Chia sẻ sách Đọc sách Kiến thức Rèn luyện

THUẬT HÙNG BIỆN – BRIAN TRACY

Một cuốn sách rất hữu ích dành cho những ai đang muốn cải thiện kỹ năng hùng biện. Cuốn sách có những chỉ dẫn rất g ía trị dành cho những người mới bắt đầu. Cùng mình điểm qua những điều cốt lõi trong cuốn sách này nhé!

1. NHỮNG YẾU TỐ THEN CHỐT

Ba yếu tố then chốt trong bài hùng biện chính là tính logic, đạo đức và cảm xúc. Sự logic ở đây chính là sự liên kết, tiếp nối giữa các phần với nhau. Nó tạo nên sự liền mạch, đồng nhất trong toàn bài. Đạo đức là sự uy tín của chúng ta khi đứng lên chia sẻ. Sự uy tín này được thể hiện trong tính cách, nhân phẩm và niềm tin mà ta thể hiện trong bài hùng hiện của mình. Cuối cùng là yếu tố cảm xúc, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất. Cảm xúc chính là cầu nối để ta kết nối với người nghe, tạo cho họ động lực để thay đổi và hành động. Suy cho cùng mục tiêu của mỗi bài hùng biện chính là tạo ảnh hưởng lên người khác, để họ lắng nghe, tiếp nhận và làm theo thông điệp mà ta hướng tới. Song song với ba yếu tố then chốt trên chính là ba thành phần quan trọng tạo nên thông điệp mà ta không thể bỏ qua. Đó là ngôn từ, ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể. Ba phần này phần nào cũng quan trọng. Nếu ngôn ngữ cơ thể tự tin, tràn đầy năng lượng nhưng nội dung bài nói nhạt nhẽo, cách nói đều đều thì cũng khó tạo nên một bài hùng biện ấn tượng với khán giả. Thế nên ngoài việc giữ phong thái tự tin, tràn đầy năng lượng khi thuyết trình bằng việc thẳng lưng, mắt bao quát sân khấu, miệng cười, chân hình chữ V, tay thả lỏng thì việc luyện tập thường xuyên để sở hữu một chất giọng trầm ấm, ngân vang là hết sức quan trọng. Cách hiệu quả nhất để có một giọng nói hay chính là học hát và ngâm thơ. Hai cách này giúp ta có thể cảm âm, nhấn nhá cực kì tốt vì trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nắm được cái hồn trong đó thì việc truyền tải nó sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cuối cùng để có thể tạo nên bài hùng biện có nội dung ấn tượng thì phải đọc nhiều, viết nhiều. Đọc nhiều để có ngôn ngữ đầu vào tốt, viết nhiều để cải thiện và phát triển ngôn ngữ đầu ra. Đầu vào, đầu ra cùng phát triển thì kỹ năng hùng biện cũng theo đó mà tiến bộ không ngừng.

2. CHUẨN BỊ BÀI HÙNG BIỆN

Để có bài hùng biện ấn tượng, việc đầu tiên chính là phải hiểu sâu sắc người nghe. Họ là ai? Họ làm công việc gì? Có sở thích, thu nhập, giới tính, niềm tin như thế nào? Họ đang gặp những vấn đề gì trong cuộc sống? Họ mong muốn, kỳ vọng gì đối với lần xuất hiện này của ta? Thấu hiểu sâu sắc được người nghe sẽ giúp ta tạo nên một bài hùng biện sâu sắc, ý nghĩa và chạm sâu tới họ. Tiếp đó là phần dàn ý. Có ba phần dàn ý g ía trị mà ai cũng có thể áp dụng.

Dàn ý PREP

– Point of view: đây chính là quan điểm, suy nghĩ và nhận định ban đầu
– Reasons: lý do để chứng minh cho quan điểm, nhận định phía trên
– Examples: ví dụ cụ thể để minh chứng cho phần nhận định trên
– Point of view: khẳng định lại một lần nữa quan điểm, nhận định trước đó.

Dàn ý theo phương pháp cần gạt nước
– Áp dụng cả não phải lẫn não trái trong tư duy.
– Chia tờ giấy thành hai cột, bên trái là ý tưởng, nhận định; bên phải chính là dẫn chứng để chứng minh cho nhận định đó.

Dàn ý theo phương pháp hình tròn
– Mỗi hình tròn tương đương với một ý tưởng.
– Bài hùng biện ngắn sẽ có 5 hình tròn trong đó, 1 mở, 1 kết và 3 thân. Còn bài hùng biện dài thì phần thân có thêm 2 hình tròn nữa.
– Từ hình tròn này ta có thể tạo nên các hình nhỏ để diễn giải hình tròn chính.

3. ĐỂ CÓ BÀI HÙNG BIỆN XUẤT SẮC

Nhất định phải chuẩn bị thật kỹ càng mỗi lần phát biểu, chia sẻ hoặc hùng biện trước ai đó. Sự chuẩn bị này tới từ việc hiểu sâu sắc về người nghe, lên dàn ý cụ thể và sau đó luyện tập thường xuyên để bài nói trở nên trôi chảy, rõ ràng và có điểm nhấn. Bài hùng biện thường có tám phần chính, các phần này cần có sự gắn kết, logic với nhau để tạo nên tính liền mạch trong toàn bài.
– Mở đầu
– Giới thiệu
– Quan điểm đầu tiên
– Chuyển ý
– Quan điểm thứ hai
– Chuyển ý
– Quan điểm thứ ba
– Kết luận

Có một số nguyên tắc rất thú vị mà chúng ta cũng cần lưu ý: nếu bài nói kéo dài 30 phút thì có 3 ý chính, bài nói 1 tiếng thì 5 ý chính, còn 1.5 tiếng thì có thể lên tới 7 ý chính. Việc tuân thủ thời gian và sắp xếp các ý sao cho phù hợp là cực kì quan trọng. Cuối cùng đó chính là hãy luôn kiểm tra thật cẩn thận 3 yếu tố: âm thanh, ánh sáng và nhiệt độ. Bởi chúng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới bài thuyết trình của chúng ta. Nếu những thứ khác ta đã chuẩn bị rất hoàn hảo nhưng ba thứ trên gặp trục trặc thì sự chuẩn bị của ta sẽ trở thành công cốc. Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp bạn có được những phần cốt lõi nhất để cải thiện và phát triển kỹ năng hùng biện của bản thân.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *