Chúng ta đang chuyển dịch từ thời đại công nghiệp (vật chất) sang thời đại lao động tri thức (hợp tác). Bởi vì sự chuyển dịch của thị trường lao động là quá nhanh nên vẫn có những cơ quan, doanh nghiệp chưa kịp thích ứng. Dẫn đến việc có rất nhiều người năng lực chuyên môn cực kì tốt những luôn trong trạng thái mệt mỏi, trì trệ và thiếu sức sống. Lý do vì họ không có đất dụng võ, không có môi trường để giúp họ thể hiện được năng lực, trí tuệ của bản thân. Đó là lý do vì sao rất nhiều người đã chuyển đổi nghề nghiệp, lực lượng lao động tự do tăng lên một cách chóng mặt. Lao động tự do thời đại này không phải là những người có công việc bấp bênh nữa mà họ là những lao động tri thức, tiên phong sống và làm việc theo khao khát, mong ước của bản thân. Thói quen thứ 8 mà tác giả đào sâu trong cuốn sách này là thói quen đi song hành cùng thời đại, cùng sự chuyển dịch này. Cùng mình đào sâu, tìm hiểu cặn kẽ về thói quen số 8 này nhé.
Cuộc đời của mỗi chúng ta chính là một chuỗi các sự lựa chọn, chọn đi đâu, làm gì, ăn gì, sử dụng thời gian ra sao, thậm chí lấy ai, đi cùng ai…sinh con ở đâu chúng ta cũng đều có trong mình quyền năng này. Điểm khác biệt của chúng ta so với muôn loài chính là khả năng tự định hướng cho cuộc sống của bản thân. Trong khi các loài khác chỉ biết phản ứng lại trước những tác nhân thì chúng ta biết cân nhắc để đưa ra những lựa chọn phù hợp dựa trên các giá trị của bản thân. Có một khoảng trống giữa KÍCH THÍCH và PHẢN ỨNG, khoảng trống đó chính là SỰ LỰA CHỌN của ta. Người nào được sống trong môi trường thuận lợi và tình yêu thương vô điều kiện thì khoảng trống này càng rộng, ngược lại những người sống trong những môi trường khắc nghiệt và sống trong hoàn cảnh thiếu tình yêu thương thì khoảng trống này thường rất nhỏ. Ở đây có một điều rất thú vị nữa đó là bạn hoàn toàn có thể LỰA CHỌN khoảng trống này bằng việc mở rộng hay thu hẹp nó dựa vào chính tư duy và con người của bạn.
Khi gặp phải khó khăn, nghịch cảnh có người xem đó là bài học mà trường đời gửi đến để giúp họ học hỏi và trưởng thành, ngược lại sẽ có người xem đó là sự trừng phạt nên họ mãi trách cứ, đổi lỗi và oán trách về mọi thứ đang diễn ra. Hai sự lựa chọn này cũng sẽ cho ta hai khoảng trống khác nhau, với người làm chủ tình huống, chịu trách nhiệm về mọi thứ đến với mình, tìm cách giải quyết chúng để tốt nghiệp bài học hiệu quả nhất thì khoảng trống này rất rộng. Người còn lại phản ứng theo bản năng, để tình huống nhấn chìm bản thân thay vì đứng lên làm chủ tình huống thì khoảng trống này bị thu hẹp lại thành rất nhỏ. Tóm lại đây là món quà tạo hoá trao tặng cho ta, ta có thể mở rộng hoặc thu hẹp khoảng trống giữa kích thích và phản ứng bằng chính sự lựa chọn của bản thân mỗi người.
Món quà thứ hai: quy luật tự nhiên và các nguyên tắc
Dù ta biết hay không biết, hiểu rõ hay không thì những quy luật tự nhiên và những nguyên tắc vẫn luôn được vận hành. Mình ví dụ khi bạn quyết định nhảy từ tầng 13 xuống, giây phút bạn bắt đầu nhảy thì lực hút của trọng trường đã bắt đầu chi phối, bạn muốn thay đổi không nhảy nữa thì cũng không kịp. Đó chính là quyền lực của tự nhiên. Luật nhân quả, quy luật tập trung, hay luật hấp dẫn cũng nằm trong nhóm quy luật này, dù biết hay không biết, tin hay không tin thì nó vẫn vận hành, và bạn sẽ bị chi phối bởi những quy luật này. Tự nhiên cũng ban cho chúng ta quyền được tự do và sức mạnh để chọn lựa, thế nên ta cũng có quyền lực tự nhiên hoặc chi phối đến những thứ khác. Ví dụ môi trường có được bảo vệ hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức và sự lựa chọn của mỗi người. Nếu ta không hài lòng với phiên bản hiện tại của bản thân, ta có quyền được thay đổi và nâng cấp chính mình lên một phiên bản xuất sắc, hoàn thiện hơn.
Quyền lực tinh thần chính là việc sử dụng sự tự do và sức mạnh để lựa chọn một cách có nguyên tắc. Tức là làm việc gì cũng đều tuân theo các quy luật tự nhiên và các nguyên tắc song hành. Mình ví dụ khi một ai đó tự nhiên nổi giận với ta, anh ta bản chất chỉ là tác nhân, điều kiện sẵn có để thổi bùng lên cơn giận đó đã có sẵn bên trong chúng ta rồi. Vậy nên thay vì lựa chọn cãi nhau, đôi co với người này ta dừng lại vài giây để tìm hiểu lý do vì sao họ nổi giận, xem ta cần phải điều chỉnh ở đâu. Nguyên tắc tôn trọng, bình tĩnh, bao dung và luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khác được ta tuân thủ rất tốt trong tình huống này. Người sử dụng nguyên tắc hiệu quả sẽ có sự ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng cũng như toàn xã hội.
Trong việc tuân thủ các nguyên tắc còn một phần nữa vô cùng quan trọng chính là những GÍA TRỊ. Mỗi người sẽ có những giá trị sống khác nhau, vì thế phần này rất có thể gây ra tranh cãi. Tuy nhiên một người mà có giá trị sống dựa trên các nguyên tắc nền tảng thì sẽ giúp cho họ luôn đi đúng hướng. Mình ví dụ giá trị mình hướng tới chính là sự bình an trong tâm hồn, và để thoả mãn giá trị sống này những nguyên tắc đi kèm của mình là sống trung thực, chân thành, tôn trọng mọi người và luôn hướng tới mục đích chung. Chính vì có những nguyên tắc kèm theo nên mình luôn rất thoải mái, vui vẻ mỗi lần làm việc với bất cứ ai hay tham gia dự án nào. Mình luôn có những nguyên tắc nhất định kèm theo nên rất ít khi tạo ra sự nghi ngờ hoặc không thoải mái đền từ đối tác, nhất là về mặt lợi ích chung.
Món quà thứ 3: bốn năng lực của con người
Chúng ta đều biết bốn thành phần của bản chất con người chính là thể xác, trí tuệ, tâm hồn và tinh thần. Tương ứng với bốn thuộc tính này là bốn năng lực mà tất cả chúng ta đều có được, chính là năng lực thể chất (PQ – Physical Quotient), năng lực trí tuệ (IQ – Intelliigent Quotient), năng lực cảm xúc (EQ- Emotional Quotient) và năng lực tinh thần (SQ- Spiritual Quotient).
Sự giao thoa của các đặc tính này giúp ta tìm ra TIẾNG NÓI BÊN TRONG mình.
Đây cũng là phương hướng để mỗi chúng ta tự hoàn thiện bản thân mình một cách trọn vẹn nhất. Trong đó tầm nhìn chính là cách ta nhìn thấy tương lai thông qua cặp mắt trí tuệ. Mọi thứ trên đời đều được kiến tạo qua hai lần, lần thứ nhất bằng sức mạnh tinh thần, lần thứ hai bằng sức mạnh vật chất. Tầm nhìn chính là lần đầu tiên, giống như trước khi ta sở hữu ngôi nhà thực tế thì ta phải sở hữu nó trong tâm trí của mình trước. Đây là lý do vì sao khi làm bất cứ việc gì ta cần phải nhìn thấy đích đến và đầu ra của nó trước khi bắt tay vào làm. Bảng tầm nhìn sinh ra cũng vì mục đích này.
Tiếp theo là sự kỉ luật. Nếu tầm nhìn là đích đến thì sự kỉ luật chính là kế hoạch, là con đường để ta đạt được mục tiêu. Thiếu sự kỉ luật là thiếu sự hoạch định và chiến lược để tới đích. Vậy nên muốn tạo nên thành quả ta buộc phải ưu tiên làm những việc quan trọng, hi sinh những điều không cần thiết nhằm đạt được kết quả lớn lao sau này.
Kế tiếp là sự đam mê. Làm việc mà thiếu đi sự đam mê, nhiệt huyết và máu lửa thì rất khó để thành công. Thiếu đi sự đam mê chúng ta không thể nào cháy hết mình và tạo ra sự vượt trội trong bất cứ ngành nghề nào. Thế nên được làm điều bản thân yêu thích là rất quan trọng, bởi mỗi chúng ta thường dành rất nhiều thời gian cho công việc. Nếu không yêu thích thì không khác gì đày ải cả. Trường hợp chưa tìm được công việc yêu thích hoặc là thay đổi tâm thế về công việc ấy hoặc là chuyển đổi sang công việc khác.
Cuối cùng là lương tâm. Được sống, làm việc theo những giá trị mà bản thân theo đuổi. Giá trị này cần dựa trên những nguyên tắc sống và tuân theo các quy luật tự nhiên. Chỉ có như vậy ta mới sống một cuộc đời hạnh phúc và an nhiên như mình mong ước. Thiếu đi lương tâm, thiếu đi ý nghĩa cuộc đời thì kể cả có đạt được những thành tựu vượt trội ta vẫn luôn cảm thấy mình chông chênh, bất ổn.
Để tìm ra Tiếng Nói bên trong của bản thân ta phải không ngừng nâng cấp cả bốn khía cạnh thân, tâm, trí, thần. Chỉ khi đó ta mới thực sự tìm ra được điều mà người thầy trí tuệ bên trong muốn nói với mình. Trên hành trình ấy ta sẽ khám phá được vô số tiềm năng của bản thân, thấu hiểu được chính mình và cùng giúp được nhiều người khác tìm ra được tiếng nói bên trong của họ.
Một người phải thực sự lãnh đạo được bản thân thì mới có thể lãnh đạo được người khác. Không có sự lãnh đạo nào mạnh mẽ và ảnh hưởng bằng NÊU GƯƠNG. Một tấm gương sáng thì ở đâu cũng có thể tạo nên sức ảnh hưởng và khiến những người khác tâm phục, khẩu phục mà đi theo. Lãnh đạo bằng sức ảnh hưởng có sức mạnh gấp trăm ngàn lần lãnh đạo bằng quyền lực. Và lãnh đạo bằng sức ảnh hưởng khó hơn nhiều với lãnh đạo bằng quyền lực bởi nó cần sự nêu gương, sự định hướng, sự liên kết và cả sự trao quyền. Hành trình ấy không chỉ giúp lãnh đạo hay doanh nghiệp lớn lên mà còn giúp chính mỗi nhân viên lớn lên theo thời gian. Hệ sinh thái cũng vì vậy mà lớn mạnh và phát triển.


