Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt không có ý so sánh giữa vai trò của người mẹ và người thầy mà chỉ để muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình. Bởi gia đình chính là nền móng vững vàng hình thành nên nhân sinh quan, phẩm hạnh và tính cách của mọi đứa trẻ. Bất cứ một đứa trẻ nào lớn lên bị méo mó về mặt nhân cách đều bắt nguồn từ việc có một tuổi thơ bất hạnh. Đói nghèo về vật chất không bao giờ là vấn đề nhưng đói nghèo về tinh thần, về tình yêu thương thì sẽ gây ra nỗi bất hạnh cực kì lớn mai sau. Sau đây là một số những điều mình vô cùng tâm đắc với cuốn sách này, nhờ chúng mình đã có thêm những hành trang cần thiết để song hành các con mai này.
1. LUÔN CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON TRƯỚC MỖI THỬ THÁCH
Mình luôn nói với chồng và những người xung quanh rằng mình là người rất may mắn. Mình không phải chỉ nói miệng mà từ trong sâu thẳm mình thực sự cảm thấy như vậy. Dù không theo bất cứ tôn giáo nào nhưng mình cực kì tin vào đấng tối cao, mình luôn tin tưởng Người đang dõi theo mình và sắp xếp cho mình những gì tốt nhất. Điều duy nhất mình cần làm chính là sống, làm việc và cống hiến cho thật tốt. Làm thật nhiều những điều tốt đẹp và tích cực cho cộng đồng. Hơi dài dòng một chút, nhưng mình muốn nói tới sự ưu ái này bởi vì mình cảm thấy chính mình cũng có được sự may mắn đó trong vấn đề nuôi dạy và đồng hành cùng con.
Mình chỉ đọc sách về nuôi dạy con khi mình mới lấy chồng, trước đó chủ đề này với mình là một trang giấy trắng. Tuy nhiên vì đọc rất nhiều những dòng sách tâm lý, khoa học nên ít nhiều mình cũng hiểu về tâm lý và não bộ của trẻ. Vậy nên dù chưa học nhiều, đọc chưa sâu nhưng tới giờ khi soi chiếu lại mình làm đúng rất nhiều thứ. Đặc biệt là trong việc CHUẨN BỊ TÂM LÝ cho con, hay nói đúng hơn mình đã yêu thương con đúng cách.
Khi Cốm còn nhỏ, mỗi lần đi tiêm phòng, mình sẽ thường chia sẻ với con rằng “tiêm chỉ hơi đau một chút thôi con ạ, con cố gắng nhé, lúc nào mẹ cũng ở đây bên em”. Lớn hơn, con đã bắt đầu có thêm nhiều trải nghiệm, mình sẽ chia sẻ với con “vì sao ta cần phải tiêm, tiêm thì đau như chút như con kiến nhưng nó sẽ giúp ta phòng chống những bệnh tật mai sau”. Ngày ấy mình không biết là con hiểu được bao nhiêu phần nhưng nhờ phương pháp này mà nàng nhà mình sẽ dũng cảm hơn khi gặp bác sĩ. Tiêm xong con rất ít khóc mà thường đòi mẹ đưa đi chơi, con cũng xem việc đi tiêm là một trải nghiệm vui chứ không hề đáng sợ. Mình thầy nhiều cha mẹ hay doạ con là tiêm mà khóc là ông ba bị bắt, hoặc chú công an đến đưa về đồn…mình không đồng ý với cách này, vì như thế sẽ chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi và ám ảnh với những điều không có thật, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến trái tim non nớt của trẻ.
Đọc sách mình ấn tượng với một vị bác sĩ khi nói với con của tác giả rằng “tiêm sẽ hơi đau một chút con nhé, nhưng nó sẽ diễn ra rất nhanh thôi”. Cô ấy hỏi bác sĩ tại sao bác sĩ lại nói như vậy, bởi cô thấy không có nhiều vị bác sĩ nói ra được điều ấy với các con. Đáp lại câu hỏi của cô, vị bác sĩ ân cần trả lời “vì tôi không muốn trẻ thấy ngay cả trên tay của mẹ mà vẫn không được an toàn”. Chi tiết rất nhỏ này nhưng đã khiến cô ấy xúc động và bản thân mình đọc cũng xúc động không kém. Vị bác sĩ thật sự rất tuyệt vời bởi ông luôn muốn trẻ hiểu rằng “nơi an toàn nhất chính là vòng tay của mẹ”, ông không muốn chỉ vì chuyện đi tiêm mà phá vỡ niềm tin ấy ở trong trẻ.
Tới khi đi học mình cũng làm tương tự, trước khi con đi học, mình cùng chồng cho con ra trường mầm non. Mình muốn cho con được trải nghiệm về ngôi trường, về lớp học và khung cảnh các bạn nhỏ khác tới trường vui như thế nào. Cứ thế, đến khi vào năm học, dù khóc một chút khi phải xa vòng tay mẹ nhưng chỉ một lát sau là con có thể hoà nhập với bạn bè và hai cô. Con đã có những năm tháng học mầm non vô cùng hạnh phúc dù là học ở trường quê hay trường thành phố.
Năm nay gái yêu nhà mình vào lớp 1, vợ chồng mình cũng áp dụng cách này. Ban đầu chúng mình sẽ đi lựa chọn trường trước, khi đã tìm được ngôi trường phù hợp, hai vợ chồng mới dẫn con tới trường để con tham quan. May mắn nữa là trường mầm non của con cũng tổ chức buổi trải nghiệm để con cùng các bạn được tới tham quan toàn bộ ngôi trường tương lai của con. Khi biết, con vui lắm, còn không quên khoe với các bạn rằng đây là trường tớ sẽ học trong tương lai đấy. Có bạn không tin, thế là nàng ấy bảo mẹ nói với bạn ấy sự thật, mẹ ra xác nhận với bạn thân của nàng ấy rằng những gì Cốm nói là đúng. Sắp tới bạn Cốm sẽ theo học tại đây, cô đã đăng kí cho Cốm rồi. Cốm vui lắm vì như thế nghĩa là Cốm luôn nói đúng sự thật với các bạn của mình. Đây là điều mà con rất coi trọng. Đến giờ con đang theo học tại ngôi trường này với lớp học nhỏ mang tên “tự tin vào lớp một”. Hôm nào đi học về cũng khoe với mẹ đi học vui lắm mẹ ạ, con học được bao nhiêu điều thú vị. Nhìn con gái đi học vui vẻ, rạng rỡ mà mình hạnh phúc vô cùng.
Vậy nên mình rất mong cha mẹ khi định cùng con trẻ làm việc gì đó hãy CHUẨN BỊ TÂM LÝ thật tốt cho con. Với chúng ta đó có thể là việc nhỏ nhưng với các con thì KHÔNG CÓ VIỆC NÀO LÀ NHỎ CẢ. Mọi thứ trong mắt của các con đều là việc rất lớn. Mình luôn tâm niệm, con của mình rồi sẽ lớn rất nhanh, thế nên mình luôn tận dụng và trân trọng mọi khoảnh khắc bên con. Mỗi lần con chia sẻ hay hỏi mình điều gì, mình đều hết sức tập trung để lắng nghe và cùng con thảo luận. Mình luôn cảm thấy rất may mắn và biết ơn khi có một cô con gái đáng yêu, xinh xắn để bầu bạn với mình. Có chuyện gì mẹ con mình đều có thể tâm sự, chia sẻ với nhau được. Kể cả chuyện con thích bạn nào trong lớp con đều kể cho mình nghe.
Mình luôn tin rằng tình cảm giữa các con rất trong sáng và rất đẹp, thế nên khi nghe con gái nói con thích bạn Bách, sau này lớn lên con sẽ cưới Bách mình cùng ông xã sẽ cười và nói rằng. “Thật ấy à, vì sao con lại thích bạn ấy? kể mẹ nghe, bạn ấy có những đức tính gì mà khiến con quý mến đến vậy?”. Con gái kể rằng Bách rất cao, rất nam tính, thường xuyên trò chuyện, chơi cùng con, đặc biệt là bạn ấy rất nhường con nữa. Mình bảo thế à, ngày bé mẹ không nhớ mẹ có thích ai không cơ, vì ngày xưa xa lắc rồi. Thế ở lớp ngoài Bách ra thì con còn chơi với bạn nào nữa không? Và con gái kể cả đội bạn thân của con, 5 nam, 5 nữ. Và hoá ra các con đều biết ghép đôi với nhau để chơi trò chơi gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị em. Cốm còn kể các con đóng vai gia đình thế nào, bố thì mặt phải nghiêm ra sao…mẹ thì dịu dàng thế nào. Mẹ nghe mà thấy các bạn nhỏ quan sát và bắt chước xuất sắc quá.
Sinh nhật con gái mình cũng tổ chức bữa tiệc ngọt nho nhỏ để con mời các bạn của mình tới chơi, khi các bạn sinh nhật, con muốn tặng quà cho bạn, mình đã cùng con chuẩn bị thiệp và quà. Bạn thân nào của con cũng đều rất vui khi nhận được món quà từ Cốm. Đến giờ dù đã mỗi bạn học một trường nhưng con gái cùng các bạn vẫn luôn nhắc tới nhau với những kỉ niệm rất đẹp. Lớp mới, trường mới, con gái cũng đã có thêm những người bạn mới. Bách cùng các bạn thân ngày nào đã được thay thế bởi những cái tên mới, tuy nhiên mình tin rằng những kỉ niệm mà con đã có với các bạn sẽ luôn còn mãi trong trái tim con. Với mình khoảnh khắc nào cũng đáng quý và trân trọng, tình bạn nào cũng ấm áp và ngọt ngào. Điều mình hướng tới là dạy cho con cách tôn trọng, yêu thương bản thân, khi ấy con sẽ biết cách để yêu thương và tôn trọng tất cả những mối quan hệ xung quanh. Mình trân trọng và tôn trọng những người bạn mà con kết giao, luôn sẵn sàng song hành và giúp đỡ con như một người bạn. Mình không muốn gieo rắc những ý nghĩ phức tạp vào đầu con trẻ như cách mà ngày xưa mình đã từng bị. Mình sẽ nỗ lực để trở thành một bà mẹ như mình thường ước mong.
2. NUÔI DƯỠNG NIỀM YÊU THÍCH HỌC TẬP CỦA TRẺ
Mình rất tâm đắc chiến lược của tác giả đó là cấp một tập trung vào nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập cho trẻ, cấp 2 là phương pháp học tập và cấp 3 chính là sự chuyên cần, chăm chỉ. Chiến lược này hoàn toàn phù hợp với mong muốn và tư duy của mình. Mình luôn chia sẻ với chồng và các cô giáo của con đó là từ mầm non đến hết cấp 1 thứ duy nhất mình muốn bảo về đó là NIỀM YÊU THÍCH học tập của con. Vậy nên mầm non mình xin phép cô không luyện viết cho con ở nhà, bài ở trường cô giao con vẫn hoàn thành rất tốt. Buổi tối hai mẹ con mình sẽ học những thứ con thích như vẽ tranh, đọc sách, đọc chữ qua các trò chơi nhí nhố mà bố mẹ tổ chức. Đến nay nàng nhà mình vẫn vô cùng yêu thích việc học, với con trường học luôn ẩn chứa những điều thú vị.
Cô giáo chủ nhiệm lớp tự tin vào lớp 1 của con nói với mình rằng “Cốm học thứ gì con thích thì tập trung cao độ lắm chị ạ, có hôm quên mất là mình đang làm lớp trưởng phải đứng lên cho các bạn chào cô khi cô bước vào lớp. Cô đang không biết con làm gì mà say mê đến thế, hoá ra là con đang vẽ tranh.” Dĩ nhiên sau lời nhắc nhở của cô, con đã chú ý hơn, lần sau hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Vậy nên mình luôn nói với các cha mẹ rằng, đừng nói trẻ không tập trung, thực ra đứa trẻ nào cũng sẽ cực kì tập trung nếu con được làm những điều mà con yêu thích. Việc của cha mẹ chúng ta là cùng con khám phá xem con thích làm gì, học gì, chơi gì và kiến tạo ra môi trường để con có thể được phát triển sở thích đó.
Khi mình cùng con gái ở nhà, con gái có thể tha hồ vẽ tranh, gấp giấy, tô tượng, nặn đất và làm những gì con thích. Con học xong ngôi nhà thành bãi chiến trường, nhưng bù lại thành quả lại rất ngọt ngào. Con thường có những sản phẩm rất đẹp mắt, đến nỗi con ngủ rồi chồng vẫn còn thì thầm vào tai mình mà tâm sự “nay con vẽ đẹp lắm em ạ, anh hỏi là con vẽ ai thì con nói là con vẽ chị Nấm, chị gái của bạn Sóc trai, mấy bức hình khác con vẽ cảnh cũng rất đẹp.” Xong còn kéo mình ra ngoài để đưa cho mình xem, lúc ấy mắt của chồng đầy ắp niềm hạnh phúc. Mình bảo, con thích vẽ lắm chồng ạ, nên em cứ để cho con được thoải mái sáng tạo. Nhà bừa bộn chút thì em dọn sau, miễn sao con vui vẻ và hạnh phúc khi được làm điều mình thích là được. Chồng mình cũng hoàn toàn ủng hộ vợ, thế nên anh luôn vui vẻ mỗi khi ngắm nhìn con gái học những gì con thích. Có hôm còn rủ con chơi cờ vua – bộ môn mới của con ở trường cấp 1. Nhìn hai bố con tập trung cao độ để tính nước đi, trong lòng mình đầy ắp những yêu thương và sự biết ơn. Mình ghi những điều ấy vào cuốn sổ lòng biết ơn, thi thoảng đọc cho con gái nghe. Con gái thích thú vô cùng, còn bảo, con viết được nhiều chữ con cũng sẽ làm một cuốn cho riêng mình. Mình bảo mẹ hoàn toàn ủng hộ gái yêu.
Lớp kid thuyết trình mùa ba của mình lần này mình chú trọng đến việc NUÔI DƯỠNG NIỀM YÊU THÍCH HỌC TẬP cho các con. Mình luôn nhắn nhủ với các phụ huynh là hãy GHI NHẬN, KHEN NGỢI con nhiều hơn, đồng thời đừng ép con phải quay đi quay lại một nhiệm vụ nào đó quá nhiều lần. Bởi chính điều đó sẽ khiến con ác cảm với việc học, mất đi niềm hứng khởi là mất đi năng suất học tập. Thà để con hứng thú hoàn thành trong 10 phút còn hơn là cho con hoàn thành bài trong 100 phút nhưng lại uể oải, chán chường. Sự yêu thích của các con với bất cứ thứ gì hay môn học nào sẽ tác động rất lớn đến kết quả mà các con đạt được. Thế nên không tập trung vào kết quả mới tạo nên kết quả xuất sắc, hãy chú tâm nhiều hơn tới tinh thần, cảm xúc và sự hứng khởi của trẻ các cha mẹ nhé. Đặc biệt là với việc học tập của con. Cấp 1 mình chú trọng nhiều tới việc bồi dưỡng niềm yêu thích học tập của con. Cho con được làm, được học, được trải nghiệm nhiều nhất những điều con say mê. Đó chính là tiền đề vững vàng để con bước vào cấp 2 và cấp 3 sau này.
3. BAO DUNG VỚI NHỮNG SAI LẦM CỦA CON
Mình vốn là người rất quan trọng về cảm xúc và tinh thần, thế nên mình cũng luôn đặt yếu tố này lên hàng đầu trong gia đình. Chúng mình có thể ăn đói một chút, ngủ muộn một chút nhưng cả nhà sẽ luôn trong trạng thái vui vẻ, hạnh phúc. Tối qua, sau khi cả nhà đi bơi về, hai vợ chồng cùng nhau dọn nhà, anh xã phụ trách việc lau nhà, mình gấp đồ, con gái thì ngồi đọc thời khoá biểu, soạn đồ bỏ vào ba lô để mai đi học. Mình bảo chồng, nay em mệt quá ngủ quên, giờ mới chấm bài được, chồng cùng con đi đánh răng rồi đọc truyện cho con nhé. Chồng vui vẻ đồng ý, tới khi mình quay lại giường thì hai bố con đang ôm nhau cười nắc nẻ.
Sáng nay chồng kể lại, chồng bảo tối qua bố nói nếu giờ đọc sách xong mới đi đánh răng thì bố đọc cho con hai quyển truyện thôi còn nếu con đánh răng xong rồi vào nghe bố đọc thì bố sẽ đọc cho tận 4 cuốn. Cốm vui vẻ lựa chọn phương án 2, tự đi đánh răng để vào nghe bố kể. Tuy nhiên nàng đánh hăng say quá nên ướt hết áo, khác với mọi lần bố sẽ nói một hai câu nhưng lần này bố chỉ bảo “em ướt áo rồi à, lần tới chú ý nhé con gái, con đi lấy đồ thay đi rồi qua đây bố kể chuyện cho”. Con gái vui vẻ nói “vâng ạ” rồi qua phòng lấy đồ thay. Kết quả là hai bố con đã có một buổi tối ấm áp, hạnh phúc bên nhau. Lúc nãy chồng gọi cho mình, mình mới khen đợt này chồng em đáng yêu thế, bao dung hơn với những lần mắc lỗi của con. Chồng bảo vợ biết tại sao không? Là do anh đọc sắp xong cuốn sách vợ đưa rồi đấy, cuốn “giáo dục tuyệt vời nhất là đơn giản nhất”.
Mình hạnh phúc vô cùng mọi người ạ, thực ra chồng mình siêu tốt. Mình và con đều rất yêu và trân trọng anh, tuy nhiên anh nhà mình là người rất nguyên tắc và chỉn chu, nên nhiều khi hai mẹ con phạm lỗi chút là bố sẽ nói hơi lâu. Điều đó khiến cả hai mẹ con đều không vui, đôi khi còn không thích bố ở nhà. Hôm nay chồng bảo “anh biết anh phải làm thế nào rồi vợ ạ, đó là lý do vì sao hôm qua con ướt áo anh không nói gì mà rất nhẹ nhàng bảo con thay đồ rồi vào phòng bố kể chuyện cho em nghe. Anh biết khi con làm ướt áo, nhìn đôi mắt trong veo ấy đã hối lỗi lắm rồi, nếu con la con thì thực sự sẽ khiến con rất tổn thương và ảnh hưởng tới lòng tự trọng của con.” Mình thực sự xúc động khi chồng mình đã hiểu được những gì mình làm chỉ bằng việc đọc sách. Mình biết chẳng ai yêu con nhiều như chồng mình, tuy nhiên đôi khi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống nếu không biết cách xử lý chu toàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm của hai bố con. May mắn là chồng mình đã nhận ra và sửa sai rất sớm.
4. BỒI DƯỠNG NHÂN CÁCH, PHẨM HẠNH CHO CON THÔNG QUA CÁC TÌNH HUỐNG
Một đứa trẻ được cha mẹ yêu thương, tôn trọng thì sẽ học được cách yêu thương, tôn trọng bản thân và người khác. Đây là nền tảng quan trọng cho con trong bất cứ mối quan hệ nào. Tuần trước Cốm nhà mình có được làm lớp trưởng một tuần (Cô giáo con cho mỗi bạn được trải nghiệm nhiệm vụ này trong một tuần, Cốm là bạn được làm đầu tiên). Con cũng gặp những thách thức ban đầu khi làm nhiệm vụ này. Thách thức đầu tiên tới từ một bạn gái trong lớp, bạn chạy lung tung quanh lớp, trong khi đó cô giao cho con nhiệm vụ là phải quản các bạn. Thế là con có bảo bạn về chỗ ngồi nhưng bạn đáp lại là không thích về, và còn thách thức con là tao không về mày định làm gì tao, định đánh tao à, tao cho lên bàn thờ đấy. Cốm kể cho mình nghe, mình hơi giật mình nhưng vẫn không thể hiện cảm xúc gì ra bên ngoài, mình chỉ hỏi, thế con đã làm như thế nào với bạn ấy? Cốm không trả lời luôn mà bảo, “mẹ có biết ngồi lên bàn thờ là gì không? là c h ế t đấy”. Mình bảo ừ mẹ biết mà, thế sau đó chuyện thế nào con? Cốm bảo con thưa cô, rồi cô nhắc nhở bạn ấy mẹ ạ.
Lúc này mình bảo con gái, ngày xưa mẹ đi học cũng hay làm cán bộ lớp lắm. Con biết cán bộ lớp là làm việc gì không con? Con gái bảo quản lớp đúng không mẹ? Mình bảo, ừ, quản lớp là một phần, ngày bằng tuổi con mẹ cũng nghĩ thế đó. Nhưng lớn lên mẹ hiểu rằng cán bộ lớp chính là người kết nối các bạn với nhau. Thế nên cấp ba mẹ làm cán bộ lớp khác ngày bé lắm, mẹ thường lắng nghe các bạn, hiểu được lý do vì sao bạn lại làm như thế. Những bạn mà nói những điều không dễ nghe không phải là vì bạn muốn nói vậy mà bạn chưa được ai chỉ cho cách nói đúng đó con gái. Thế rồi nàng lại hỏi mẹ, nếu mẹ là con thì khi gặp chuyện kia mẹ sẽ làm gì? Mình bảo, mẹ sẽ hỏi bạn ấy sao cậu vẫn chưa về chỗ ngồi, cậu gặp chuyện gì à? có cần tớ giúp gì không? Khi được hỏi han như thế, có thể bạn ấy sẽ chia sẻ với con, biết đâu bạn ấy đang đau bụng, muốn đi vệ sinh nên nóng lòng muốn gặp cô để xin ra ngoài. Hoặc bạn ấy muốn đứng đó nói chuyện với con thì sao? Có thể lắm, Cốm đáng yêu, nói chuyện dễ thương thế này bạn nào chẳng thích. Cốm bảo, vâng, con biết rồi, để lần sau con sẽ rút kinh nghiệm. Hôm sau mẹ nghe cô nói là Cốm và bạn kia chơi với nhau rất vui vẻ, như chưa có chuyện gì xảy ra.
Một thành quả nữa mà mình tin mình đã làm rất tốt cho con gái đó là con biết để ý tới cảm xúc của người khác khi định nói ra điều gì đó. Hôm ấy con không thích món chè bí ở trường, nhưng con không nói ra vì sợ bà phụ trách nấu ăn sẽ buồn. Con cứ ngồi nhìn bát chè, khi cô nhìn thấy, con cũng không nói gì, mãi tới khi cô đến bên cạnh hỏi han, con mới nói thầm vào tai cô là “con không quen ăn món này, con ăn vào con sợ con sẽ nôn”. Thế là cô bảo con sang bảo bà đổi thành món cháo cho con nhé. Khi được cô gợi ý, nàng nhanh nhẹn ra đổi sang món cháo. Chiều mẹ tới, nàng cũng nói thầm vào tai mẹ và bảo mẹ đừng nói với ai. Lát sau thì cô kể lại cho mẹ nghe, cô còn không quên khen ngợi em bé vì rất hiểu chuyện và luôn để ý tới cảm xúc của mọi người. Những bài học mà mẹ dạy em ở nhà, em đều rất chú ý khi đi ra ngoài xã hội. Nhất là việc TÔN TRỌNG và chú ý tới CẢM XÚC của những người xung quanh trước khi mình định làm, hay nói một điều gì đó.
Việc bồi dưỡng nhân cách và phẩm hạnh cho con là việc cần làm liên tục, lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Vậy nên mình luôn ý thức làm gương cho con và giúp con hoàn thiện chúng dần dần thông qua các tình huống thường ngày bởi trường đời chính là môi trường học tập tuyệt vời và lý tưởng nhất. Mỗi một tình huống phát sinh sẽ là một tình huống để giúp con học hỏi, phát triển và trưởng thành tốt hơn.
5. CHA MẸ HỌC CÁCH HOÀN THIỆN BẢN THÂN
Mình luôn nói với chồng, chúng ta hãy nỗ lực để trở thành người cha người mẹ mà chúng ta ao ước anh ạ. Em tin chúng ta ở những năm tháng tuổi thơ cũng ước mơ có được sự yêu thương, sự quan tâm hết lòng từ những người cha người mẹ của mình. Ai cũng sẽ có một hình mẫu mà mình ao ước và hướng đến, thế thì ta hãy nỗ lực để trở thành một người như thế trong mắt các con. SOI MÌNH MỖI NGÀY là cách hiệu quả nhất để ta có thể thay đổi, phát triển và trở thành phiên bản tốt hơn. Ta chính là tấm gương để bé con soi vào. Nếu bố mẹ là người ham học hỏi, yêu thích đọc sách thì tự đứa con sẽ được thừa hưởng tinh thần ấy. Nếu bố mẹ là người luôn biết yêu thương, nâng đỡ những người xung quanh thì con cũng sẽ cư xử như thế.
Mình và chồng mắc một bệnh là nói hơi to mỗi khi tranh luận, dù cuộc tranh luận sau cùng đều rất vui vẻ nhưng sau này mình nhận ra, nó ảnh hưởng rất lớn đến con gái. Con thường nói rất to mỗi khi tranh luận điều gì đó với bố mẹ. Lúc ấy mình mới nhận ra không phải tự nhiên con như thế mà là do bị ảnh hưởng từ vợ chồng mình. Từ đó mình hạn chế nói to với chồng, có nói thì lúc nào cũng nhỏ nhẹ, đùa nghịch chứ không nói với âm lượng lớn, sẽ khiến con hiểu nhầm là bố mẹ đang cãi nhau. Mình nhận thấy từ đó con không còn nói to mỗi khi tranh luận nữa. Hoá ra để sửa con thì hãy xuất phát từ việc sửa mình trước.
Chuyện này cũng làm mình nhớ tới một chị, chị bảo mình làm sao để con nhà chị thích đọc sách như con nhà em được. Mình bảo chị là chị hãy đọc sách, tắt hết điện thoại, ti vi vào buổi tối đi. Nhưng chị bảo là nhà chị không làm được vì ai cũng muốn xem, bà thích xem phim, bố nó đi làm cả ngày về mệt muốn xem các chương trình game show, chị cũng thế. Mình bảo thế thì khó lắm chị ạ, chị cứ nói với con là không được ăn món này nhưng chị cứ nấu và bày lên bàn thì làm sao con chị có thể không ăn được. Con sẽ hiểu rằng nếu sau này mình lớn như bố mẹ mình sẽ có đặc quyền được xem ti vi, bây giờ nhỏ nên buộc phải học. Khi ấy con của chị làm sao mà có cảm hứng để học được. Chị càng cấm cái gì con sẽ càng thích, đó là lý do khi bé được ở nhà con sẽ xem hết chương trình này đến chương trình kia. Nếu chị nói với con là ti vi không tốt, khi bé con hỏi không tốt sao cả nhà ai cũng xem thì chị sẽ trả lời thế nào? Rất khó để trả lời phải không? Ti vi đúng là không tốt bởi nó đều là những chương trình thụ động, khi xem ti vi, đại não của chúng ta sẽ ở trạng tháng như là đang ngủ. Trẻ em xem quá nhiều, lâu dần sẽ ảnh hưởng tới chức năng ngôn ngữ và cảm xúc. Đó chính là lý do vì sao càng ngày càng có nhiều trẻ em chậm nói, chậm phát triển, không biết giao tiếp với mọi người. Đó không phải là tự nhiên mà căn nguyên ở việc xem các thiết bị điện tử nhiều quá, đó cũng chính là một kiểu nghèo đói mới. Người lớn xem ti vi nhiều cũng sẽ bắt đầu lười suy nghĩ, lười tư duy, đây cũng là cách nhanh nhất để giúp chúng ta nằm ở tầng lớp những người vô dụng trong tương lai. Với ChatGPT thì điều này sẽ rất nhanh thôi.
Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ phát sinh vô số những tình huống khác nhau, chuyện xem ti vi, chuyện học hành chỉ là một trong số đó. Tuy nhiên nếu cha mẹ chỉ biết lấy quyền uy của mình ra để áp đặt, đàn áp con thì đứa trẻ ấy không chỉ bị tổn thương về mặt tâm lý mà lâu dần con sẽ đánh mất mình, luôn cảm thấy thất vọng và xem thường bản thân. Điều đó sẽ khiến con trở nên ngang ngược, ương bướng, và khó bảo. Thực ra những đứa trẻ ấy là những đứa trẻ đáng thương nhất. Bất cứ ai, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều mong muốn được người khác tôn trọng, yêu thương và trân quý, nhưng vì từ bé các em đã không nhận được điều đó, lâu dần sinh ra phản kháng, chán chường, cuối cùng là trở nên hư hỏng trong mắt mọi người và xã hội. Vậy nên cha mẹ ạ, hãy “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Con của ta hôm nay chính là do ta kiến tạo nên, nếu muốn con thay đổi, con khác đi, hãy bắt đầu thay đổi từ chính chúng ta trước.
Một cuốn sách có rất nhiều những điều ý nghĩa và giá trị cho các cha mẹ. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các cha mẹ có thêm những hành trang vững vàng để song hành cùng con.