Cảm nhận sau khoá học

ĐỂ SƠ ĐỒ HOÁ TỐT

Từ hôm qua đến giờ có rất nhiều bạn hỏi mình về chủ đề này. Mình cũng đã chia sẻ tới các bạn về nguyên lý trước đó. Hôm nay mình sẽ bổ sung thêm để các bạn hiểu sâu hơn về công cụ này. Mình lựa chọn sơ đồ hoá vì nó cực kì dễ nhớ, giúp mình phát triển rất tốt về tư duy logic và tư duy hệ thống. Chỉ cần nhìn vào phần đóng gói mọi nội dung cốt lõi sẽ được một lần nữa tái hiện trong đầu mình.

Để sơ đồ hoá tốt bạn chỉ cần chuẩn bị: ba cây bút với ba màu mực khác nhau, chẳng hạn đỏ, xanh, đen cùng với một cuốn sổ A4. Mình dùng sổ vẽ A4 loại 80 trang. Đây là bộ công cụ gắn liền với mình ở mọi lúc mọi nơi.
Đọc sách xong sơ đồ hoá.
Học ngoại ngữ sơ đồ hoá.
Học khoá học sơ đồ hoá.
Lên ý tưởng, triển khai khoá học, sơ đồ hoá.
Thậm chí phần viết mục tiêu, triển khai kế hoạch cũng được mình sử dụng sơ đồ hoá. Mình đưa những phức tạp trở về đơn giản nhất với sơ đồ hoá.

Nguyên lý rất đơn giản: HỌC XONG LÀ PHẢI ĐÓNG GÓI, mà ĐÓNG GÓI LÀ PHẢI SƠ ĐỒ HOÁ. Thứ gì ta càng làm nhiều, càng tập trung thì ta làm càng giỏi. Không có đường tắt. Dĩ nhiên để sơ đồ hoá tốt nó cũng phụ thuộc vào tư duy của chúng ta nữa. Tư duy là phần cốt lõi ở đây. Vậy, ta cần tư duy thế nào khi sơ đồ hoá. Với các cuốn sách đọc xong, nếu là cuốn sách về kỹ năng có quá nhiều thông tin. Mình sẽ gom nó lại về 3 đầu mục:
– Tại sao ta phải phát triển kỹ năng này?
– Kỹ năng này bao gồm những yếu tố nào?
– Làm thế nào để ta có thể rèn luyện và làm chủ kỹ năng này?

Khi đưa về WHY, WHAT, HOW. Ta sẽ nhìn ra được tư duy hệ thống trong sách. Giúp lĩnh hội được 20% cốt lõi chiếm 80% nội dung mà ta đã đọc. Tiếp đó với các dòng sách về văn học, triết học hoặc tiểu thuyết, mình sẽ chọn ra những điều mình tâm đắc nhất để ghi chú và sơ đồ hoá. Lúc này nó đi theo mạch cảm xúc của mình. Mình sẽ lựa chọn những gì chạm sâu tới mình nhất, viết thật súc tích, ngắn gọn về nó bằng các từ khoá. Còn với các dòng sách chuyên ngành mà mình học để lĩnh hội kiến thức mình sẽ sơ đồ hoá theo hướng mục lục. Trường hợp mục lục quá dài, mình sẽ gom chúng thành từng nhóm. Để làm gì? Để việc sơ đồ hoá không bị rối rắm.
Mình ví dụ trong cuốn “thuật quản lý thời gian” của Brian Tracy, có tận 21 chương. Nếu sơ đồ hoá 21 chương trên một tờ A4 là quá sức. Nên mình gom chung lại thành các nhóm đề mục. 21 trở thành 6 trong một nốt nhạc. Ai nhìn vào cũng hiểu ngay được nội dung cốt lõi. Còn với các cuốn sách mà mục lục ngắn, chỉ vài chương, mình sẽ sơ đồ hoá theo mục lục. Gần đây nhất chính là cuốn sách về chủ đề Tiếng Anh. Mình đi theo hướng mục lục là vì mình thấy phần nào cũng hay và quan trọng nên mình triển khai theo hướng này. Dù mất nhiều thời gian và tâm sức nhưng mình lại cảm thấy rất hạnh phúc khi hoàn thành. Bởi những nội dung cốt lõi trong gần 300 trang sách đã được mình tái hiện chỉ trong 4 trang A4.

Cuối cùng khi sơ đồ hoá mình sẽ sử dụng chủ đạo là các màu sắc, hình khối và sự liên kết của các mũi tên. Chỉ cần quan sát kĩ bạn sẽ thấy, cách sơ đồ hoá của mình cực kì đơn giản. Nó đi từng lớp như một cây gia đình. Tiêu đề lớn mình thường viết bằng bút màu đậm, cùng hình xoắn nửa hình tròn. Đây có thể gọi là tiêu đề mẹ. Tiếp đó là các đầu mục chính, đầu mục chính này mình sẽ viết màu mực đậm giống màu tiêu đề lớn phía trên. Hình bao bọc phía ngoài cũng giống tiêu đề lớn. Nó giống như mẹ sinh ra con. Từ các đầu mục chính mình bắt đầu ra các đầu mục nhỏ hơn. Lúc này mình sẽ sử dụng màu mực khác, thường là màu đỏ. Hình bao bọc đầu mục chính này mình chuyển sang hình chữ nhật. Đây là con sinh ra cháu. Cuối cùng đó chính là nội dung của các đầu mục nhỏ, mình sử dụng màu mực khác cho mục này. Hình bao bọc có thể là hình chữ nhật hoặc hình vuông. Đây là chắt trong gia đình.

Lưu ý: để có thể sơ đồ hoá tốt, bạn có thể ghi chú trước vào một tờ giấy. Sau đó mới tiến hành sơ đồ hoá. Làm vậy phần sơ đồ của bạn sẽ đẹp và nhanh chóng hơn. Thứ hai viết chữ xong mới đóng khung chữ. Nhiều bạn cứ đóng khung xong mới viết sẽ không đẹp mắt. Vì hoặc là bị lem ra ngoài, hoặc là bị thiếu hoặc thừa chữ. Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn sơ đồ hoá tốt hơn. Yên tâm là bạn càng làm nhiều bạn càng giỏi. Đặc biệt là tư duy của bạn sẽ được phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Mình đã làm và nhận thấy rất rõ điều đó, mình làm được thì ai cũng làm được, quan trọng là phải làm liên tục cho đến khi ra thành quả mới thôi.

P.s Mình đăng lại cho những ai cần. Trích từ cuốn sách đầu tay “muốn chuyển hoa sâu bắt đầu từ sách” của Lê Nghĩa!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *