Chia sẻ sách Đọc sách

ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRỞ THÀNH NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP

Một cuốn sách rất hệ thống, bài bản dành cho những người làm trong môi trường giáo dục của tác giả Manabu Sato. Thực sự mấy chương đầu hơi khó đọc vì là kiến thức của giáo dục học nhưng các chương sau thì cực kì hữu ích. Thầy cô nào cũng có thể áp dụng để nâng cao năng lực của bản thân và trở thành một giáo viên chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Cuốn sách cũng giúp ta hiểu sâu sắc hơn về việc tại sao các thầy cô giáo trong thế kỉ 21 lại chuyển đổi từ chuyên gia giảng dạy sang chuyên gia học tập. Và để đáp ứng với nhu cầu thay đổi cấp thiết ấy thì các chương trình đào tại giáo viên sẽ phải cải cách như thế nào cho đúng hướng. Nếu là giáo viên, giảng viên, là những người làm đào tạo, ai ai cũng muốn bản thân sẽ trở thành một người chuyên nghiệp. Nhưng cần những điều kiện nào để trở thành người chuyên nghiệp thì rất ít người nắm được. Điều kiện này áp dụng với tất cả các ngành nghề chứ không riêng gì giáo viên. Để trở thành người chuyên nghiệp cần đắp ứng năm điều kiện:

Thứ nhất mục đích của công việc đó chính là phục vụ cho lợi ích công cộng chứ không phải lợi ích cá nhân.

Thứ hai công việc đó được tiến hành bằng trí thức và kỹ thuật cao.

Thứ ba
công việc ấy cần tổ chức nên Hiệp hội những người chuyên nghiệp. Nhằm tự chủ công nhận giấy phép và chứng chỉ hành nghề cũng như xác lập được chế độ bồi dưỡng và đổi mới tính chuyên môn cao.

Thứ tư được trao quyền tự trị về mặt chính sách và hành chính.

Và cuối cùng có cương lĩnh luân lý để quản lí trách nhiệm. Khi soi vào những điều kiện này thì chúng ta thấy công việc giáo viên hiện tại đang bị thiếu ba yêu tố cuối cùng. Đây là một thực trạng không chỉ diễn ra ở nước ta mà đã diễn ra ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả Nhật Bản. Đây cũng có lẽ là lý do mà trong cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” của anh Nguyễn Quốc Vương, anh ấy có chia sẻ rằng, chừng nào giáo viên còn chưa được quyền tự trị trong chính công việc của mình thì việc cải cách giáo dục sẽ còn nhiều gian nan, thử thách.Tiếp theo đó chính là câu chuyện tại sao giáo viên lại cần phải chuyển đổi từ chuyên gia giảng dạy thành chuyên gia học tập. Nó có hai lý do chính.

Một là do sự xuất hiện của xã hội tri thức, xã hội học tập suốt đời. Sau đó, chuyển đổi từ chiến lược lấy kĩ thuật dạy học làm trọng tâm chuyển sang chiến lược thiết kế việc học và phản tỉnh làm trọng tâm.

Hai là việc đào tạo và học hỏi của giáo viên kéo dài từ giai đoạn đào tạo văn hóa sang giai đoạn đào tạo tại chức – học tập suốt đời.

Do sự hình thành của xã hội tri thức, tri thức trở nên cao độ hóa, phức hợp hóa và lưu động hóa. Điều này dẫn đến tất cả các tri thức chuyên môn thuộc lĩnh vực nghề nghiệp của giáo viên cũng có ba đặc điểm nêu trên. Đứng trước bối cảnh đó, bài toán đặt ra chính là làm thế nào để có thể nâng cao được kiến thức chuyên môn và nền tảng trí thức cho giáo viên trong giai đoạn hiện nay? Câu trả lời đó chính là phải cải cách chương trình đào tạo giáo viên. Trong đó điểm cốt lõi chính là tri thức thực tiễn của giáo viên. Bản thân người giáo viên cũng phải tích cực học hỏi, nâng cấp và cải thiện nền tảng trí thức của bản thân thông qua thực tiễn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, quan điểm và tư duy của mỗi giáo viên. Tác giả cũng chia sẻ năm đặc điểm tri thức thực tiễn của giáo viên, bao gồm:

Thứ nhất nó mang tính cá nhân, thông qua những trải nghiệm và học hỏi của chính giáo viên đó.

Thứ hai nó mang tính kinh nghiệm, điều này được đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân lẫn việc quan sát, học hỏi từ kinh nghiệm của người khác.

Thứ ba nó mang tính tình huống, những tình huống này được học hỏi, quan sát từ thực tiễn giáo dục.

Thứ tư là mang tính ví dụ điển hình, nó được lấy từ chính những ví dụ, tình huống thực tế trong cuộc sống mà giáo viên làm việc hằng ngày.

Thứ năm nó bao hàm cả những tri thức ẩn, bao gồm cả sự cảm qua lẫn bí quyết của giáo viên đó.

Đây cũng chính là điều tạo nên sự khác biệt của mỗi giáo viên. Chương trình đào tạo ban đầu có thể giống nhau nhưng quá trình học hỏi, trau dồi, vận dụng của mỗi người trong thực tiễn là khác nhau. Vậy nên tri thức thực tiễn của giáo viên là cực kì quan trọng Nếu bản thân người giáo viên không yêu nghề, không ý thức được vai trò to lớn của bản thân mà cứ làm như “thợ dạy” thì tri thức thực tiễn của họ khó có thể hình thành. Họ có thể dạy đi dạy lại mãi một thứ bất chấp sự thay đổi nhanh chóng từ xã hội.

Tiếp theo đó chính là cấu tạo của chương trình đào tạo giáo viên mà tác giả đã chia sẻ và phân tích rất kỹ thông qua sơ đồ. Sơ đồ này gồm hai phần.
Phần một chính là nội dung học tập mang tính chuyên nghiệp bao gồm các yếu tố: mang tính cộng đồng; tính tự trị; tính phản tỉnh, tư duy sâu sắc; kiến thức thực tiễn; trí thức thực tiễn và sứ mệnh công cộng.

Phần hai đó là nền tảng tri thức bao gồm: văn hóa công dân, văn hóa giáo khoa và văn hóa nghề giáo. Đây cũng chính là nền tảng trí thức quan trọng của mỗi người giáo viên. Cuối cùng là cải cách nghiên cứu bài học. Phần này có hai điểm rất quan trọng đó chính là thực tiễn đối thoại của việc học và việc thiết kế, phản tỉnh của việc học. Trong đó thực tiễn đối thoại của việc học bao gồm đối thoại với thế giới khách quan (xây dựng thế giới), đối thoại với người khác (tạo dựng bè bạn) và đối thoại với chính bản thân ( kiến tạo bản thân). Còn thiết kế và phản tỉnh của việc học thì tập trung làm rõ việc dạy và học đó là một quá trình chứ không phải là một kết quả. Vì vậy quá trình này phải được lấy việc thiết kế và phản tỉnh làm trọng tâm.

Cuốn sách này cho ta một cái nhìn tổng thể, toàn diện về việc làm thế nào để có thể trở thành một giáo viên chuyên nghiệp. Đồng thời cũng cho ta thấy những điều cần làm để có thể từng bước giúp các giáo viên hiện thực hoá được mong muốn ấy. Một cuốn sách mà những người giáo viên, những người làm đào tạo, các cấp quản lý, lãnh đạo trong môi trường giáo dục rất nên đọc. Đọc để nhận diện, đọc để phản tư và đọc để tìm ra phương hướng cho sự nghiệp của bản thân cũng như nền giáo dục nước nhà.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *