Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI VÀ VIẾT TỐT?

Dù chuyên môn của bạn là gì, nhất định bạn phải làm xuất sắc hai việc đó là NÓI và VIẾT TỐT. Bởi đây là hai kênh truyền thông quan trọng bậc nhất. Muốn vậy, bạn phải ĐỌC NHIỀU, SUY NGẪM THƯỜNG XUYÊN thì mới cải thiện được hai kỹ năng trên. Trong bài viết này mình sẽ cùng bạn phân tích, làm rõ cả bốn khía cạnh này. Trong đó có hai khía cạnh (nói, viết) là cái đích mà ta hướng tới và hai khía cạnh (đọc, suy ngẫm) là nền tảng giúp ta rèn luyện và làm chủ hai khía cạnh phía trên.

1. ĐỌC

Bạn có thể đọc sách Tiếng Anh, Tiếng Trung hay Tiếng Nhật. Nhưng nhất định phải đọc thêm ít nhất 4 cuốn sách Tiếng Việt mỗi tháng. Để làm gì? Để nâng cao vốn từ vựng của bạn. Nếu khách hàng của bạn là người Việt, bạn nhất định phải viết và nói tốt tiếng Việt chứ không phải tiếng nào khác. Nhiều bạn dạy ngoại ngữ nên chỉ chăm chăm vào phần chuyên môn mà quên đi cách biểu đạt và truyền thông của bản thân phải tập trung hoàn toàn bằng Tiếng Việt. Nếu ngay cả việc truyền thông làm còn kém thì bạn rất khó để thu hút được nhiều khách hàng chứ chưa nói tới việc mở rộng kinh doanh hay hiện thực hoá mục tiêu. Đừng để bản thân rơi vào sai lầm nghiêm trọng này. Giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, cần giỏi thêm kỹ năng truyền thông (nói, viết) tốt nữa thì bạn mới nằm trong tốp xuất sắc được.

2. SUY NGẪM

Suy ngẫm để giúp bạn biến những điều đã đọc, đã học trở thành hiểu biết cá nhân. Không suy ngẫm sẽ không có gì diễn ra bởi mọi thứ vẫn chỉ là lý thuyết. Cách mình sơ đồ hoá hay đóng gói bất cứ điều gì mình học được chính là một dạng của suy ngẫm. Không phải tóm tắt. Vì mình hoàn toàn viết bằng ngôn ngữ cá nhân và đi sâu vào nội tâm của chính mình. Đó cũng là lý do mình có được những liên hệ rất sâu sắc, gần gũi từ kiến thức của người khác với con đường và hành trình phát triển của bản thân. Thay vì để chúng rời rạc, đi song song, mình gắn kết chúng lại với nhau. Nhờ vậy, không ai nói mình là mọt sách hoặc người lý thuyết suông. Vì học tới đâu, thực hành tới đó. Làm sai thì làm lại, học kém thì tập trung để tự cải thiện và phát triển. Luôn luôn là như thế. Và đây là cách giúp mình lớn lên theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

3. VIẾT

Nhờ đầu vào tốt (đọc nhiều) nên đầu ra (suy ngẫm, viết) cũng được cải thiện lên một tầm cao mới. Mình chỉ thấy người lười mới thất bại chứ chưa từng thấy ai chăm chỉ, chịu khó, nỗ lực tới cùng mà thất bại cả. Nhất là trong kỹ năng viết. Mình chưa từng mở lớp dạy viết nhưng mình đã giúp cho hàng ngàn học viên viết tốt nhờ việc tự soi chiếu, suy ngẫm và viết ra những gì họ học được. Bạn biết điều quan trọng nhất khi viết là gì không? Đó không phải là kỹ thuật viết thế nào để nhiều người đọc mà là “điều gì đã chạm tới trái tim bạn? Vì sao nó lại làm bạn thổn thức và mong muốn được lan toả tới thế?” Hãy đi sâu vào bên trong bạn thay vì hướng ra ngoài. Hãy nhớ, cách bạn viết và chia sẻ là cách bạn nói lên tiếng nói bên trong mình với thế giới. Đừng cóp nhặt, đừng làm qua loa, đại khái hay cho có. Hãy làm vì chính con người và nhân cách của bạn. Lâu dần tiếng nói ấy sẽ định hình thế giới quan và con đường mà bạn bước đi đấy.

4. NÓI

Nếu làm ba mục trên đã làm tốt thì mục này không còn là vấn đề nữa. Bởi người đọc nhiều, viết nhiều, suy ngẫm nhiều thì chắc chắn nói tốt. Dĩ nhiên ở đây là tốt về nội dung, muốn nói hay, biểu cảm và để lại ấn tượng, bạn phải luyện tập. Câu cú, cách dùng từ phải rõ ràng, có điểm nhấn. Nói chuẩn giọng phổ thông (không ai nói hay nói tốt mà nói ngọng cả. Muốn vậy bạn phải luyện tập thường xuyên, liên tục để khắc phục những yếu điểm, đồng thời cải thiện kỹ năng biểu đạt của bản thân. Thời đại này thứ gì cũng có cho bạn, sinh ra là vì bạn, chỉ có bạn là không vì mình thôi.

Song song với đó, về phần nội dung, chính bạn cũng phải thu thập những câu nói hay, truyền cảm hứng và chạm sâu tới bản thân để khi được chia sẻ, bạn có thể trích dẫn. Hoặc những câu chuyện, những trải nghiệm của bạn hoặc ai đó để lại cho bạn nhiều thổn thức, xúc động. Hãy đi sâu vào, biến nó thành một phần trong trái tim bạn. Để khi chia sẻ, bạn sẽ có nhiều giá trị, ý nghĩa để truyền tải. Hãy để chúng truyền cảm hứng, chạm sâu tới mọi người như cách chúng đã từng chạm sâu tới bạn. Lưu ý để nói rõ ràng, rành mạch, bạn nên học cách nói có dàn ý như một là, hai là, ba là, cuối cùng là. Hoặc thứ nhất, thứ hai, thứ ba… để người nghe có thể định hình được bộ khung mà bạn muốn nói. Giúp mọi người dễ dàng nắm bắt thông điệp và ý tưởng của bạn hơn. Mình gọi đây là tư duy hệ thống, nhìn được bức tranh toàn cảnh trước khi đi vào chi tiết.

Hy vọng bài chia sẻ giúp bạn định hình được những gì bản thân cần làm trong thời gian tới. Nó không có đường tắt. Con đường để trở nên xuất sắc luôn phải bắt đầu từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và luyện tập có chủ đích bạn ạ.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *