Một cuốn sách siêu hay về nhận thức sâu sắc của J. Krishnamurti.
Ông được biết đến là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về tinh thần của Ấn Độ.
Tuy nhiên ông khẳng định rằng ông không thuộc bất cứ quốc tịch, tôn giáo hay đảng phái nào.
Đọc bộ sách của ông ta sẽ thấy được tinh thần này, tinh thần vượt lên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.
Khi đọc sách của ông mình cảm nhận được sự NHẬN THỨC SÂU SẮC VỀ BẢN THÂN.
Nếu ta muốn thay đổi bất cứ điều gì thì nó luôn phải xuất phát và bắt đầu từ chính sự nhận thức này.
Cuốn sách sẽ hơi khó với những ai chưa từng đọc về dòng triết học nhưng sẽ rất đã với những ai yêu thích dòng sách này.
1. NHẬN THỨC SÂU SẮC VỀ BẢN THÂN
Chúng ta chính là sự phóng chiếu của thế giới.
Vậy nên để thay đổi thế giới, phải bắt đầu thay đổi từ chính chúng ta.
Mà sự thay đổi này phải xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc về bản thân.
Sự nhận thức sâu sắc ấy được tạo thành từ sự nỗ lực có ý thức và thời gian ngẫm nghĩ.
Mình thực sự rất tâm đắc với điều này, bởi rất nhiều người nỗ lực nhưng lại thiếu đi ý thức về sự nỗ lực ấy.
Dẫn tới sự hỗn loạn, thiếu chiều sâu.
Làm, thực hiện điều gì đó nhưng không nhận thức được vì sao ta phải làm nó, làm điều đó để giải quyết thực sự vấn đề gì của mình.
Họ làm vì thấy nhiều người làm và nói rằng nó tốt.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian là họ mất đi động lực, không còn thiết tha làm tới cùng nữa.
Lý do cốt lõi là thiếu đi ý thức trong những việc bản thân lựa chọn thực hiện.
Thiền định cũng vậy, thiền định cực kì quan trọng, bởi nó sẽ giúp ta khám phá bản thân và giải phóng tâm trí.
Thế nhưng nhiều người chỉ mong thiền để trở thành hoặc đạt được điều gì đó.
Bởi vì kì vọng nên họ cảm thấy chán nản nếu sự thực hành của mình không đáp ứng được sự kì vọng ấy.
Mục đích ban đầu đã sai thì khó mà có được kết quả đúng.
Thiền định thực chất chỉ là quá trình ta theo dõi, lắng nghe đến tận cùng những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân mà thôi.
Không chỉ trích, không phán xét và cũng không đè nén nó.
Đơn giản là lắng nghe, quan sát và nhìn thấy nó.
Cũng nhờ tác giả mà mình có thêm được một từ vựng rất hay đó là khả năng TỰ TRI – biết được trong sâu thẳm trái tim mình muốn gì.
Biết được điều này thì ta sẽ có được tư duy đúng, khi có tư duy đúng ta sẽ có được sự bình an trong sâu thẳm trái tim mình.
2.HOÀN CẢNH SỐNG VÀ SỰ NHẬN THỨC
Rất nhiều người nói rằng nếu bạn ở trong hoàn cảnh của tôi thì bạn sẽ khó mà nghĩ khác được.
Hoặc nếu bạn ở trong hoàn cảnh của tôi thì bạn mới biết tôi khổ sở như thế nào.
Thực chất NHẬN THỨC của ta không phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Hoàn cảnh có thể trợ giúp cho nhận thức nhưng nó hoàn toàn không thể thay thế cho nhận thức được.
Hoàn cảnh chỉ nên được thấu hiểu chứ không trông cậy hay lệ thuộc.
Nếu một người trông cậy, lệ thuộc vào hoàn cảnh họ sẽ luôn đòi hỏi sự thay đổi, chuyển biến của hoàn cảnh đó.
Những người này thường có tư duy nạn nhân, ước gì tôi sinh ra trong một gia đình giàu có thì tôi sẽ rất đủ đầy.
Ước gì chồng tôi yêu tôi nhiều như Kim Lý yêu Hồ Ngọc Hà thì tôi sẽ là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian.
Điều này tạo nên cho họ một vòng tròn khép kín và khiến họ trở thành tù nhân trong đó.
Nếu hoàn cảnh thay đổi thì tôi sẽ nhận được điều gì đó.
Và đây chính là lý do khiến họ bất hạnh, đau khổ và thất bại.
Nhận thức hoàn toàn không phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Doanh nhân Tuệ Nghi từng sống trong chuồng lợn, cùng mẹ mưu sinh với 10 ngàn cuối cùng trong túi giữa lòng Sài Gòn sầm uất.
Nhưng cô ấy đã tạo nên một sự nghiệp lẫy lừng, xây biệt thự dát vàng tặng mẹ.
Nếu phụ thuộc vào hoàn cảnh, có lẽ cô ấy đã không có ngày hôm nay.
Thế nên dù hoàn cảnh của bạn lúc này đang thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng phụ thuộc vào nó.
Hãy tập trung vào bản thân, phát triển SỰ TỰ TRI bên trong để thiết lập nên tư duy đúng đắn.
Có tư duy đúng đắn mới giải quyết vấn đề hiệu quả được.
Trong hành trình giải quyết những vấn đề của mình, sẽ có đôi lúc ta nhìn thấy sự sợ hãi xuất hiện.
Lúc này ta đừng cố kìm nén hoặc xoá nhoà nó.
Nó xuất hiện vì ta thiếu sự hiểu biết, vì không có hiểu biết nên ta cảm thấy tự ti, và vì tự ti nên sự sợ hãi mới xuất hiện.
Để nó biến mất ta hãy có sự hiểu biết, bằng việc suy nghĩ kĩ càng, tìm hiểu thấu đáo, nhận thức cẩn trọng bằng tâm cởi mở…khi ấy nỗi sợ sẽ hiển lộ một cách rõ ràng.
Nhìn thấy rõ nó, hiểu nó một cách sâu sắc bằng sự hiểu biết của bản thân thì nó sẽ không còn xuất hiện hay lặp lại nữa.
3.SỰ TẬP TRUNG
Khi chúng ta tập trung vào điều lớn lao thì điều nhỏ nhặt sẽ mất đi.
Còn khi ta tập trung quá nhiều vào những điều nhỏ nhặt thì sự sao nhãng, hỗn loạn và vụn vặt sẽ xuất hiện.
Đó là lý do vì sao mình nói hãy tập trung vào tư tưởng – cái lõi chứ không phải một vài thói quen thông thường – bề mặt.
Hãy tập trung cao độ về điều bạn mong muốn sâu thẳm trong trái tim mình, chính nó sẽ giúp bạn đi đúng hướng.
Nó sẽ cho bạn những giải pháp đúng đắn để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Một số học viên của mình áp dụng cách này, họ đã khám phá được bản thân một cách sâu sắc.
Thay vì tập trung vào những thứ bề mặt như bí quyết để k iếm t iền nhanh chóng, họ dành thời gian để tìm ra điều bản thân tâm đắc, khao khát được làm.
Tìm được rồi họ chỉ tập trung để làm sao để làm tốt, trao được nhiều giá trị, giúp được nhiều người.
Thành công đến sau đó mà không cần bất cứ một bí quyết hay công thức nào cả.
Mình đã suy nghĩ rất nhiều trong những ngày qua về nhận định “thói quen là thiếu suy nghĩ”.
Kể cả nó là tốt hay xấu.
Và mình đã hiểu được điều mà tác giả nhận định.
Chúng ta luôn nghĩ để loại bỏ thói quen xấu ta cần phải thay thế nó bằng thói quen tốt.
Tuy nhiên đúng như tác giả nói, vấn đề nó vẫn còn nguyên ở đó nếu ta làm theo cách này.
Ta phải tìm ra được nguyên nhân sâu xa của thói quen xấu kia và nhận thức được sâu sắc về nó thì ta mới có thể phá vỡ nó được.
Mình ví dụ, bạn cực kì thích xem phim ngôn tình, nhưng vì tiếc thời gian nên bạn hay xem tóm tắt phim bản đầy đủ.
Bạn biết việc này sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian quý giá, xem phim chỉ giúp bạn giải trí chứ không giúp ích nhiều cho bạn.
Thế nên bạn thay nó bằng việc đọc sách.
Thời gian đầu bạn vẫn thấy nó khá ổn, nhưng trong sâu thẳm bạn vẫn cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó.
Bạn thấy mình không có nhiều động lực để đọc sách nữa, bạn chỉ thích xem phim cho thoả thích.
Bình thường nếu bạn khoẻ mạnh, ý thức tốt thì bạn vẫn đọc sách thay vì xem phim.
Nhưng rồi bạn ốm, bạn kiệt quệ về tinh thần lẫn thể xác, bạn quyết định cho bản thân được nghỉ ngơi và bạn xem thoả thích cuộc đời cho những điều bạn đã bỏ lỡ.
Ở đây việc xem phim hay đọc sách không có cái nào lợi hơn cái nào.
Ta không bàn tới nó ở đây, mà ta bàn tới, tại sao bạn lại muốn được xem phim, mà phải là phim ngôn tình có hậu.
Quan sát, suy ngẫm, lắng nghe bản thân, bạn bắt đầu nhận ra bạn thèm được kết nối với chồng.
Bạn muốn có được những giây phút hai người bên nhau, bạn yêu và được yêu.
Bạn muốn được đi xem phim, đi ăn, muốn được tận hưởng buổi tối chỉ có hai người.
Một buổi tối thật lãng mạn, ấm áp và hạnh phúc.
Đó mới là nguyên nhân sâu xa cho việc thèm được xem phim của bạn.
Thế nên thay vì triệt tiêu, áp đảo thói quen xem phim.
Bạn phải hiểu sâu sắc về nó.
Khi tìm ra được nguyên nhân cốt lõi phía sau, bạn sẽ phá vỡ được nó mà không tốn chút công sức nào.
Thay vì đọc sách, bạn lên cơ quan chồng và mời anh ấy đi ăn.
Thay vì mải mê xem phim, bạn cùng chồng tay trong tay đi dạo ở công viên và có một đêm xuân nồng nàn hết ý.
Ngày mai, bạn sẽ làm những việc cần làm mà không mảy may đến phim ảnh nữa vì chính bạn đã là diễn viên chính của bộ phim kia rồi.
Do đó hành động thì phải có sự lĩnh hội sâu sắc thì nó mới tạo ra sự phát triển.
Còn nếu chỉ hành động mà thiếu đi sự lĩnh hội sâu sắc nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn.
4.CUỐI CÙNG LÀ THÔNG ĐIỆP CỦA GIẤC MƠ
Mình là trùm của mơ, mình mơ liên tục, ngày duy nhất không mơ là hôm đó mình chẳng nghĩ gì, chỉ thiền và chơi cùng con gái.
Nhưng ngủ mà không mơ là điều rất hiếm hoi với mình.
Thế nên câu hỏi sao mình mơ nhiều thế luôn được mình khám phá để tìm ra câu trả lời.
Hoá ra những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta phải được ta THEO DÕI ĐẾN TẬN CÙNG.
Nếu chưa được khám phá nó sẽ không ngừng lặp lại.
Sự lặp lại này không chỉ diễn ra ở thực tại mà nó còn theo ta vào trong giấc mơ.
Bởi những sự kiện hay phản ứng quan trọng đều được nội tâm của ta ghi lại.
Do đó chúng sẽ hiện diện vào bên trong giấc mơ của ta.
Nếu muốn ít mơ thì ta phải theo dõi đến tận cùng những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân một cách trọn vẹn, bao quát hết mức có thể thì sẽ không mơ nữa.
Tối qua khi ngủ mình mơ thấy sáng mai dậy dạy học bị muộn giờ, lúc soi gương lại còn thấy mắt của mình bị teo mất một bên.
Trước kia thì còn diễn giải theo hướng này hướng kia, còn bây giờ mình đã hiểu được tại sao mình lại mơ như thế.
Hôm qua con gái mình ngủ dậy, một mắt của con bị sưng lên, dù mình tra dầu ép mù u rồi nhưng vẫn băn khoăn không biết con có sao không.
Chiều về thì mắt con đã hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên vì sự để tâm ấy mà mình đã đem nó vào trong giấc mơ.
Tương tự với buổi dạy học sáng nay cũng vậy.
Mình cũng rất để tâm xem mai học viên của mình có vào học để bế giảng không?
Làm thế nào để mình có thể chia sẻ tốt nhất cho mọi người.
Vì thế nó đi sâu vào giấc mơ của mình.
Vậy nên từ giờ ngay cả những suy nghĩ, cảm xúc dù vụn vặt đi chăng nữa mình cũng sẽ xem xét xem nó thuộc loại nào.
Nếu nó thuộc mối quan tâm thì mình sẽ theo dõi, đánh giá lại để nó không thu hút tâm trí của mình nữa.
Nếu nó thuộc thói quen thì sẽ tìm ra nguyên nhân sâu xa để đánh thức suy nghĩ.
Còn nếu nó thuộc sự lười biếng thì mình cần nhận thức được, sự lười biếng mà được nhận thức thì nó sẽ là khởi nguồn của hoạt động.
Còn nếu nó không được nhận thức thì nó là sự lười biếng thật sự.
____________________________________
Bài chia sẻ này có lẽ là khá dài, vì mình gõ trên điện thoại nên không rõ là bao nhiêu từ.
Nhưng mình tin những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn trên hành trình khám phá bản thân mình.
Mình thích tác giả này vì ông ấy không bao giờ để tâm trí của bản thân lệ thuộc vào bất cứ ai.
Mọi thứ phải luôn bắt đầu từ nhận thức sâu sắc của mỗi người.
Muốn thay đổi bất cứ thứ gì thì luôn phải bắt đầu từ việc thay đổi chính bạn.