chung của của 4 nhóm kị binh này.
Phần này giúp mình có cái nhìn bao quát hơn, hiểu được lí do tại sao 4 chàng kị binh này vươn lên bứt phá trở thành một công ty ngàn tỷ đô la.
Đầu tiên là yếu tố về sự khác biệt sản phẩm: Facebook và amazon cho phép người tiêu dùng xem xét, ngắm nghía, đọc nhận xét về vô số sản phẩm trong một thời gian ngắn thay vì phải tới cửa hàng.
Mỗi công ty trong bộ tứ quyền lực đều có một sản phẩm cao cấp, google có một máy tính tìm kiếm cao cấp, iphone của apple là một chiếc điện thoại thông minh hơn nhiều cái khác. Sự gọn gàng, sạch sẽ của bản tin trên facebook cộng với hiệu ứng mạng kết nối và các chức năng bổ sung liên tục đã khiến facebook trở thành một sản phẩm tốt trên thị trường.
Amazon đã định nghĩa lại trải nghiệm và kì vọng mua sắm, chỉ cần nhấp chuột đặt hàng và nhận hàng trong vòng hai ngày ( hoặc vài tiếng đồng hồ bằng máy bay không người lái hoặc xe tải UPS).
Thứ hai là nguồn vốn tầm nhìn: khả năng thu hút nguồn vốn giá rẻ bằng cách đưa ra một tầm nhìn táo bạo nhưng phải thật dễ hiểu, amazon đã làm cực kì tốt điều này nhưng ba anh chàng kị binh kia cũng không kém phần long trọng. Tầm nhìn google hình thành kho thông tin cho hành tinh này. Tầm nhìn Facebook đó chính là kết nối cả thế giới.
Thứ ba là quy mô toàn cầu: khả năng đi ra thế giới, để trở thành một công ty lớn và ý nghĩa, bạn cần một sản phẩm vượt khỏi biên giới và hấp dẫn được người sử dụng ở tầm quốc tế.
Thứ tư là dễ thương tức là công ty được sự yêu thương, quan tâm của người dùng cũng như các cơ quan giám sát và truyền thông. Nếu công ty được đánh giá là môt công dân tốt, biết quan tâm tới quốc gia, đến công dân, đến nhân viên và những người nằm trong chuỗi cung ứng làm ra sản phẩm cho công ty thì bạn đã rạo ra được hàng rào che chắn trước những dư luận xấu.
Thứ năm là liên kết hàng dọc tức là khả năng kiểm soát trải nghiệm của người tiêu dùng bằng biện pháp liên kết lĩnh vực hàng dọc, tức là mở rộng sang những mảng khác không phải là hiện có của doanh nghiệp.
Điều thú vị là cả bộ tứ quyền lực này đều có kênh phân phối riêng của mình, nếu họ không sản xuất được sản phẩm, họ sẽ thu mua, sản xuất và hỗ trợ sản phẩm đó.
Thứ sáu trí tuệ nhân tạo AI: chính là khả năng tiếp cận dữ liệu của doanh nghiệp, một công ty ngàn tỷ đô la phải sở hữu công nghệ có khả năng học được dữ liệu do con người đưa vào hệ thống và xử lý dữ liệu đó bằng thuật toán. Ứng dụng khái niệm tối ưu trong toán học để xử lý dữ liệu nhanh, trong một phần ngàn giây, không chỉ để điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu tức thời của khách hàng mà còn cải thiện sản phẩm theo suốt quấ trình sử dụng.
Thứ bảy chất xúc tác chính là khả năng thu hút nhân tài của doanh nghiệp, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải làm sao cho các ứng cử viên nhận thức rằng đây là sự nghiêp chứ không phải chỉ là một công việc.
Khả năng thu hút và giữ chân những người tài giỏi nhất là vấn đề số 1 đối với cả bộ tứ quyền lực này. Yếu tố quan trọng dẫn đến thành công chính là khả năng duy trì được danh tiếng của doanh nghiệp, không chỉ đối với đối tượng người tiêu dùng trẻ, mà còn đối với lực lương tiềm năng cho doanh nghiệp.
Cuối cùng đó chính là yếu tố về địa lý: khả năng phát triển và nuôi dưỡng những môi trường có những nhân tài về công nghệ giỏi nhất thế giới. Ba trong bốn đại gia công nghệ quyền lực này – apple, facebook và google có mối liên hệ mật thiết với trường công nghệ đẳng cấp thế giới, Stanford ( xếp hạng 2) và UC Berkeley (xếp hạng 3).
7. Bộ tứ quyền lực và bạn (mình thích nhất chương này hehe)
Chương này cung cấp cho chúng ta một chiến lược nghề nghiệp cho bản thân mỗi người, tác giả phân tích rất kỹ từng gợi ý.
Một là bạn sẽ trở thành người xuất sắc, hai là bạn trở thành người trung bình theo kiểu một là lên voi, hai là xuống chó. Nếu bạn là người xuất sắc sẽ có hàng ngàn công ty tìm bạn, nhưng nếu bạn giỏi bạn phải cạnh tranh với hàng chục triệu người giỏi khác trên khắp thế giới – lương của bạn có thể không cao, thậm chí còn bị giảm đi nữa.
Tài năng và làm việc chăm chỉ thôi chưa đủ, bạn còn cần trưởng thành về mặt cảm xúc nữa.
Trưởng thành về mặt cảm xúc là duy trì được sự nhiệt tình, và đam mê trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Những người trẻ luôn có cái tôi rất mạnh, nhưng phải giữ được sự điềm đạm dưới áp lực công việc, phải biết học và ứng dụng những cái đã học được để làm tốt hơn những người xung quanh, những người thường dễ bị bối rối, mắc kẹt vào những vụn vặt, đời thường và luôn để cho cảm xúc dẫn dắt họ tới những trạng thái kích động.
Những người biết thoải mái lựa chọn hướng đi và hiểu vai trò của mình trong một nhóm làm việc, thường làm việc tốt hơn những người xung quanh khi ranh giới của trách nhiệm khá mù mờ và cấu trúc tổ chức hay thay đổi.
Song song với việc trưởng thành về mặt cảm xúc thì tò mò và tính sở hữu cũng giúp bạn đạt những kết quả cao trong công việc. Muốn thành công trong kỷ nguyên số ta phải làm việc hàng ngày, không chần chừ thay đổi, nhưng phải luôn hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta làm theo cách này?
Bám chặt theo quy trình định sẵn, hay theo cách truyền thống từ trước đến nay vẫn làm chính là gót chân Asin của những công ty quá lớn, hãy là người luôn có những ý tưởng thực tế và điên rồ, đáng để thảo luận và thử nghiệm.
Tính sở hữu cũng vậy, hãy cứ bị ám ảnh với những công việc hơn bất cứ người nào trong nhóm và suy nghĩ xem cần làm cái gì để hoàn thành công việc đó, khi nào và như thế nào. Giả sử mọi việc đều sẽ không đâu vào đâu trừ phi bạn là tất cả mọi người, hãy biến mình là người chủ động trong mọi lời nói, hành động – công việc, dự án sẽ được hoàn thành.
Và để đạt được những thành công vượt trội trong sự nghiệp của mình tác giả có những lời khuyên rất giá trị
1. Hãy vào đại học: nếu bạn muốn trở thành người lao động trí óc thành công trong kỉ nguyên số, điều đầu tiên là hãy vào một ngôi trường đại học danh tiếng và chọn lĩnh vực riêng biệt.
Ở một trường đại học hàng đầu, danh tiếng không chỉ là thứ duy nhất bạn có được bên cạnh nền giáo dục bạn đã nhận được mà ở đó bạn còn có được những người bạn tuyệt vời xung quanh, họ sẽ là những cộng sự vô cùng tuyệt vời cho bạn trong cuộc sống cũng như công việc sau này.
2. Chứng chỉ: nếu đại học không phải là một lựa chọn, vậy bạn phải làm gì, hãy học để lấy các chứng chỉ. Các loại chứng chỉ sẽ giúp bạn nhận diện được thương hiệu của mình từ 7 tỷ người trên hành tinh này – những người nhận đồng lương 1.3 đô la một giờ.
3. Tập thói quen hoàn thành công việc, đừng bỏ giữa chừng: những người đã có thành tích trong một lĩnh vực thường đạt thành tích ở hầu hết các lĩnh vực khác. Cho dù đó là việc lọt vào chung kết của cuộc thi hùng biện, giành giải trong đội tuyển học sinh giỏi hay có một huy chương trong kì thi olympics quốc gia, khả năng hoàn thành công việc là một thói quen cần được tu dưỡng và lặp đi lặp lại.
Muốn trở thành người thắng cuộc, trước hết bạn phải là người tham gia cuộc tranh tài cái đã, bạn không thể là người thắng cuộc nếu chưa đặt chân vào đường đua, đó không chỉ là đối mặt với các nguy cơ mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho những thất bại, đó chính là bước khởi đầu cho thói quen hoàn thành công việc.
4. Đến một thành phố lớn: tôi đã từng tin rằng kỷ nguyên số cho phép chúng ta làm việc ở bất cứ nơi đâu nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại. Thành phố lớn luôn là cái nôi của phát triển.
Thịnh vượng, thông tin, quyền lực và cơ hội đều xuất hiện ở dạng tập trung bởi tính sáng tạo là một chức năng của những ý tưởng mang yếu tố tính dục. Thành tựu thường xuất hiện ở những dạng cá nhân chứ không phải của tập thể. Chúng ta bản chất là những kẻ săn bắt, hái lượm và chỉ hạnh phúc nhất, làm việc năng suất nhất khi sống và làm việc cùng nhau.
5. Hãy dẫn dắt sự nghiệp: cứ xem như bạn là người có sự trưởng thành cảm xúc, tò mò và lòng dũng cảm, nhưng nên nhớ đâu chỉ có một mình bạn, vậy làm sao để bạn có thể vươn lên nổi bật trong nhóm những người sáng láng như bạn.
Câu trả lời là đầu tiên bạn phải tự đẩy mình ra khỏi những giới hạn của vùng an toàn bằng cách không ngừng dẫn dắt những tính cách của mình ( đừng để tính cách dẫn dắt bạn).
Bạn cần môi trường để thể hiện những điều đặc sắc của mình, vì con đường dẫn đến sự tự ti là làm những việc tốt nhưng không bao giờ gắn những việc đó vào bản thân mình vì nhút nhát. Mạng xã hội làm ra là để giúp bạn thể hiện bản thân mình, nhưng muốn thành công chúng ta phải làm liên tục, bền bỉ mỗi ngày.
Thành công không phải là một sớm một chiều mà nó cần thời gian, cần sự kiên nhẫn của mỗi chúng ta. Một số người có khả năng viết, một số người thì giỏi về hình ảnh. Hãy đầu tư dữ dội vào những gì bản thân mạnh nhất và những việc không giỏi thì làm ở mức bình thường thôi để không bị trì hoãn công việc.
Tất cả mọi người từ ông chủ tới đồng nghiệp sẽ nhìn vào những công việc bạn đang làm. Làm thế nào để họ nhìn thấy bạn ở khía cạnh tốt nhất, hãy giữ cho bản tin của bạn sạch sẽ, mạnh mẽ và quan trọng là có chút hài hước, cứ như vậy nâng cấp nó lên mỗi ngày.
6. GIÀ: bạn lo lắng mình vì đã quá già, không con đủ sự trẻ trung để làm bất cứ việc gì nữa. Nhưng hãy gạt nó sang một bên, hãy xông vào cuộc chơi, hãy tìm hiểu nó, hãy làm quen với những thứ mang tính công nghệ và tạo ra sản phẩm riêng mang tên của bạn. Nhất là trong việc sử dụng mạng xã hội để tạo thương hiệu cá nhân.
7. Yêu sách hợp lý và kế hoạch: cố gắng xem những yêu sách hợp lý là một phần trong tiền lương của bạn, và cố gắng tăng nó lên 10%, 20% tiền lương khi vào tuổi 30,40.
Nếu không tìm thấy cơ hội tăng lương ở công ty đang làm, bạn cần phải tự tạo ra cơ hội đầu tư bên ngoài và thử lập biểu đồ tài chính từ 1 triệu lên tới 3 triệu, 5 triệu dựa vào thu nhập và chi tiêu.
Con đường đên sự giàu có là con đường sống dưới mức tiền mình kiếm được và đầu tư vào những tài sản có thể tạo ra thu nhập. Giàu có được hiểu là sự kỷ luật trong cuộc sống hơn là hiểu dưới khía cạnh bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
8. Trung thành với công việc nhưng đừng suốt đời: hãy trung thành tuần tự, tìm một công ty tốt để làm việc, nơi bạn có thể học những kĩ năng mới, tìm sự đỡ đầu ở những cấp cao hơn (những người sẵn sàng đấu tranh vì bạn), yêu cầu được thăng tiến/phải tiết kiệm, cống hiện toàn bộ bản thân cho công ty từ 3 đến 5 năm.
Khi có thời cơ rõ ràng (đừng đi tìm việc mới ngay sau khi bạn vừa đòi thăng chức, chẳng hạn bạn nhận được cuộc gọi từ nhà tuyển dụng, cứ đến phỏng vấn, hỏi thăm ý kiến của người khác. Lưu ý xem xét cơ hội bạn được đào tạo thêm một kĩ năng mới.
Nếu cuộc phỏng vấn kết thúc bằng một lời chào mời hấp dẫn, cứ thẳng thắn với sếp – bạn là một nhân viên trung thành, bạn thích công việc hiện tại, nhưng bạn nhận được một lời đề nghị tốt hơn ở nơi khác, chứ không hẳn chỉ là lương cao hơn.
Thường thì những lời chào mời bên ngoài sẽ làm bạn thêm hấp dẫn với công việc hiện tại mà không cần phải chuyển việc. Nếu công ty bạn không đếm xỉa, đó là lúc bạn nên đi. Trái lại, hướng đi mới mà lại làm bạn không hài lòng, cứ tập trung làm thật tốt ở đó từ 3 đến 5 năm, rồi lặp lại chu trình.
9. Cố gắng trung thành với cá nhân, chứ không phải doanh nghiệp.
Hãy trung thành với con người vì họ hơn hẳn doanh nghiệp. Một lãnh đạo tốt sẽ biết họ tốt khi những người đứng sau họ đều tốt – và khi họ đặt lòng tin vào ai đó, họ sẽ làm mọi cách để giữ cho người ấy hạnh phúc và cả đội hạnh phúc. Nếu lãnh đạo của bạn không đấu tranh vì bạn, có thể bạn có một ông chủ tệ bạc hoặc bạn là một nhân viên tệ.
10. Kiểm soát sự nghiệp của bạn: đừng làm theo đam mê mà hãy làm theo tài năng của bạn, xác định xem bạn giỏi nhất cái gì và cam kết trở thành người giỏi nhất về điều đó. Bạn không cần phải yêu thiết tha điều đó, miễn đừng ghét là được.
Nếu những thứ bạn đã làm trong thực tế giúp giúp bạn từ tốt trở thành xuất sắc, sự công nhận và tưởng thưởng mà bạn hưởng sẽ mau chóng làm bạn yêu thích khả năng giỏi nhất đó. Và cuối cùng, bạn sẽ có thể định hình được sự nghiệp và chuyên môn để tập trung vào những lĩnh vực mà bạn yêu thích nhất.
11. Đi tìm sự công bằng: sự công bằng vốn dĩ không tồn tại trên đời này, khi bạn dứt áo ra đi người ta sẽ không nhớ tới những gì bạn làm được mà họ chỉ nhớ tới cách bạn bước ra khỏi công ty như thế nào. Vậy nên cách trả thù tốt nhất là hãy sống tốt hơn hoặc ít nhất là không bao giờ nghĩ về điều đó – người đã làm cho bạn thống khổ.
12. Đến nơi nào mà kỹ năng của bạn có giá trị nhất: trong công ty của bạn, quan sát xem công ty đó làm tốt nhất thứ gì, đó là những công việc kinh doanh cốt lõi của công ty. Và bạn muốn nổi trội ở công ty, bạn phải nghiêng về những công việc đó.
13. Sức khỏe: không cần phải luyện tập tới mức cơ bắp cuồn cuộn hay bụng 6 múi nhưng phải có trạng thái thể chất và tinh thần tuyệt vời. Nếu bạn giữ cho mình một thể chất tốt, bạn sẽ ít có xu hướng bị suy nhược tinh thần, suy nghĩ thấu đáo hơn, ngủ ngon hơn và lan tỏa sức sống cho những người xung quanh.
Trong công việc bạn phải thường xuyên thể hiện sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần – tức là thể hiện sự dũng cảm của bạn. Làm việc 80 giờ mỗi tuần, bình tĩnh đối mặt với căng thẳng, tấn công vào một vấn đề lớn bằng tất cả năng lượng và tất cả phương pháp có thể. Mọi người xung quanh sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng của bạn.
14. Tinh thần doanh nhân: một người có tinh thần doanh nhân hay không sẽ dựa vào ba câu hỏi

Câu hỏi thứ nhất: bạn có thấy thoải mái trước những thất bại công khai hay không ( chẳng có sự biện hộ nào cho thất bại của bạn cả, thất bại đơn giản là thất bại, vậy thôi)

Câu hỏi thứ hai: bạn có thích buôn bán hay không? Doanh nhân đồng nghĩa vời từ con buôn, nếu bạn thích buôn bán và buôn bán giỏi thì bạn sẽ luôn kiếm được nhiều tiền hơn những người khác.

Câu hỏi thứ ba: bạn có thiếu những kĩ năng để làm việc cho những công ty lớn? Để thành công trong những công ty lớn là chuyện không dễ dàng và bạn buộc phải có những kĩ năng của riêng mình, bạn phải chan hòa với mọi người, chấp nhận bất công, làm việc chăm chỉ để nâng cao kĩ năng của bản thân hơn. Vì vậy, công ty lớn là môi trường tốt để bạn mở rộng những kĩ năng của mình.
Nói tóm lại hãy tự hỏi chính bạn về những câu hỏi mà tác giả đã đặt ra về cá tính và kĩ năng của bạn, từ đó đưa ra cho bản thân chiến lược phát triển sự nghiệp phù hợp nhất.