Quan điểm xưa nay của mình luôn là “hạnh phúc để thành công”. Vậy nên dù ở bất cứ chặng đường nào của cuộc đời mình cũng luôn hướng tới hai từ HẠNH PHÚC. Và mình tin bất cứ ai cũng đều hướng tới hai từ này, bởi chẳng ai sống trên đời mà muốn khổ đau hay bất hạnh cả. Câu hỏi đặt ra là “hạnh phúc là gì và làm thế nào để đạt được hạnh phúc hay hạnh phúc thực sự có thể kiến tạo được hay không?”. Mình đã trăn trở rất nhiều để tìm ra câu trả lời cho bản thân. Và đúng là khi ta cần thì người thầy sẽ xuất hiện, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ đã cho mình những câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi phía trên trong cuốn sách “Hạnh phúc là con đường”. Cuốn sách chính là kim chỉ nam rất hữu ích cho mình trên hành trình kiến tạo hạnh phúc của bản thân và đồng hành cùng bé con. Chia sẻ đến bạn những điều mình tâm đắc nhất trong cuốn sách này.
1. Bất cứ ai cũng đều mong muốn được sống HẠNH PHÚC, càng hạnh phúc thì con người ta càng say mê cống hiến và kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trẻ em cũng thế, nếu mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc thì bất cứ đứa trẻ nào cũng yêu thích việc học. Chúng sẽ say sưa học mà không cần ai giám sát hay nhắc nhở. Tuy nhiên việc học ngày nay của trẻ rất áp lực, phần lớn chỉ xoay quanh giải bài tập và luyện đề. Điều này vô tình chung làm các con rất chán nản, mệt mỏi và căng thẳng.
2. Mấu chốt là cần giúp con THẤU HIỂU BẢN THÂN chứ không phải thấu hiểu đề cương. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một tài năng riêng biệt, việc của chúng ta chính là giúp con nhận ra được tài năng thiên bẩm ấy và được hết mình để phát huy chúng. Tránh đi vào vết xe đổ bắt con cá leo cây, con cá ấy sẽ cảm thấy mình thật ngu ngốc và những người xung quanh luôn nghĩ con cá ấy bất tài. Thế nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi con cá ấy được thả mình xuống dòng nước, chúng bơi rất nhanh, và rất tự tin vào những gì mà chúng sở hữu.
3. Chìa khoá để giúp mỗi đứa trẻ thấu hiểu bản thân chính là SỰ CHÚ TÂM. Mình từng nghĩ phải là người tu tập mới cần chú tâm, cần chánh niệm nhưng đó chỉ là sự hạn hẹp về mặt hiểu biết của mình. Sau này mình nhận ra bất cứ ai cũng cần sự chú tâm, bởi đó là cách đơn giản nhất để giúp chúng ta thấu hiểu, ý thức được về bản thân mình. Khi có sự chú tâm, ta sẽ biết ta đang nghĩ gì, cảm thấy như thế nào, nguồn cơi cảm xúc ấy đến từ đâu, vì sao ta lại cảm thấy như vậy. Đây là tiền đề rất quan trọng để giúp các con thấu hiểu về bản thân, nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản của mình. Để làm được điều này rất dễ dàng nhưng cũng rất thách thức. Dễ dàng bởi vì bất cứ lúc nào các con cũng có thể làm được, chỉ cần được cha mẹ hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành. Thách thức bởi các con không có thời gian tĩnh lặng trong ngày, đi học thì áp lực thi cử, bài vở, ở nhà thì sự lên ngôi của các thiết bị điện tử.
4. Thách thức trong thời đại mới: các thiết bị điện tử lên ngôi. Nếu thế kỉ trước các cha mẹ phải vắt kiệt sức lao động trong các nhà máy 8 tiếng một ngày thì ít nhất tối về họ vẫn có thời gian cho các con của mình. Nhưng ngày nay thì các thiết bị điện tử đã đi sâu vào từng bữa ăn, giấc ngủ của họ. Những đứa trẻ cũng bị cuốn theo cơn lốc này. Hãy dành 10 giây để nhìn vào điện thoại của bạn, bạn sẽ ngạc nhiên về số giờ mà bạn sử dụng chúng. Nhiều đứa trẻ bị tự kỉ, rối loạn cảm xúc đều xuất phát từ việc sử dụng vô tội vạ các thiết bị điện tử. Thế nên việc đầu tiên mà các cha mẹ cần giúp đỡ con mình chính là giúp các con tránh xa các thiết bị điện tử nhiều nhất có thể. Thay vào đó cho con có thời gian vui chơi ngoài trời, gần gũi thiên nhiên, có những khoảng lặng trong ngày để con được quan sát chính mình. Đó là cách tốt nhất để giúp các con hiểu về bản thân, mỗi ngày một chút thì dần dần con sẽ nhìn thấy được tài năng thật sự mà con sở hữu.
5. Trường học chỉ là một thước đo để cha mẹ tham khảo chứ không phải là tất cả. Mình biết mô hình trường học hạnh phúc rất lý tưởng, nếu mô hình này được triển khai rộng không những các con hạnh phúc mà ngay cả các thầy cô và các cha mẹ cũng đều vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên nếu chưa triển khai trên diện rộng được thì ta cứ từng bước triển khai trong gia đình mình, trong lớp học của con, với thầy cô của con là đủ. Hãy khiến cho mỗi đứa trẻ được hạnh phúc khi đến trường, giúp chúng cảm thấy trường học là nơi chúng thuộc về. Ở đó chúng được thầy cô đón nhận, yêu thương, được bạn bè chung tay, sát cánh. Những câu chuyện đau lòng diễn ra gần đây cũng là lời cảnh tỉnh để giúp mỗi chúng ta nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
6. Năm phương thức chính mà ta cần giúp trẻ học được chính là THẤU HIỂU BẢN THÂN, TỰ QUẢN LÝ, NHẬN THỨC XÃ HỘI, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC MỐI QUAN HỆ, và cuối cùng là SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM. Mình sẽ chia sẻ từng phần một để mọi người thấy rằng những kỹ năng này ta hoàn toàn có thể áp dụng để song hành cùng con. Mấu chốt là cha mẹ có thực sự ý thức được tầm quan trọng của nó hay không mà thôi. Khi cha mẹ muốn thì không có gì là không thể.
7. THẤU HIỂU BẢN THÂN: gia đình mình sau giờ học tối của con, cả nhà sẽ cùng nhau đi dạo gần nhà, lý tưởng nhất là ở công viên Hội An. Mình thường hay hỏi con về những điều diễn ra trong ngày, điều gì khiến con thích thú nhất? Hay hôm nay đi học có gì vui? Con học được thêm điều gì thú vị ở trường. Bé con của mình sẽ say sưa mà kể về cô, về bạn, về các môn học mà con đã được trải nghiệm tại trường. Mỗi khi con tức giận hay chán nản, mình cũng thường ngồi bên cạnh để vỗ về, đồng cảm, sau đó mình đặt các câu hỏi để giúp con tự tìm ra câu trả lời cho bản thân. Tại sao con lại cảm thấy tức giận? Khi tức giận con thấy bên trong con thế nào? Tim con đập nhanh hơn hay chậm hơn? Khuôn mặt con lúc ấy sẽ có điều gì khác thường? Tay, chân của con cảm giác nó ra sao? Bạn nhà mình chỉ cần nhận được câu hỏi mặt con có gì khác thường là bạn ấy đã phá lên cười vì nhìn mặt trong gương hài quá, đỏ rực lên. Mình và con cùng cười một lúc rồi mình hướng dẫn con cách lắng nghe và chuyển hoá cơn giận. Nàng nhà mình thường thích hít thở sâu hoặc ngáp một cái để chuyển hoá sự giận dữ thành vui vẻ. Hài nhất là lúc mình mệt chính con gái là người giúp mình nhận diện, chuyển đổi cảm xúc bằng câu nói “mạnh mẽ lên, giơ tay lên”. Từ đó “mạnh mẽ lên, giơ tay lên” trở thành câu thần chú của hai mẹ con mình mỗi khi cần chuyển đổi trạng thái cảm xúc.
8. TỰ QUẢN LÝ: Đây là kỹ năng mình được tỉnh thức trong một năm gần đây. Trước kia mình có phát hành cuốn sổ tay quản lý thời gian, bởi mình biết nhiều cha mẹ loay hoay trong vấn đề quản lý thời gian của bản thân. Tuy nhiên thời gian sau đó mình nhận ra mấu chốt nó không nằm ở kỹ thuật mà nó nằm ở ý thức. Chúng ta có thể có hàng ngàn công cụ để hỗ trợ ta quản lý thời gian tối ưu, nhưng nếu ta không có ý thức đúng về nó thì rất khó để ta có thể phân bổ nó hiệu quả. Đó là lý do vì sao trước khi muốn quản lý tốt ta phải thực sự THẤU HIỂU MÌNH ĐÃ. Thấu hiểu để biết đâu là việc quan trọng với ta, đâu là thứ ta đam mê và cần hết lòng với nó. Chỉ cần hiểu sâu sắc về điều này thì ta sẽ quản lý thời gian của bản thân cực tốt mà chẳng cần phải dùng đến công cụ hỗ trợ nào. Trẻ em cũng thế, khi ta chia sẻ và giúp trẻ nhận ra vì sao đó là điều quan trọng con cần làm thì trẻ chẳng cần đến sự giám sát, nhắc nhở của cha mẹ. Trẻ thậm chí còn tìm nhiều cách khác nhau để tìm tòi, khám phá cho thoả sự khát khao của bản thân nữa. Mình thường cùng con trao đổi những việc quan trọng mà giai đoạn này con cần tập trung vào như học Tiếng Việt, đọc sách, làm toán tư duy, hoàn thành bài cô giao về nhà. Mình cũng cùng con khám phá những thú vị mà các môn học kia đem lại, để con thấy không phải tự nhiên cha mẹ, thầy cô hay nhà trường hướng con học những môn học ấy. Nó thực sự rất ý nghĩa và thiết thực với con, thế nên trước khi muốn đến bước như thế nào thì ta cần bắt đầu với lý do vì sao con cần làm điều này.
9. NHẬN THỨC XÃ HỘI: Khi con nhận thức được về bản thân mình tốt thì con cũng dễ dàng làm điều đó với những người xung quanh nhờ dây thần kinh phản chiếu trong não bộ. Ngày bé con đã học được cách đọc tín hiệu từ những người xung quanh để biết được khi nào mẹ đang vui, đang buồn hay đang tức giận. Càng lớn sự nhận thức này của trẻ càng tốt. Đây là tiền đề rất quan trọng để có thể xây dựng, phát triển những mối quan hệ xung quanh mình. Để giúp trẻ phát triển kỹ năng này tốt cha mẹ có thể cùng con chơi trò chơi đoán cảm xúc từ các thành viên trong gia đình. Ban đầu cha mẹ có thể thể hiện qua nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, dần dần khi trẻ nắm được rồi, cha mẹ có thêm cả phần giọng nói nữa. Mỗi tông giọng thể hiện một trạng thái cảm xúc khác nhau, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra nếu trẻ được thực hành liên tục và đều đặn. Cốm nhà mình chỉ cần nhìn sắc mặt của ông là con biết ngay ông đang vui hay buồn, nàng ấy thậm chí có thể thể hiện lại tư thế, nét mặt và giọng nói của ông cho mẹ xem nữa. Mẹ bảo em làm lại cho ông xem, làm ông cười nghiêng ngả với cháu, từ đó ông nhận ra lúc ông tức giận mặt ông đáng sợ quá. Ông sẽ ý thức hơn về điều này để không làm cháu sợ nữa. Nhận thức xã hội cũng giúp trẻ biết đặt bản thân vào vị trí của đối phương mà thông cảm và thấu hiểu. Đây là nền móng vững vàng để con có thể xây dựng và phát triển những mối quan hệ xung quanh mình.
10. XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ: khi trẻ thấu hiểu được bản thân, ý thức được về chính mình, có khả năng nhận thức xã hội tốt, trẻ sẽ dễ dàng xây dựng, phát triển được những mối quan hệ chất lượng, hài hoà với những xung quanh. Trẻ biết cần phải làm gì, kết nối với mọi người như thế nào? Ai là người mà trẻ có thể kết nối và tương tác sâu? Ai là ngườ phù hợp với tính cách và sở thích của trẻ? Sự thấu hiểu này sẽ giúp trẻ rất rất nhiều trên hành trình nuôi dưỡng và phát triển các mối quan hệ xung quanh mình. Mình thường cho Cốm đi chơi, đi trải nghiệm, giao lưu và gặp gỡ với rất nhiều kiểu người. Già, trẻ, trai, gái, lớn tuổi, nhỏ tuổi con đều tiếp xúc qua, mỗi người sẽ cho con rất nhiều trải nghiệm và bài học khác nhau. Quan trọng nhất là chính con phải là người chân thành, tử tế, yêu thương và quan tâm tới mọi người trước, chắc chắn con sẽ được họ đáp trả và đón nhận bằng tình thương yêu. Dĩ nhiên đôi khi trên hành trình ấy, ít nhiều con cũng bị từ chối, nhưng mình cũng dạy cho con cách chấp nhận lời từ chối với tâm thế nhẹ nhàng, bình an nhất. Bởi vì trong cuộc sống con cũng cần học cách nói KHÔNG trong những tình huống con không muốn. Thế nên thay vì sợ hãi, lo lắng, con chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên. Cách này cũng giúp con hồi phục và thích ứng rất tốt với các tình huống khác nhau của cuộc sống.
11. SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM: Mỗi chúng ta đang được tạo hoá ban tặng cho những gì tinh tuý, tốt đẹp nhất, thế nên ta phải có TRÁCH NHIỆM để bảo vệ những thứ đó. Chữ trách nhiệm ở đây không chỉ là trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng mà còn cả với hành tinh mà ta đang chung sống nữa. Dạy cho trẻ tính trách nhiệm với bản thân chính là giúp trẻ được sống trọn vẹn với những đặc ân con được ban tặng: đó là trái tim, là khối óc, là đôi bàn tay, là thân thể, tâm hồn của con. Con phải có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng nó thật tốt. Khi trẻ ý thức được điều này trẻ sẽ tập trung vào những gì có lợi cho bản thân, ăn gì cho khoẻ mạnh, tập gì cho hiệu quả, hàm dưỡng thói quen nào cho hữu ích. Con cũng không bao giờ cho phép ai được chà đạp, làm đau hay tổn thương bản thân con. Bởi con hiểu con phải có trách nhiệm với chính mình trước thì người khác mới có thể có trách nhiệm với con được. Khi trẻ có trách nhiệm với bản thân rồi trẻ sẽ học được tính trách nhiệm với cộng đồng, giúp đỡ mọi người để họ có thể làm tốt nhất vai trò của mình. Giúp đỡ cha mẹ, ông bà công việc nhà, giúp các thầy cô giáo trong lớp học, giúp các bạn của mình cùng học tập và phát triển để có thể kiến tạo, xây dựng đất nước mai này. Song song với điều đó trẻ cũng có ý thức trách nhiệm với môi trường, hành tinh mà con đang sống. Không xả rác bữa bãi, dọn dẹp sạch sẽ bất cứ môi trường nào mà con có mặt, chung tay, đồng lòng cùng mọi người bảo vệ thiên nhiên, cây cỏ, động vật xung quanh con. Theo năm tháng, tính trách nhiệm này của con sẽ được gia tăng theo thời gian. Thay vì lựa chọn những lợi ích trước mắt, các con sẽ lựa chọn những lợi ích mang giá trị bền vững, lâu dài cho thế hệ mai này.
12. Cuốn sách truyền cho mình rất rất nhiều cảm hứng để sống một cuộc đời hạnh phúc theo định nghĩa của riêng mình. Mình mong có thể kiến tạo nên một môi trường hạnh phúc cho bé con dù con học ở bất cứ lớp học hay ngôi trường nào. Mình tin các thầy cô của con, họ cũng mong muốn đem những điều tốt đẹp nhất cho các học sinh thân yêu của mình. Thế nên thay vì đứng ở hai đầu chiến tuyến, mình lựa chọn sát cánh, chung tay và yêu thương họ. Mình vô cùng thấu hiểu những khó khăn, thử thách và cả những áp lực mà các thấy cô phải chịu. Thế nên mình luôn nỗ lực trong khả năng để có thể đem tới những điều tốt đẹp, an yên nhất cho các thầy cô. Giúp họ yêu trẻ, yêu bản thân và tự hào hơn về công việc mà họ đang ngày đêm phụng sự.
13. Cuốn sách không chỉ bàn về giáo dục hạnh phúc mà bàn đến tất cả các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Đúng với tựa đề của cuốn sách “hạnh phúc là con đường”, nếu mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp đều cảm thấy hạnh phúc thì cộng đồng sẽ được nhận từ họ những thành quả ngọt ngào, giá trị nhất. Các doanh nghiệp phát triển không chỉ vì tối đa hoá lợi nhuận nữa mà nó mang tầm vóc lớn hơn, PHỤNG SỰ cho cộng đồng, cho xã hội và cho hành tinh này. Muốn làm được điều đó thì rất cần tư duy đúng từ đầu của các lãnh đạo. Câu chuyện về sự đóng góp GDP của một gia đình cho ta rất nhiều góc nhìn khác nhau về chỉ số này. Liệu chỉ số GDP có phản ánh chính xác về sự phát triển của một đất nước hay không? Mấu chốt nó nằm ở việc ta lấy GIÁ TRỊ nào làm thước đo.
Một gia đình cả cha mẹ lao ra ngoài từ sáng sớm cho đến đêm muộn, tài chính họ dồi dào, họ sử dụng nó cho việc thuê giúp việc để chăm sóc con cái, thuê gia sư về để đồng hành cùng con, thuê bác sĩ tâm lý nhằm giải quyết những áp lực trong công việc mà bản thân đang gặp phải. Họ là người đóng góp rất nhiều cho GDP của đất nước, nhưng liệu họ có thấy hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống của bản thân không thì câu trả lời là không? Thế nhưng cũng là gia đình ấy, họ lựa chọn cách làm vừa đủ, thời gian còn lại họ về đồng hành cùng con, chăm sóc gia đình bằng những bữa ăn giàu dinh dưỡng, do chính đôi tay mình chế biến nên, họ không chỉ sống cho doanh nghiệp, cho sếp mà họ còn sống cho bản thân và gia đình. Họ đóng góp rất ít cho GDP của nền kinh tế nhưng chất lượng cuộc sống của họ được nâng lên một tầm cao mới.
14. Mỗi chúng ta đều có các định nghĩa, quy chuẩn, thước đo khác nhau về hạnh phúc và thành công. Mấu chốt là ta cần thấu hiểu được đâu là GIÁ TRỊ PHÙ HỢP mà ta theo đuổi trên hành trình ấy. Từ ngày nhận diện được điều này, mình cảm thấy bình an, thong dong hơn rất nhiều. Thay vì tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài, mình lui về bên trong để lắng nghe chính mình, người thầy trí tuệ ấy luôn trao cho mình những thông điệp ý nghĩa. Điều duy nhất mình cần làm chính là chậm lại, lắng nghe và đón nhận mà thôi.
Cuốn sách này rất rất hay, mình mong các cha mẹ hãy một lần đọc nó, bản thân mình đã thực hiện ngay một bài tập trong cuốn sách khi gặp gỡ team Lê Nghĩa sau hơn một năm xa cách. Bài tập mang tên vòng tròn kết nối, mỗi người sẽ nói về điều họ cảm thấy ấn tượng nhất về người ngồi bên trái của mình. Và cứ thế, chúng mình được nghe rất rất nhiều những điều thú vị về nhau. Vòng tròn ấy kéo chúng mình lại gần nhau hơn, gần đến mức nhà hàng sắp đóng cửa rồi mà vẫn còn bịn xịn, đứng ôm, thơm má rồi chào nhau. Gần đến mức tới đây chúng mình sẽ có cuộc hội ngộ của 13 gia đình tại thành phố biển Sầm Sơn. Mình đã đọc sách và áp dụng từng bài như thế vào cuộc sống, ở bất cứ nơi bào mình hiện diện, và mình tin ai cũng có thể làm được như mình, chỉ là ta có muốn làm hay không mà thôi.