Cùng con

LÀM GÌ KHI CON MẤT HỨNG THÚ VỚI VIỆC HỌC

Bé con vào lớp một là một trang giấy trắng, trong khi các bạn đã đọc thông viết thạo. Dẫn tới con tự ti, lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi với việc học, nhất là môn Tiếng Việt. Kết quả là cuối năm con đội sổ. Điều này lại càng khiến con tự ti, mất hứng thú với việc học nhiều hơn. Đây chính là chia sẻ mình nhận được gần đây của một người mẹ. Chị ấy đang rất trăn trở về bé con của mình, không biết làm thế nào để giúp con hứng thú và yêu thích việc học trở lại.

Mình đã định nhắn tin để trả lởi cho chị dài thật dài nhưng rồi mình nghĩ, mình muốn chia sẻ nhiều hơn thế, một bài viết có lẽ sẽ đầy đủ hơn cho những suy tư trong lòng mình. Với mình trong những năm tháng tiểu học điều mình quan tâm và ưu tiên hàng đầu chính là NUÔI DƯỠNG NIỀM YÊU THÍCH HỌC TẬP CỦA CON. Để làm được điều này chính cha mẹ phải nỗ lực, cố gắng rất rất nhiều chứ không riêng gì bé con cả. Câu chuyện của bạn nhỏ kia sẽ không có gì phải quá lo lắng nếu bé con không nói “con không thích học, con sợ phải học môn Tiếng Việt”. Thành tích có thể chẳng quan trọng, đứng gần cuối lớp cũng được, thế nhưng sự yêu thích học tập của con buộc phải được nuôi dưỡng đúng cách. Trước hết ta cần giúp con giải phóng nỗi sợ hãi với việc học và bộ môn Tiếng Việt đã. Nếu là mình trong trường hợp này, mình sẽ.

1. Kết nối và trò chuyện sâu với con

Mọi sự thay đổi đều chỉ có thể được mở ra từ bên trong và việc học của con cũng như thế. Mình sẽ dành thời gian để gần gũi, tâm sự với con để giúp con mở lòng và nói ra những suy tư của bản thân. Mình muốn tìm ra được lý do vì sao con lại không thích việc học, con sợ môn Tiếng Việt vì điều gì? Rất có thể con có một trải nghiệm khiến con bị tổn thương như cô gọi lên mà không đọc được, khiến các bạn chê cười, chính điều đó làm tâm lý con bị ảnh hưởng. Hoặc không may con bị cô phê bình gay gắt trước lớp, điều đó làm con ác cảm với môn Tiếng Việt nói riêng và việc học nói chung. Hiểu được gốc rễ vấn đề rồi thì chúng mới biết mình nên làm gì và làm như thế nào.

Nếu con bị tổn thương bởi những lời trêu ghẹo, chỉ trích thì ta có thể giúp con ổn định tâm lý bằng trò chơi “học cách phản hồi với những lời tiêu cực”. Cha mẹ cùng con sẽ thay nhau nói một số những lời chế giễu với người đứng trên sân khấu, và người kia sẽ học cách đáp trả. Mình ví dụ, mẹ sẽ là người vào vai người bị chỉ trích, còn bố và bé con sẽ là số đông. Lúc mẹ lên đọc bài thơ, tự nhiên quên, bố sẽ nói “tưởng giỏi giang thế nào, lại quên à mẹ”, con bảo “thế mà mẹ cứ thể hiện mẹ giỏi lắm”.

Phản ứng thông thường sẽ là mẹ sợ hãi và ôm mặt khóc. Lúc này hai bố con ra vỗ về mẹ. Sau đó mẹ sẽ đứng lên phân tích để bé con hiểu rằng vì đây là những người thân yêu của con, nên mọi người sẽ ra nâng đỡ và yêu thương con nhưng người khác thì họ chưa thể làm được điều ấy, và sự thật là họ không có trách nhiệm phải làm điều đó với ta. Thế nên chính ta sẽ là người tự nâng đỡ, và giúp sức cho mình. Bây giờ hai bố con nói lại những lời lúc nãy để xem cách mẹ phản hồi lại. Hai bố con làm, lúc này mẹ sẽ đứng cười và gãi đầu, ôi tớ lên bảng run quá, quên mất rồi, các bạn nhắc giúp tớ với rồi cười thật xinh. Hoặc nếu bố là thầy của mẹ, mẹ sẽ nói “thưa thầy con run quá, con quên mất từ đầu tiên ạ.”

Nếu lúc này thầy cho mẹ 0 điểm, các bạn vẫn cười mẹ thì mẹ sẽ biến nó thành động lực để hôm sau mẹ xung phong kiểm tra bài cũ và nhận điểm 10. Khó khăn, thử thách chính là cơ hội để ta vươn lên. Mẹ sẽ “phục thù một cách thông minh”. Bây giờ tới lượt con và bố, để xem ai nghĩ ra cách hay hơn. Đây là một trong những trò chơi mà mình hay chơi cùng bé con lúc con còn nhỏ, mình muốn nâng cao nội lực và khả năng phục hồi của con trong cuộc sống. Sự bất như ý lúc nào cũng có thể xảy ra, việc của ta không phải nuối tiếc hay khó chịu về nó mà chính là chấp nhận, học hỏi và trưởng thành.

Cốm nhà mình năm nay cũng vào lớp 1, nàng đi học rất vui vẻ và tự tin. Thế nhưng cũng có đôi lúc vì mải chơi con quên đi bài tập cô giao về nhà. Kết quả là sáng thứ 2 tới lớp có một số bạn được cô tặng quà, còn con thì không. Lúc ấy cô bé ân hận, xấu hổ lắm. Cô quan sát thấy nên chiều cô kể cho mẹ nghe, tối mẹ chờ nàng tâm sự nhưng nàng không nói gì tới nỗi buồn ấy mà chỉ bảo “giờ cô mà giao bài là về con quay để nộp luôn mẹ ạ, để một thời gian là con chẳng nhớ ra”. Mẹ hoàn toàn đồng ý và không hỏi gì về chuyện ở trên lớp. Hôm sau nhờ quay bài và nộp bài sớm, nên nàng được cô tặng cho một món đồ chơi rất xinh. Về khoe mẹ và bảo cô tặng con vì con hoàn thành bài đúng hạn và quay video đẹp đó mẹ ạ. Qua chuyện này mình hiểu khả năng chấp nhận những điều bất như ý của con rất tốt, con không quay vào tự trách mình mà rút ra bài học để lần sau làm tốt hơn. Kỹ năng này mình tin khi lớn lên nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị, vậy nên cha mẹ hãy ý thức để xây dựng cho con từ bây giờ.

2. Kết nối và trò chuyện với cô giáo của con

Mình không biết cha mẹ có dành thời gian để kết nối với cô giáo của con không, mình thì thường xuyên làm điều này. Một phần có lẽ do mình có thời gian, phần còn lại mình mong muốn được chia sẻ, song hành cùng cô và con. Mình tin bất cứ giáo viên nào họ cũng mong muốn được làm xuất sắc nhất công việc và vai trò của mình. Thế nên việc cha mẹ dành thời gian để quan tâm, trò chuyện và kết nối với cô là việc hết sức quan trọng.

Nếu bé con nhà mình vào học mà chưa biết đọc, chưa biết viết mình cũng không lo lắng hay sợ hãi, bởi con sẽ cảm nhận được sự lo lắng của mẹ. Như mình được biết kể cả có biết viết hay biết đọc trước thì vào lớp một con cũng sẽ học theo tiến trình mà bộ giáo dục đã đề ra. Thế thì thay vì lo lắng, cha mẹ hãy cùng con BÁM SÁT VÀ HỌC THẬT KỸ những gì mà cô dạy trên lớp. Ngày xưa mình đi học cũng thế, chỉ tập trung vào hoàn thành bài của cô yêu cầu, chuẩn bị bài mới để mai lên lớp học. Tập trung hoàn thành tốt những gì cần làm thì con sẽ không thấy mình kém cỏi, hay tự ti nữa.

KIẾN THỨC: chia sẻ với con những điều thú vị từ việc học mang lại, hai mẹ con cùng nhau ôn lại những gì con được học trên lớp với nhau. Sau khi con nhớ được rồi thì mẹ cùng con xem bài ngày mai con học, để con hình dung được trước xem mai mình học gì, não bộ của con ít nhiều đã được gợi nhớ về nó. Một lợi thế con có ở đây chính là vì chưa học gì nên con sẽ hứng thú hơn với những điều cô dạy vì nó mới mẻ với con, trong khi những bạn biết rồi sẽ cảm thấy nhàm chán, không có động lực để học vì thấy nó dễ quá. Vậy nên quan trọng nhất lúc này chính là cha mẹ cần nhìn ra vấn đề, và những yêu điểm cũng như hạn chế để có thể song hành cùng con hiệu quả nhất.

– KỸ NĂNG: Cha mẹ nhất định phải rèn luyện cho con khả năng tập trung, vì lên lớp một sẽ rất khác với mẫu giáo. Mẫu giáo con còn được tự do vui chơi, nhưng lên lớp một thì một tiết học là 45 phút. Nếu con có khả năng tập trung kém, liên tục nói chuyện, quậy phá thì cô sẽ rất khó chịu với con. Việc học của con vì vậy cũng bị ảnh hưởng. Có rất nhiều cách để cha mẹ có thể rèn luyện cùng con, cho con hoàn thành bài theo cấp độ cao dần. Ban đầu là 10 phút, rồi 15, 20, 25…cho đến khi con có thể tập trung đủ một tiết học. Dĩ nhiên để tập trung tốt cách hiệu quả nhất không phải là ngôn yên và chờ hết 45 phút mà hướng con chú ý tới việc lắng nghe và tiếp nhận những gì cô dạy.

Ở lớp 1 mình thấy các cô dạy con rất nhiều qua những trò chơi vận động. Những trò chơi này hầu hết các bạn nhỏ đều hào hứng tham gia. Cốm nhà mình tối nào cũng kể mẹ nghe những tiết học vui như hội ở lớp. Riêng phần luyện chữ nhàm chán, bố mẹ có thể kể chuyện cho con nghe từ những gì con hứng thú. Nàng nhà mình thích sao đỏ nên mình sẽ kể cho con nghe “con là sao đỏ, giờ con sẽ đi chấm điểm các bạn ở lớp bên cạnh, cứ một bạn chữ con viết sẽ đại diện cho một bạn. Con nhớ xem lớp đó có bao nhiêu bạn?”. Nàng ấy sẽ kể ra 27 bạn và 27 chữ đã được viết nên cùng với câu chuyện của hai mẹ con. Mình gọi đây là kỹ năng biến những thứ chán ngắt trở nên thú vị. Cha mẹ hãy sáng tạo nên những câu chuyện thú vị để giúp việc luyện viết có bé con thêm hào hứng.

– THÁI ĐỘ: Con có thể học kém chút nhưng việc tôn trọng và lắng nghe thầy cô thì không được kém. Mình luôn tìm cách để con thấu hiểu những khó khăn, thử thách mà cô gặp phải để giúp đỡ cô. Chúng ta đều biết giáo viên trong thời đại ngày nay họ gặp cực kì nhiều trở ngại. Chương trình học thì cứ thay đổi, cải tiến liên tục trong khi mức lương thường giậm chân tại chỗ nhiều năm. Họ gánh trên vai cực kì nhiều áp lực, từ ban lãnh đạo nhà trường, từ sự cải tiến liên tục, sức ép của phụ huynh và cả những hiếu động của các cô cậu học trò. Vậy nên chính chúng ta phải là người yêu thương, cảm thông và chia sẻ với các thầy cô trước. Ta yêu mến, trân trọng các thầy cô thì con cũng sẽ cảm nhận được tinh thần ấy. Mối quan hệ của con và thầy cô tốt, con cũng sẽ yêu thích việc học hơn.

Quay trở lại tình huống trên, mình sẽ không chờ đến năm học kết thúc mới gặp cô mà mình sẽ dành trao đổi liên tục với cô. Có thể là tới trước giờ đón con, tranh thủ lúc cô ở lại để trả trẻ cho ba mẹ, mình sẽ kết nối để nắm bắt tình hình học tập của con. Nếu cô chia sẻ là con đang học kém, chưa tập trung ở bộ môn nào đó, mình sẽ cùng cô thảo luận giải pháp. Sau đó về nhà dành thời gian để song hành cùng con tốt hơn. Quá trình ấy chắc chắn mình cũng sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp sức của cô. Bởi khi cô thấy học trò nỗ lực, phụ huynh cố gắng, cô sẽ dành thời gian, tâm sức để đồng hành cùng. Lời nói của cô sẽ có tác động sâu sắc đến con, chỉ cần được cô khen một ngày có thể bạn ấy sẽ vui cả tuần và nỗ lực học tập đến cả năm. Do đó ba mẹ hãy dành thời gian để quan tâm đến sẽ song hành cùng bé con trong suốt cả năm học nhé.

3. Dành thời gian để tìm hiểu về môn Tiếng Việt mà con học

Cô chỉ là một khía cạnh trong hành trình giúp con yêu thích việc học và hứng thú trở lại với môn Tiếng Việt mà thôi. Mấu chốt vẫn nằm ở cha mẹ và bé con. Mình sẽ xem lại một loạt những kiến thức mà con được học trong môn Tiếng Việt, tìm ra những trò chơi để cùng chơi với con. Biến việc học nhàm chán thành những trò chơi thú vị

– Trò chơi truy tìm kho báu: mẹ sẽ viết ra những lời chỉ dẫn, con đi theo những lời chỉ dẫn đó để tìm ra hộp quà mà em sẽ nhận được từ mẹ. Mẹ có thể viết hoặc đánh máy để con dễ đọc. Con lúc này sẽ không cảm thấy mệt mỏi với việc đánh vần từng con chữ mà sẽ cảm thấy sung sướng khi từng bước tìm thấy món quà mình thích. Đây là cách giúp con đọc tốt và có cảm giác thích thú với việc đọc. Món quà mẹ dành tặng em lúc này phải là món quà em hào hứng như cuốn truyện con thích, hay những lời yêu thương mà mẹ dành tặng em.

– Trò chơi đoán từ: bố và con sẽ là một cặp chơi, con được đọc từ khoá, sau đó con sẽ mô tả từ khoá đó để bố đoán, bố đoán đúng thì hai bố con sẽ được điểm, sai thì sẽ không được điểm nào. Mình ví dụ từ “điện thoại”, con sẽ nói là cái gì mà bố thường dùng để nói chuyện với con khi bố không ở nhà. Bố sẽ đoán ngay ra là điện thoại. Việc này giúp con phát triển tư duy, gia tăng vốn từ và biết cách giải thích cho người khác. Điều này phục vụ cho con rất nhiều trong việc phát biểu xây dựng bài trên lớp vì kỹ năng truyền tải của con đã được luyện tập theo thời gian.

– Trò chơi nối từ: từ phía sau sẽ bắt đầu từ từ phía trước, và từ đó phải có nghĩa. Nhà mình ngày nào cũng chơi trò này vì nó rất thú vị và đôi khi hơi hại não với nàng Cốm vì nàng cho bố mẹ vào từ khoai, không nối được nữa nên phải thua. Mình ví dụ: Tiếng Việt, Việt Nam, Nam Tính, Tính Chất, Chất Chơi, Chơi Bời….Bời gì được ta?

Đọc từ khi đi ăn, đi chơi, đi học về: mình mà rủ con gái đi ăn, mình sẽ khuyến khích con đọc danh sách các món để con tự gọi. Lúc này được tự chọn nên nàng hăm hở lắm, công nhận có chữ hay thật, cái gì con cũng đọc được dù hơi mất thời gian. Dần dần nàng sẽ thấy đúng là học chẳng bao giờ thừa, nhờ Tiếng Việt mà mình biết được bao nhiêu thứ xung quanh.

Trên đây là đôi lời chia sẻ của mình, hi vọng hữu ích cho các cha mẹ đang gặp vấn đề trong việc đồng hành cùng con. Mình tin chỉ cần cha mẹ dành thời gian để tìm ra giải pháp chắc chắn vấn đề sẽ được cải thiện. Điều quan trọng là CHA MẸ NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ THỜI GIAN CHO CON, nếu không mọi ý tưởng sẽ trở nên vô nghĩa. Dừng lại tất cả những thứ đang đánh cắp thời gian quý giá của ta dành cho bản thân, gia đình và đặc biệt là những thiên thần nhỏ. Nếu không ta sẽ còn phải nhận nhiều thật nhiều những bài học cay đắng nữa cho đến khi ta buộc phải tốt nghiệp chúng. Bài học này là một trong số đó.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *