Nếu bạn làm việc xứng đáng được trả 20 đồng nhưng chủ doanh nghiệp chỉ trả cho bạn 10 đồng, bạn có làm hết mình với công việc ấy không? Sẽ có vô vàn những câu trả lời và tình huống khác nhau xoay quanh câu chuyện này. Có người dù năng lực có thể làm rất xuất sắc ở mức 20 đồng nhưng vì chỉ được trả với mức 10 đồng nên anh ta làm ở mức 10 đồng thôi. Chưa kể có những người dù được trả ở mức 10 đồng nhưng chỉ làm ở mức 5 đồng, 3 đồng, thậm chí là 1,5 đồng.
Vậy thì nhóm người dù được trả mức 10 đồng nhưng vẫn làm như thể mình được trả 20 đồng, chúng ta gọi họ là những người DẤN THÂN, làm vì đam mê. Nhóm người thứ 2 là được trả 10 đồng và làm việc tương xứng với những gì được trả, ta gọi họ là những người có TRÁCH NHIỆM. Nhóm cuối cùng, dù được trả 10 đồng nhưng chỉ làm với mức 5 đồng, 3 đồng hay 1,5 đồng thì họ là những người làm ĐỐI PHÓ.
Nói đúng hơn nữa, nhóm số 1 là nhóm quên mình, nhóm số 2 là nhóm hết mình, còn nhóm cuối cùng là nhóm mất mình. Có rất nhiều người ở nhóm số 3 khi nhìn vào nhóm số 1 sẽ nói rằng nhóm này ngu, được công không tương xứng mà vẫn làm như trâu như chó. Thực ra những người thuộc nhóm số 3 sẽ không bao giờ hiểu được những người thuộc nhóm số 1. Bởi chim sẻ thì khó mà hiểu được lòng dạ của đại bàng, bởi chim sẻ đã bao giờ là đại bàng đâu mà biết. Nhưng đại bàng thì chắc chắn hiểu được nỗi lòng của chim sẻ vì trước khi thành đại bàng thì họ đã từng là chim sẻ, thậm chí còn làm sâu bọ nữa (nếu xuất phát điểm quá thấp).
Đây là những chia sẻ rất thú vị trong cuốn sách “ĐÚNG VIỆC” của tác giả Giản Tư Trung. Khi đọc cuốn sách này, những chia sẻ của thầy đã khiến mình vô cùng thích thú. Bởi lẽ có những điều mình đã làm được, làm rất tốt, đến nay mình mới gọi được tên của nó.
Bản thân mình ngày còn đi làm thuê, sếp giao việc gì mình cũng hết lòng để làm một cách xuất sắc nhất có thể. Khi ấy có những người nói với mình, tội gì mà phải làm hết lòng hết dạ, bảo mình thực sự rất khờ, lương thì có bấy nhiêu thôi mà lại làm bao nhiêu là việc. Nhưng mình vẫn quyết định làm trọn vẹn, hết mình với những gì được giao, bởi đó chính là uy tín, là thương hiệu cá nhân của mình. Mất tiền chỉ là cái mất rất nhỏ, mất danh dự, mất nhân phẩm, mất mình mới là cái mất lớn. Trước khi làm ra tiền mình phải làm ra mình và ra việc đã. Đó là lý do vì sao khi được giao bất cứ công việc gì từ dẫn chương trình, viết bài, quản lý website, fanpage, đào tạo người mới, hay tổ chức các sự kiện, mình đều lăn xả ra làm.
Có thời điểm vừa dẫn chương trình vừa nhét hai chiếc điện thoại vào túi quần. Để dù có khách đến mình vẫn có thể nghe và tư vấn cho khách. Việc phụ đang dấn thân làm nhưng cũng không bao giờ được quên trách nhiệm với việc chính. Đó là lý do vì sao mình làm gì cũng được mọi người yêu thương, trân quý và giúp đỡ. Vì họ đã quá hiểu con người của mình, cách mình làm việc đã trở thành thương hiệu trong mắt họ. Có lẽ hành trình này bắt nguồn từ câu nói mà mình từng nói với thầy chủ nhiệm năm cấp ba đó là “nếu em không nhận làm thì thôi, còn khi đã nhận làm thì em phải làm nó một cách xuất sắc nhất có thể”.
Mình mang tâm thế, cách làm này đi khắp nơi. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao đi đến đâu, làm ở vị trí nào, ở mô hình doanh nghiệp nhỏ hay lớn, mình đều tạo nên được dấu ấn riêng. Và chính điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định quan trọng trong sự nghiệp của mình. Thời điểm mình rời các công ty, lúc nào mình cũng nhận được đề nghị đó là làm song song hai việc. Nhưng mình toàn từ chối vì với mình khi đã làm việc gì đó, phải dồn trọn vẹn tâm trí, trái tim mình vào thì mới có thể tạo nên thành quả được.
Mình chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, đừng lo người khác lợi dụng chúng ta, chỉ sợ ta không có gì để họ lợi dụng mà thôi. Những việc sếp giao, nếu có thể đảm đương tốt trong khả năng, sở trường của bạn thì hãy hết mình làm nó. Sau này chính sự nỗ lực, cố gắng ấy lại trở thành khối tài sản to lớn của bạn đó. Đừng bao giờ đánh mất mình chỉ vì mức lương, được trả ít hay trả nhiều là do môi trường làm việc của bạn quyết định, nếu không hài lòng bạn có thể thương thuyết hoặc rời đi. Còn lựa chọn cách làm việc thế nào, tâm thế làm việc ra sao, nó lại nằm ở LỰA CHỌN của bạn. Dù còn làm một ngày thì vẫn phải làm hết mình, quên mình, để không hổ thẹn với lòng mình. Sau này đi đến đâu, mỗi lần ai đó nói đến bạn họ đều nói đến con người chân thật của bạn như “con bé ấy làm xuất sắc lắm, nó làm gì cũng đến nơi đến chốn, đó là một đứa hoàn toàn có thể tin cậy được”. Đó không chỉ là công việc mà còn là nhân phẩm, là lối sống và nhân cách của bạn nữa.
Mình có một học viên đi làm ở môi trường nhà nước, dù ban đầu xuất phát điểm của em cực kì xuất sắc. Ra trường với tấm bằng giỏi, chuyên môn tốt, năng lực làm việc không chê vào đâu được. Nhưng khi bước vào môi trường làm việc truyền thống, em bị mất động lực phấn đấu. Em thả trôi bản thân, làm vì trách nhiệm mà thôi. Đó là lý do vì sao 3 năm đi làm đầu đời em thấy mình “phèn”, vì chả dám sống đúng với lý tưởng, hoài bão và khát khao của em.
Mình bảo em, tại sao em lại phải đánh mất mình, cứ sống như cách em muốn, sống như con người thật sự của em. Cứ hết mình cống hiến cho tổ chức, mỗi việc em làm, mỗi điều em nói hãy cứ làm với 200% năng lượng của em đi. Em sẽ thấy em yêu công việc của mình vô bờ bến và thấy mọi thứ mình làm vô cùng ý nghĩa. Tổ chức nào cũng cần thời gian để thay đổi, để thanh lọc, môi trường nhà nước cũng thế. Các bác phía trên đang từng bước cải tổ, tinh chỉnh bộ máy, các bác ấy rất cần những người trẻ, dám xông pha và dám nói lên tiếng lòng của mình em ạ. Đi làm sếp không hẳn là các sếp đâu, sếp lớn nhất chính là LỢI ÍCH CỦA TỔ CHỨC. Khi ta làm vì ông sếp lớn này thì bất cứ ai cũng đều ủng hộ, chỉ có điều ta phải nhìn rõ lợi ích thật sự mà ta có thể mang lại cho tổ chức dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Có thể mình vốn là người lạc quan, yêu công việc nên dù làm ở tổ chức nào mình cũng có thể nhìn ra cái hay, cái sáng của tổ chức ấy. Mình luôn tâm niệm mình phải yêu tổ chức, yêu công việc, yêu nơi mình làm thì mình mới có thể đóng góp, và hết mình với nó được. Khi nào mỗi cá nhân đều yêu việc mà mình làm, yêu đơn vị mà mình công tác như thể mình là người sáng lập nên nó thì tổ chức ấy sẽ phát triển một cách nhanh chóng. Để thay đổi hàng trăm người thì rất khó nhưng để thay đổi bản thân thì rất dễ. Ta hãy làm trước, làm để tìm ra con người của chính mình. Chỉ có làm việc, cống hiến hết mình ta mới nhận ra sở trường, sở đoản của bản thân qua từng bài học, từng nhiệm vụ.
Mà khi tìm được chính mình rồi thì làm gì cũng dễ, làm gì cũng thành công. Tư duy đúng rồi thì dù có làm công việc chân tay cũng thành công. Mình đã đồng hành rất nhiều trường hợp chỉ làm gội đầu dưỡng sinh thôi nhưng thu nhập không giới hạn. Họ vẫn có thời gian cho con cái, cho bản thân mà vẫn được làm công việc họ yêu thích mỗi ngày. Biết mình thích gì, yêu gì, giỏi gì quan trọng lắm các bạn ạ. Đó đúng kiểu, làm việc mà như không, bởi đó là cách họ được sống trọn vẹn mỗi ngày. Khi nhìn ai đó làm việc, bạn sẽ dễ dàng để nhận ra, họ có yêu công việc của mình hay không? Bởi nếu yêu thì tình yêu ấy sẽ tràn đầy ra ngoài và khiến con người của họ sáng lấp lánh.
Còn bạn, bạn có đang đánh mất chính mình trong công việc không? Công việc bạn đang làm hiện tại có khiến cho bạn được sống đúng với con người thật của mình chứ?