Hôm qua khi mình chia sẻ về việc kiến tạo thói quen trong 21 ngày, 33 ngày để duy trì và 66 ngày để biến nó thành tự động. Tuy nhiên có bạn chia sẻ với mình dù bạn ấy đã học Tiếng Anh hơn 800 ngày nhưng vẫn chưa thể hình thành được thói quen. Sau khi mình hỏi sâu hơn mới biết, lý do là vì bạn ấy không nhớ để thực hiện, phải chờ thông báo ở ứng dụng đó thì mới bắt đầu thực hiện.
Mình tin đây là vấn đề chung của rất nhiều người chứ không chỉ riêng ai. Nhiều người nghĩ rằng khi thói quen đã là một phần của mình rồi thì nó sẽ luôn xuất hiện để dẫn dắt ta hoàn thành nhưng thực tế thì không phải vậy? Nếu muốn duy trì được thói quen lâu dài và biến nó thành thành tựu vượt trội thì rất cần ba công cụ quan trọng: MỤC TIÊU, KẾ HOẠCH VÀ KỶ LUẬT. Nếu không có ba công cụ này thì việc duy trì thói quen và biến nó trở thành thành tựu sẽ cực kì khó khăn. Lý do vì thiếu động lực, thiếu sự cam kết và thiếu tinh thần trách nhiệm. Vậy nên để duy trì mục tiêu bạn cần phải khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả ba công cụ này.
– MỤC TIÊU: đó chính là điều bạn muốn đạt được sau một chuỗi ngày cố gắng, nỗ lực. Mục tiêu này cần phải tuân thủ nguyên tắc SMART. Trong đó Specific (Tính cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả năng thực hiện), Realistic (Tính thực tế), Time-bound (Khung thời gian). Chẳng hạn nếu bạn nói mong muốn tập thể dục để khỏe hơn, đây là một mục tiêu chung chung. Một mục tiêu tuân thủ nguyên tắc SMART sẽ là “tập Pilates 30 một ngày để cải thiện vóc dáng với số đo 84, 60, 92 trong vòng 1 năm”. Dĩ nhiên mục tiêu này cần có tính thực tế, nếu bây giờ vóc dáng của bạn đang là 84, 100, 80 thì một năm sẽ hơi khó để hiện thực hóa nó. Tuy nhiên nếu con số này là 1,5 năm hoặc 2 năm thì rất có thể sẽ thực hiện được. Vậy nên khi đặt mục tiêu ta cần nghiên cứu kĩ nguyên tắc Smart để đi đúng hướng ngay từ đầu.
– KẾ HOẠCH: Nếu đặt mục tiêu nhưng không lên kế hoạch để triển khai thì sẽ không có gì xảy ra cả, bao gồm cả việc tạo lập hay duy trì mục tiêu. Mọi thứ phải được cụ thể hóa một cách rõ ràng ra giấy để định hướng cho bản thân ngay từ đầu ngày. Việc này mình thường làm từ đêm hôm trước, sau khi xem lại những gì bản thân làm được trong ngày, mình sẽ dành thời gian để viết ra những việc quan trọng mà bản thân cần thực hiện vào sáng hôm sau. Sáng sớm mai khi thức dậy thì mọi thứ đã có sẵn để định hướng cho mình rồi, không cần phải nghĩ ngợi hay lo lắng xem hôm nay sẽ bắt đầu từ đâu và làm những gì. Mỗi ngày chỉ cần làm được 5 việc quan trọng, một tháng đã hoàn thành được 150 việc, sau một năm con số này lên tới 1825. Một con số đủ lớn để biến những thói quen tốt thành thành quả và biến những thành quả to lớn trở thành thành tựu vượt trội. Quan trọng nhất là bạn cần xác định được đâu là 20% những đầu việc cốt lõi cần làm để tạo ra 80% kết quả.
– KỶ LUẬT: chính là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu. Không có kỷ luật thì sẽ không có điều gì được thực hiện. Kỷ luật không phải thứ gì to tát mà đơn giản là việc hoàn thành những việc mà bản thân đã vạch ra. Trường hợp quá bận, không làm được hết hãy cố gắng làm một chút để duy trì thói quen tốt mà bản thân đang có. Dành thời gian để suy ngẫm vào cuối ngày nhằm cải tiến, thay đổi và tinh chỉnh vào những ngày sau đó. Kỷ luật với mình chỉ đơn giản là như vậy. Chính nhờ định nghĩa đơn giản này đã giúp mình đi đến ngày hôm nay. Việc của mình đơn giản biết mình cần làm gì, làm lúc nào và làm như thế nào. Cứ thế mình nỗ lực để hoàn thành, dù rất nhiều lần bị thất bại nhưng cũng nhờ đó mà mình học được rất nhiều bài học giá trị để tiến dần để những mục tiêu mà mình đã đặt ra.
Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn hiểu được lý do vì sao dù đã thực hiện 66 hay 660 ngày mà vẫn chưa hình thành được thói quen. Lý do vì bạn thiếu ba công cụ then chốt mà mình đã nói phía trên. Vậy nên hãy sử dụng hiệu quả ba công cụ này vào việc duy trì và biến những thói quen tốt trở thành thành tựu vượt trội cho bản thân bạn nhé.