Hai anh em cùng lớn lên với người cha nát rượu, trong khi người anh trở thành một doanh nhân thành đạt, có một gia đình hạnh phúc thì người em lại sống cuộc đời hệt như người cha của mình. Khi được hỏi tại sao anh lại trở thành con người như hôm nay thì cả hai người cùng nói “do tôi lớn lên trong một gia đình có người cha nát rượu”. Vậy sự khác biệt ở đây là gì? Tại sao cùng xuất phát điểm, cùng môi trường sống nhưng hai cuộc đời lại rẽ sang hai hướng hoàn toàn khác nhau? Sự khác biệt nằm ở chiều sâu bên trong của mỗi người, hay còn gọi là “cái tôi có mục đích tự thân”. Bất cứ ai khi thiết lập được cái tôi có mục đích tự thân này sẽ dễ dàng đạt được trạng thái “dòng chảy” trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đây cũng là tên của cuốn sách mà mình muốn chia sẻ đến các bạn ngày hôm nay.
Cuốn sách này đọc rất thú vị, mặc dù hơi dày, tận 550 trang, mình vừa đọc, vừa suy ngẫm nên mất đến cả tuần. “Dòng chảy” giúp mình hiểu sâu sắc lý do tại sao thiền định lại có tác động mạnh mẽ đến tâm trí và đời sống con người đến vậy. Thiền mà mình nói tới ở đây không chỉ là việc ngồi bất động một nơi để quay về bên trong mà chính là trạng thái hoà mình vào từng khoảnh khắc mà ta đang hiện diện. Ta biết ta đang làm gì và chỉ toàn tâm toàn ý cho cái biết đó.
Quay trở lại câu chuyện của hai anh em kia, ta có thể thấy, người em để hoàn cảnh bên ngoài tác động mạnh mẽ đến tâm trí của cậu. Thay vì thiết lập nên một “cái tôi có mục đích tự thân” cậu lại để cho những thách thức nhấn chìm mình. Cậu chính là điển hình của tư duy nạn nhân. Người anh thì hoàn toàn khác, thay vì để hoàn cảnh bên ngoài nhấn chìm mình, anh đã lựa chọn cách độc lập với môi trường xã hội. Anh nhìn thấy người cha chính là phiên bản mà anh không bao giờ muốn trở thành trong tương lai. Trong những lần bị cha rượt đuổi, đánh mắng, anh đã tự nhủ “sau này lớn lên mình nhất định phải khác ông, mình sẽ không để cho con cái của mình có những năm tháng tuổi thơ cay đắng, cơ cực thế này”. Và kể từ giây phút ấy những nghịch cảnh đã không còn đủ sức tác động lên tâm trí anh ta nữa. Nếu có thì nó chỉ giúp anh có thêm động lực để thay đổi cuộc đời mình.
Mình và bố cũng có những điểm tương đồng với người anh này, chỉ khác là bố mình vì không được đi học, không được đọc những cuốn sách hay nên bố vẫn chưa thể tự chữa lành những tổn thương của những năm tháng tuổi thơ. Mình thì may mắn hơn bố rất nhiều vì mình được học và sự may mắn mình có được là nhờ bố mẹ đánh đổi. Không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu mà bố mẹ đã rơi trên hành trình đó vì mình.
Bố mình từ bé đã sống như cảnh mồ côi, thế nên bố đã có những năm tháng tuổi thơ vô cùng cơ cực. Chính điều ấy đã khiến bố quyết tâm rằng “sau này nếu mình có con, kể cả đói khổ nào mình cũng sẽ không để các con phải khổ, bằng mấy cũng phải nuôi con ăn học nên người”. Chính tình cảnh bị bỏ rơi, không nơi nương tựa ấy đã khiến bố mình hiểu sự cay đắng, đáng thương, cơ cực của một đứa trẻ không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc là như thế nào. Vậy nên khi mình đến với bố mẹ, dù gia đình rất nghèo, nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy thiếu thốn bởi mình biết lúc nào mình cũng luôn có bố mẹ sát cánh và song hành.
Bản thân mình có lẽ từ bé đã được tôi luyện nên lúc nào mình cũng có thể tìm thấy niềm vui trong nghịch cảnh. Bố mẹ mình cũng là người chấp nhận những thử thách của cuộc sống rất nhanh, sau khi chấp nhận xong thì cả hai người sẽ cùng bắt tay vào làm. Niềm vui sau đó cũng được nhìn thấy từ trong đống đổ nát. Một kỉ niệm mình nhớ nhất là ngày bé ba chị em mình đang chơi trong nhà thì mưa bão bắt đầu kéo đến, bố mẹ hốt hoảng chạy lại chỗ ba chị em rồi bảo chui hết xuống gầm giường đi con. Sợ nhà mình sẽ không chống đỡ được đâu, mấy cái cây bố mẹ dùng để chống nó đổ gần hết rồi. Thế là cả nhà mình chui xuống gầm giường, ba chị em mình vẫn toe toét cười vì lần đầu tiên cả nhà cùng đi trốn để bão nó tìm, kể ra cũng vui phết. Một lát sau bão qua đi thì căn nhà vẫn còn, chỉ tiếc là mái nhà đã bị hất tung, căn nhà trở thành một nơi vô cùng lãng mạn, nhìn được cả bầu trời. Bố mẹ mình nhìn ba đứa con cười thích thú thì cũng cười theo. Ngày ấy chị em mình đâu biết là sau đó bố mẹ phải làm è cổ để lợp lại nhà và khắc phục những khó khăn sau bão.
Rồi sau đó, càng lớn mình càng hiểu sâu sắc hoàn cảnh của gia đình. Mình cũng từng bị xem thường, bị phân biệt đối xử vì gia đình nghèo. Những lúc ấy mình chẳng hề giận, mình chỉ càng quyết tâm sau này lớn lên mình nhất định sẽ giàu có và thành công để giúp đỡ bố mẹ. Ít ai biết ngày mình học cấp 2 mình khóc rất nhiều mỗi đêm, tối nào mình cũng sợ bố mẹ không còn nữa thì ai sẽ lo cho mình và hai em. Mình khóc vì thương em gái mình không thể nói, không thể tới trường…Mình đã viết nó vào nhật kí, đứa bạn hàng xóm sang đọc trộm, đọc xong nó khóc như mưa. Sau lần ấy mình đã đốt những trang nhật kí đi vì không muốn ai đọc được những suy nghĩ sâu thẳm lòng mình. Lớn lên dù gặp khó khăn, thử thách nào mình cũng tự nhủ ” so với những gì bố mẹ mình đã phải trải qua thì nó có là gì”, và rồi mình lại kiên cường bước tiếp.
Mình học được rằng nếu chẳng thể thay đổi hoàn cảnh thực tại thì mình sẽ thay đổi thái độ, nhận thức của mình về nó. Mình sẽ biến nó thành những trải nghiệm ý nghĩa. Thế nên những gì mình làm mình không cho là PHẢI LÀM mà mình chọn là ĐƯỢC LÀM. Ngày mẹ bảo mình đi quét lá, quét rơm buổi sáng ở chợ, ban đầu mình cũng ngại lắm nhưng mẹ nói nếu con không đi thì mẹ phải đi vì nhà hết cái để nấu rồi. Mẹ đi thì lại không có ai chăm em, nấu ăn sáng cho cả nhà. Con lớn rồi thì phải giúp mẹ chứ. Và mình lên đường sau đó, làm lần đầu còn ngại nhưng dần dần mình bắt đầu thấy nó vui phết.
Mình phải học cách quan sát những người đi chợ, xem khi nào cuộc trao đổi sẽ diễn ra. Chính trải nghiệm đó lại giúp mình đọc vị người khác rất tốt sau này khi đi bán hến cho mẹ. Nhanh như chớp, gánh rơm được nâng lên là lúc mình phi ra chào và xin để quét…mình đã thích thú khi hoàn thành nhiệm vụ chỉ sau vài gánh rơm, kết quả là mẹ bảo ra tiếp đi con, người ta còn bán là con còn cơ hội để đem rơm về. Chỉ được vài hôm mình là vua quét rơm thôi, hôm sau thì có cả tá người cùng đi, lại còn có cả người lớn, mình nhỏ tí nên không tranh được…ngày ấy chỗ mình nhà ai cũng nghèo và thiếu rơm cả. Mình lại phải nghĩ ra cách để có rơm mà không cần tranh, cách dễ nhất là xin sự giúp đỡ từ chính các cô bán rơm, mình chỉ cần kết nối với cô bán rơm nhiều nhất chợ là kiểu gì cũng có rơm đem về, có lời cô ấy nói thì không ai tranh được rơm của mình…cứ thế mình thấy công việc mẹ giao vui ơi là vui, dù rằng ban đầu mình cũng không muốn làm, đến khi làm thì thấy nó không đến nỗi nào. Sau này mình rất biết ơn mẹ vì những trải nghiệm ấy.
Đến đây có lẽ bạn sẽ hỏi mình nhưng nó liên quan gì tới cuốn sách này, hay chủ đề ta đang nói tới phải không? Nó liên quan đấy, vì ví dụ mình vừa kể cho bạn nghe chính là điều mà ta phải rèn luyện. Học cách THƯỞNG THỨC cuộc sống của mình bất chấp nghịch cảnh có đang thế nào. Nhiệm vụ này vừa khó vừa dễ, dễ vì nó nằm ở trong tay mỗi chúng ta, nhưng khó vì nó cần sự kiên trì và kỉ luật. Bán than thì dễ nhưng đem những hòn than ấy nung nóng ngọn lửa quyết tâm trong lòng ta không hề dễ chút nào.
Trạng thái dòng chảy – cách ta THƯỞNG THỨC cuộc sống có thể áp dụng trong mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực, từ sự nghiệp, mối quan hệ, việc nuôi dạy con cái cho đến phát triển cá nhân. Chúng ta cùng đi từng cái một nhé.
– Về sự nghiệp: Hãy học cách tận hưởng công việc bạn đang làm dù đang ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Ngày mình đi làm bên viễn thông, dù đó là công việc mình không thực sự hài lòng nhưng mình đã khiến nó trở nên thú vị thông qua việc kết nối, trò chuyện với khách hàng, đồng nghiệp. Những lần như thế mình lại thêm yêu công việc mình đang làm, thay vì phải làm mình học cách tận hưởng nó. Mình cùng đồng nghiệp đi làm thị trường, ngay cả chạy, xin công an khi bị bắt vì dán tờ rơi cũng là một trải nghiệm thú vị với mình. Dù sau đó cách mình làm khiến anh chị em nào cũng hết hồn. Mình đã xin để không bị bắt rồi mà còn tiếc đống tờ rơi mới in, cố xin thêm, suýt nữa là các anh cho cả đội về đồn, làm chị đồng nghiệp phải xin phép rồi kéo mình đi nhanh, về công ty chị kể lại cho cả phòng nghe, ai cũng lậy mình bằng cụ….Chúng mình sau đó lại có những giây phút tụ tập ăn chè, kể chuyện nhau nghe, vui như hội ấy.
Thế nên những ngày tháng mình đi làm, thứ duy nhất đọng lại trong tâm trí của mình là VUI, vui khi được đồng nghiệp trải qua những năm tháng ý nghĩa, vui khi giúp được nhiều khách hàng, vui khi được làm việc ở nơi có văn hoá doanh nghiệp tuyệt vời, vui khi được học cùng rất nhiều anh chị xuất sắc trong học viện cáo học….Vậy nên bạn ạ, nếu bây giờ bạn đang ở trong một công việc mà bạn không yêu thích, nếu chưa thể thay đổi ngay và luôn, hãy thay đổi tâm thế của bạn với nó. Hãy biến nơi bạn làm việc thành một nơi vui vẻ, tích cực….hãy làm những việc lâu nay bạn chưa bao giờ làm như viết thiệp tặng đồng nghiệp, mời ai đó đi cà phê để cảm ơn họ…hãy nghĩ ra thật nhiều điều khiến công việc của bạn trở nên ý nghĩa vì sự hiện diện của bạn …hãy học cách THƯỞNG THỨC nó khi bạn còn làm, còn gắn bó. Đừng để mỗi ngày đi làm là một ngày uể oải, hãy biến nó thành mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Bạn vui thì đồng nghiệp vui, khách hàng vui, sếp vui và gia đình bạn cũng vui theo.
– Về các mối quan hệ: Hãy tìm ra những thách thức mới trong các mối quan hệ mà bạn muốn cải thiện. Mình ví dụ là với người bạn đời của bạn. Rất nhiều cặp đôi chán nhau theo thời gian là vì họ không biết làm mới bản thân và mối quan hệ của hai người. Hãy rủ người bạn đời của bạn cùng tham gia một dự án nào đó, đọc sách, xem phim, học một khoá học, hoặc thậm chí là làm việc cùng nhau. Sự gắn kết, song hành cùng nhau sẽ khiến bạn và đối phương thêm hiểu và yêu nhau hơn.
Mình thường rủ chồng cùng đọc chung một cuốn sách, mình đọc trước rồi chồng đọc sau hoặc ngược lại, sau khi đọc xong, hai vợ chồng sẽ hẹn nhau cà phê để nói về điều mà bản thân tâm đắc nhất trong sách. Chúng mình cũng rủ nhau học lái xe, khi chồng học thì mình sẽ hỗ trợ anh việc nhà. Mình cũng cổ vũ anh khi anh bị thầy chê là tay lái cứng, mình bảo thế thì chồng lái nhiều cho tay dẻo, rồi khuyến khích anh thuê người kèm ngoài. Đến lúc mình học thì chồng hỗ trợ chăm sóc và dạy con cho mình. Ngày mình đi thi chồng động viên, cổ vũ mình, lúc biết vợ thi đậu thì cả hai cùng reo lên sung sướng.
Tiếp đó là cả hai vợ chồng cùng con gái đi học bơi, hai vợ chồng cùng chỉnh tư thế bơi cho nhau, đến khi cả hai cùng tiến bộ thì lại thi nhau khen đối phương. Bơi thi với nhau xong lại cùng ra cổ vũ rồi treo phần thưởng để giúp con gái vượt qua vùng an toàn. Bố đi cạnh để con gái không sợ, còn mẹ thì đi phía trước để con gái bơi theo…và con gái đã biết bơi như thế, trong sự cổ vũ, yêu thương của bố mẹ. Vậy nên bạn ạ, nếu muốn cải thiện mối quan hệ với bất cứ ai, nhất là người bạn đời của bạn, hãy không ngừng tạo ra những thách thức mới trong mối quan hệ của hai người để cả hai cùng chinh phục và sát cánh bên nhau.
– Về nuôi dạy con cái: Hãy luôn cho con biết chúng ta là nơi an toàn nhất để con có thể an tâm dựa vào. Chính điều đó sẽ là nền tảng vững vàng để bé con của chúng ta không bị phụ thuộc vào các mối quan hệ bên ngoài. Sự hồi phục của bé con sau nghịch cảnh cũng sẽ nhanh hơn. Mình nhớ ngày mình chứng kiến người yêu cũ mất đi, mình đã gọi cho bố mẹ và oà khóc “bố ơi anh ấy mất rồi”. Bố mẹ mình hoảng lắm, gọi ra cho mình để động viên con phải bình tĩnh dù trong lòng bố mẹ lúc ấy như lửa đốt. Mình không biết tại sao thời điểm đó mình lại gọi cho bố mẹ, chỉ biết rằng đó là người đầu tiên mà mình nghĩ tới khi gặp chuyện. Sau này thì mình nhận ra bởi vì bố mẹ chính là nơi mình có thể an tâm để chia sẻ mọi thứ.
Ngày hôm đó cũng có một người mình đã ôm lấy chân của anh mà nói câu tương tự như đã nói với bố, bởi trong số những người xa lạ xung quanh thì với mình anh lại là người quen duy nhất. Sau này anh trở thành chồng mình, anh đã thấy mình ở thời điểm không nên thấy nhất – thời điểm tột cùng của nỗi đau. Không biết có phải do định mệnh không mà sau này, hai người đàn ông mình đã nói cùng một câu nói đã trở thành hai người đàn ông quan trọng nhất đời mình. Vậy nên bạn ạ, mình mong mỗi chúng ta hãy luôn cho con của mình thấy rằng dù cuộc sống có khắc nghiệt cỡ nào với con đi chăng nữa thì con vẫn luôn có một nơi an toàn để trở về, đó chính là ngôi nhà của chúng ta. Ở nơi ấy con lúc nào cũng được yêu thương, chào đón và vỗ về.
– Về phát triển cá nhân: nếu bạn buộc phải đọc một cuốn sách hay học một khoá học nào vì sếp ép thì nó sẽ đi ngược lại bản chất của việc học. Nhưng nếu ta học vì cảm giác nội tại thì việc học trở nên vô cùng dễ dàng và thú vị. Bản thân mình từ trước đến nay nếu đã không học, không dành thời gian thì thôi, nếu đã học, đã dành thời gian thì nhất định phải tạo ra thành quả. Đó là lý do vì sao đọc sách xong là phải đóng gói để còn đi thực hành, học xong buổi học nào là phải viết bài thu hoạch buổi học ấy, viết lại để nhớ, để hệ thống, để chiêm nghiệm, để còn áp dụng. Viết nhiều, hệ thống nhiều, áp dụng nhiều, sự tiến bộ sẽ nhìn thấy rõ nét.
Vậy nên bạn ạ, nếu đã lựa chọn đọc cuốn sách hay học bất cứ khoá học nào, đừng đọc, đừng học theo kiểu cho có mà hãy dồn tâm sức vào để tạo ra thành quả sau khoá học. Nếu không, thứ bạn mất không chỉ là chi phí của khoá học, chi phí cơ hội mà bản thân phải đánh đổi mà bạn còn đánh mất đi sự tín nhiệm cá nhân với chính mình. Thời điểm bạn bỏ cuộc, tiếng nói bên trong bạn chưa cất lên đâu nhưng khi bạn gặp thử thách, nó sẽ bắt đầu phát xét bạn “ngữ mày làm gì cũng được vài hôm là bỏ cuộc, thế nên mày thất bại là chuyện đương nhiên, có gì đâu mà phải khóc”. Thế nên chính bạn phải là người giữ uy tín với bản thân mình chứ không phải ai khác.
Dù đã rất dài rồi nhưng một phần rất quan trọng mà chúng ta không thể không nói tới. Làm thế nào để đạt được trạng thái dòng chảy trong mọi khía cạnh cuộc sống, câu trả lời đó là hãy thực hành chuyên sâu bốn bước sau đây
1. Thiết lập những mục tiêu
Không có mục tiêu thì sẽ không có đích đến và cũng sẽ chẳng có bất cứ thành quả nào được tạo ra. Thế nên làm gì cũng cần có mục tiêu cụ thể, năm có mục tiêu năm, tháng có mục tiêu tháng, ngày có mục tiêu ngày. Rồi ta cứ thế mà triển khai kế hoạch nhằm đạt được nó thôi. Mình ví dụ mục tiêu của mình trong tuần là đọc hết 3 cuốn sách mà mình đã lấy ra từ tối chủ nhật. Có cuốn đọc nhanh, có cuốn đọc chậm nhưng chắc chắn mình sẽ đọc xong, xong cuốn này nó sẽ dẫn lối tới cuốn kia. Mình thấy rất thú vị khi làm thực hiện thử thách này, là bởi khi lựa sách mình chỉ chọn ba cuốn mình thấy ấn tượng thôi. Nhưng đến khi đọc thì chúng lại có sự kết nối, bổ trợ cho nhau rất ấn tượng. Mình cứ triển khai các đầu mục công việc trong ngày, có lúc làm xuyên trưa, quên cả ăn nhưng nó khiến mình rất hài lòng và tự hào về bản thân. Thế nên dù làm gì, học gì thì phải có mục tiêu dẫn lối bạn nhé.
2. Đắm mình trong hoạt động
Khi đã có những việc quan trọng cần làm đặt trên bàn rồi thì cứ thế mà triển khai thôi, không nghĩ ngợi gì hết, tập trung duy nhất vào điều mà ta đang làm. Khi mình viết bài này mình đã bắt đầu từ lúc 8 giờ kém 10 phút đến thời điểm này là 10 giờ 50 phút. Gần ba tiếng đã trôi qua, mình hoàn toàn chìm sâu vào hoạt động viết lách của bản thân. Khi đọc sách, học Tiếng Anh hay chấm bài của học viên, mình cũng ở trong trạng thái này. Trước kia mình không gọi được tên nó nhưng bây giờ thì mình hiểu, đó chính là dòng chảy, mọi thứ cứ như một dòng sông tâm tưởng chạy sâu vào từng ngóc ngách của cơ thể. Bạn có thể nghe sách “trái tim mặt trời” do cô chú Đức Uy, Kim Phượng đọc. Cuốn sách ấy rất gần với trạng thái dòng chảy mà chúng ta đang nói tới.
3. Chú ý đến những gì đang diễn ra
Tập trung sâu sắc vào những gì đang hiện diện quanh ta, nếu đi sâu vào bên trong thì ta đang nhìn thấy gì? Nghe thấy gì? Nội tâm ta đang nói điều gì? Ta đang nghĩ tới điều gì lúc này? Cảm giác của ta ra sao? Còn khi làm một việc gì đó, tập trung, chú ý đủ sâu bạn sẽ nhìn thấy cả những thứ mà mắt thường không thể nhìn thấy. Bạn không chỉ nghe được giọng nói của người đối diện mà bạn còn nghe được họ đang vui hay buồn sau giọng nói ấy. Bạn không chỉ nhìn thấy hình ảnh người mẹ của mình mà bạn còn nhìn thấy mẹ đang khoẻ hay đang ốm, mẹ đang vui vẻ hay đang suy tư….Thử một lần chú ý đến những gì đang diễn ra, bạn sẽ cảm nhận rõ nét điều này.
4. Học cách thưởng thức trải nghiệm tức thì
Điều này mình đã chia sẻ rất rõ trong những ví dụ kể trên rồi, chúng ta chỉ viết ra để nằm lòng được thông điệp mà thôi. Đi xe máy dưới mưa, có người sẽ than vãn, gia đình nghèo nên chưa có cái ô tô mà đi, rồi lại bực bội với thời tiết. Nhưng có người sẽ cho đó là một trải nghiệm đáng nhớ, đi xe máy dưới mưa với chồng, lâu lắm rồi mới có dịp kể từ ngày sinh viên. Hai vợ chồng vừa đi vừa ôn lại chuyện xưa, anh chồng bảo “tại sao ngày đầu mới gặp nhau dù trời mưa mà em lại cương quyết không mặc áo mưa thế vợ?”, vợ đáp lại rằng “vì khi ấy em mặc váy, không muốn mất hình tượng trong mắt anh”, anh chồng bảo “anh chỉ quan tâm đến sức khoẻ của em thôi, yêu em từ cái nhìn đầu tiên, mãi mới được em đồng ý đi chơi cùng, hình tượng vững lắm rồi, đổ làm sao được”. Và dù chẳng thể thay đổi hoàn cảnh là hai vợ chồng, hai cái áo mưa mà vẫn ướt sũng nhưng họ đã tạo nên một kỉ niệm đáng nhớ. Rất có thể sau cơn mưa hôm ấy, tối đến lại có thêm một đêm tình bể bình vì ai đó lỡ ôn lại chuyện ngày xưa. Thế nên nếu chẳng thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại thì hãy hoà mình vào để thướng thức những trải nghiệm mà cuộc sống mang tới cho bạn bạn nhé.
Hi vọng bài chia sẻ này sẽ hữu ích cho ai đó, mình sẽ rất vui nếu khi đọc xong bạn sẽ áp dụng được phần nào đó để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình. Cảm ơn các bạn vì đã đọc đến đây, mình thực sự khâm phục sự tập trung của bạn. hihi.