Kỹ năng Rèn luyện

NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP HIỆU QUẢ

“Có chị chia sẻ rằng vì tính chị thẳng nên có gì chị nói đó, thành ra rất nhiều người ghét chị em ạ, chị không biết phải làm thế nào nữa. Chị hoàn toàn không có ý xấu, chỉ là chị không biết nói sao cho vừa lòng người khác, mà giả tạo thì chị không làm được”. Câu hỏi đặt ra là làm sao để vẫn thẳng thắn nhưng người nghe cảm thấy biết ơn, trân trọng chứ không khó chịu hay có hiềm khích với ta?

Mấu chốt nó nằm ở CẢM XÚC mà ta mang tới cho cuộc trò chuyện. Nếu nó là những cảm xúc vui vẻ, tích cực, là sự yêu thương, quan tâm đúng nghĩa thì không ai khó chịu hay hờn giận cả. Nhưng nếu đó là những cảm xúc mang tính tiêu cực như phán xét, chỉ trích, thậm chí là soi mói thì mọi thứ sẽ đứng trên bờ vực đổ vỡ. Để có thể tạo ra được những cảm xúc tích cực ấy, phần lớn nó đến từ TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG mà ta có và cách mà ta đem năng lượng ấy đến cuộc trò chuyện.

Bản thân mỗi người cần phải nỗ lực để kiến tạo tự thân ra trường năng lượng này. Nếu trường năng lượng của ta là -1 thì càng nhân lên nó sẽ càng âm, trường năng lượng là 0 thì nhân bao nhiêu cũng bằng 0, nhưng nếu ta chỉ cần có trường năng lượng là 1 thì nhân lên bao nhiêu nó sẽ dương bấy nhiêu. Chính điều đó sẽ khiến cuộc sống ta chuyển đổi sang một hướng hoàn toàn mới. Để nâng được trường năng lượng bên trong ta cần thực hành thật nhiều về lòng biết ơn, học cách trân trọng những gì mà ta đang có, biết cách yêu thương bản thân và mọi người xung quanh, cười nhiều hơn, đọc những gì hữu ích, tích cực chứ không phải dăm ba câu chuyện trong mục tâm sự trên các trang báo mạng.

Mình đã chứng kiến một người bị nguồn năng lượng tiêu cực phá huỷ khủng khiếp, làm ra những việc khó mà lý giải được như thuê người theo dõi vợ dù vợ rất chuẩn chỉnh, hờn ghen một cách vô cớ, gặp ai cũng cảnh giác như họ sẽ gây ra chuyện gì đó tệ bạc với mình. Những người này nghĩ rất nhiều nhưng suy nghĩ chỉ quẩn quanh những điều tầm phào, lệch lạc và tiêu cực. Những gì ta đọc mỗi ngày chính là thức ăn cho trí tuệ và tâm hồn. Vậy nên đọc quá nhiều những trang báo tiêu cực, xem rất nhiều video chửi nhau đều dẫn đến tư duy lệch lạc, nguồn năng lượng về âm. Khi ta gặp người có nguồn năng lượng tiêu cực, ngay lập tức ta sẽ cảm nhận một sự khó chịu nào đó bao trùm lên, dù họ chưa hề nói gì với ta cả. Do đó để có một cuộc giao tiếp hiệu quả với bất cứ ai, ta cần giao tiếp tốt với chính mình trước.

Tiếp theo chính là NGUỒN NĂNG LƯỢNG mà ta mang đến cho cuộc giao tiếp. Khi giao tiếp với nhiều kiểu người, bạn sẽ thấy có người chỉ cần nói chuyện với họ xong là ta sẽ thấy tinh thần mình sẽ được đẩy lên cao. Bởi ta được ảnh hưởng nguồn năng lượng tích cực từ họ, ta thấy mình có thêm nhiều động lực để bắt tay vào những dự án mà ta đang ấp ủ. Thế nhưng cũng có người sau khi nói chuyện xong, ta chỉ cảm thấy bế tắc, chán nản hơn mà thôi. Vấn đề không phải là ủng hộ, hay không ủng hộ, những người năng lượng tích cực, cách họ chỉ ra cho ta vấn đề cũng khiến ta biết ơn và trân quý chứ không bi quan và chán nản. Vấn đề nằm ở việc những người có trường năng lượng tốt họ sẽ luôn đi theo hai nguyên tắc

Nguyên tắc 1: lắng nghe, thấu hiểu rồi mới chia sẻ

Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong bất cứ mối quan hệ nào, kể cả giữa những người thân yêu trong gia đình. Nếu chúng ta không kết nối được với họ thì chia sẻ, định hướng sẽ không có ý nghĩa gì. Nhiều cha mẹ cứ thao thao bất tuyệt định hướng cho con nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Con lại tiếp tục lặp lại sai lầm của mình, bố mẹ càng quyết liệt phê phán, con lại càng mạnh mẽ chống trả. Dẫn đến nhiều cha mẹ nói con cái ương bướng, hư hỏng. Nhưng sự thật không phải thế, nó nằm ở chỗ cha mẹ chưa kết nối hiệu quả với con mà đã vội khuyên bảo, răn dạy. Bé con không phải không biết phải làm như thế nào nhưng vấn đề là em ấy không thích làm và không muốn làm, nói đúng hơn là không có động lực để làm.

Nếu trong bộ câu hỏi 5W1H (Why, who, what, where, when, how), 5W là cái gốc thì How chỉ là cái ngọn. Ta cần phải kết nối để giúp bé con hiểu sâu sắc được cốt lõi của vấn đề trước. sau đó con sẽ biết phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Con sẽ không hợp tác với ta cho đến khi nào con cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương mà ta dành cho con. Thế nên cốt lõi của việc định hướng luôn phải bắt nguồn từ KẾT NỐI. Ta cần cho đối phương biết ta yêu thương, quan tâm và tin tưởng họ ra sao. Khi họ cảm thấy được yêu thương, cảm thấy có thể tin tưởng ở ta, họ mới bộc bạch chia sẻ lòng mình. Khi đó ta mới nhìn được gốc rễ của vấn đề, từ gốc rễ đó thì lời khuyên làm thế nào mới có ý nghĩa.

Ở đây nhiều bạn sẽ nói với mình là mối quan hệ thân thiết thì còn được chứ mối quan hệ xã giao thì khó mà làm như thế được. Vấn đề nó nằm ở tầm quan trọng của mối quan hệ ấy với bạn. Nếu nó là mối quan hệ xã giao, có cũng được mà không cũng chẳng sao thì bạn mất thời gian cho nó làm gì? Mỗi khi ta dành thời gian cho những việc không quan trọng ta đã lấy mất đi thời gian của những việc quan trọng rồi, thế nên cân nhắc kĩ những mối quan hệ có ý nghĩa với bạn. Thực sự có ý nghĩa, giá trị thì hãy tiếp nhận, còn nếu không thì nên từ chối. Nhất là những người không cùng tầng giá trị, quan điểm sống với bạn thì càng hạn chế tiếp xúc, gặp gỡ càng tốt.

Còn nếu bạn biết đó là người bạn mà bạn rất trân quý, bạn muốn kiến tạo, xây dựng và phát triển mối quan hệ này thì đừng ngần ngại bảy tỏ sự quan tâm tình yêu thương mà bạn dành cho họ. Bạn mong muốn họ hạnh phúc, vui vẻ và bình an cỡ nào. Hãy nói ra. Mình thường xuyên nói những điều này với các cộng sự và học viên. Mình không ngần ngại thể hiện mình yêu thương, quan tâm họ thế nào, mình mong muốn họ có thể thay đổi và phát triển ra sao. Chính điều đó sẽ khiến cho học viên của mình an tâm khi chia sẻ những vướng mắc và khó khăn của họ. Để đến khi mình thẳng thắn chia sẻ những gì mình cảm nhận và định hướng cho họ, họ sẽ lắng nghe mà không bất an hay sợ hãi. Việc tiếp nhận lời khuyên lúc này sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều vì họ đã bỏ được lớp áo phòng thủ của bản thân.

Mình luôn tưởng tượng giữa mình và người mà mình đang nói chuyện sẽ có một tài khoản ngân hàng tình cảm. Những lúc mình tiếp nhận, giúp họ tốt hơn, giúp mối quan hệ của bọn mình phát triển hơn thì mình đang làm cho tài khoản ngân hàng tình cảm tăng lên, ngược lại nếu mình khiến cho mối quan hệ đổ vỡ, đi xuống thì mình đang làm cho tài khoản đó vơi đi. Càng vơi thì chất lượng mối quan hệ càng đi xuống, về 0 hoặc về âm thì bạn biết rồi đấy, mối quan hệ đó đa phần là chấm dứt hoặc có những tổn thương.

Nguyên tắc thứ 2: không cho lời khuyên khi ai đó không cần

Có rất nhiều người gặp chúng ta không phải để xin lời khuyên, họ chỉ đơn giản là giãi bày, tâm sự mà thôi. Khi đó ta chỉ đơn giản là lắng nghe, đồng cảm với họ là đủ. Nếu họ muốn xin lời khuyên họ sẽ nói “nếu chị trong hoàn cảnh của em, chị sẽ làm thế nào, chị thấy em làm vậy có đúng không?”. Lúc này bạn có thể chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình. “Nếu là chị, chị sẽ …hoặc theo chị nghĩ…”. Trong trường hợp bạn biết họ làm sai rồi thì cũng đừng phán xét, chỉ trích họ thêm nữa, mình tin khi trò chuyện với bạn, họ cũng đã rất hối hận rồi.

Lúc này hãy nói với họ “chuyện gì đã qua rồi thì em đừng để trong lòng mãi nữa, quan trọng nhất là chúng ta cần tìm ra hướng để xử lý, học được bài học của mình để sau này không phạm phải một sai lầm nào nữa em ạ”. Nếu lúc này bạn muốn chia sẻ với họ về mặt cảm xúc, bạn có thể kể lại một trải nghiệm nào đó mà bạn đã trải qua, bạn cũng đã sai lầm, hối hận như thế nào, sau đó bạn đã nhận diện, sửa sai, vượt qua và thay đổi ra sao. Đó là cách an ủi tốt nhất cho người kia. Sau khi họ đã ổn hơn về mặt cảm xúc và tự vấn bản thân, họ sẽ tiếp nhận lời khuyên của bạn. Và hành động để thay đổi cục diện mà bản thân đang gặp phải.

Lời nói của mỗi chúng ta đều có một sức mạnh rất mạnh mẽ, vì thế bạn hãy cẩn trọng với những gì bạn nói. Hãy để lời nói của bạn tràn đầy tình yêu thương, sự quan tâm và mang tính xây dựng. Bạn biết không? Đôi khi chỉ một lời động viên, một bài viết của bạn có thể giúp ai đó đứng lên từ hố sâu cuộc đời đấy ạ.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *