Chia sẻ sách Đọc sách Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện

NĂNG LỰC TRUYỀN ĐẠT

Một cuốn sách khá hữu ích dành cho những ai đang muốn làm chủ năng lực “nói”, “viết” và “nghe” của bản thân. Bởi ba năng lực này sẽ quyết định sự thành công trong công việc và cuộc sống của chúng ta.Làm thế nào để ta có thể làm chủ ba năng lực này? Ta cần bắt đầu từ đâu? Luyện tập như thế nào? Hãy cùng mình làm rõ nhé.

1 LÀM CHỦ NĂNG LỰC NÓI

Nếu ai đã từng đọc cuốn “thuật hùng biện” của Brian Tracy thì đều biết rằng để nói tốt thì phải nói nhiều. Chính việc nói nhiều, nói liên tục mới giúp ta tích luỹ quỹ thời gian luyện tập của mình vào con số 10.000 giờ. Và để làm được điều đó, ta cần tạo đầu vào chất lượng. Nhận diện những điều mình không biết hoặc chưa hiểu rõ để tìm hiểu. Khi tìm hiểu hãy ghi chép, sơ đồ cụ thể phần thông tin ấy rồi bắt đầu luyện tập. Luyện tập nói một mình trước gương hoặc trước điện thoại bằng việc ghi hình, sau đó giải thích cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân xem họ có thấy dễ hiểu không. Hiệu quả nhất là giải thích cho bé con của bạn. Nếu em bé hiểu thì ai ai cũng sẽ hiểu.

Tiếp theo là nghệ thuật trong giao tiếp. Khi muốn nói xấu ai đó hãy biết dừng lại ở mức độ có thể nói trước mặt đối phương. Ở đây không phải là khuyến khích chúng ta nói xấu ai đó sau lưng (đây là điều không nên) mà tập trung vào việc chú ý tới mức độ nói. Hãy nói về họ như thể họ đang đứng trước mặt ta để nghe vậy. Tiếp đó là khi khiển trách thì nên khiển trách một một, nghĩa là chỉ ta và người đó, để làm gì, để không làm cho họ xấu hổ và cảm thấy mất hết thể diện. Đặc biệt khi khiển trách hãy khen ngợi đối phương trước để họ cảm thấy thoải mái, an toàn trước. Có vậy lời góp ý mà ta dành cho họ mới được họ thật tâm lắng nghe để rút kinh nghiệm mai này. Còn nếu khen thì ta nên khen họ trước đông người, để làm gì, để khiến đối phương cảm thấy tự hào vì được ghi nhận. Phương pháp này ta có thể áp dụng cho bất cứ ai, từ bạn bè, gia đình, người thân cho tới các bạn nhỏ.

Cuối cùng trong quá trình giao tiếp hãy quan sát, lắng nghe đối phương. Quan sát biểu cảm trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của họ. Nếu đối phương khoanh tay trước ngực thì chứng tỏ họ đang không hứng thú, nếu mũi chân hướng ra ngoài, tay xem đồng hồ liên tục thì họ đang có chuyện cần phải đi gấp. Lúc này ta nên dừng lại, chuyển đề tài hoặc để họ rời đi. Còn khi ta muốn phàn nàn với ai đó về điều ta không hài lòng. Đầu tiên hãy làm rõ sự việc một cách lịch sự, cụ thể là chuyện gì? xảy ra khi nào? với ai? điều đó đã gây ra vấn đề gì cho ta? Hướng giải quyết cho câu chuyện này là gì? Hãy đề xuất phương án mà ta mong muốn một cách thiện chí.

2 LÀM CHỦ NĂNG LỰC VIẾT

Đây có lẽ là phần hay nhất trong sách. Mình cũng đã học được phương pháp này từ cuốn “tự truyện của Benjamin Franklin” trong việc rèn luyện kỹ năng viết. Nhờ phương pháp đó mà mình đã cải thiện rất tốt kỹ năng viết. Phương pháp ấy chính là “bắt đầu đúng”. Bắt đầu đúng bằng việc nắm được khuôn mẫu của thể loại viết mà ta hướng tới. Siêu tầm những bài viết hay để nắm chắc khuôn mẫu, sau đó chép lại đoạn hay nhất rồi bắt đầu viết lại nó bằng chính ngôn ngữ của mình. Viết xong so sánh lại với bài viết mẫu để nhận xét và cải tiến. Cứ thế kỹ năng viết của ta sẽ tiến bộ theo thời gian. Mình còn áp dụng luôn cách chuyển một bài văn xuôi thành thơ và biến một bài thơ thành văn xuôi mà vĩ nhân Benjamin Franklin đã chia sẻ. Cách này giúp mình phát triển vốn từ và nắm được nhịp điệu cực kì tốt. Bạn cũng có thể tham khảo phương pháp này.

Ngoài ra khi viết bạn cũng có thể áp dụng hai phương pháp đó chính là phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp. Phương pháp diễn dịch nghĩa đưa ra kết luận trước rồi mới chứng minh. Còn phương pháp quy nạp thì làm ngược lại, đưa ra các lý lẽ chứng minh trước rồi mới kết luận. Cả hai phương pháp này đều rất hữu ích, chúng ta có thể linh hoạt áp dụng chúng cho phù hợp với thể loại viết mà bản thân hướng tới. Tiếp theo đó chính là phần nâng cao và cải thiện năng lực viết. Quan trọng nhất sau khi viết đó chính là việc xem xét lại bài viết của mình bằng quá trình tự phản tư. Xem mình viết tốt ở đâu, chưa ổn chỗ nào để bổ sung, thay thế.
Thậm chí với những bài viết quan trọng, chúng ta có thể in ra để đọc lại. Khi đọc, hãy đọc thành tiếng để lắng nghe được nhịp điệu của nó. Mượt mà hay ngắc ngứ ta sẽ nhận ra ngay nhờ đôi tai của mình. Khi ấy phần chỉnh sửa mới thực sự hiệu quả.

Một cách nữa mà mình thường hay sử dụng đó chính là sửa lại những bài cũ mà mình đã từng viết trước đó. Trong cuốn sách này tác giả cũng nhấn mạnh tới việc chúng ta sẽ sửa lại bài viết của mình sau khoảng một tuần bởi khi ấy tâm trí ta đã có đủ khoảng thời gian tĩnh để nhìn thấy khiếm khuyến trước đó của bản thân.

3 LÀM CHỦ NĂNG LỰC NGHE

Không những chúng ta cần phải làm chủ năng lực nói, năng lực viết mà chúng ta cũng cần làm chủ năng lực nghe. Đây cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình giao tiếp và kết nối với mọi người. Để làm chủ năng lực nghe thì việc đầu tiên đó chính là chúng ta sẽ cần tập trung vào đối phương. Tập trung bằng cả năm giác quan và cơ thể của mình chứ không phải vừa nghe vừa lướt điện thoại, hoặc vừa nghe vừa để tâm trí lang thang đâu đó. Tiếp theo đó chính là sự phản hồi khi nghe. Chúng ta hãy giúp đối phương cảm thấy thoải mái, hứng khởi khi chia sẻ câu chuyện của mình bằng việc phản hồi. Đó có thể là một cái gật đầu, có thể là một sự gợi mở như câu nói: ồ vậy à, thú vị quá, rồi sao nữa… hoặc dẫn dắt câu chuyện từ từ khoá trước đó mà đối phương đề cập. Hoặc đơn giản là nụ cười, ánh mắt khi ta đang chăm chú lắng nghe. Đối phương sẽ vô cùng hứng khởi và thích thú mà tiếp tục chia sẻ cùng ta.

Trên đây là những điều cốt lõi nhất mà mình rút ra được từ trong cuốn sách này, hy vọng sẽ giúp cho các bạn có được thêm những phương thức cần thiết để làm chủ năng lực truyền đạt của bản thân giúp cho bạn tiến gần hơn tới phiên bản xuất sắc mà bạn muốn trở thành trong tương lai.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *