Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện Thái độ

TƯ DUY HỆ THỐNG TRONG CHỌN NGHỀ VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI CHO CON

Tối qua Giáo sư Phan Văn Trường tới với tôi và các học viên như một món quà mà vũ trụ ban tặng. Bởi gần sát giờ lên sóng, bỗng Thầy bình luận bài viết của tôi trong chương trình bế giảng “K4 đọc sách thực chiến”. Thầy bảo làm thế nào để được vào nhỉ? Tôi đã gọi Thầy ngay khi đọc được câu hỏi đó, vì tôi biết nếu Thầy hỏi vậy chắc chắn là Thầy có thời gian. Tôi đã hân hoan đón ông Tiên lên sóng ngay sau đó. Điều thú vị là hôm qua cũng là sinh nhật lần thứ 17 cháu của Thầy. Tuổi 17 ấy cũng chính là cột mốc đánh dấu chặng đường đầu tiên Thầy bước chân sang Pháp du học. Sách “một đời như kẻ tìm đường” cũng được mở đầu với hình ảnh cậu bé Phan Văn Trường 17 tuổi một mình nhập trường tại nước Pháp. Vũ trụ đôi khi kì diệu tới ngỡ ngàng. Thầy đã dành gần 2 tiếng đồng hồ để chia sẻ với hơn 150 học viên xem trực tiếp về những trăn trở, suy tư trong hành trình nuôi dạy, định hướng về tương lai cho con em mai này. Ta hãy cùng nhau một lần nữa điểm lại những bài học quý giá mà Thầy kính yêu đã trao tặng.

1. CHỌN NGHỀ CHO CON

Có hai điều quan trọng về việc chọn nghề cho con mà cha mẹ nào cũng cần phải nhớ.

Thứ nhất đó chính là phá tan lo sợ về tương lai. Ai rồi cũng sẽ có chỗ đứng trong thị trường việc làm. Bởi nếu ta không đi làm thì nên kinh tế sẽ bị sập. Vậy nên thay vì lo lắng, sợ hãi, hãy tập trung vào làm điều tốt nhất cho bản thân và cho nền kinh tế. Tôi cũng đã hỏi thầy một câu về việc AI trong tương lai có lấy mất đi công việc của các con mình hay không? Thầy nói vấn đề không phải là AI mà là vấn đề về giáo dục. AI chỉ là công cụ. Người thông minh, có trí tuệ sẽ biết sử dụng nó để tạo giá trị. Nhưng người kém hiểu biết sẽ không biết sử dụng hoặc sử dụng một cách tiêu cực. Do đó đừng bao giờ đổ lỗi cho AI.

Thứ hai nghề nào cũng là nghề tốt. Quan trọng là phải làm tốt nhất nghề đó, nỗ lực để vươn lên vị trí số 1 trong lĩnh vực của mình. Để làm được điều đó thì con phải tìm ra được điều con thích, thứ con đam mê và tố chất mà con có. Quan trọng là cha mẹ phải tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, quan sát, tiếp xúc với nhiều loại ngành nghề khác nhau. Từ đó giúp trẻ nhận diện những tiềm năng, tố chất và đam mê của bản thân mà tập trung vào. Phần này khi thầy chia sẻ làm tôi nhớ tới cách dạy con từ cha của vĩ nhân Benjamin Franklin. Ngày bé ông cũng đem Benjamin Franklin đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau đó ông đứng lặng lẽ quan sát con trai của mình, xem cậu bé hứng thú với ngành nghề nào nhất. Sau đó mới cho cậu bé theo học lĩnh vực mà cậu quan tâm. Vì biết Benjamin Franklin rất thích đọc sách nên cha ông cho ông đi làm việc ở xưởng in chỗ anh trai mình. Quả nhiên công việc đó đã trở thành sự nghiệp của Benjamin và gắn bó với ông ấy đến hết đời.

Cuối cùng bất cứ đứa trẻ nào cũng nên có hai nghề: một nghề chân tay và một nghề trí óc. Hai nghề này chẳng những không mâu thuẫn mà còn sẽ giúp đứa trẻ phát triển một cách toàn diện. Bởi trên đời này những thứ giá trị nhất luôn được tạo ra từ sự kết hợp giữa đôi bàn tay và khối óc của con người. Khi làm công việc về chân tay sẽ giúp cho trí óc của con người phát triển. Bởi họ phải quan sát kĩ càng, hiểu sâu từng chi tiết mới tạo nên một sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt. Ngược lại khi làm công việc trí óc sẽ giúp chân tay phát triển. Người có tư duy, nhận thức tốt thì kỹ năng cũng sẽ nhanh chóng phát triển khi được rèn giũa thường xuyên.

2. TRANG BỊ TƯ DUY HỆ THỐNG

Đây có lẽ là phần hay và đắt giá nhất tối qua. Trước khi làm bất cứ việc gì ta đều phải tư duy, nhưng không phải tư duy cục bộ mà là tư duy hệ thống – tư duy từ đầu ra. Muốn vậy ta cần nắm chắc 5 câu hỏi:

Thứ nhất là câu hỏi tại sao? Tại sao ta phải làm việc đó, đây là câu hỏi quan trọng để giúp ta nhìn rõ được mục đích mà mình hướng tới trong bất cứ dự án nào.

Thứ hai là làm thế nào để thực hiện được việc đó? Nghĩa là không chỉ dừng lại ở việc nhận biết, thấu hiểu mà còn phải tìm ra được cách hiện thực hóa nó.

Thứ ba làm để làm gì? Nếu hai câu trên là why và how thì câu này chính là what. Làm điều đó để để đạt được những điều gì?

Thứ tư là làm cho ai? Đâu là đối tượng mà ta sẽ cần hợp tác, cần hướng tới trong dự án này.

Cuối cùng cái giá phải trả là bao nhiêu? Đây chính là việc đo lường nguồn lực cần phải tập trung vào, bao gồm thời gian, tâm sức và tài chính mà bản thân sẽ cần phải đánh đổi để nhận được kết quả tốt nhất. Ta không những cần trang bị cho con vì tư duy hệ thống mà chính bản thân cha mẹ cũng cần nỗ lực để làm chủ phần tư duy này. Bởi nếu thiếu tư duy hệ thống thì ta rất khó lòng để đạt được thành công. Ở đây Thầy lấy một ví dụ rất hay, đó chính là câu chuyện người người, nhà nhà đều tập trung cho con học Tiếng Anh. Tuy nhiên sự thật là rất ít đứa trẻ có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh hiệu quả mặc dù đã tốn kém rất nhiều thời gian, tâm sức và tài chính cho các lớp học. Lý do vì cha mẹ thường tư duy cục bộ. Muốn con học giỏi tiếng Anh thì điều quan trọng đó chính là phải xây dựng nền tảng tốt cho con bằng tiếng mẹ đẻ trước. Đặc biệt là nghệ thuật kể chuyện. Một đứa trẻ biết kể chuyện bằng tiếng Việt tốt thì cũng sẽ biết kể chuyện bằng nhiều thứ tiếng khác tốt. Nếu cha mẹ không đi theo tư duy này thì có học bao nhiêu đi chăng nữa, con vẫn không thể nào giỏi ngoại ngữ được.

3. TỰ HỌC, TƯ DO, TỰ LẬP, TỰ CƯỜNG

Thầy luôn nhấn mạnh về việc cha mẹ đừng tập trung vào bệnh thành tích, khoe con mà hãy tập trung vào việc giúp con tìm ra chính mình. Bởi đứa trẻ chỉ thực sự tự học khi nó có động lực và yêu thích thứ mà nó đang học. Còn nếu học chỉ vì cha mẹ ép thì sẽ không bao giờ có được kết quả tốt. Hãy nhớ “trường học sẽ cho con một công việc, nhưng tự học sẽ cho con cả một gia tài”. Đó là lý do vì sao mà chúng ta sẽ cần giúp cho con tìm ra được đam mê, sở thích của bản thân để giúp kích hoạt khả năng tự học ở bên trong con. Và để làm được điều đó, cha mẹ hãy cho con được tự do khám phá về bản thân thông qua những trải nghiệm. Bởi chỉ có trải nghiệm thực sự thì con mới biết con thích gì, muốn gì, giỏi làm việc gì và phù hợp với lĩnh vực nào. Đừng đóng khung con vào một mô hình nào đó.

Một trong những nhược điểm lớn nhất của các cha mẹ Việt đó chính là quá bao bọc con mình. Chính điều này khiến con mất đi khả năng tự lập – tự đứng bằng đôi chân của chính mình. Học cách buông tay để con lớn, cho con được cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chinh phục những thử thách mà cuộc sống trao tặng cho con. Dĩ nhiên cha mẹ sẽ luôn ở phía sau để dõi theo, khích lệ và động viên viên con. Hành trình này giúp con xây dựng được tính tự lập, tự cường, từ đó trở nên tự hào về bản thân.

Cuối cùng đó chính là việc sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và hiệu quả. Thầy nói rằng chúng ta lúc nào cũng tất bật, vội vã nhưng cuối cùng thì lại chẳng làm nên việc gì. Trong khi người Thụy Sĩ, họ lúc nào cũng ôn tồn, nhẹ nhàng, từ tốn nhưng lại làm việc gì ra việc đó. Vấn đề ở đây chính là tư duy trong việc quản lý thời gian của chúng ta. Hãy để thời gian trở thành một người bạn thay vì kẻ thù. Cứ từ tốn làm những việc mà ta cho là quan trọng, cân nhắc kĩ càng, nắm được bức tranh tổng thể rồi mới bắt tay vào hành động thì việc gì rồi cũng sẽ xong. Kết quả bao giờ cũng vượt mong đợi. Tránh việc hấp tấp, vội vàng rồi lại loay hoay làm đi làm lại.

Một lần nữa con xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới Giáo sư Phan Văn Trường – người Thầy đáng kính của chúng con. Biết ơn Thầy vì đã luôn dành thời gian để nâng đỡ, song hành và góp sức cho những cánh chim cuối đàn như chúng con. Mong Thầy kính yêu luôn khoẻ mạnh để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà vũ trụ đã trao cho Thầy!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *