Nếu ai đó hỏi mình cuốn nào đã cho mình nền tảng thực sự để làm một người mẹ bình tĩnh đúng nghĩa thì đó là cuốn “bình tĩnh rèn con kĩ năng tự học” của chị Thuỷ Tulip. Mình đã đọc rất nhiều cuốn sách về đồng hành cùng con trước đó nhưng chưa có cuốn nào thực sự chạm sâu đến mình như cuốn sách của chị ấy. Vả cũng nhờ chị mình biết đến cuốn sách “phương pháp dạy con không đòn roi” – cuốn sách thứ hai chạm sâu đến mình một lần nữa. Mình thực sự đã khóc khi đọc cuốn sách này, bởi khi đọc sách cũng là lúc mình soi chiếu một sự việc gần đây nhất đã diễn ra với mình và con gái.
Hôm đó mình thực sự rất mệt mỏi và căng thẳng vì lượng bài tập cần nộp của lớp IELTS, cộnng với cơ thể mình đang không được khoẻ. Vậy nên khi con liên tục nghịch ngợm, và làm rối tung mọi thứ lên, mình đã không kìm chế được mà nói to vơi con trước mặt một bạn của con. Con gái mình đã rất sợ (vì mình hiếm khi nói to với con), và con đã oà khóc. Chính giây phút đó mình đã rất hối hận, mình ra ôm con vào lòng và xin lỗi con, con đã bình tĩnh trở lại, mình cũng thế. Rồi hai mẹ con trò chuyện cùng nhau, mình xin lỗi con một lần nữa và chia sẻ với con những điều chính mình đang gặp phải. Con lại là người trực tiếp an ủi và ôm mình, chiều đó cả nhà mình cùng đi biển với nhau. Dù chỉ ba mươi phút nhưng con gái mình thực sự đã rất vui, và cảm ơn bố mẹ. Nhìn giây phút con vui tươi đùa vui, mình càng hối hận về hành động của mình mới diễn ra trước đó ít phút. Và khi đọc cuốn sách “phương pháp dạy con không đòn roi” nó lại làm mình đau nhói thêm một lần nữa. Mình hiểu rằng hoá ra lâu nay mình có thật sự hiểu con lắm đâu, có thể mình bình tĩnh nhưng những gì diễn ra bên trong con mình thực sự vẫn chưa thật sự thấu hiểu. Cuốn sách như giúp mình bừng tỉnh và hiểu ra rất rất nhiều điều ý nghĩa.
1. Hiểu về não bộ của con
Hoá ra khi con của mình giận dữ, khó chịu, cáu gắt cũng chính là lúc con cần mình hơn bao giờ hết. Con đang không biết diễn đạt bằng lời thế nào những điều con mong muốn. Lúc này bộ não bò sát của con đang chiếm ưu thế (bộ não thời nguyên thuỷ chỉ có vài cách xử lý như bỏ chạy, chiến đấu, đông cứng hoặc ngất đi), vậy nên nếu mình phản ứng lại với con thì vô tình mình tiếp tục kích hoạt bộ não này hoạt động mạnh hơn. Trong khi đó vỏ não trước trán (bộ não thiên về lý trí giúp con ra quyết định đúng đẵn trong mọi tình huống) mới chính là điều cốt lõi ta cần hướng con tới. Thế nhưng hầu hết chúng ta ngay lập tức phản ứng lại với con, và khiến con tiếp tục dùng bộ não bò sát để phản ứng lại với ta. Đó là lý do vì sao con tiếp tục chống trả, ăn vạ, khóc lóc, tức giận…
Nếu lúc này ta bỏ con lại một mình hoặc ngay lập tức quát con thì vô tình sẽ làm tổn thương con, đây sẽ tạo ra những trải nghiệm không tốt trong não bộ của con. Con sẽ hiểu rằng khi con ngoan, con nghe lời mới được chúng ta yêu thương, quan tâm và đón nhận. Lúc này con sẽ thấy thật cô đơn, buồn bã và tổn thương. Thực sự mình cũng đã thấy rất nhiều trường hợp khi cha mẹ thấy con mình ương bướng, chống đối thì ngay lập tức doạ nạt con, hoặc bắt con vào phòng suy nghĩ một mình (cô lập con), chính điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ sau này cho con, khi con khôn lớn. Bởi bộ não sẽ tạo ra rất nhiều trải nghiệm từ những sự việc như thế này, và đây là một trải nghiệm tồi tệ với con. Cách chúng ta nên làm đó chính là kết nối với con, kết nối ở đây không phải là thoả mãn mọi nhu cầu, mong muốn của con, mà đơn thuần là cho con biết ta luôn ở bên con, để lắng nghe, để đồng hành cùng với con. Chứ không phải bỏ con lại một mình khi con làm điều gì đó mà ta không hài lòng.
2. Kết nối với con
Trước khi chúng ta muốn truyền tải bài học hay thông điệp ý nghĩa nào cho con thì chúng ta phải kết nối với con trước đã. Vì sao, vì khi con giận dữ, căng thẳng, khó chịu cũng là lúc con cần chúng ta nhất. Con đang chưa đủ khả năng để kiểm soát được những cảm xúc của bản thân, vậy nên lúc này con rất cần chúng ta ở bên để chia sẻ và giúp đỡ con. Lợi ích của sự kết nối thật sự quá tuyệt vời, như mình từng chia sẻ với bạn, nếu bạn muốn bán được hàng, muốn kí được hợp đồng, muốn được tăng lương…thì điều quan trọng nhất là bạn phải kết nối được với người mà bạn đang trò chuyện. Con của chúng ta cũng thế, muốn nói gì, phân tích gì hay chia sẻ gì thì hãy kết nối thành công với con đã. Đừng vội dạy dỗ bé bằng những bài trường ca, não bộ của con lúc này đã đầy ắp những thông tin hỗn độn trong đầu, con cần được thấu hiểu, cần được lắng nghe để giải toả chúng. Nhưng muốn vậy cha mẹ phải giữ được bình tĩnh trước đã. Nếu chính cha mẹ đang tức giận, đang có những bức xúc, căng thẳng trong lòng thì cha mẹ sẽ không thể kết nối hiệu quả với con được. Vì khi đó chúng ta chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. Mình cũng từng ở trong trường hợp này, khi con gái tức giận liên tục muốn đánh mẹ…và bé đã đánh thật, thậm chí đánh rất đau. Mình hít một hơi thật sâu, và quay sang nói với bé, “em đánh mẹ, mẹ cũng biết đau đó, huhu, em nhìn này, bạn da của mẹ đỏ hết lên rồi và em ấy đang khóc”…bé con của mình dừng lại, chạy lại gần mình và xoa vào chỗ da đỏ ấy. Mình ôm con vào lòng, và trò chuyện với con. Có rất nhiều các cách để chúng ta có thể sáng tạo nhằm kết nối với con hiệu quả như: cái ôm, nụ cười, đóng vai, nhại giọng hài hước…những hành động đơn giản ấy nhưng cực kì hiệu qủa để giúp con yêu binh tĩnh trở lại. Sau khi con bình tĩnh ta mới bắt đầu điều hướng và giúp con học hỏi, phát triển những kĩ năng cần thiết giúp con lớn lên khoẻ mạnh, an toàn và hạnh phúc. Vậy nên mỗi lần con của chúng ta có những hành động tiêu cực, điều đầu tiên bạn phải “tắt nhạc cá mập” ở trong đầu bạn (loại âm nhạc sẽ khiến bạn mất bình tĩnh khi đối diện với con), sau đó hãy nghĩ xem vì sao con của bạn lại làm như vậy, con gặp vấn đề gì ở phía sau nhỉ, và ta phải làm thế nào để giúp con yêu của mình. Bởi đó chính là giây phút con yêu của bạn cần bạn nhất.
3. Quá trình kết nối và điều hướng
Khi bạn hiểu được rằng muốn giúp con có được một bài học ý nghĩa qua những tình huống mà con gặp phải thì bạn cần kết nối với con, sau đó điều hướng câu chuyện và giúp con nhận ra thông điệp phía sau mà bạn muốn truyền tải. Để con hiểu rằng mỗi tình huống mà con gặp phải trong cuộc sống đó chính là những trải nghiệm để con học hỏi và trưởng thành chứ không phải là những lỗi lầm, tổn thương hay những hình phạt thích đáng dành cho con khi con làm sai.
Bạn sẽ làm gì khi có khách đến nhà chơi nhưng con lại nói trước mặt khách rằng “con không thích em bé và bác đâu”…nếu ở trong tình huống này bạn sẽ làm gì? mình cũng không có câu trả lời chính xác cho tình huống này nhưng quả thật mình và chồng đã từng bất ngờ trước câu nói của bé con với chị hàng xóm. Mình có xin lỗi chị, mời chị và bé nhà chị ăn hoa quả, trò chuyện cùng chồng mình và đi tham quan nhà cửa. Mình xin phép vào phòng trò chuyện cùng bé con. Đầu tiên mình ôm bé con vào lòng và nói “hình như mẹ thấy con không được vui khi bác và em bé vào nhà ta chơi à con” giọng mình rất gần gũi, và nhẹ nhàng. Bé nhà mình xác nhận, vâng ạ, con không thích bác ấy và em bé đâu. Mình lại tiếp tục, con có thể nói cho mẹ tại sao con không thích bác và em được không? đây là lần đầu bác đến nhà mình mà, hay em bé và bác đã có hành động gì khiến con không vui? bé nhà mình nói “em bé cứ đòi lấy em heo con của con, đó là đồ chơi của con mà”, ồ hoá ra là vậy, mẹ hiểu là con không hài lòng vì em bé tự ý đụng vào đồ chơi của con, đúng không? hành động ấy quả thực không tốt con nhỉ? Vâng ạ, đồ chơi của con, nhà của con mà mẹ cứ tự ý đụng vào. Mẹ hiểu rồi, vậy là việc em ấy tự ý đụng vào đồ chơi của con khiến con không thích đúng không, và con cũng không thích bác vì đã đưa em sang nhà mình, con nhỉ. Dạ, vâng ạ. Mẹ hiểu cảm xúc của con, và mẹ cũng hiểu vì sao con đã nói như thế với bác và em ấy. (lúc này em bé đã rất bình tĩnh, và lắng nghe mẹ). Con biết không? em ấy còn rất nhỏ, nhỏ như con ngày xưa ấy, ngày đó mẹ cũng hay đưa con tới các nhà hàng xóm chơi, vì con nhỏ nên con chưa phân biệt được đâu là đồ của con, và đâu là đồ của người khác, cứ thấy có đồ chơi đẹp là con giơ tay xin mẹ lấy. Nhưng rất may mắn là con gặp được các chị rất yêu mến con, nên hay lấy đồ chơi của chị cho con chơi và chơi cùng con. Những lần chơi cùng các chị, mẹ thấy con vui lắm ấy. Nếu như các chị không cho con chơi cùng, và nói rằng chị không thích hai mẹ con mình đâu, con sẽ thấy thế nào, con có vui không? hay con sẽ rất buồn? “con sẽ rất buồn mẹ ạ”. Mẹ cũng thế đó con ạ, nếu em bé nào nói với mẹ và con như thế, mẹ cũng sẽ rất buồn. “mẹ ơi, để con ra ngoài chơi cùng em nha mẹ, và con sẽ không nói không thích em nữa đâu mẹ ạ”. ok, con yêu của mẹ, yêu em! Và mình dẫn bé ra ngoài, con lấy đồ chơi và chơi cùng em rất vui, khi về mình có nói nhỏ với chị hàng xóm về câu chuyện của hai mẹ con, để chị hiểu và thoải mái khi đến nhà mình chơi. Chị đã rất vui và bất ngờ khi nghe được câu chuyện đó, bé con của mình đã có thêm một người bạn nhỏ, và mình thì đã có thêm được một tình huống đồng hành tuyệt vời với con.
Trước đó mình không biết rằng mình đã áp dụng chu kì kết nối không rắc rối mà tác gỉa nói tới: thể hiện sự an ủi, công nhận, lắng nghe, phản ánh lại những gì nghe được. Đây chính là bốn bước giúp bạn kết nối với con hiệu quả mà mình đã áp dụng ở tình huống trên, khi kết nối thành công rồi mình bắt đầu điều hướng đến những thông điệp mình muốn con nhận được qua tình huống đó.
Mình hi vọng mỗi chúng ta khi làm cha mẹ, hãy tận dụng những tình huống, những giây phút bên con để giúp con phát triển, và hoàn thiện những kĩ năng cần thiết để giúp con vững vàng ngay cả khi không có chúng ta bên cạnh. Kỉ luật là cần thiết và mục tiêu của kỉ luật là giáo dục, kỉ luật hiệu quả hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ yêu thương, tôn trọng giữa chúng ta và con yêu của mình. Vậy nên hãy kết nối với con, thể hiện tình yêu thương của chúng ta với con trước khi giúp con nhận ra những sai lầm mà con đã phạm phải, từ đó giúp con phát triển, hoàn thiện những kĩ năng cần thiết cho con sau này, bạn nhé!
I couldn’t resist commenting
what is the best ed drug
Great post. I am facing a couple of these problems.