Cùng con Trí tuệ

Bốn cách để khơi dậy niềm yêu thích học tập ở trẻ

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có một trí tò mò bẩm sinh. Trẻ yêu thích việc khám phá mọi thứ xung quanh. Trẻ không ngừng đặt câu hỏi để tìm kiếm những câu trả lời cho riêng mình. Tuy nhiên theo thời gian, niềm yêu thích học hỏi này thường bị mất đi. Một phần vì áp lực bài vở trên trường, phần còn lại và cũng là phần quan trọng nhất chính là chúng ta chưa biết cách để khơi dậy và nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập ở trẻ.
Vậy làm thế nào để có thể giúp trẻ khơi dậy niềm yêu thích học tập? Sau đây là bốn chiến lược hữu ích dành cho bạn.

1. Giúp trẻ tìm ra phong cách học tập phù hợp
Mình muốn cha mẹ làm điều này trước tiên vì mỗi đứa trẻ sẽ có một phong cách học tập khác nhau. Có đứa trẻ thích học một mình, có đứa trẻ lại yêu thích việc thảo luận, tương tác; có đứa trẻ thích học qua âm nhạc, qua thính giác nhưng có đứa trẻ lại thích học bằng hình ảnh, không gian. Không có phong cách học tập nào là hoàn hảo cả, chỉ có phù hợp và không phù hợp. Khi bạn giúp con hiểu được phong cách học tập nào phù hợp với bản thân sẽ giúp trẻ yêu thích việc học và duy trì được nó trong thời gian dài. Chúng ta sẽ cùng khám phá bảy phong cách học tập khác nhau sau đây:

– Phong cách học tập trực quan (không gian), hình ảnh.
Nếu trẻ sử dụng phong cách trực quan, trẻ sẽ thích sử dụng hình ảnh, tranh ảnh, màu sắc và bản đồ để sắp xếp thông tin và giao tiếp với người khác. Trẻ có thể dễ dàng hình dung các mọi thứ xung quanh bằng hình ảnh trong đầu. Những đứa trẻ có phong cách học tập này sẽ dễ dàng ghi nhớ mọi thứ nếu chúng được đưa về hình ảnh. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ vẽ sơ đồ tư duy, sketchnote để giúp trẻ nhớ bài tốt hơn.

– Phong cách học bằng âm thanh (thính giác-âm nhạc-nhịp điệu).
Nếu trẻ sử dụng phong cách âm thanh, trẻ sẽ thích học tập bằng thính giác. Trẻ có một cảm giác tốt về âm thanh và nhịp điệu. Trẻ thường có thể hát, chơi một nhạc cụ hoặc xác định âm thanh của các nhạc cụ khác nhau. Khi đến một nơi nào đó trẻ sẽ bị thu hút ngay lập tức bởi âm thanh của nơi đó như giọng nói của những người có mặt, bản nhạc nơi đó đang mở. Khi nghe được ca khúc nào đó đúng với sở thích của trẻ, trẻ sẽ lắc lư theo nhịp điệu, thậm chí thuộc lời ca khúc đó rất nhanh. Vậy nên khi cha mẹ biết trẻ yêu thích phong cách học tập này hãy cho trẻ học bằng xem video, bằng các bài hát, hoặc cùng trẻ ngâm thơ, đọc rap, nó sẽ khiến cho trẻ tiếp thu hiệu quả vì nó có nhịp điệu.

Phong cách học tập bằng lời nói (ngôn ngữ)
Phong cách ngôn từ liên quan đến cả lời viết và lời nói. Nếu trẻ sử dụng phong cách này, trẻ sẽ thấy dễ dàng thể hiện bản thân, cả bằng văn bản và lời nói. Trẻ thích đọc và viết. Trẻ thích các trò chơi về ngôn ngữ, chẳng hạn như làm thơ, chế lời bài hát, kể chuyện, đọc rạp… Trẻ biết nghĩa của nhiều từ và thường xuyên cố gắng tìm nghĩa của các từ mới. Nếu bé con của bạn có phong cách học tập này, bạn hãy mua đa dạng các thể loại sách cho trẻ. Sau đó hai mẹ con cùng đọc và thảo luận, bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên về trẻ. Trẻ có thể chia sẻ quan điểm của mình về câu chuyện đó bằng ngôn ngữ riêng của mình. Đây cũng là cách bạn giúp trẻ phát triển tư duy rất rất tốt.

– Phong cách học tập về thể chất (thể chất-động học)
Nếu trẻ yêu thích phong cách học tập này, trẻ sẽ có xu hướng sử dụng cơ thể và xúc giác để tìm hiểu về thế giới xung quanh. Trẻ thích các hoạt động gắn liền với việc học, nhờ đó trẻ ghi nhớ tốt hơn. Trẻ thường nghĩ ra những ý tưởng mới mẻ khi trẻ chơi trò chơi, hoặc được vận động. Khi trẻ yêu thích phong cách học tập này, cha mẹ có thể tổ chức các gameshow giúp trẻ vừa vận động, vừa học.

– Phong cách học tập lôgic (toán học)
Nếu trẻ sử dụng phong cách logic, trẻ thích sử dụng bộ não của mình để lập luận logic và toán học. Trẻ có xu hướng muốn tìm ra mối quan hệ giữa các thông tin và kết nối chúng lại với nhau. Ngoài ra trẻ sẽ dễ dàng nhớ được bài học nếu trẻ sử dụng cách phân loại, nhóm, hoặc sắp xếp thông tin lại với nhau.

– Phong cách học tập xã hội (giữa các cá nhân)
Nếu trẻ có một phong cách xã hội mạnh mẽ, trẻ giao tiếp tốt với mọi người, cả về ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ. Trẻ dễ dàng nắm bẳt cảm xúc, tâm trạng của người đối diện. Trẻ thường thích học theo nhóm hoặc lớp học, trẻ thường muốn dành nhiều thời gian trực tiếp với giáo viên hoặc người hướng dẫn. Trẻ nâng cao khả năng học tập của mình bằng cách đưa ra suy nghĩ của mình so với người khác và lắng nghe cách họ phản hồi. Do đó trẻ cực kì thích học tập bằng phương pháp làm việc nhóm. Vì với phương pháp này trẻ được thảo luận, trao đổi, bày tỏ ý kiến và lắng nghe phản hồi. Nếu bé con của bạn có phong cách học tập này bạn hãy tạo ra những buổi thảo luận trong gia đình, hoặc mời bạn của trẻ đến học cùng. Trẻ sẽ rất thích thú tham gia, và bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thành viên khác.

– Phong cách học tập đơn độc (cá nhân)
Trái ngược với phong cách học tập xã hội là phong cách học tập đơn độc. Nếu trẻ có phong cách học tập này, trẻ là người sống riêng tư, nội tâm và độc lập. Trẻ muốn có không gian của riêng mình, trẻ dành nhiều thời gian để suy ngẫm, đánh giá những gì đang diễn ra với bản thân. Từ đó giúp trẻ đưa ra những giải pháp để xử lý. Nếu trẻ yêu thích phong cách học tập này cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ có thời gian cho bản thân, để trẻ có thể được làm điều trẻ muốn.

Cha mẹ hãy dành thời gian để cùng con nhận diện xem con phù hợp với phong cách học tập nào, từ đó biết cách khiến cho việc học của con trở nên vui vẻ và thú vị.

2. Làm cho việc học tập trở nên thú vị.
Trẻ ghét học vì nó nhàm chán, không có gì vui. Nhưng nếu việc học thú vị, hấp dẫn thì mình tin rằng đứa trẻ nào cũng háo hức tham gia. Dựa vào phong cách học tập mà trẻ yêu thích, cha mẹ có thể thoải mái sáng tạo ra những cách đồng hành với con khác nhau. Mình lấy ví dụ trẻ cần phải đọc thuộc lòng bài thơ KHI TRANG SÁCH MỞ RA của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.

Khi trang sách mở ra
Khoảng trời xa xích lại
Bắt đầu là cỏ dại
Thứ đến là cánh chim
Sau nữa là trẻ con
Cuối cùng là người lớn.

Trong trang sách có biển
Em thấy những cánh buồm
Trong trang sách có rừng
Với bao nhiêu là gió.
Trang sách còn có lửa
Mà giấy chẳng cháy đâu
Trang sách có ao sâu
Mà giấy không hề ướt.

Trang sách không nói được
Sao bé nghe điều gì
Dạt dào như sóng vỗ
Một chân trời đang đi.

– Nếu phong cách học tập trực quan (không gian), hình ảnh.
Cha mẹ có thể cùng con đọc lên sau đó chuyển nó sang dạng hình ảnh. Khi trang sách mở ra (mẹ đọc, trẻ ngồi vẽ trang sách đang mở ra)
Khoảng trời xa xích lại (trẻ vẽ khoảng trời xa, một bầu trời đang xích lại gần trang sách)…
Cứ thế cho đến hết bài thơ. Trẻ sẽ vô cùng yêu thích cách học này và nhớ rất nhanh. Cha mẹ đừng lo là sẽ mất nhiều thời gian vì khi vẽ trẻ cũng đã học được thêm nhiều kỹ năng khác nữa. Càng vẽ nhiều thì từ vựng hình ảnh trong đầu của con càng phát triển. Việc ghi nhớ sau này sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn.

– Nếu phong cách học bằng âm thanh (thính giác-âm nhạc-nhịp điệu).
Cha mẹ có thể cho con nghe bài thơ này từ giọng đọc rất hay trên mạng, hoặc cha mẹ với con cùng đọc sau đó thu âm lại. Bố và mẹ sẽ thu âm rồi cho trẻ nghe để trẻ chấm điểm. Ban đầu có thể là thu âm thông thường, sau đó bố mẹ chuyển hát như kiểu đọc rap hoặc ca cải lương (nếu có thể). Việc nghe bố mẹ đọc và còn phải nghe kĩ để chấm điểm sẽ giúp trẻ nhớ bài nhanh hơn. Bé con nhà mình khi nghe mẹ ca cải lương, bạn ấy sẽ cười như được mùa,  thích thú vô cùng nên con nhớ bài rất nhanh.

– Nếu trẻ có phong cách học tập bằng lời nói (ngôn ngữ).
Cha mẹ có thể cùng con sáng tạo ra một câu chuyện thú vị dựa trên bài thơ này. Dĩ nhiên điều này còn phụ thuộc vào gu của bé con nhà bạn nữa, nếu như bé con nhà bạn yêu thích thể loại công chúa như nàng Cốm nhà mình bạn có thể nghĩ ra câu chuyện kiểu này.
“Ngày xửa, ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một nàng công chúa đến tuổi đi học rồi nhưng nàng vẫn không muốn đến trường. Nhà vua và hoàng hậu rất lo lắng, bởi nếu công chúa không đến trường, công chúa sẽ không bao giờ biết đến những phép màu. Công chúa cũng rất muốn biết phép màu là gì nhưng không dám hỏi cha mẹ của mình. Vậy nên khi nhà vua và hoàng hậu đi ra ngoài, công chúa đi đến bàn làm việc của nhà vua…nàng rất thích thú khi nhìn thấy một cuốn sách sáng lấp lánh, nàng chưa bao giờ thấy cuốn sách nào đẹp đến thế.
Rồi nàng dùng tay của mình lật mở từng trang sách, từng thứ một hiện ra, lấp lánh, rực rỡ, chúng được bao quanh một màu vàng óng ánh, y như phép màu của bà tiên vậy…Khi trang sách mở ra, khoảng trời xa xích lại, bắt đầu là cỏ dại, rồi lại đến cánh chim, tiếp đó là trẻ em, sau cùng là người lớn. Nàng thích thú lại tiếp tục lật mở những trang tiếp theo của cuốn sách.

– Nếu phong cách học tập về thể chất (thể chất-động học)
Cha mẹ có thể tổ chức trò chơi cho trẻ, cha mẹ vẽ những hình ảnh trong thơ ra hoặc cắt ra từng câu thơ một. Mặt còn lại cha mẹ đánh số điểm vào. Câu thơ đầu tiên điểm sẽ thấp nhất, câu cuối cùng điểm sẽ cao nhất. Các câu thơ sẽ được xếp theo thứ tự từ thấp lên cao.
Luật chơi: có ba khổ thơ, tương đương với 3 hiệp. Hiệp 1 sẽ oẳn tù tì để tìm ra ai là người được chơi đầu tiên. Hoặc có thể đặt ra câu hỏi ai là tác giả của bài thơ này, ai nhanh tay và trả lời đúng thì sẽ được chơi trước. Bạn cố tình giơ tay chậm hơn trẻ xíu hoặc trả lời sai chút để trẻ có thể được chơi đầu tiên. Mục tiêu là tạo cảm hứng cho trẻ, bé nào cũng thích chiến thắng. Nhất là thắng bố mẹ của mình.
Người đầu tiên đọc câu thơ sẽ được lấy câu thơ ấy về và được điểm. Sau đó sẽ đọc câu thơ số 2 để ăn điểm, vì đang đứng gần nên trẻ có thể đọc vẫn chuẩn. Càng xa trẻ sẽ càng khó đọc, khi ấy bạn cố gắng phản công. Lưu ý quan trọng là trẻ sẽ cần bật nhảy hoặc lặc cò cò lên để lấy câu thơ nha. Vì trẻ thích vận động mà, nên cha mẹ cần lưu ý điều này. Hiệp 2, hiệp 3 tương tự, cha mẹ có thể cho trẻ nghỉ một chút để trẻ ôn bài…trẻ sẽ háo hức nhớ để còn thắng mẹ.

– Nếu phong cách học tập lôgic (toán học)
Cha mẹ cùng với trẻ sẽ tìm ra sự kết nối giữa những hình ảnh mà tác giả nói đến trong bài thơ. Khi mở sách ra, điều đầu tiên tác giả nhìn thấy chính là bầu trời? Nhưng tại sao tác giả không thấy luôn cánh chim mà lại thấy cỏ dại trước? Bạn cứ đặt ra những câu hỏi để trẻ và bạn thảo luận. Với cách này bạn không những học được bài thơ với trẻ mà còn nhìn thấu tư duy của tác giả nữa, cách tác giả triển khai bài thơ này, nó logic như thế nào, tác giả đã nhìn thấy những gì trước khi chuyển nó thành thơ? Thậm chí bạn cùng con liệt kê ra những thứ mà tác giả đề cập trong từng khổ thơ. Vì trẻ rất thích nhóm, thống kê, sắp xếp thông tin lại với nhau nên cách này rất hiệu quả với trẻ.

– Nếu phong cách học tập xã hội (giữa các cá nhân)
Bạn có thể cùng con trao đổi, thảo luận, phân tích về bài thơ này. Cảm nhận của bạn về bài thơ này như thế nào? Tác giả muốn nói lên điều gì? Tổ chức nó thành một cuộc thi hùng biện. Bạn dẫn chương trình, chồng làm ban giám khảo, con và bạn sẽ cùng thi. Tuy nhiên để có thể giúp bé con của bạn học được nhiều nhất từ cuộc thi này, bạn cần phải chuẩn bị kỹ về bài thơ này. Lên mạng đọc tài liệu, suy nghĩ và đưa những cảm nhận của bản thân vào. Bé sẽ học được cách làm việc của bạn, cách trình bày, cách phân tích, bình luận của bạn chứ không đơn thuần là bài thơ nữa.

– Phong cách học tập đơn độc (cá nhân)
Bạn có thể dành cho con khoảng thời gian chất lượng nhất để con một mình học tập. Bạn có thể hỏi con có muốn mẹ giúp gì không? như không gian phòng học, âm nhạc để giúp con dễ tập trung hơn. Nếu con không cần, bạn có thể rời đi để con được học một mình. Còn nếu bé con của bạn muốn đến công viên đi dạo để học thì bạn có thể đi cùng con nhưng thay vì nói chuyện hãy để con yên tĩnh để học, thay vào đó bạn có thể cầm đi một cuốn sách để tự thưởng cho bản thân. Cảm giác đi bên cạnh bé con của bạn trong công viên với rất nhiều cây xanh sẽ cho bạn nguồn năng lượng tuyệt vời. Vậy nên đôi khi yên lặng thôi cũng đã giúp bé con rất rất nhiều rồi.

3. Giúp trẻ khám phá sở thích và đam mê

Một cách để khơi dậy niềm yêu thích học tập là giúp trẻ khám phá và tìm hiểu các chủ đề mà trẻ quan tâm. Mình tin rằng chìa khóa để mở ra tiềm năng của một đứa trẻ là tìm ra sở thích và giúp trẻ phát triển chúng.

Bé con nhà mình cực kì thích công chúa, mua sách, mua quần áo hay mua dép thì phải là hình công chúa mới ưng. Công chúa gì cũng được, miễn là công chúa xinh đẹp, mà màu hồng thì càng tốt. Vậy nên mình mua rất nhiều sách về công chúa. Khi thì những cuốn truyện mình kể cho con nghe hằng đêm, khi thì là sách dán, khi là sách tô màu.
Vì thích nên con rất tập trung lắng nghe khi mình kể chuyện, thậm chí còn háo hức muốn mẹ kể đi kể lại cho bằng thuộc thì thôi. Nhiều khi bí sách mình còn phải tự sáng tác ra những câu chuyện về công chúa và đưa những bài học hay vào đó cho con nghe.
Sách dán thì mình mua cả bộ 8 cuốn một lần, bé con của mình sẽ nghe bố mẹ đọc truyện, dựa vào số trang để dán những trang phục lên người công chúa. Điều này giúp bàn tay con khéo léo hơn, gu thẩm mỹ của con cũng được tăng lên khi tự tay mặc đồ cho công chúa và trang trí không gian xung quanh.
Sách tô màu mình mua rất nhiều, cứ hết lại mua. Mình muốn rèn cho con sự tập trung và kỹ năng tự học từ bé nên sách tô màu, bút màu là thứ mình mua nhiều nhất cho con. Bé con nhà mình nhờ đó mà rèn được kỹ năng tự học, sự tập trung của con được tăng lên theo thời gian. Chính vì vậy việc tiếp thu trên lớp của con rất tốt, chưa kể vì được tô màu nhiều, và yêu thích nó nên bé nhà mình tô màu rất đẹp. Hôm vừa rồi còn được cô tuyên dương là tô màu đẹp nhất lớp, và được cô tặng cho hai cái bé ngoan.

Khi biết được sở thích, đam mê của con, bạn sẽ giúp con học được rất nhiều bài học ý nghĩa, với nhiều cách khác nhau. Khoảng vài tháng trở lại đây, bé con nhà mình cực kì hứng thú với toán. Con yêu thích đến mức cả ngày ngồi viết số rồi bắt bố mẹ đố con. Mình đố con những câu ngoài cả 20, con bảo cộng cả tay và chân thì lâu lắm. Mình hướng dẫn con ném số lớn hơn lên trời rồi bắt đầu tính từ số tiếp theo. Nhờ đó bé nhà mình có thể cộng đến 40, 50. Mình ví dụ 26 + 7 thì con sẽ ném 26 lên trời, và 7 thì nằm ở trên tay của con. Con sẽ giơ 7 ngón tay ra, bắt đầu đếm từ 27 (vì 26 xong thì đến 27)…đi hết 7 ngón tay con sẽ có kết quả là 33. Bé con nhà mình cực kì thích trò này, nên tối nào cũng muốn bố mẹ đố. Mình nhiều hôm đố câu khó hơn nhưng bạn ấy vẫn làm được, vì con đã nắm được cái lõi đó là đếm đúng được từ 1 đến 100.
Ngày con mới tìm hiểu về các chữ số, mình và chồng mỗi lần đi chợ cũng hay đưa con đi cùng. Mình bảo con chọn cho mẹ 2 cái bắp cải, 8 hộp sữa chua, 12 hộp sữa của con…bạn ấy thích thú vì biết học về các số có thể ứng dụng được nhiều thứ.
Sở thích, đam mê, sự quan tâm của trẻ sẽ thay đổi theo thời gian nên bố mẹ phải thường xuyên tương tác, tìm hiểu xem trẻ đang quan tâm, đang thích điều gì để có thể giúp con phát triển điều con thích.

4. Ủng hộ và khuyến khích trẻ
Một lý do khiến nhiều trẻ đánh mất niềm yêu thích học tập là chúng bắt đầu gắn việc học với sự lo lắng và áp lực. Trẻ lo lắng bị điểm kém, trả lời sai câu hỏi hoặc bị cha mẹ, thầy cô phê bình. Khi việc học chỉ nhìn về kết quả, nó sẽ không còn thú vị nữa.

Bé nhà mình thời gian đầu con tô màu chưa , toàn lem ra ngoài, nhưng mình luôn khuyến khích con là con đã rất cố gắng rồi, con sẽ tô đẹp hơn theo thời gian. Ngày trước mẹ bằng tuổi của con, mẹ còn không biết tô màu cơ. Nhưng ngày mẹ được bà mua cho một hộp màu, mẹ bắt đầu học cách tô. Ban đầu mẹ cũng tô lem hết ra ngoài, nhưng mẹ không bỏ cuộc, mẹ cứ tô dần dần, em tay của mẹ dần trở nên khéo léo hơn. Và rồi sau những ngày tô lem ra ngoài, mẹ đã biết cách tô sao cho đẹp. Từ đó bé nhà mình không lo lắng mỗi khi con tô ra ngoài nữa, mình luôn tìm các điểm mà con đã làm được để ủng hộ và khuyến khích con. Và bạn thấy đấy, đến giờ em ấy đã tô rất đẹp, chưa kể mắt thẩm mỹ về màu sắc của con phát triển vượt bậc…mình còn thua con về việc phối màu.

Lớp kid thuyết trình của mình, có một bạn nhỏ sống ở Úc. Con nói tiếng Anh siêu hay, vì đó là ngôn ngữ chính của con. Tuy nhiên lớp học của mình, mình khuyến khích con dùng tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của con. Ban đầu con gặp rất nhiều thách thức, cả mình lần mẹ của con đều có một chút lo lắng, chỉ sợ con thấy khó quá sẽ bỏ cuộc mất. Nhưng với sự khích lệ, động viên của mình, của mẹ thì con đã hoàn thành các nhiệm vụ mà mình đưa ra. Đặc biệt là càng những bài tập sau con càng tiến bộ, và tốn ít thời gian để làm bài hơn. Mình tin rằng, khi trẻ được cha mẹ, thầy cô khuyến khích, động viên thì trẻ sẽ coi thách thức là cơ hội để trẻ rèn luyện sự kiên trì, bền bỉ của mình. Từ đó nhanh chóng tìm ra giải pháp để giải quyết những thách thức mà mình đang gặp phải.

Trên đây là bốn chiến lược để giúp các cha mẹ khơi dậy niềm yêu thích học tập ở trẻ. Mình hi vọng rằng nó hữu ích với cha mẹ và giúp các cha mẹ đồng hành cùng con hiệu quả hơn.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *