Mình mới dành thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ để nghe và đóng gói lại những điều giá trị từ hội nghị chuyên đề quốc tế về trường học hạnh phúc lần thứ nhất. Chủ đề của chuyên đề lần này chính là CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC KĨ NĂNG KIẾN TẠO HẠNH PHÚC KHÔNG? Đây quả thực là một hội nghị vô cùng ý nghĩa mà mình đã may mắn được xem. Chia sẻ đến bạn những điều quý giá mình đã thu lượm được.
1.Mục tiêu thật sự của giáo dục là gì?
Các bạn biết đất nước Bhutan chứ? Nếu chưa biết thì mình sẽ nói cho các bạn nghe, Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Và đây cũng là quốc gia đề xuất đến Liên Hợp Quốc đưa hạnh phúc vào làm chỉ số đo lường về sự thịnh vượng của một quốc gia. Một câu nói rất nổi tiếng do lãnh đạo nước này chia sẻ đó là “tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội”. Đó là lý do vì sao quốc gia này rất tập trung vào sự hạnh phúc của người dân nhiều hơn các chỉ số khác. Khi nhu cầu vật chất được đáp ứng đủ đầy đến một ngưỡng nào đó mà nhu cầu về mặt tinh thần vẫn chưa được đáp ứng tương quan thì nó sẽ gây ra sự bất ổn, chông chênh bên trong mỗi người. Sự phát triển về mặt kinh tế rất quan trọng nhưng nó không phải là mục đích cuối cùng, mục đích sau cùng phải là hướng tới sự hạnh phúc, an lạc bên mỗi người. Và đây cũng chính là mục tiêu sau cùng, cốt lõi nhất của giáo dục. GIÁO DỤC HẠNH PHÚC.
2. Nhiệm vụ của giáo dục trong thời đại hiện nay
Nhiệm vụ của giáo dục không chỉ là trang bị cho thế hệ tiếp theo hành trang để bước vào thị trường lao động mà nó phải là xây dựng cho công dân tương lai sống có TRÁCH NHIỆM. Trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với hành tinh mà ta đang sống. Để có thể hiện thực hoá được điều đó, ta cần giúp cho họ biết cách dung dưỡng, kiến tạo và phát triển sự hạnh phúc cho cá nhân mình. Sự hạnh phúc này hoàn toàn có thể đạt được dựa trên mức độ hài hoà về tâm lý với thể lý, hài hoà về cơ thể với tâm hồn và hài hoà giữa vật chất với tinh thần.
3. Trường học hạnh phúc cần trang bị cho trẻ những gì?
Trường học hạnh phúc cần trang bị cho trẻ hai khía cạnh lớn
Một là trang bị được kĩ năng hạnh phúc nội thân hay tự thân của trẻ. Giúp cho mỗi học sinh đều học được kĩ năng để tự kiến tạo nên hạnh phúc cho bản thân.
Hai là kiến tạo được những cấu trúc bên ngoài, tức là môi trường để có thể ủng hộ, tương hỗ cho niềm hạnh phúc tự thân của trẻ. Hay còn gọi là hệ sinh thái giáo dục.
Để làm được điều này cần sự chung tay sát cánh của rất nhiều nguồn lực từ gia đình, nhà trường cho đến toàn xã hội. Phải có sự chung tay, sát cánh ấy thì mới tạo nên được sự cộng hưởng lớn để giúp trẻ an tâm phát triển một cách toàn diện.
Hạnh phúc lâu dài này khác hoàn toàn với sự thỏa mãn nhất thời. Hạnh phúc lâu dài nằm ở việc giúp trẻ làm chủ được những khía cạnh sau đây:
– Biết cách chăm sóc bản thân cả về thể lý lẫn tâm lý
– Biết cách kết nối, phát triển những mối quan hệ xung quanh mình bằng sự chân thành, tử tế
– Biết cách kết nối và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, hành tinh mà các em đang sống.
Để làm được các điều trên thì nền tảng mà ta cần vun bồi, xây đắp cho trẻ chính là SỰ CHÚ TÂM. Khi trẻ biết chú tâm vào những suy nghĩ, cảm xúc đang diễn ra bên trong thế giới nội tâm, trẻ sẽ nhận diện và thấu hiểu được bản thân. Từ đây trẻ sẽ biết nên phải làm gì, làm như thế nào để xử lý những vấn đề trong cuộc sống của mình một cách êm đẹp. Trẻ sẽ học được những bài học ý nghĩa thông qua những tình huống thường ngày trẻ gặp phải. Điều này sẽ giúp trẻ học hỏi, phát triển và trưởng thành. Cũng chính những tình huống ấy sẽ giúp trẻ vun bồi, xây dựng và định hình nhân cách của mình theo thời gian. Mình nghĩ SỰ CHÚ TÂM này không những quan trọng và cần thiết với trẻ mà người lớn chúng ta cũng thế. Nếu không có SỰ CHÚ TÂM, lắng nghe, thấu hiểu chính mình thì ta sẽ chẳng biết phải làm gì, làm như thế nào và bắt đầu từ đâu cả. Nó sẽ là nền tảng để trẻ có thể học 5 kỹ năng cốt lõi dưới đây.
4. Những phương thức nào ta cần trang bị cho trẻ?
Đây là năm phương thức quan trọng hàng đầy mà ta cần trang bị cho trẻ. Mình vô cùng tâm đắc với phần này.
Kĩ năng tự nhận thức: hiểu sâu sắc về bản thân. Hiểu về tâm tư, tình cảm, năng lực, sở trường, sở đoản. Hiểu được mình đam mê, yêu thích điều gì và vì sao mình lại yêu nó nhiều đến vậy. Đây là phần vô cùng quan trọng nhưng trẻ em cực kì thiếu kĩ năng này. Lý do vì chúng ta để quá nhiều điểm số, thành tích cuốn con đi. Có những học sinh thời gian đi ngủ còn không có thì lấy đâu thời gian để suy ngẫm, soi chiếu về bản thân mình. Đây thực sự là lời cảnh tỉnh đến tất cả chúng ta. Gần đây mình có trò chuyện với một số các bạn học sinh cấp ba thì đại đa số các em không biết các em muốn gì, thích gì, đến môn học nào em yêu thích nhất cũng không nói được, lý do vì em học chỉ để thi đậu đại học theo định hướng của gia đình. Học đêm, học ngày, thời gian để thảnh thơi một chút cũng không có nên các bạn khá căng thẳng, mắt bạn nào cũng cận dày cộp. Đây quả thực là một hiện thực rất buồn.
Bản thân mình có cơ hội được làm việc với rất nhiều các anh chị ngoài 30. Phần lớn những anh chị em ấy thường rất chông chênh, chán công việc mà bản thân làm lâu nay nhưng lại không dám bứt ra vì thực sự không biết mình thích gì, muốn làm công việc như thế nào. Thế nên họ luôn sống trong sự ổn định, trong vòng quay lặp đi lặp lại nhiều năm tháng. Với tâm thế ấy thì khó mà có thể phát triển sự nghiệp và hạnh phúc với công việc mình đang làm được. Lý do vì thiếu động lực, thiếu sự say mê và nhiệt huyết. Cá nhân mình nếu mình cảm thấy đã quá chán với việc nào đó, dù tìm mọi cách để khắc phục, thay đổi nhưng vẫn không ổn thì mình sẽ rời đi. Mình không sợ thất bại, vì mình biết thất bại là cách nhanh nhất để giúp mình tiến tới thành công và học được những bài học hữu ích. Mình mong thật nhiều các bạn trẻ sẽ sớm thấu hiểu bản thân bằng việc CHÚ TÂM vào bên trong của chính mình để khám phá, để nhận diện. Chỉ có cách đó các em mới có thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn mà nhiều thế hệ cha anh đã đi qua.
Kĩ năng tự quản lý: khi nhận thức về bản thân sâu sắc rồi trẻ sẽ dễ dàng tự quản lý bản thân tốt. Trẻ sẽ biết mình cần phải làm gì, vì sao mình phải làm điều đó, và biết phải làm như thế nào để thực hiện. Từ việc thấu hiểu bản thân tốt, trẻ sẽ biết cách điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và trạng thái của mình để thích ứng với từng hoàn cảnh.
Mình thường hay chia sẻ với học viên rằng, đừng quản lý thời gian bằng những típ này hay bí quyết nọ, hãy tường tận về chính mình trước. Khi ta hiểu đâu là điều quan trọng ta cần ưu tiên hàng đầu thì ta sẽ lăn xả ra làm mà không cần phải đôn đốc, giám sát hay nhắc nhở. Đó là lý do có rất nhiều học viên sau khi học xong khóa TÁI SINH với mình, họ tự động tập thể dục ngày 30 phút mà chẳng cần phải hô hào khẩu hiệu, chẳng cần phải phòng tập hay PT, tự tập ở nhà, ở công viên, thậm chí ở nơi làm luôn. Có bạn trước kia cầm sách là buồn ngủ nhưng từ ngày biết đó là cách hiệu quả nhất để phát triển tư duy của bản thân thì tối nào cũng đọc sách, ghi chép lại những điều học được để tinh chỉnh nhận thức, suy nghĩ của bản thân. Cứ thế một cô gái một năm đọc không đến 5 cuốn sách, nay mới được 4 tháng đã đọc gần 20 cuốn sách rồi.
Quay trở lại việc đồng hành với các bạn học sinh của chúng ta cũng thế. Đừng chỉ giao bài vở cho các em và bắt các em hoàn thành như cái máy. Hãy cho các em biết các em học được những điều giá trị gì từ môn học này. Các em có suy nghĩ gì, cảm xúc thế nào khi tiếp nhận kiến thức mới? Em thích học bằng phương pháp nào hơn? Học bằng nghe, bằng đọc, bằng chia sẻ, thảo luận hay học bằng cách tư duy logic? Đó cũng là quá trình mà các em hiểu sâu được bản thân. Càng hiểu thì các em lại càng hứng thú, càng hứng thú thì quản lý bản thân càng tốt.
Vừa rồi con gái mình đi học lái xe cùng mẹ, cô nàng bị một bác đi cùng mẹ trêu khiến em ấy bật khóc. Mẹ an ủi, vỗ về em xong thì bố đến đón. Tối về mình ngồi lại với con gái, cùng con diễn lại câu chuyện chiều nay đã xảy ra, mình muốn con hiểu được lúc đó con cảm thấy thế nào? Con suy nghĩ điều gì? Vì sao con lại tức giận như thế? Sau khi giúp con hiểu được về những gì diễn ra bên trong con, mình bắt đầu phân tích về tình huống. Nếu trong trường hợp đó, con thả lỏng cơ thể, điều chỉnh cảm xúc tốt thì câu chuyện sẽ đi theo hướng hoàn toàn khác. Rồi hai mẹ con mình cũng diễn lại câu chuyện trên, kết quả là khi mẹ hóa thân là bác kia. Em ấy điều chỉnh cảm xúc và đùa lại mẹ thì hai mẹ con phá lên cười, vui ơi là vui. Ngày hôm sau khi con gái mình gặp lại bác kia bác bảo xin lỗi em vì lúc đó bác đùa hơi quá, nàng ấy thì cười toét miệng, bảo cũng do cháu mất bình tĩnh thôi. Rồi hai bác cháu lại nói chuyện và tươi cười với nhau.
Kĩ năng nhận thức xã hội: Khi trẻ đã nhận thức sâu sắc về bản thân, biết cách tự quản lý, điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình, trẻ sẽ dễ dàng hiểu được những vấn đề xung quanh của trẻ. Trẻ biết cách thấu hiểu, đồng cảm với cảm xúc của người khác. Đây là nền tảng rất quan trọng để giúp trẻ có thể xây dựng và phát triển những mối quan hệ xung quanh mình.
Mình lấy ví dụ đơn giản là trẻ có thể học cách quan sát, thấu hiểu tâm lý của những người xung quanh để biết cách ứng xử cho phù hợp. Trẻ không thể cười đùa vui vẻ khi bạn của mình vừa trải qua một chuyện đau buồn. Điều này mình cảm nhận rất rõ ở cuốn “tâm hồn cao thượng” khi người bạn cùng lớp của Enrico mất mẹ, cả thầy giáo cùng các bạn trong lớp đều tôn trọng và để bạn ấy được tự nhiên. Enrico khi thấy bạn khóc nấc lên, cậu đã lặng lẽ nói với bạn của mình “đừng khóc nữa, có tớ ở đây rồi”. Cậu bạn kia dù không đáp lại nhưng đã nắm chặt tay của Enrico.
Thầy giáo cũng vì muốn an ủi cậu học trò của mình nên đã sưu tầm câu chuyện về mẹ để đọc cho cậu ấy nghe, hi vọng cậu bé sẽ mạnh mẽ, kiên cường lên. Lúc ta trường, mẹ của Enrico nhìn thấy con trai, bà cũng nhẹ nhàng đẩy cậu ra khi biết con trai chuẩn bị tiến tới ôm mình. Không phải vì bà không yêu cậu mà vì bà đã nhìn thấy người bạn thân của con đang lạc lõng giữa cổng trường. Cậu bé ấy đã cố để tìm hình bóng thân quen của mẹ nhưng không còn nữa. Chính vì lẽ ấy mà mẹ Enrico đã nhẹ nhàng đẩy tay con trai ra. Về nhà mẹ đã chia sẻ cho cậu bé biết, Enrico đã học được từ mẹ tình yêu thương, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn thông qua tình huống vừa rồi.
Kĩ năng phát triển mối quan hệ: Khi trẻ thấu hiểu được bản thân và những người khác một cách sâu sắc, trẻ mới có thể xây dựng và phát triển những mối quan hệ xung quanh mình một cách tốt đẹp. Đây là điều tối quan trọng sẽ quyết định đến sự hạnh phúc và an lạc của trẻ mai này.
Mình nghĩ không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn của chúng ta cũng thế, khi ta thấu hiểu được bản thân, thấu hiểu được những người xung quanh ta mới có thể kết nối và phát triển các mối quan hệ xung quanh của mình được. Chúng ta luôn có rất nhiều các mối quan hệ xung quanh mình, từ gia đình, bạn bè cho đến sếp, đồng nghiệp, đối tác. Nếu các mối quan hệ này luôn êm ấm, vui vẻ thì đi đâu ta cũng có thể thành công. Mình rất tâm đắc một câu mà thầy Phan Văn Trường đã nói “khi bạn đi đến đâu cũng được yêu mến thì có muốn thất bại cũng khó”. Vậy nên kỹ năng này là kỹ năng vô cùng quan trọng mà ta cần định hướng để phát triển cho con. Bởi nó chính là chìa khoá để giúp con kiến tạo nên cuộc sống hạnh phúc và an lạc dù ở bất cứ thời điểm nào.
Sống có trách nhiệm: sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và hành tinh này. Giúp trẻ thấu hiểu tầm quan trọng của người mẹ thiên nhiên với thế giới loài người. Để từ đó giúp trẻ biết cách yêu thương, bảo vệ hành tinh xanh mà trẻ đang được tận hưởng mỗi ngày. Mình thú thật là ngày trước mình không được thức tỉnh điều này, chỉ 5 năm gần đây, mình mới hiểu được rằng mình phải bảo vệ hành tinh này bằng mọi giá. Thứ mình có thể để lại cho con cháu nhiều nhất chính là bảo vệ trái đất, bảo vệ mẹ thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong lành mà ta đang được sống. Trước kia mình cứ nghĩ nó phải là những dự án to lớn lắm nhưng càng học hỏi, càng quan sát mình thấy nó luôn bắt đầu từ những việc đơn giản: tiết kiệm điện, tiết kiệm nguồn nước, giữ môi trường sạch đẹp ở bất cứ nơi nào ta đi qua, tránh vứt rác, ném túi nilon ra môi trường, tái sử dụng những đồ dùng còn có thể dùng được…chỉ bấy nhiêu điều ấy thôi đã là bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh này. Mình cũng đang tích cực lan tỏa tinh thần ấy đến con cùng những người thân yêu xung quanh mình. Mình tin thế hệ các con sẽ hiểu sâu sắc được điều này vì chưa bao giờ người mẹ trái đất buồn đau như lúc này.
5. Xây dựng LA BÀN NỘI TÂM cho trẻ, bắt đầu từ đâu?
Xây dựng la bàn nội tâm, bắt đầu từ việc khơi dậy trí tò mò, mở mang tâm trí, lòng trắc ẩn và mở rộng trái tim của các em. Giúp các em can đảm vận dụng những nguồn lực về nhận thức, về cảm xúc, về xã hội để hành động. Đó chính là vũ khí tốt nhất để giúp các em chống lại sự đe dọa của thời đại này là sự thiếu hiểu biết, bảo thủ, thù hằn, định kiến và sợ hãi – kẻ thù của sự tự chủ.
Các em sẽ không những thành công trong học tập mà còn có khả năng chung sống với chính mình, chung sống với những người khác mình và chung sống với hành tinh.
Đại dịch covid vừa qua đã cho ta thấy rằng nền giáo dục rất dễ bị tổn thương bảo những gián đoạn bên ngoài. Tương lai, biến đổi khí hậu sẽ phá vỡ cuộc sống của chúng ta nhiều hơn cả đại dịch. Và trí tuệ nhân tạo sẽ là một thử thách rất lớn cho ngành giáo dục của chúng ta. ChatGPT là một minh chứng cho điều đó. Những gì dễ giảng dạy là những thứ dễ số hoá, tự động hoá và thay thế. Vậy nên thứ ta cần dạy cho trẻ chính là dạy cho trẻ THẤU HIỂU BẢN THÂN VÀ HỌC CÁCH TRƯỞNG THÀNH, LỚN LÊN SAU MỖI BÀI HỌC.
Dạy cho trẻ tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Chúng ta cũng cần dạy cho trẻ vấn đề là con cần phải đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó chứ không phải người khác quyết định thay cho. Con cần phải hành động chứ không phải bị tác động. Ta cũng cần nuôi dưỡng niềm tin cho trẻ rằng trẻ hoàn toàn có thể quyết định được chất lượng cuộc sống của mình và của thế giới xung quanh. Đồng thời dạy cho trẻ năng lực thiết lập mục tiêu, suy nghĩ và hành động cùng tinh thần trách nhiệm để tạo ra sự thay đổi.
Dạy cho trẻ về giá trị bền vững
Dạy cho trẻ chuyển dịch giá trị từ các tình huống, từ tôi có thể làm bất cứ điều gì mà hoàn cảnh cho phép sang các giá trị bền vững giúp trau dồi hiểu biết sâu sắc rằng “những gì tôi làm hôm nay sẽ tạo ra sự khác biệt cho những người ở nơi khác và thế hệ sau.” Chính điều này sẽ giúp ta giữ được sự cân bằng cho thế giới. Những trường học tương lai cần giúp trẻ TỰ SUY NGHĨ, tham gia cùng các học sinh khác với sự đồng cảm, sự nỗ lực làm việc với tinh thần của một công dân toàn cầu.
Dạy cho trẻ về kỹ năng xã hội
Giúp trẻ phát triển ý thức mạnh mẽ về tính đúng sai, nhạy cảm với những yêu cầu mà người khác đưa ra, nắm được những giới hạn của bản thân và tập thể. Dù bất cứ ở đâu trẻ cũng cần tìm hiểu cách người khác sống, dù người đó là ai, làm công việc gì, ở nền văn hoá nào để có thể dễ dàng kết nối và chung sống hài hoà với họ.
Dạy cho trẻ về phát triển nhân cách, phẩm chất riêng vốn có của mình
Giáo dục giúp ta hiểu về thế giới xung quanh, về những hành tinh xa xôi, nhưng lại thiếu đi sự hiểu biết sâu sắc về bản thân. Thế nên ta cần dạy cho trẻ khám phá thế giới nội tâm bên trong, khám phá tâm trí, những trải nghiệm của chính mình để học hỏi, phát triển và trưởng thành. Đồng thời dạy cho trẻ biết rằng nếu ta muốn dẫn đầu, ta phải hiểu những phẩm chất độc nhất của nhân loại, những thứ bổ sung chứ không phải cạnh tranh với những năng lực mà ta đã tạo ra trong những chiếc máy tính.
Nuôi dưỡng sự sáng tạo cho trẻ
Các bộ mộ nghệ thuật giúp phát triển trí tò mò và khả năng sáng tạo của trẻ. Nền giáo dục lâu nay đang làm là hướng tới câu trả lời đã được ta phóng chiếu vào câu hỏi. Thứ ta cần đó chính là những câu trả lời khác, câu trả lời của riêng trẻ. Trong thế giới ngày mai ta cần những đứa trẻ hồn nhiên, thẳng thắn, tích cực và sáng tạo. Ta có thể bắt đầu với những bộ môn nghệ thuật mà trẻ yêu thích, chính những bộ môn này sẽ giúp trẻ kết hợp nhuần nhuyễn giữa đôi tay và khối óc, phát triển và củng cố nhiều kỹ năng quan trọng của trẻ. Các em cũng học được cách làm việc, chung sống với những người xung quanh thông qua các dự án thú vị này.
Dạy cho trẻ vượt qua thử thách, thất bại
Dạy cho trẻ mỗi sai lầm đều ẩn chứa một bài học kinh nghiệm, mỗi thử thách đều ẩn chứa một cơ hội để phát triển và trưởng thành. Cha mẹ, thầy cô, nhà trường và toàn xã hội có trách nhiệm chung tay để hỗ trợ, lắng nghe vả giúp đỡ các em. Chính điều này sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng được sự tự tin, tinh thần lạc quan sau mỗi lần vấp ngã. Từ đó trẻ có thêm động lực để tiến về phía trước.
6. Làm thế nào để giúp trẻ cân bằng giữa học tập và cuộc sống?
Đây có lẽ là câu hỏi chung của rất nhiều cha mẹ, để giúp trẻ có thể cân bằng được giữa học tập và cuộc sống. Ta cần làm những điều sau đây
Thứ nhất: tạo ra bầu không khí an toàn cho trẻ để trẻ có thể học hỏi, phát triển nhiều hơn. Cảm quan cho sự an toàn này chính là chất lượng mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh, cha mẹ – con cái, học sinh – học sinh.
Thứ hai: chính là giúp trẻ cảm nhận được mình được nơi mà mình thuộc về. Một người cảm thấy mình được chấp nhận trong một cộng đồng, một xã hội sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển của các em.
Thứ ba: tạo ra một môi trường cho sự học hỏi và phát triển. Học không phải là học thuộc lòng mà là học từ những sai lầm diễn ra hàng ngày trong cuộc sống và trong học tập.
Thứ tư: trang bị cho trẻ về mặt đạo đức như một la bàn nội tâm về chân, thiện, mỹ để các em sống một cách tử tế, chân thành nhất.