Cảm nhận sau khoá học

SỨC MẠNH CỦA SỰ BUÔNG BỎ – JOHN PUKISS

Đây là cuốn sách do chị Nguyễn Bích Lan dịch, khi bắt đầu đọc, mình đã nhắn với chị Lan rằng cuốn này hay quá chị yêu ạ. Chị bảo mình “ơ, chị dịch cuốn nào chả hay”. Rồi hai chị em mình cười tít mắt dù chẳng nhìn thấy nhau. Mình đã đọc rất nhiều cuốn sách về chủ đề này, thế nhưng cuốn sách này vẫn đem tới cho mình những góc nhìn thú vị và hữu ích.

Tác giả làm rõ hơn những trải nghiệm đã qua của mình bằng một cách tư duy mới “buông bỏ để được tự do”. Sự buông bỏ này không phải là từ bỏ, không phải là phó mặc mà nó là thưởng thức, là đi vào trạng thái dòng chảy trong bất cứ điều gì ta làm. Thay vì tập trung vào kết quả, ta lại tận hưởng hành trình mà mình đang bước đi. Cùng mình điểm lại những điều giá trị từ cuốn sách này nhé.

I. TẬP TRUNG VÀO HIỆN TẠI

Chị học viên của mình chia sẻ rằng chị rất khó để làm chủ suy nghĩ của bản thân, chúng đi lang thang suốt ngày và đôi khi vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chị. Khi ấy mình thường nói với chị rằng hãy tập trung vào hơi thở, vào từng khoảnh khắc hiện tại. Hướng tới những giác quan của mình xem mình đang cảm thấy thế nào, tai mình đang nghe thấy gì, mắt mình đang hướng vào đâu….Khi ấy những suy nghĩ của chị sẽ thôi không đi lang thang nữa, chúng sẽ tập trung vào những gì đang diễn ra ngay lúc này. Chúng ta thường đồng hoá bản thân với những suy nghĩ, những cảm xúc bất chợt. Trong khi những thứ đó nó cứ đến rồi đi, còn chúng ta, chúng ta vẫn đang tồn tại. Do đó ta không phải là những suy nghĩ, cảm xúc đang hiện diện mà ta là ý thức thuần tuý. Bất cứ khi nào ta nhận thấy những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực đang bủa vây lấy ta. Ta đừng đồng hoá rằng “mình là người là rất tiêu cực, mình là người rất kém cỏi”. Hãy đóng vai ta là người quan sát, quan sát những gì đang diễn ra bên trong. Hãy tưởng tượng tới hình ảnh ta đang đứng trên cầu và nhìn thấy những dòng thác lũ đang cuồn cuộn dưới con sông kia. Khi ấy ta nhìn thấy nó một cách khách quan chứ không bị nó nhấn chìm. Nếu từng đọc cuốn sách “trái tim mặt trời” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, chắc bạn còn nhớ hình ảnh trái tim mặt trời mà thầy nói tới. Đó là ánh mặt trời chánh niệm soi rọi khắp mọi nơi bên trong tâm hồn ta, để mỗi lần ta cảm thấy bức bối, khó chịu, việc của ta không phải là chèn ép, trà đạp những cảm xúc kia mà hãy thắp mặt trời chánh niệm lên. Ánh mặt trời ấy sẽ sưởi ấm, ôm ấp những đau thương, vụn vỡ của ta như cách mà mẹ hay ôm ta khi còn thơ bé. Hành trình ấy sẽ giúp ta chuyển hoá sự thống khổ một cách dễ dàng và hiệu quả. Vậy nên mỗi lần bị sự tiêu cực, bi thương bủa vây, việc của ta không phải là lao ra ngoài để tìm mọi cách chữa lành mà hãy hướng vào trong để lắng nghe, để thấu hiểu và để tự xoa dịu chính mình.

II. BUÔNG BỎ NHỮNG Ý NGHĨ LÀM TA BẾ TẮC

Trong lớp tái sinh của mình, bài tập đầu tiên mà mình yêu cầu các học viên làm đó chính là “nhận diện những suy nghĩ đang diễn ra bên trong” mà ở K8 này được chị Thu Trang nói vui rằng “đổ não ra giấy”. Mục tiêu của bài tập này chính là để giúp các anh chị em nhận ra những suy nghĩ nào đang làm ta bế tắc. Phải nhận diện được thì ta mới có thể buông bỏ chúng được, mà muốn nhận diện được thì ta buộc phải quan sát và khiến chúng ta trở nên rõ ràng trên giấy. Rất nhiều chị em đã bắt đầu ý thức về những suy nghĩ của mình, họ nhận ra những suy nghĩ ấy quả thực chỉ làm cho cuộc sống của bản thân thêm bế tắc mà thôi. Vậy nên cách đơn giản và dễ dàng nhất chính là buông bỏ chúng. Chỉ khi buông bỏ những điều cũ kĩ thì sự mới mẻ mới được tạo ra. Điều này khiến mình nhớ tới Tái Sinh phiên bản mới, trực giác nói với mình rằng sẽ cần phải nâng cấp, thay thế phiên bản cũ. Tuy nhiên mình cứ lần lữa, mình tiếc rẻ những gì mà mình đã kiến tạo nên trong một năm vừa qua. Và rồi bạn biết chuyện gì xảy ra không? Máy tính mình bị đầy bộ nhớ, mình mất rất nhiều thời gian để lựa chọn xem cần giữ lại điều gì, bỏ đi điều gì. Cuối cùng mình chọn bỏ tất cả các khoá học trước kia. Mình xoá toàn bộ các video trước đó, kể cả Tái Sinh.

Ban đầu mình cũng hơi hoảng, chẳng biết mình quyết định có đúng không, tuy nhiên mình thấy nhẹ lòng. Và phiên bản mới được mình lên ý tưởng ngay sau đó, mọi thứ tuôn ra như nước. Và đến bây giờ mình vô cùng biết ơn bản thân mình vì đã luôn tin tưởng và đi theo trực giác. Trong cuốn sách này, tác giả lại một lần nữa cho mình thấy tầm quan trọng của trực giác. Khi ta càng buông bỏ, để mọi thứ diễn ra theo dòng chảy thì trực giác lại càng nhạy bén, trực giác càng nhạy bén thì mọi chuyện lại càng thuận lợi. Mình chỉ muốn nhấn mạnh một chi tiết rất quan trọng ở đây đó là sự buông bỏ không phải là từ bỏ, nó rất khác nhau. Sự buông bỏ là khi ta hiểu rất rõ mình muốn gì, mình cần gì rồi sau đó tập trung để hoàn thành điều mà bản thân mong muốn. Tuy nhiên thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào kết quả, ta tập trung lắng nghe bên trong, nhận diện những điều ta cần làm ngay lúc này. Khi đó thay vì lo lắng, áp lực, ta cứ làm theo con tim ta mách vào. Đây cũng là lúc ta đi vào trạng thái dòng chảy, như cách mà giáo sư Phan Văn Trường đã chia sẻ “cứ thuận tự nhiên thì mọi thứ tự nhiên thuận”. Lúc đó kết quả sẽ tới với ta theo cách mà ta sẽ không ngờ tới, đây cũng là cách vận hành mà mình hay nói tới trong Luật Hấp Dẫn. Mà nhắc tới luật hấp dẫn sẽ không thể không nói tới lòng biết ơn, bạn có biết tại sao khi thực hành lòng biết ơn, cuộc sống của bạn sẽ được chuyển hoá một cách sâu sắc không? Đó là bởi vì chúng ta đang hoà hợp với sự tồn tại, với sự sống được diễn ra lúc này. Chúng ta tập trung vào khoảnh khắc mà mình đang sống, biết ơn vì những điều đang hiện diện. Chúng ta thôi không đau khổ vì quá khứ, cũng không quá lo lắng vào tương lai. Chính điều đó giúp chúng ta hạnh phúc, vui vẻ và bình an. Mà khi ta hạnh phúc thì sẽ thu hút những điều tốt đẹp khác tới với cuộc sống của chúng ta.

III. BUÔNG BỎ NHỮNG NỖI ĐAU ĐANG CẢN TRỞ TA

Trong mỗi chúng ta ai ai cũng có những nỗi đau trong quá khứ, và nếu nỗi đau ấy không được tốt nghiệp thì nó sẽ vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện tại của ta. Vậy nên cách duy nhất để loại bỏ những nỗi đau ấy chính là tái hiện lại chúng một lần nữa, để xử lý những cảm xúc, những tổn thương của ta khi đó rồi từ bỏ nó hoàn toàn. Có vậy nỗi đau ấy mới không cản trở hiện tại của ta nữa. Mình ví dụ ngày mình thi hùng biện trước toàn trường, mình đã gần như quên sạch những gì cần nói về Bác. Mất một thời gian mình luôn tự trách bản thân mình, tại sao lại kém cỏi, dốt nát đến vậy. Thế nhưng sau đó thay vì chốn chạy kí ức đau khổ đó, mình đã đối diện với nó qua gương. Mình nhớ lại hình ảnh ngày mình lên hùng biện, mình đã lo lắng, sợ hãi ra sao? Mình đã nghe thấy những âm thanh gì? Cô giáo Tiếng Anh của mình đã ôm lấy mình và vỗ về mình thế nào? Nó cứ lần lượt hiện diện trong tâm trí mình. Mình đứng nói lại một lần nữa, mình bắt đầu cười, rồi bắt đầu nhớ ra những gì cần nói….và bạn biết không, chính hành trình ấy đã giúp mình được điểm 10 kiểm tra văn đầu tiên khi mình học cấp ba với cô Lệ Anh. Cô giáo khen mình không chỉ nhớ bài mà còn trình bày rất ấn tượng. Ngày đó dù chỉ làm theo bản năng nhưng hành trình ấy cũng đã giúp mình vượt qua bóng ma quá khứ năm cấp 2 để trở thành cô nàng bí thư năng động, hoạt bát của năm cấp 3. Vậy nên khi bạn nhận diện ra bạn có một nỗi đau rất lớn ở quá khứ, đừng chốn chạy chúng mà hãy mạnh mẽ đối diện, tái hiện nó lại một lần nữa, đối diện với những suy nghĩ, cảm xúc của bạn xưa kia để tốt nghiệp sự kiện ấy. Chỉ có như thế bạn mới có thể hoàn toàn buông bỏ chúng và không để chúng cản trở hiện tại của bạn nữa. Một điểm thú vị mà mình rất thích ở chương này chính là cái bóng của ta. Những người mà ta không hài lòng, thậm chí ghét họ, chẳng phải là do họ không tốt đâu mà là họ đang phóng chiếu những điều mà ta không muốn nhìn thấy ở bản thân mình. Hoặc dù có thấy nhưng ta lựa chọn lờ nó đi, thế nhưng càng lờ đi thì ta sẽ càng gặp những người phóng chiếu điều đó để nhắc nhở ta. Để không gặp lại những người đó nữa, không phải là tránh xa họ mà là quay về với chính mình để nhận diện xem, họ đang phóng chiếu điều gì bên trong ta. Chấp nhận điều chưa hoàn hảo về mình là cách để giúp ta trở nên trọn vẹn hơn. Học xong bài học rồi thì những người đó sẽ tự rời đi, bởi bài học trường đời đã được ta tốt nghiệp một cách xuất sắc.

IV. XUÔI THEO DÒNG CHẢY BẰNG SỰ BUÔNG BỎ

Chương này nhấn mạnh lại một lần nữa về trạng thái dòng chảy mà ta đã nhắc tới. Thay vì chống đối ta hãy thuận theo dòng chảy, để mọi thứ được diễn ra theo cách mà chúng cần phải diễn ra. Thay vì chăm chăm vào kết quả, ta hãy tận hưởng hành trình và biết ơn về những điều tốt đẹp đang diễn ra ngay lúc này. Tiến được vào trạng thái dòng chảy thì trực giác của ta sẽ cực kì nhạy bén, ta sẽ biết mình phải làm gì và làm thế nào để hoàn thành nó hiệu quả nhất.

V. HIỆN THỰC HOÁ MONG ƯỚC BẰNG SỰ BUÔNG BỎ

Phần này thú vị ở chỗ là khi bạn không cố gắng kiểm soát mọi thứ thì tự nhiên những điều cần thiết cho tiến trình của bạn sẽ kéo đến một cách rất tự nhiên. Trước đây mình cũng bị lấn cấn về điều này, mình hiểu rằng nếu muốn được bất cứ điều gì ta sẽ cần có mục tiêu và kế hoạch cho nó. Thế nhưng người thầy của mình lại nói rằng mục tiêu, kế hoạch nó không phải là cái cốt yếu. Quan trọng nhất chính là sự dẫn dắt của vũ trụ, của trực giác bên trong ta. Ban đầu khi mình nghe mình cũng hơi băn khoăn, nhưng qua cuốn sách này thì mình đã hiểu được nó một cách sâu sắc. Mục tiêu, kế hoạch vẫn cần đấy nhưng không nên kỳ vọng vào nó, cũng đừng để nó tạo áp lực lên ta. Biết được mình muốn gì, khi nào mình muốn là đủ. Phần còn lại hãy tập trung vào những việc cần làm, những cơ hội mà ta được dẫn lối, được trao tay. Mình lấy một trải nghiệm rất thực tế của mình để mọi người cùng suy ngẫm. Trong bảng tầm nhìn của mình, mình có một mong muốn là sẽ xuất bản sách năm 2023 -2024. Lúc viết ra mong muốn ấy mình cũng chẳng nghĩ gì nhiều, đơn giản là mình thích thôi. Và thật vi diệu, năm nay ngoài việc hoàn thành cuốn ebook “tái sinh tìm mình trong giông bão” để các chị em trong lớp chuyên sâu thực hành, mình còn có cơ hội được đồng hành cùng người thầy đáng kính của mình trong dự án sách dành cho người khuyết tật nữa. Sự kiện này mình có lường trước không? Mình không? Mình có nỗ lực để có được không? Mình không. Mình cứ làm những gì cần làm, mình thích viết và chia sẻ những điều giá trị. Mình cứ làm nó như hơi thở và hành trình ấy của mình đã lọt vào mắt xanh của thầy. Thầy đã gọi điện, trao cho mình cơ hội để được song hành cùng thầy cùng các chị em khác trong dự án đầy ý nghĩa và nhân văn này. Vậy đấy, mong ước của mình được hiện thực hoá một cách rất bất ngờ và tự nhiên.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các anh chị em hiểu sâu sắc được vì sao ta cần buông bỏ để tự do. Muốn sở hữu sách này thì mọi người nhắn cho chị Nguyễn Bích Lan – dịch giả của cuốn sách nhé!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *