Cùng con Trí tuệ

MUỐN CON CÓ TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP, PHẢI BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH CHA MẸ!

Lại thêm một câu chuyện về cha mẹ thành đạt nhưng con cái lại hư hỏng, cha mẹ dù có kiếm được tiền tỷ nhưng chỉ cần một đứa con phá thì chưa đầy một năm số tiền tỷ tích góp cả đời của cha mẹ sẽ xuống sông xuống biển. Bởi cá độ, lô đề, cờ bạc thì hàng trăm tỷ cũng đi trong tích tắc. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Mình nghĩ mấu chốt nằm ở việc cha mẹ không có thời gian để kết nối, trò chuyện và định hướng cho con. Cha mẹ cứ xoay quanh việc làm sao để kiếm được nhiều tiền mà quên mất con của chúng ta cần nhiều hơn thế. Thứ chúng cần chính là sự quan tâm, đồng hành sát sao của cha mẹ.

Theo quan sát của mình thì hiện tại các cha mẹ vẫn nuôi con theo cách truyền thống, cố gắng bằng mọi cách cho con đi học thêm để học giỏi rồi thi vào những trường tốt mà quên mất việc giúp con hiểu sâu về bản thân mình, xem con thực sự yêu thích điều gì, con có điểm mạnh, điểm yếu ở đâu. Thế nên mới có nhiều bạn trẻ ra trường rồi lại loay hoay về định hướng cuộc đời, không biết mình thích gì, làm mãi công việc mà bản thân không yêu thích sẽ khiến bạn ấy mất động lực phấn đấu. Khi đó liệu đứa trẻ ấy có thật sự hạnh phúc hay không? Những gì học được sau cùng có phát huy tác dụng với cuộc sống của đứa trẻ ấy hay không?
Sau đây là tình trạng chung mà rất nhiều gia đình đang trải qua.

1. Cho con đi học thêm quá nhiều.
Sau khi rời khỏi trường về nhà, nhiều bạn nhỏ còn không kịp ăn cơm mà chỉ ăn vội miếng bánh mỳ mẹ mua sẵn rồi lên xe để kịp giờ học thêm. Học một mạch đến 9-10h đêm, về nhà tắm rửa xong còn phải ôn bài nữa, đi ngủ thì đã khuya. Việc ngủ không đủ giấc sẽ vô cùng tai hại cho các bạn nhỏ. Nếu cha mẹ đọc cuốn sách “học cách học” cha mẹ sẽ thấy việc ngủ đủ giấc sẽ giúp não bộ của các con nhớ bài được tốt hơn. Còn việc ngủ không đủ giấc và ngủ quá khuya sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và não bộ của trẻ. Thời gian tốt nhất cho não bộ của con chính là 9h-12h đêm, sau đó là giờ phát triển của xương. Nếu cha mẹ bỏ qua yếu tố này thì dù bạn nhỏ có học nhiều thế nào đi chăng nữa cũng không thể hiệu quả được.
Chưa kể bố mẹ và con cái không có thời gian dành cho nhau. Việc kết nối, trò chuyện và đồng hành cùng với con nó cần thời gian để vun xới, nuôi dưỡng chứ không phải chỉ đại khái vài câu “cố lên con, vì tương lai sau này”. Đứa trẻ đi học chỉ vì bố mẹ bảo chứ chưa chắc là vì mong muốn của bản thân. Phải học liên tục như thế đứa trẻ lấy đâu thời gian để lắng nghe bản thân, để quan sát xem con yêu thích điều gì, có điểm nào vượt trội mà chia sẻ với bố mẹ. Mình biết có rất nhiều bạn thích hát, thích múa, thích vẽ nhưng bố mẹ không muốn con mất nhiều thời gian cho những sở thích “vô bổ” đó vì những sở thích kia không giúp điểm số của con được cải thiện. Tuy nhiên đó lại là một sai lầm tai hại mà cha mẹ chúng ta cần nhận ra. Một người không có bất cứ sở thích nào thật sự là một người nhàm chán, lãng xẹt…một người như vậy liệu có ai muốn chơi, hay đồng hành cùng không? Mình nghĩ là rất ít, nếu có thì con cũng thu hút bạn thân là những bạn lãng xẹt, nhàng nhàng như chính con.
Việc có sở thích riêng và được theo đuổi sở thích của mình sẽ dạy cho con rất nhiều bài học mà trường lớp không thể nào dạy được. Bài học về sự kiên trì, bền bỉ, bài học về ý chí, niềm tin và sự kỉ luật. Chính những yếu tố này mới giúp con sống một cuộc đời hạnh phúc và thành công chứ không phải điểm số.

2. Cha mẹ yếu kém về mặt kỹ năng.
Cha mẹ không có kỹ năng quản lý thời gian, không phân biệt được đâu là thời gian dành cho công việc, đâu là thời gian dành cho gia đình. Có những ông bố thì hết giờ là đi nhậu, nhậu đến tận khuya mới về, có tuần còn không gặp được con cái lần nào. Sáng đi làm thì con chưa dậy, tối đi về thì con ngủ rồi. Người ta hay bảo “con dại tại cha”, cha không có thời gian theo sát để đồng hành và kết nối với con thì làm sao mà dạy con, giúp con trưởng thành được. Mọi gánh nặng đổ lên đầu người vợ, người phụ nữ ấy không căng thẳng, khó chịu, cằn nhằn mới là lạ.
Khác với người cha, người mẹ không đi nhậu nhưng lại thường xuyên đem việc về nhà vì ở cơ quan chưa làm xong. Thời gian tối dành cho con thì làm việc xuyên lục địa, muốn con ngồi yên để làm việc thì hoặc là cho con xem ti vi, hoặc là cho con đi chơi. Tuần lấy vài lần như thế thì thời gian đâu mà lắng nghe, trò chuyện với con. Có khi bạn thân nhất của con còn không biết là ai.
Bản thân cha mẹ cần phải tích cực nâng cao các kỹ năng của mình, không chỉ cho bản thân cha mẹ mà còn cho việc đồng hành với con cái của mình nữa.
Đọc đến đây sẽ nhiều bạn nói là vì mình có thời gian, giờ công việc của mình là tự chủ nên mình hoàn toàn sắp xếp được. Nhưng câu trả lời của mình là không, mình đồng hành cùng với con buổi tối từ ngày bé con của mình mới chào đời. Từ đó đến nay mình làm ở viễn thông, phòng gym rồi đến nay là tự làm ở nhà. Nhưng việc mình rèn cho con kỹ năng tự học và sự tập trung không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình từ khi con sinh ra đến nay. Bận thế nào thì buổi tối mình vẫn ưu tiên dành thời gian cho con.

3. Sự lên ngôi của các thiết bị điện tử. 
Mình thấy hiện tại các cha mẹ thường mua cho các bạn nhỏ một chiếc điện thoại để tiện liên lạc với con. Mục đích mua thì tốt nhưng vô tình lại làm hại con. Mình quan sát thấy rất nhiều bạn có điện thoại bố mẹ mua cho, khi bố mẹ đi làm thì cả ngày bạn ấy dán mắt vào điện thoại. Thiết bị điện tử là thứ dễ nghiện nhất hiện nay, nhất là với độ tuổi của các con, khả năng tự chủ đang còn kém thì cha mẹ cần phải lưu ý để đồng hành với con. Các bạn nhỏ được tự do dùng thiết bị điện tử không những gây hại cho não bộ, cho sự phát triển của con mà đôi khi làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ khi xem những thứ vượt quá tầm tuổi của con.
Có rất nhiều cha mẹ và con cái dù đi ăn với nhau thì bố mẹ cầm điện thoại của bố mẹ, con cái cầm điện thoại của con cái, rồi ai nấy chìm đắm vào thế giới riêng của mình. Do đó, dù rất gần nhưng khoảng cách lại quá xa. Cha mẹ và con cái vẫn không có nhiều cơ hội để lắng nghe và trò chuyện với nhau.
Gia đình mình khi ngồi ăn cơm thì chỉ tập trung vào ăn uống và trò chuyện, không bao giờ bật ti vi hay điện thoại. Việc xem thiết bị điện tử của con cũng có nguyên tắc riêng, con được xem ti vi 10 phút một ngày, sau khi con đi học về. Học Tiếng Anh cùng mẹ thì đã có mẹ song hành, và mình cũng chỉ cho con học 15 phút trên Ipad, còn lại hai mẹ con sẽ học bằng sách giấy ở ngoài. Việc quản lý con xem các thiết bị điện tử được thực hiện nhất quán cả bố mẹ lẫn ông bà, những người trực tiếp chăm sóc con.

4. Những cuộc trò chuyện với con
Trong các câu chuyện mà bạn kể cho con mỗi ngày, bạn tập trung vào điều gì? Bạn kể cho con nghe về những gì bạn đã làm được, giúp đỡ được ai đó hay chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, so sánh nhà này giàu hơn nhà kia? Bạn đang muốn dạy cho con điều gì? Hãy nhớ lại những câu chuyện mà bạn và chồng chia sẻ với nhau mỗi ngày, hai vợ chồng đang nói tới điều gì? Có đam mê, sở thích, là câu chuyện về ai đó vượt khó, sống một cuộc đời đáng sống hay chăm chăm vào việc người này giàu lắm, kiếm được nhiều tiền lắm…nếu cha mẹ cứ mở miệng ra là phân đua giàu nghèo thì con cái cũng học theo. Con chưa biết mẹ đăng kí cho con học gì, có điểm gì thú vị từ khoá học mà chỉ lo đến tiền, sao mà nhiều tiền thế, sao mà đắt thế…thì cha mẹ cần phải xem lại cách tiếp cận vấn đề của mình và những câu chuyện thường ngày ta nói với nhau.

5. Cha mẹ có thực sự làm gương cho con?
Cha mẹ nói với con là học tiếng Anh quan trọng lắm, học đi con.
Cha mẹ nói phải thể dục thể thao mới có sức khoẻ tốt được, tập đi con.
Cha mẹ nói phải đọc sách mới có nhiều kiến thức được, đọc đi con.
Nhưng cha mẹ học hết 16 năm mà một chữ tiếng Anh cũng không nhớ, sao con nó tin là tiếng Anh quan trọng. Nếu quan trọng thế sao cha mẹ mình lại không học?
Cha mẹ nói thể dục thể thao tốt cho sức khoẻ nhưng không bao giờ thấy bố mẹ vận động, chỉ thấy bố đi uống bia, mẹ thì ăn xong là nằm thì làm sao con nó tin lời bố mẹ nói là thật. Nếu tốt như bố mẹ nói sao bố mẹ không thực hiện hàng ngày?
Cha mẹ nói phải đọc sách thì mới có nhiều kiến thức nhưng tối chỉ thấy cha mẹ cầm điện thoại lướt, đọc một cái công văn còn lười nữa là đọc sách. Cầm tới cuốn sách là buồn ngủ mất rồi mà lại đòi bé con đọc sách.
Con nhìn thấy hết những gì bố mẹ làm hàng ngày, những thứ đó sẽ khắc sâu vào tâm trí của trẻ chứ không phải là những lời nói của bố mẹ. Nhiều cha mẹ cứ bảo nói mãi nó không nghe vì những gì con nghe không giống với những điều con thấy nên con không nghe là đúng rồi.
Muốn con nghe, cha mẹ phải làm gương trước, cha mẹ nhỉ?
Mình viết ra chỉ để các cha mẹ nhìn thấy thực trạng đang diễn ra trong ngôi nhà thân yêu của chúng ta. Nếu cha mẹ thực sự muốn giúp đỡ con mình, muốn con có một tương lai tốt hơn, muốn con sống một cuộc đời hạnh phúc và thành công hơn thì chính cha mẹ phải thay đổi bản thân từ hôm nay. Thiết lập lại quỹ thời gian cho bản thân cha mẹ và cho bé con của mình, để con có thời gian được nghỉ ngơi và ở bên cạnh cha mẹ. Cha mẹ học tập và nâng cao giá trị cho bản thân, chỉ có thế ta mới chu toàn được công việc trên cơ quan và có thời gian đồng hành cùng với bé con của mình.
Có dành thời gian bên con, lắng nghe, trò chuyện, cùng con khôn lớn thì chúng ta mới xây dựng được sự gắn kết an tâm giữa cha mẹ và con cái. Từ đó giúp con thấu hiểu bản thân, được sống đúng với khát khao và mong muốn của con, trở thành một người hạnh phúc và có giá trị!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *