Cảm nhận sau khoá học

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CON CỦA NGƯỜI DO THÁI

Do Thái được mệnh danh là dân tộc thông minh nhất thế giới. Đó không phải là do di truyền mà nằm ở chất lượng giáo dục của dân tộc này. Đặc biệt là giáo dục gia đình, cha mẹ Do Thái vô cùng chú trọng đến việc nuôi dạy và rèn giũa con cái của mình trong rất nhiều khía cạnh khác nhau từ thời tấm bé. Vậy họ đã làm như thế nào? Cụ thể trong từng lĩnh vực ra sao? Đâu là chiến lược cốt lõi mà họ tập trung vào? Hãy cùng mình làm rõ nhé.

1. Tôn thờ trí tuệ

Cha mẹ Do Thái vô cùng tôn thờ trí tuệ, với họ thứ quan trọng nhất chính là trí tuệ của bản thân. Bởi dù địa vị, danh lợi hay tiền bạc có mất đi thì trí tuệ vẫn luôn còn mãi, không ai có thể lấy nó khỏi đầu ta. Trí tuệ còn thì tương lai sẽ vẫn luôn tươi sáng. Vậy nên cha mẹ Do Thái luôn ưu tiên bồi dưỡng khả năng học tập cho trẻ. Không chỉ là giáo dục trường học, giáo dục gia đình mà còn là kỹ năng tự dạy, tự học của trẻ nữa. Để làm được điều đó họ đã bắt đầu với hai chiến lược.

Một là sắp xếp cho trẻ làm việc nhà vượt khó độ tuổi để con tự rèn giũa mình.
Hai là dùng các kênh khác nhau để tiếp thu kiến thức. Quá trình này được cụ thể hoá bằng bốn phương thức. Bốn phương thức này ngay cả các bạn sinh viên hoặc người lớn chúng ta cũng có thể áp dụng được. Bởi nó giúp ta định hình mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu và triển khai sao cho hiệu quả
– Thu thập tài liệu: thu thập ở nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, tài liệu, video…
– Sàng lọc tài liệu: sau khi thu thập được rồi ta cần định hướng để con biết cách phân loại nó ra thành các nhóm. Tiếp đó là tìm hiểu các tài liệu này với ba bước: đọc thông, đọc hiểu và đọc thấu.
– Giao lưu với những người có cùng đam mê, sở thích sẽ giúp con mở mang và thu hoạch được rất nhiều điều hữu ích.
– Mở rộng nguồn học: cha mẹ Do Thái cực kì chú trọng sách vở cho con, tuy nhiên đó không phải kênh duy nhất. Họ khuyến khích trẻ đọc thêm sách, báo, xem tư liệu, video hoặc nghe podcast để mở rộng tư duy.

Tiếp đó là việc rèn luyện khả năng ghi nhớ. Phần này làm mình nghĩ tới những cuốn sách về não phải mình đọc được gần đây. Chính quá trình dạy cho trẻ đọc thuộc từ thời tấm bé đã thúc đẩy đại não của trẻ phát triển vượt bậc. Mà trẻ em Do Thái từ bé đã đọc thuộc Thánh kinh Cựu Ước Vì vậy mà trẻ có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng. Khi lượng tích lũy về mặt kiến thức lớn thì mới có thể tạo ra những ý tưởng sáng tạo và phát minh xuất sắc. Đây cũng là tiền đề để kiến tạo nên những đứa trẻ xuất chúng mai này.

Về phần ghi nhớ thì nó có hai loại: khi ý thức và ghi nhớ vô thức. Trong khi ghi nhớ vô thức đã phát triển mạnh mẽ ngay từ thời tấm bé thì ghi nhớ ý thức lại chỉ phát triển khi trẻ lớn lên. Trong ghi nhớ ý thức có ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa. Nếu cha mẹ bỏ qua mất giai đoạn vàng từ 0-6 tuổi thì rất đáng tiếc. Bởi đây là giai đoạn não phải, ghi nhớ nguyên mảng của trẻ phát triển như vũ bão. Bỏ qua thì sẽ rất khó để giúp trẻ phát huy hết những tiềm năng to lớn ẩn chứa bên trong. Do đó, ngay từ bé cha mẹ hãy thường xuyên đọc các bài thơ, ca dao, tục ngữ có vần điệu để kích thích sự phát triển đại não của trẻ. Trẻ sẽ nhớ được rất nhiều bài học mà cha mẹ dành cho trẻ trong giai đoạn này, quan trọng là cha mẹ cần biết để mà đồng hành đúng với trẻ ngay từ đầu.

Thứ ba đó là chú trọng dạy ngoại ngữ cho trẻ từ bé. Cha mẹ Do Thái rất giỏi ngoại ngữ, họ có thể thông thạo từ hai cho đến ba thứ tiếng. Và chính điều đó đã tạo ra cho họ một lợi thế rất lớn trên thị trường lao động. Vậy nên họ rất chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho trẻ từ thời tấm bé thông qua các vật dụng, trò chơi và bài hát. Luôn tạo ra một không khí vui vẻ cho trẻ trong khi học. Đặc biệt là giai đoạn vàng từ 0-6 tuổi, bởi đây là giai đoạn trí nhớ nguyên mảng của trẻ cực kì phát triển. Đầu trẻ như một tấm bọt biển, thứ gì cũng có thể tiếp nhận được, chỉ cần được cha mẹ định hướng và đồng hành đúng.

Cuối cùng đó chính là giúp con yêu thích đọc sách. Cha mẹ Do Thái cực kỳ chú trọng sách vở, họ không những nêu gương cho con mà còn trở thành người đồng hành cho con trong quá trình làm bạn với sách. Ngày bé thì cha mẹ đọc cho con nghe, lúc trẻ lớn hơn thì họ trở thành người đọc cùng với trẻ. Và khi trẻ đã trưởng thành thì cha mẹ trở thành người bạn đọc sách của con.

Thậm chí các cha mẹ còn tổ chức hội thảo dành cho người đọc sách để cho các con tham dự. Ở đây họ sẽ cho các con nhìn thấy những cuốn sách mà bản thân đã đọc cùng với những ghi chú đi kèm. Chính điều đó đã thúc đẩy tinh thần ham học, ham đọc của các bạn nhỏ. Tình yêu với sách đã được các cha mẹ dung dưỡng và vun bồi từ bé, thế nên những đứa trẻ dù trưởng thành vẫn luôn duy trì được thói quen hữu ích này. Và nhờ đó mà tạo nên một dân tộc thông minh nhất thế giới như ta đã thấy.

2. Tự lập tự cường

Cha mẹ Do Thái đã kiến tạo nên tính tự lập tự cường cho con bằng việc bồi dưỡng cho trẻ khả năng kiên trì, bền bỉ từ những việc nhỏ nhất như tập thể dục, viết nhật ký hay dọn vệ sinh. Song song với đó, cha mẹ do Thái còn sắp xếp việc nhà cho trẻ theo hai hướng. Một là thúc đẩy, hai là bổ sung. Công việc nhà mang tính thúc đẩy, sẽ bắt đầu với những công việc mà trẻ yêu thích. Còn công việc nhà mang tính bổ sung chính là việc giúp trẻ cải thiện những khuyết điểm của bản thân. Chẳng hạn, nếu trẻ thích công việc gấp quần áo, trang trí nhà cửa, cha mẹ sẽ ưu tiên giao công việc này cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu trẻ lại là một người hướng nội, nhút nhát, cha mẹ sẽ giao cho trẻ các công việc thường xuyên phải giao tiếp với mọi người để giúp trẻ cải thiện kỹ năng này. Việc sắp xếp công việc nhà cho trẻ không chỉ giúp trẻ xây dựng, phát triển tính tự lập, tự cường mà còn giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu lao động. Muốn làm được vậy thì cha mẹ cần phải có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho trẻ. Luôn dành thời gian để kiên nhẫn chỉ bảo và ghi nhận trẻ khi trẻ đã làm tốt.

3. Quản lý tài chính

Dân tộc Do Thái không chỉ thông minh mà còn rất giỏi làm ăn. Điều này không phải tự nhiên mà là do đã được cha mẹ rèn giũa từ rất sớm trong môi trường giáo dục gia đình. Ba tuổi cha mẹ đã dạy cho trẻ biết được giá trị và công dụng của đồng tiền. Đồng thời cùng trẻ đọc những cuốn sách về tài chính. Đưa trẻ đi mua sắm, trải nghiệm để so sánh giá cả và các mặt hàng. Dạy cho trẻ biết cách dự toán chi tiêu trong gia đình. Khi trẻ được 10 tuổi, cha mẹ Do Thái sẽ liệt kê bảng công việc hằng ngày, đi kèm với số tiền tương ứng mà trẻ sẽ nhận được khi hoàn thành. Thông qua quá trình này cha mẹ sẽ dạy cho trẻ về kế hoạch chi tiêu, giám sát, kiểm tra về cách mà trẻ đã sử dụng số tiền có được. Nếu trẻ sử dụng đúng cách, cha mẹ sẽ ghi nhận, khen ngợi. Nếu trẻ dùng không đúng mục đích, lãng phí, Cha mẹ sẽ nghiêm khắc phê bình. Đặc biệt là trong quá trình đồng hành cùng với con, cha mẹ đã khéo léo dạy trẻ về đức tính chăm chỉ, tiết kiệm thông qua những cuốn sách giá trị. Nhất là sự nêu gương của cha mẹ hằng ngày, qua đó dạy cho trẻ về nguyên tắc tiết kiệm và định hướng cho trẻ trước khi trẻ có được những số tiền đầu tiên từ chính sức lao động của bản thân.

4. Nguyên tắc cư xử.

Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu mà trẻ em Do Thái được cha mẹ cần dạy đó chính là thân thiện với người khác. Muốn dạy cho trẻ điều này thì cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ được giao lưu với mọi người xung quanh bằng việc cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, mời bạn bè hàng xóm tới nhà chơi. Qua đó sẽ cho trẻ phép tắc cư xử về dáng vẻ, hành động và ngôn ngữ. Về dáng vẻ thì trẻ cần giữ cho bản thân luôn sạch sẽ, gọn gàng. Về hành động thì luôn đi thẳng và ngẩng cao đầu. Còn về ngôn ngữ thì lễ phép, nói năng một cách dứt khoát và lưu loát.

Tiếp đó cha mẹ Do Thái cũng dạy cho trẻ một bài học rất quan trọng đó chính là ai cũng là người quan trọng. Có thể với chúng ta họ cũng là một người rất bình thường, nhưng đối với cha mẹ và người thân của họ họ là cả một món quà to lớn mà không gì có thể sánh được. Từ thông điệp này trẻ sẽ học được cách lắng nghe người khác, và biết cách suy nghĩ dựa trên lập trường của họ. Cha mẹ Do Thái cũng dạy cho các con của mình về tinh thần giúp đỡ người khác, đây không chỉ là giáo dục gia đình hay cá nhân mà nó là truyền thống của dân tộc. Nhờ điều này mà dân tộc Do Thái trở thành một dân tộc rất hùng mạnh bởi sự đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái. Họ không xem việc giúp đỡ người khác là điều nên làm mà xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân. Bởi họ hiểu muốn có cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn, thì cần dang rộng vòng tay và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.

Cuối cùng trong phần này chính là dạy cho con cách chọn bạn. Có ba kiểu bạn: bạn như chiếc bánh mì, bạn như rượu và bạn như chó hoang. Bạn như chiếc bánh mì sẽ luôn cho con năng lượng và sự ủng hộ, giúp con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bạn như rượu thì sẽ cho con vài lời khuyên khi con cần, giúp cuộc sống của con thêm phong phú. Còn bạn như chó hoang thì cần phải tránh xa, bởi vì người bạn này chỉ đến để lợi dụng con. Khi con gặp may thì bạn xuất hiện, còn khi con khó khăn thì bạn sẽ từ bỏ con. Thông qua đó cha mẹ cũng dạy cho con hiểu tầm quan trọng của môi trường và những người mà con tiếp xúc. Khi con bước vào cửa hàng nước hoa, kể cả con không mua thì tay của con vẫn thoang thoảng mùi hương. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng chính là như vậy.

5. Chú trọng đạo đức và sức khỏe cho con

Phần nguyên tắc cư xử, con đã có được những tiêu chuẩn cơ bản phải rõ ràng để đối đãi với những người xung quanh. Còn phần này thì cha mẹ Do Thái muốn nhấn mạnh tới cách cư xử của con với cha mẹ và thầy cô giáo. Con cái cần phải tôn trọng cha mẹ, nếu con có những sai sót trong lời nói, ngữ khí thì cha mẹ sẽ cần kịp thời điều chỉnh. Đối với thầy cô giáo thì cần lễ phép, tôn trọng, khách quan, toàn diện (hiểu được rằng thầy cô cũng là người bình thường, đôi khi cũng sẽ mắc phải những sai lầm, con cần học cách thấu hiểu, bao dụng. Không nên thần thánh hoá thầy cô mà đánh mất đi sự tự tin của bản thân).   Song song với đó cha mẹ cũng dạy cho con cách làm chủ cảm xúc, đặc biệt là cơn nóng giận bằng việc thực hành đếm từ 1 đến 10, hít thở sâu hoặc làm gì đó trong vòng 90s. Bởi cảm xúc nhất thời sẽ đến và đi trong 90s mà thôi.

Cuối cùng đó chính là việc giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Bằng việc luôn giữ gìn thân thể sạch sẽ, bổ sung dinh dưỡng theo mùa, ăn đúng giờ, điều độ. Vận động, rèn luyện các bộ môn thể thao thích hợp. Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý. Việc nghỉ ngơi hợp lý có thể tuân thủ theo nguyên tắc, làm việc sáu ngày nghỉ một ngày hoặc làm việc năm ngày nghỉ hai ngày. Như vậy con mới có đủ năng lượng và sức khỏe để bắt đầu tuần mới thật hiệu quả.

Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp cho các cha mẹ có thêm được những kiến thức giúp ích cho quá trình nuôi dạy và đồng hành cùng con. Giúp con phát triển toàn diện, khoẻ mạnh về thân, tâm, trí và thần.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *