Vì sao? Vì điều nhỏ nhất nếu được làm chỉn chu, bài bản thì sẽ tạo nên một sự đột phá to lớn và mạnh mẽ trong tương lai. Bởi suy cho cùng thử thách lớn nhất không phải là giây phút khó khăn chống chọi với gian nan mà là trong những giây phút thong dong, bình lặng hằng ngày vẫn giữ được cho bản thân phong cách sống nền nếp, kỷ luật. Điều này làm mình nhớ tới câu nói của vĩ nhân Benjamin Franklin “Tôi chưa từng nhìn thấy một người dậy sớm, siêng năng, cẩn thận, trung thực nào than phiền về số mệnh mình không tốt”. Bởi chính quá trình tôi luyện bản thân đã giúp họ thay đổi và làm chủ số phận của bản thân một cách đúng nghĩa.
Một sinh viên nếu nỗ lực làm xuất sắc ngay từ những bài tập nhỏ nhất mà giảng viên giao phó thì bạn ấy trong tương lai sẽ là một người vô cùng chỉn chu, trách nhiệm. Việc đạt điểm số cao chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lợi phẩm bạn ấy thu được. Điều to lớn hơn cả chính là thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm mà bạn ấy đã tự mình rèn giũa nên. Cái đó có bao nhiêu tiền cũng chẳng thể mua được. Một nhân viên mới vào làm, dù nhận công việc gì hay dự án nào anh ta cũng chẳng nề hà mà luôn tận tâm, nỗ lực hết sức và dồn toàn bộ năng lượng vào để thực hiện. Với tâm thế ấy thì sớm thôi anh ta sẽ được đảm nhận những dự án khủng của công ty. Bởi cách ta làm một việc là cách ta làm mọi việc. Từ tốt đến vĩ đại là một hành trình dài, đầy gian nan nhưng lại rất dễ để nhìn thấy khi nó được thành hình.
Sự chỉn chu, yêu thích tiểu tiết trong từng việc nhỏ sẽ rèn giũa, giúp ta có những kỹ năng cần thiết khi điều phối và tiếp nhận những dự án lớn hơn. Việc tôi luyện chưa bao giờ là thừa dù là ở đâu, đang làm trong bất cứ lĩnh vực nào. Bởi thái độ quyết định trình độ. Trong khi trình độ có thể cải tiến, mài giũa và từng bước nâng cao thì thái độ nếu đã lồi lõm, thiếu trách nhiệm, bất cẩn ngay từ đầu thì rất khó để tạo nên những bước tiến lớn trong tương lai. Vậy, làm thế nào để có làm chỉn chu, kỹ càng từ những điều nhỏ nhất? Câu trả lời là hãy bắt đầu với tư duy giải quyết vấn đề.
Việc đầu tiên luôn tự hỏi tại sao ta phải làm điều này? (Tìm ra mục đích của dự án mà ta đang đảm nhận).
Thứ hai ta cần phải làm những gì? (Nhìn ra những đầu việc để hiện thực hoá dự án đó).
Thứ ba ta cần phải đọc gì? (Tài liệu, hướng dẫn hoặc một cuốn chuyên ngành phù hợp với dự án mà ta phụ trách).
Thứ tư ta cần phải hỏi ai? (Nếu đọc kĩ càng, tìm hiểu đủ mọi phương diện nhưng ta vẫn chưa tìm ra được giải pháp phù hợp thì hãy tìm đến những người lỗi lạc trong nghề để hỏi. Và ta rất dễ để được họ chỉ dẫn nếu họ biết ta đã dày công nghiên cứu và tìm hiểu kỹ càng trước đó).
Thứ năm khi nào ta cần phải hoàn thành? (Xác định luôn thời hạn công việc cần xong để đảm bảo tiến độ phù hợp).
Thứ sáu ta cần phải bắt đầu từ đâu, triển khai từng bước thế nào? (Sau khi tập trung được tất cả những nguyên liệu đầu vào, đây là thời điểm ta bắt tay vào hành động, để tìm ra phương án tối ưu nhất).
Cuối cùng là xác định cái giá mà ta phải trả để hoàn thành xuất sắc dự án này. Bao gồm chi phí, chi phí cơ hội, thời gian, tâm sức, năng lượng mà buộc phải ưu tiên trong thời gian triển khai dự án này.
Với tư duy và định hướng như thế ngay từ đầu ta rất ít khi lạc lối. Ngược lại ta sẽ luôn xác định được hướng đi đúng đắn cho bản thân ngay từ đầu, nhờ đó hoàn thành xuất sắc từ những nhiệm vụ nhỏ nhất mà bản thân được giao phó. Cách này phù hợp cả với học sinh, sinh viên và những người đi làm, trong đó có bạn – người đang đọc bài viết này. Hãy áp dụng ngay nhé!