Chia sẻ sách Đọc sách Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện

NGHĨ KHÁC ĐỂ THÀNH CÔNG

Một cuốn sách rất sâu về nhận thức bản thân của Brian Tracy và Christina Stein. Cuốn sách giúp ta tinh chỉnh, cải tiến và làm chủ khía cạnh quan trọng bậc nhất của đời người. Đó chính là suy nghĩ. Suy nghĩ quyết định hành động, hành động quyết định những thành quả đạt được mà những thành quả đạt được quyết định thành công và hạnh phúc của mỗi con người. Càng suy nghĩ thấu đáo ta càng đưa ra được những quyết định đúng đắn, và cũng vì vậy mà ta hiện thực hoá được những ước mơ, khao khát của bản thân. Suy nghĩ quan trọng là vậy nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể làm chủ nó. Ta thường để đầu óc của mình bị xâm chiếm bởi những nỗi bất an, sợ hãi hoặc lo lắng không đâu. Dưới đây là những phương thức giúp chúng ta đào sâu cũng như làm chủ suy nghĩ của bản thân trong đời sống hằng ngày.

1. Những quy luật tinh thần

Tác giả có chia sẻ rất nhiều quy luật, tuy nhiên hai quy luật mình ấn tượng hơn cả là quy luật nhân quả và quy luật tương ứng. Quy luật nhân quả ở đây không phải là quy luật trong đạo phật mà ta hay nói tới. Nó mang ý nghĩa sâu về phát triển bản thân. Quy luật này nói rằng suy nghĩ là nhân, hoàn cảnh là quả. Thế nên khi ta làm những gì người thành công làm thì ta sẽ đạt được thành công giống họ. Đây cũng chính là cái lõi quan trọng của quy luật tương ứng. Trong sao ngoài vậy, trên sao dưới vậy. Thế giới bên trong quyết định và chi phối thế giới bên ngoài. Mình chưa thấy người nào có suy nghĩ, thói quen tốt của những người thành công mà không đạt được thành công sau đó cả. Vậy nên nếu muốn thay đổi cuộc sống của bản thân, hãy bắt đầu từ việc thay đổi và tinh chỉnh suy nghĩ của bản thân. Bởi suy nghĩ cũng tuân theo quy luật tinh thần tương ứng. Và để bạn có thể hiểu sâu về bản thân, ta sẽ đào sâu vào ba khía cạnh sau

✍️ Cái tôi lý tưởng

Đó chính là giá trị, đạo đức và phẩm chất của chúng ta được định hình bởi bản thân và người khác. Đây cũng là lý do vì sao việc viết ra những giá trị và đức tính mà bản thân cam kết giữ vững là cực kì quan trọng. Càng hiểu rõ giá trị sống mà bản thân theo đuổi ta càng bớt chông chênh, lo lắng và nghi hoặc về bản thân mình.

✍️ Hình ảnh bản thân

Chính là tấm gương bên trong mà ta nhìn thấy trước khi có chuyện gì xảy ra. Chính hình ảnh này sẽ quyết định tới cách cư xử của ta với các vấn đề trong đời sống.

✍️ Lòng tự trọng

Đây là phần quan trọng nhất của nhận thức bản thân. Lòng tự trọng quyết định tới năng lượng và tính cách con người của ta. Lòng tự trọng càng lớn ta càng thành công và hạnh phúc, bởi tự trọng gắn liền với việc yêu quý và trân trọng bản thân. Họ sẽ làm những việc đúng đắn gắn liền với giá trị và con người của mình mà không cần ai giám sát và nhắc nhở.

2. Làm chủ cảm xúc

Một ngày ta có tới 60.000 suy nghĩ khác nhau nhưng cảm xúc thì chỉ có hai loại. Hoặc là tiêu cực hoặc là tích cực. Tại mỗi thời điểm trong cuộc sống ta chỉ có thể thuộc một trong hai loại này chứ không thể nào cả hai được. Do đó cách đơn giản nhất để làm chủ suy nghĩ chính là làm chủ cảm xúc. Người càng năng lượng, tích cực thì suy nghĩ càng sáng suốt, tinh thông. Ngược lại người càng tiêu cực, bi quan thì nghĩ gì, làm gì cũng thấy bế tắc. Cảm xúc nó cũng có quy luật. Cảm xúc nào được ta nói hoặc nghĩ tới nhiều nhất nó sẽ phát triển và chiếm trọn cuộc đời ta. Do vậy hãy để tâm mình kiểm soát từ bên trong thay vì bên ngoài. Tự bản thân kiến tạo, làm chủ những cảm xúc những cảm xúc của mình chứ không để bản thân bị tác động, dẫn dắt bởi những yếu tố bên ngoài.

3. Thay đổi tư duy

Phần này mình rất tâm đắc với câu nói “khi Chúa tặng bạn một món quà thì ngài cũng dành tặng bạn một nỗi đau tương ứng trong đó”. Thế nên món quà và nỗi đau luôn song hành cùng nhau. Mình không theo tôn giáo nào nhưng mình tin vào vũ trụ, vào những quy luật tự nhiên. Việc học tập ở trường đời cũng vậy. Sau mỗi đắng cay, mệt mỏi, chán chường là những bài học sâu sắc khiến ta khắc cốt ghi tâm mãi mãi. Vậy nên thay vì oán trách những thử thách cuộc đời mang tới, hãy tự nhủ đó chính là cách mà vũ trụ yêu thương, dẫn dắt và chỉ hướng cho ta. Hãy tìm kiếm món quà trong đó bằng những bài học ý nghĩa. Sau đó đào sâu tìm hiểu để làm rõ thêm những bài học khác chứa đựng bên trong. Tìm ra rồi thì hãy đối mặt với sự thật bằng việc chấp nhận mọi chuyện. Cuối cùng đó chính là hành động để cải thiện và giải quyết vấn đề. Đây cũng chính là quá trình để giúp ta học hỏi, phát triển và trưởng thành theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Luôn nhớ nếu muốn thay đổi cuộc sống của bản thân trong bất cứ giai đoạn nào, hãy giành lại quyền kiểm soát bằng việc: cân nhắc lại, đánh giá lại, tổ chức lại, sắp xếp lại và làm mới cuộc sống của mình.

4. Bảy chìa khoá quan trọng

Nếu không biết bắt đầu từ đâu thì bạn hãy bắt đầu từ bảy chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa thành công sau đây.

* Giá trị sống
Như mình đã nói trước đó, hãy viết ra ba đến năm giá trị sống và những phẩm chất mà bạn mong muốn sử hữu để xây dựng cuộc sống của bạn xoay quanh những giá trị ấy. Càng xác định rõ được giá trị mà bản thân theo đuổi thì bạn càng tránh việc chông chênh, mất phương hướng và đuổi theo những thứ phù phiếm, sáo rỗng.

* Tầm nhìn
Hãy xây dựng tầm nhìn cho bản thân của mình với những điều kiện lý tưởng xoay quanh giá trị sống mà chúng ta đã hoạch định ra ở phía trên. Tầm nhìn hãy bắt đầu với năm năm hoặc mười năm. Chúng ta thường đánh giá rất cao những gì mình có thể làm trong một năm nhưng lại đánh giá quá thấp những gì mà mình có thể làm được trong năm năm.

* Nhiệm vụ
Để làm rõ những nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời của mình, bạn hãy viết cho bản thân một bài cáo phó. Khi ấy bạn sẽ định hình được khi bản thân không còn tồn tại trên thế giới này nữa thì đâu là những thành tựu mà bạn để lại cho hậu thế và con cháu mai này.

* Mục đích
Chính là chức năng và sứ mệnh mà chúng ta sinh ra để đảm nhận. Bạn có thể tham khảo các công cụ khác kết hợp với những trải nghiệm, suy ngẫm cá nhân để tìm ra chức năng này.

* Mục tiêu
Cụ thể hóa những điều bạn muốn ra giấy, có thời hạn rõ ràng, xác định những khó khăn mà bạn sẽ phải đối mặt. Đồng thời xác định kiến thức kỹ năng mà bạn cần có để đạt được mục tiêu của mình. Sau đó xác định những người mà bạn cần hợp tác, giúp đỡ để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Cuối cùng là lập kế hoạch và hành động ngay để đạt được những kết quả then chốt.

* Mức độ ưu tiên
Bạn phải xác định được đâu là điều thực sự quan trọng với bản thân của mình và tập trung vào. Ở phần này bạn có thể áp dụng nguyên lý 80/20. Tìm ra 20 % những việc quan trọng cần làm để đạt được 80% kết quả.”

* Hành động
Cuối cùng đó chính là hành động, mọi thứ dù cho có rõ ràng tới đâu, kế hoạch có cụ thể, chi tiết thế nào nhưng nếu không hành động thì sẽ không có gì cả. Ở đây một lần nữa chúng ta lại nhắc lại vì lòng tự trọng của mỗi người. Khi chúng ta càng có lòng tự trọng cao, chúng ta sẽ càng nỗ lực để đạt được những mục tiêu, mong ước của mình mà không cần ai nhắc nhở hay giám sát. Càng làm được nhiều, lòng tự trọng của chúng ta lại càng được nâng cao và cải thiện. Điều đó lại càng giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu và ước mơ của mình.

Cuốn sách dày gần 400 trang, nội dung không mới, nhưng giúp chúng ta đào sâu, làm rõ và hệ thống tất cả những khía cạnh liên quan tới nhận thức bản thân. Đặc biệt là cách chúng ta suy nghĩ. Hy vọng rằng bài chia sẻ này sẽ giúp bạn có được những phương hướng đúng đắn trên hành trình phát triển của bản thân mình.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *