Kỹ năng Rèn luyện

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN KỸ NĂNG VIẾT?

Kỹ năng viết là một kỹ năng vô cùng quan trọng dù ở bất cứ thời đại nào. Nó không chỉ giúp chúng ta diễn đạt ý tưởng, giao tiếp hiệu quả với người khác mà còn giúp chúng ta thấu hiểu bản thân, phát triển tư duy và nâng cao nhận thức của chính mình. Trong thời đại ngày nay, nếu có kỹ năng viết tốt chúng ta không chỉ GIAO TIẾP HIỆU QUẢ với mọi người mà còn góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của bản thân trong thị trường lao động. Chính xác là nếu có kỹ năng viết tốt bạn sẽ KIẾM ĐƯỢC T.I.Ề.N từ kỹ năng này.

Vậy làm thế nào để có thể CẢI THIỆN KỸ NĂNG VIẾT? Làm thế nào để chúng ta biết được những gì ta thực hành, nỗ lực hôm nay chắc chắn sẽ có hiệu quả trong tương lai? Câu trả lời của mình đó chính là HÃY CÓ CHIẾN LƯỢC VIẾT ĐÚNG ngay từ đầu. Với hướng đi này, chắc chắn chúng ta sẽ TIẾT KIỆM được rất nhiều thời gian, tâm sức của bản thân.

1. VIẾT MỖI NGÀY
Để cải thiện bất cứ kỹ năng nào thì điều ta cần làm chính là LUYỆN TẬP nó một cách có chủ đích. Mình luôn yêu cầu các học viên trong lớp TÁI SINH phải có một cuốn sổ, cuốn sổ này được đặt tên là “THƯ VIỆN CÁ NHÂN”. Đó chính là nơi để các bạn ấy viết ra những BÀI HỌC mà bản thân học được mỗi ngày. Bởi cuộc sống luôn có vô vàn những bài học ý nghĩa, việc của ta là nhận diện và tốt nghiệp nó. Đó là cách đơn giản khiến bạn không bao giờ phải lặp lại bài học ấy một lần nào nữa.

Học từ bản thân, học từ người khác, học từ sách và những nguồn tri thức mà bạn được tiếp cận mỗi ngày. Nó cũng chính là cách để bạn NÂNG CAO nhận thức, tư duy của bản thân. Chính điều này sẽ khiến cho vốn sống của bạn thêm giàu có và phong phú, góp phần nâng cao giá trị con người bạn trong tương lai. Nhiều học viên chia sẻ với mình rằng “nói chuyện với mình mãi không chán, chỉ muốn được nói mãi”. Lý do là vì mình có nhiều những BÀI HỌC THÚ VỊ đã được tốt nghiệp, mỗi lần trò chuyện với học viên, những bài học ấy lại trở nên sống động hơn. Ai cũng thích được nghe những câu chuyện, bài học thực tế, mà chúng ta thì đâu có thiếu những câu chuyện, bài học như vậy. Mấu chốt là ta cần tích luỹ và lưu trữ nó. VIẾT là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để làm điều này.

2. LỰA CHỌN PHONG CÁCH VIẾT
Mỗi người sẽ có một phong cách viết khác nhau, quan trọng là chúng ta cần tìm ra phong cách nào phù hợp với bản thân. Thường sẽ có bốn phong cách viết
– Cung cấp thông tin
Dạng bài viết này thường được sử dụng trong báo chí, giới thiệu sách vì chúng cung cấp cho chúng ta những thông tin mới nhất về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn một cuốn sách sắp được phát hành sẽ được nhà xuất bản giới thiệu đến độc giả về các nội dung xoay quanh cuốn sách như cuốn sách được tác giả nào viết, được viết trong hoàn cảnh nào, thông điệp chính mà cuốn sách hướng tới là gì?

– Miêu tả
Phong cách viết này sẽ giúp bạn hình dung được những gì tác giả muốn gửi gắm. Nó tạo nên một bức tranh sống động trong tâm trí bạn, thay vì kể chuyện họ sẽ miêu tả chi tiết từng nhân vật để bạn cảm nhận rõ nét hơn. Các tác phẩm văn học làm cực kì xuất sắc điều này. Nếu yêu thích phong cách viết này thì những dòng sách văn học sẽ là kho tài nguyên quý giá để chúng ta tham khảo.

– Chia sẻ quan điểm
Đây là phong cách được rất nhiều người có sức ảnh hưởng sử dụng. Họ thường đưa ra quan điểm, góc nhìn của bản thân về một vấn đề nào đó. Quan điểm này phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, tư duy và giá trị sống của từng người. Chúng cũng có thể thay đổi theo thời gian khi mà tư duy, nhận thức và giá trị của họ thay đổi. Mỗi chúng ta thường đã có danh sách những người có sức ảnh hưởng mà chúng ta yêu thích rồi. Sau bài này, bạn đừng chỉ đọc bài viết mà hãy dành thời gian để phân tích cách tư duy, và triển khai vấn đề của họ, bạn sẽ học được rất nhiều thứ.

– Kể chuyện
Cuối cùng là phong cách kể chuyện, bạn kể về một câu chuyện, một tình huống nào đó đã diễn ra trong cuộc sống của bạn. Câu chuyện này đã tác động đến bạn ra sao, nó khiến bạn thay đổi như thế nào? Lý do bạn muốn kể cho người khác nghe là vì điều gì? Ai trong chúng ta cũng đều thích nghe kể chuyện, nếu chưa biết cách để kể chuyện sao cho hấp dẫn thì bạn hãy sử dụng những câu hỏi phía trên của mình để bắt đầu. Luôn nhớ bất cứ điều gì cũng có thể học, quan trọng là bạn có muốn học hay không mà thôi.

3. XÁC ĐỊNH LĨNH VỰC MÀ BẠN MUỐN VIẾT
Nếu phần một giúp có nhiều tài nguyên để khai thác khi viết, phần hai giúp bạn định hình phong cách viết cho bản thân thì phần ba này tập trung vào THIÊN HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP mà bạn lựa chọn.

Có nhiều người nghĩ rằng bản thân không b.á.n h.à.n.g, không cần phải làm thêm ngành nghề nào nên không cần thiết phải xây dựng THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN. Nhưng theo quan điểm của mình thì đó lại là một SAI LẦM RẤT LỚN. Mỗi chúng ta đều đã có sẵn một thương hiệu mang tên của chính mình rồi. Dù chủ tâm xây dựng hay không thì bạn cũng đã sẵn có. Do đó thay vì cứ để nó ra sao thì ra, hãy làm chủ nó và giúp nó đi đúng hướng ngay từ đầu. Việc xác định LĨNH VỰC LÕI mà bạn muốn hướng tới trong tương lai cần được NGHIÊM TÚC thực hiện. Cơ hội trên đường đi luôn đến một cách bất ngờ, điều quan trọng là bạn có sẵn sàng để chào đón nó hay không? Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Tới lúc thất nghiệp mới bảo giá mà mình biết sớm hơn thì cuộc đời mình đã khác…hãy để nó khác từ bây giờ, ngay hôm nay và ngay lúc này đây.

Có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể lựa chọn như tài chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo, tư vấn hướng nghiệp, du học…Vấn đề là lĩnh vực nào bạn yêu thích và muốn nói về nó nhiều nhất, hãy TẬP TRUNG vào và chọn một ngách nhỏ để bắt đầu.

Mình ví dụ GIÁO DỤC là lĩnh vực mà bạn tâm đắc nhất, tuy nhiên trong giáo dục lại cũng có vô số những ngách nhỏ. Bạn có thể bắt đầu với việc NUÔI DẠY CON vì đó là khía cạnh bạn yêu thích và nỗ lực nhiều nhất. Soi tỏ lại ba bước trên thì chúng ta sẽ triển khai nó như sau:
– Viết lại những bài học mà bạn học được trên hành trình nuôi dạy con của mình, mỗi tình huống diễn ra trong cuộc sống mà bạn cùng con bước qua chính là một câu chuyện thú vị để bạn có thể chia sẻ với mọi người. Bạn đã ứng xử thế nào khi con đập phá đồ đạc và to tiếng với bạn? Tại sao con lại làm như thế? Điều gì khiến bé con của bạn mất kiểm soát? Bạn đã làm gì để giúp đỡ, hỗ trợ con trong tình huống vừa rồi? Điều gì khiến bạn quyết định bình tĩnh, nhẹ nhàng với con thay vì nổi điên lên và đ.á.n.h con? Đâu là kiến thức mà bạn đã áp dụng được trong tình huống này?

– Tiếp theo bạn lựa chọn phong cách viết phù hợp với bản thân, bạn lựa chọn mô tả những gì diễn ra trong hoàn cảnh đó hay bạn lựa chọn kể lại dưới góc nhìn của bạn? Hoặc bạn có thể kết hợp cả hai để khiến bài chia sẻ của bạn thêm đặc sắc và giúp mọi người hình dung được những gì đã diễn ra trong cuộc chiến làm chủ cảm xúc của hai mẹ con bạn.

– Bạn muốn chia sẻ, nhắn nhủ với các cha mẹ điều gì thông qua tình huống trên? Luôn nhớ mỗi tình huống đều ẩn chứa một bài học và một thông điệp nào đó. Khi đã nhận diện được rồi, bạn hãy chia sẻ nó với mọi người để họ có thể học được từ bạn mà không cần thiết phải trải qua tình huống đó nữa. Bởi có những tình huống dù có cho t.i.ề.n thì cũng không ai muốn trải qua.

Điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ đó chính là hãy chú ý CÁCH TRÌNH BÀY. Dù câu chuyện có hay cỡ nào đi chăng nữa nhưng trình bày không đẹp mắt sẽ khiến người khác không muốn đọc. Thế nên sau khi viết ra, hãy dành thêm 5 phút nữa để soát lại nội dung và phần trình bày sao cho dễ nhìn nhất. Hi vọng chia sẻ này của mình sẽ giúp cho các bạn có được những chiến lược hiệu quả để cải thiện kỹ năng viết của bản thân, từ đó nâng cao giá trị và con người của bạn.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *