Đây là câu nói mà mình vô cùng tâm đắc khi đi Đại hội CẤY NỀN ở Huế trở về. Sau chuyến đi mình có rất nhiều những suy ngẫm ở trong lòng. Mình đã dành nhiều thời gian để tĩnh, để ngẫm lại những chia sẻ, góc nhìn và cả những lời răn dạy của thầy nữa. Làm thế nào để có thể nâng đỡ những cánh chim cuối đàn? Làm thế nào để tư duy đúng ngay từ đầu? Và làm thế nào để đọc đúng những tín hiệu của vũ trụ để mà CỨ THUẬN TỰ NHIÊN THÌ TỰ NHIÊN THUẬN?
1. Làm thế nào để nâng đỡ những cánh chim cuối đàn?
Câu hỏi này mình đã nhận được từ thầy trong nhóm CẤY NỀN GIÁO DỤC, thú thật là với mình nó là một câu hỏi rất lớn, rất tầm vóc và mình đã mất tận 2 tuần để tìm ra lời giải. Và cũng nhờ câu nói ấy mình đã từng bước đi đúng hướng rồi tiến gần hơn đến con đường cần đi. Hai tuần ở đây không phải là mình chỉ suy nghĩ trong từng đó ngày mà là vì thời gian CẤY NỀN khi ấy đã đến rất gần, nếu mình không tìm ra câu trả lời được thì hôm đó mình không biết sẽ phải làm việc với thầy và mọi người như thế nào? Mình đã không biết được cánh chim cuối đàn là những ai? Tại sao thầy lại lựa chọn những cánh chim cuối đàn chứ không phải đầu đàn? Đâu là động lực để thầy làm đêm làm ngày nhằm nâng đỡ những cánh chim ấy?
Đến khi tham gia cấy nền mình mới hiểu, chính chúng mình là những cánh chim cuối đàn thầy đang ngày đêm nâng đỡ, thầy mong chúng mình sẽ có được những tư duy đúng đắn ngay từ đầu để có thể tạo nên những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội bằng chính giá trị của mình. Thầy nói Cấy nền sinh ra không phải là để tạo nên một tổ chức, nó là một hệ sinh thái, hệ sinh thái mà ở đó bất cứ loài cây nào cũng có thể sống được. Hệ sinh thái mà ở đó, ai cũng có chỗ đứng riêng, và ai cũng có giá trị trong hệ sinh thái ấy. Nó cũng giống như cách vận hành của xã hội, bác nông dân cũng quan trọng như cô công nhân hay chú cảnh sát. Bởi nếu đứt gãy ở bất cứ mắt xích nào thì toàn bộ hệ sinh thái cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thử tưởng tượng nếu cả xã hội làm kinh tế nhưng lại không có nông sản sạch để ăn thì nền kinh tế và sức khoẻ của con người sẽ đi về đâu? Nếu không có cô công nhân, dễ thấy nhất chính là những cô lao công làm sạch đường phố. Chỉ cần thiếu vắng đi các cô ấy thì rác sẽ ngập khắp nơi, rác mà tồn đọng thì chưa đến 2 ngày chúng ta sẽ ngập ngụa trong thứ mùi kinh khủng mà chúng mang lại. Và nếu không có những chú công an thì tình hình an ninh, giao thông sẽ đi về đâu? Chúng ta đâu có sự an toàn để có thể bình tâm phát triển kinh tế. Vậy nên mắt xích nào cũng quan trọng hết. Đến đây bạn hẳn sẽ thấy được ý nghĩa của hai từ ĐÚNG VIỆC mà cả thầy Phan Văn Trường và thầy Giản Tư Trung cùng nhắc tới trong tác phẩm của họ. Đúng việc, đúng người, đúng thời điểm, đúng tố chất, đúng con người thì làm gì cũng nên, ở đâu thì cũng thành công là vì thế.
Cách thầy nâng đỡ cánh chim cuối đàn là liên tục trao giá trị ở bất cứ nơi đâu mà thầy có mặt. Và dĩ nhiên thầy chẳng làm nó một mình, thầy kiến tạo nên những cánh chim cứng cáp rồi những cánh chim ấy tiếp tục giúp đỡ, tương trợ những cánh chim còn lại. Người nào giỏi việc nào thì sẽ làm việc ấy. Thầy trao quyền và tin tưởng để mỗi cánh chim ấy có thể tự tin sải cánh. Mình đã thấy một tinh thần cho đi như vậy trong Cấy nền. Bạn biết không? Có những anh chị em đã cùng thầy làm điều đó trong nhiều năm tháng. Điều duy nhất họ mong muốn nhận lại được chính là giúp đỡ được cho thật nhiều người sống hạnh phúc và thành công hơn. Thành công của họ chính là giúp cho những người khác tốt lên từng ngày. Họ chẳng cần nhận lại gì, họ chỉ xem mình có thể làm gì, cho gì, cống hiến được gì mà thôi.
Sáng nay mình cũng nhìn thấy được tinh thần ấy ở chị Song Ngân – chủ nhiệm CẤY NỀN THANH HOÁ. Chúng mình sẽ cùng đón thầy về mảnh đất xứ Thanh vào ngày 28.05 tới đây với chương trình “TƯƠNG LAI NÀO ĐANG ĐỢI CON CHÚNG TA”. Mình và chị biết nhau do cùng nằm ban chủ nhiệm của CẤY NỀN. Mình và chị ấy chỉ mới ngồi với nhau hơn 1 tiếng đồng hồ thôi nhưng thực sự cảm phục những giá trị mà chị đã, đang và tiếp tục kiến tạo nên cho quê hương Thanh Hoá của mình. Mình đã mạnh dạn nhắn tin cho thầy chỉ để nói với thầy rằng “thầy đã kiến tạo nên những cánh chim cuối đàn tuyệt vời như thế”. Tư duy và những giá trị mà chị ấy trao đi cực kì đồng điệu với tư tưởng, và con người của thầy. Khi về, dù là lần gặp đầu tiên mình đã xin được ôm chị thay cho lời chào ấm áp mà chúng mình gửi đến nhau. Mình thực sự biết ơn tấm lòng, và tinh thần cho đi hết mình của thầy dành cho những cánh chim cuối đàn như mình.
Mình từng biết thầy từ chối những buổi chia sẻ cấp cao với mức thù lao cả trăm triệu cho một buổi sáng chỉ vì sức khoẻ nhưng thầy lại sẵn sàng đi khắp nơi để chia sẻ, nâng đỡ những cánh chim cuối đàn mà không nhận bất cứ một khoản phí nào. Trước kì đại hội Huế diễn ra, thầy đã nằm viện để cấy van tim, dù còn mệt nhưng thầy vẫn hết mình cho chương trình hôm ấy. Đến mức những trợ lý sức khoẻ đi cùng thầy, chốc chốc lại phải ra nhắc thầy chú ý đến sức khoẻ. Rồi hôm nay khi nghe chị Song Ngân nói “thầy bảo chị, Ngân ơi thầy về là không có đặc sản, cơm nước gì con nhé, thầy ăn uống đơn giản lắm”. Đến việc chị muốn đặt xe để đón thầy thầy cũng không cho. Bạn thấy đấy, những điều như thế không bao giờ thầy nói ra, cũng chẳng bao giờ kể công. Tại đại hội Cấy nền thầy nói “thầy đang làm để trả nợ cho cụ Hồ, cho những con người vĩ đại của nước ta, thầy cần phải làm thế vì những ân tình mà thầy đã được nhận”. Mọi thứ thầy xuất phát từ tinh thần ấy.
2. Làm thế nào để tư duy đúng ngay từ đầu?
Câu trả lời đơn giản lắm, hãy bắt đầu từ đích đến, từ đầu ra chứ không phải đầu vào. Đó chính là tư duy hệ thống mà thầy đã nói đi nói lại. Tư duy hệ thống này ta có thể áp dụng trên mọi mặt của đời sống, nhìn từ đầu ra trước rồi ta mới tìm cách để hiện thực hoá nó ở khâu đầu vào. Mình nhớ thầy chia sẻ một ví dụ cực kì ấn tượng và đâu đâu ta cũng thấy hình ảnh này. Chuyện là có hai khách hàng họ muốn du thuyền trên sông, các chủ thuyền đều chỉ lấy câu chuyện ra về giá để nói với khách. Cứ cố để hạ giá thật nhiều nhằm có được khách, đây là cách nhanh nhất để cùng chết. Đó là tư duy cục bộ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng nên tránh. Anh lái đò cũng chính là một doanh nghiệp nhỏ mà ở đó anh ta chính là ông chủ, là nhân viên và là người truyền thông chính. Thay vì tập trung vào GIÁ, hãy tập trung vào GIÁ TRỊ.
Nghĩa là tư duy theo hướng đứng ở vị trí khách hàng để mà triển khai. Khi du thuyền họ sẽ có nhu cầu uống rượu vang, nhu cầu thưởng thức ẩm thực, âm nhạc, thậm chí là có nhu cầu có được không gian riêng trong một căn phòng nhỏ? Tại sao không cùng chung tay để tạo nên một hệ sinhg thái nhằm phục vụ, tối đa hoá nhu cầu của khách hàng mà cứ chăm chăm tìm mọi cách để hạ giá, hạ bệ nhau để rồi tôi chết thì anh cũng băng hà.
Mình còn nhớ có một ví dụ rất thú vị đó là ở nơi khác khi có một cây xăng mọc lên thì bên cạnh sẽ bắt đầu kiến tạo nên khu ăn uống, nghỉ ngơi, thậm chí là khu mua sắm để tối đa hoá nhu cầu của khách hàng. Còn ở Việt Nam mình thì khi có một cây xăng mọc lên phát triển thì bên cạnh sẽ có nhiều cây xăng khác cùng cộng hưởng. Tại sao ta không nghĩ khác đi? Làm thế nào để ta có thể khai thác tập khách từ cây xăng kia đem lại chứ không phải tranh giành khách của họ.
Tại sao bên kia họ cung cấp cháo vịt, ta không trở thành nguồn cung cấp vịt sạch hay là nơi thu mua lông vịt mà cứ phải là cùng bán cháo vịt mới chịu? Nói tới đây mình lại nhớ đến Nhật Bản. Họ làm gì cũng tối đa hoá lợi nhuận, ngay cả phân gà họ cũng tận dụng để xuất khẩu, bán thành tiền được. Rau ở Nhật ngon, tươi tốt là nhờ những nguồn phần hữu cơ này, họ đã tận dụng bằng việc khử mùi, làm cho phân gà trở nên có giá trị và biến nó thành nguồn cung ứng cho chính người nông dân của họ. Họ nâng đỡ nhau như thế đó ạ. Mình tin đó cũng chính là tư duy hệ thống mà thầy Trường đã liên tục nhắc tới. Tư duy này áp dụng trong bất cứ ngành nghề nào cũng đều thành công. Khi đã thấy đích đến nghĩa là ta đã nhìn thầy con đường cần đi. Thành công hay không nó nằm ở tư duy hệ thống chứ không phải tư duy cục bộ. Không phải là phải làm gì, làm thế nào mà phải là TẠI SAO CẦN LÀM THẾ? Rồi từ tại sao mới biết thế thì giờ cần làm gì để đạt được ý tại sao kia, rồi sau đó mới tìm cách để làm thế nào.
3. Làm thế nào để đọc đúng tín hiệu từ vũ trụ?
Nghe thì có vẻ hơi tâm linh nhưng thực sự khi mình suy ngẫm, quan sát và soi chiếu những năm vừa qua thì mình rất tin vào những TÍN HIỆU. Khi ta giữ cho đầu mình luôn minh triết, tĩnh lặng thì những tín hiệu ấy sẽ đến liên tục với bạn. Bạn luôn sẽ có được những câu trả lời cho bất cứ câu hỏi hay khao khát nào bạn đưa ra. Nhiệm vụ duy nhất của bạn chính là SỰ CHÚ TÂM. Tập trung vào bất cứ việc nào mà bạn đang đảm nhiệm, lắng nghe những thông điệp mà bạn nhận được. Bạn sẽ thấy mọi thứ từng bước, từng bước sáng rõ trên con đường mà bạn đi.
Mình lấy một vài trải nghiệm cá nhân của mình để bạn có thể tham khảo và soi chiếu nhé. Dĩ nhiên nó là trải nghiệm cá nhân của mình nên chỉ mang tính tham khảo thôi. Vì mấu chốt vẫn là nằm ở bạn, cuộc sống của bạn, bạn luôn là diễn viên chính, và tất cả những sự việc hay bất cứ ai đến bên cuộc đời bạn đều chỉ với mục đích là phục vụ cho bạn, giúp bạn lớn lên và trưởng thành theo những hướng tốt hơn. Bài viết này đến với bạn cũng chỉ với mục đích như thế.
Năm 2015 mình ra trường, mình đang lăn tăn không biết nên làm ở thủ đô hay về quê vì nếu ở thủ đô mình sẽ có việc luôn vì công việc thời sinh viên đã giúp mình có rất nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm nên không khó để xin việc ở Hà Nội. Tuy nhiên lúc ấy mình có hai tín hiệu để chỉ điểm mình về quê, một là anh xã mình, anh nỏi anh sẽ về quê vì ở đây anh nghĩ sẽ không đủ khả năng để kiến tạo nên một tổ ấm đủ đầy cho hai chúng ta, Hà Nội thứ gì cũng đắt đỏ. Còn số hai chính là em trai mình, bố mẹ mình ngày ấy rất đau buồn vì em trai mình mê game, bỏ học, bố còn đánh cả em, thậm chí bố còn nói sau này cho nó đi kéo xe như đời bố cho nó sáng mắt ra. Dĩ nhiên mình không thể để điều đó xảy ra, kéo xe không xấu nhưng trước đó mình muốn em được nhìn thấy một thế giới khác như mình đã từng được nhìn thấy. Khi đó em quyết định làm nghề gì mình cũng ủng hộ, kể cả nghề kéo xe của bố. Mình đã về quê như thế, tín hiệu rất rõ ràng. Phần này làm mình nhớ đến cuốn “một đời như kẻ tìm đường” của thầy, thầy bảo cả đời thầy thầy có được chọn đâu, vũ trụ toàn chọn cho thầy đó thôi. Và mình nghĩ thầy đã nói rất thật lòng về chia sẻ ấy thông qua lăng kính 70 năm cuộc đời mà thầy nhìn lại.
Về quê mình vừa mải miết đi tìm việc, vừa phải song hành cùng em trai, giúp em đi đúng đường trở lại. Khi có động lực rồi thì mọi thứ tự nhiên sáng tỏ, hành trình ấy mình đã nhận được quả ngọt đầu đời, em trai mình đã quay trở lại việc học tập. Từ người tuột dốc, đứng bét lớp, ngày nào cô chủ nhiệm cũng gọi cho bố mẹ, em đã vươn lên nằm ở top đầu của lớp. Đậu tốt nghiệp và đậu luôn đại học, điều mà ai cũng nghĩ là không thể tại thời điểm đó. Cũng chính hành trình ấy đã khiến mình manh nha nghĩ tới con đường HUẤN LUYỆN PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN TOÀN DIỆN. Mình tự đặt ra làm sao để mình có thể giúp những người đang để cuộc đời lạc trôi quay trở lại đúng hướng? Có lẽ chỉ có giáo dục mới đủ khả năng làm nên điều đó. Và khao khát ấy khiến mình bắt đầu tìm câu trả lời.
Và các dự án đồng hành lần lượt được mình triển khai, mỗi dự án mình đồng hành đều thu lại được kết qủa khả quan. Khả quan nhất là dự án khiến chồng mình từ anh chàng hướng nội, ít nói trở nên tự tin, dám đứng lên chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình một cách tự tin. Để rồi kể cả có làm việc với những bác lãnh đạo lớn tuổi anh cũng không thấy sợ hãi bởi anh biết anh cũng có những giá trị của riêng mình. Cái cây nào cũng có chức năng và nhiệm vụ riêng của nó trong hệ sinh thái chính là như vậy.
Mình cứ lần mò, tìm cách để hiện thực hoá mục tiêu của mình. Trên hành trình chờ đợi thời cơ ấy mình vẫn không ngừng vun bồi, nâng cao giá trị, năng lực của bản thân. Và rồi cơ hội trên đường đi đã xuất hiện, mình được làm trợ lý cho một người chị rất giỏi. Vì yêu những cuốn sách của chị, ngưỡng mộ về tư duy và lối sống của chị nên mình đã cảm ơn chị bằng việc lan toả cuốn sách, tinh thần ấy đến nhiều người hơn nữa. Rồi mình nhận được lời mời làm trợ lý của chị ấy, sau một thời gian làm cùng, chị đã nói với mình “em giỏi lắm nên đừng làm cho chị nữa, em làm riêng đi”. Ngày ấy mình vẫn chưa hiểu ý của chị, còn nghĩ chị nói thế để đuổi khéo mình, nhưng mình vẫn yêu mến chị, và không ngừng vun bồi giá trị, nâng cấp bản thân để sau này chính chị ấy đã mời mình về với chị, nhưng không phải về làm trợ lý mà là về làm cộng sự, làm người song hành cùng.
Mình đã chạm sâu con đường đào tạo từ đó khi mình làm thành công khoá học về kỹ năng cho team học viên mà chị ấy trân quý. Cũng từ đó con đường huấn luyện phát triển cá nhân của mình thành hình, từng bước một như thế, đến nay mình đã chuyển hẳn sang mảng đào tạo về con người được 3 năm.
Năm nay mình đang rất quan tâm đến đề tài giáo dục, nhất là giáo dục gia đình và định hướng cho các bạn trẻ thì thầy Trường cùng CẤY NỀN xuất hiện. Mình đã đem những cuốn sách của thầy để trao tặng đến các bạn du học sinh bên ANIDO VIỆT NAM – nơi mà mình đang làm giám đốc đào tạo và phát triển con người. Tín hiệu về đất nước Nhật Bản mình đã nhìn thấy khá lâu và đầu năm 2023 thì nó trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Mình đã từng nói với trợ lý của mình là có lẽ em có duyên với đất nước mặt trời mọc vì rất nhiều học viên của em đều đang làm việc hoặc sinh sống trên mảnh đất này.
2023 thì chị Huyền – CEO của ANIDO Việt Nam mời mình về làm giám đốc đào tạo cho các bạn du học sinh Nhật của chị vì chị thấy các bạn ấy bị thiếu định hướng sau khi quay trở về Việt Nam. Tiền có, tiếng có nhưng sao các bạn ấy vẫn loay hoay. Cái các bạn ấy thiếu chính là định hướng, là tư duy, là kĩ năng mà một công dân toàn cầu cần phải có. Rồi lần lượt hai trường con gái mình học đều có hình bóng của đất nước Nhật. Tsubaki Hà Nội về sát nhập Hoa Anh Đào vào hệ thống của họ, mang Ehon vào trường và khiến Hoa Anh Đào chuyển sang một hướng hoàn toàn mới. Ở đó cũng có chị Nguyễn Thị Thu – một diễn giả, tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục con rất thú vị. Bản thân chị cũng có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật trước khi về Việt Nam để kiến tạo nên Tsubaki. Trường bé con nhà mình sắp học cấp 1 cũng có bóng dáng của nước Nhật khi mà người chủ trường đã đưa sách Ehon vào trong trường học cách đây 5 năm.
Mọi thứ nếu chiêm nghiệm, suy ngẫm lại hoàn toàn không có gì là ngẫu nhiên cả bạn ạ. Đến một chiếc lá rơi vào thời điểm này thì cũng là một quy luật đã được vũ trụ sắp xếp trước. Thế nên bạn hãy lắng lòng lại để nghe và đọc những tín hiệu mà vũ trụ từng bước trao đến bạn nha. Bất cứ ai bạn gặp đều là những người bạn cần gặp, bất cứ điều gì cần xảy ra nó đều sẽ xảy ra, không có bông tuyết nào là rơi nhầm chỗ cả bạn ạ. Và cũng chẳng phải tự nhiên bạn nhìn thấy bài này và đọc hết nó, phải không nào?
P.s: Thầy Trường bảo với mình “Nghĩa viết hay và sâu sắc lắm, mỗi tội viết dài quá”, cơ mà con xin lỗi thầy, con vẫn chưa khắc phục được khiếm khuyết này, thời gian tới con sẽ rút kinh nghiệm thầy ạ! Và mình cũng xin cảm ơn đến những người ngày đêm lăn xả đọc hết các bài của mình dù nó dài đến cả vài ngàn chữ.
Mobil ödeme, son yıllarda dünya genelinde yaygınlaşan ve insanların hayatını kolaylaştıran bir ödeme yöntemi haline geldi. Artık pek çok market, restoran ve hizmet sağlayıcı mobil ödemeyi kabul ediyor. Ancak bazen ihtiyaç duyulan şey nakittir ve maalesef her yerde her zaman ATM bulmak mümkün değildir.