Cuộc đời Thấu hiểu

QUY TRÌNH QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH BẠI

Luôn tồn tại một quy trình tự nhiên quyết định sự thành công hay thất bại trong việc quản lý cuộc sống của chúng ta. Quy trình này bao gồm một chuỗi các bước tiếp nối khác nhau. Nếu chúng ta nhận thức rõ ràng về các bước này thì chúng ta sẽ tận dụng được các cơ hội để vươn lên và làm chủ cuộc sống của mình.
Vậy các bước cụ thể đó là gì? Chúng có liên hệ mật thiết với nhau như thế nào? Và làm sao để chúng ta có thể làm chủ các bước đó. Bài viết này mình sẽ làm rõ cho các bạn nhé.

1. Hành vi
Hành vi của chúng ta chính là những hành động cụ thể mà ta quyết định làm hay không làm một việc gì đó. Chính điều này sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của chúng ta ở bất cứ lĩnh vực nào. Mình ví dụ, bạn có hai danh sách những việc cần làm và những việc không được làm như sau:

– Danh sách những việc cần làm
⭐️ Đọc sách 1 tiếng mỗi ngày
⭐️ Ngủ sớm trước 23h
⭐️ Tập thể dục ít nhất 30 phút
⭐️ Thiền ít nhất 20 phút mỗi ngày
⭐️ Dành thời gian cho con buổi tối
⭐️ Lập kế hoạch những việc cần làm mỗi sáng
⭐️ Viết nhật ký những điều học được mỗi tối

– Danh sách những việc không được làm
? Thức khuya
? Ngủ ít (dưới 7 tiếng)
? Phàn nàn, kêu ca, đổ lỗi
? Lướt tiktok, facebook watch
? Nước đến chân mới nhảy
? Ôm việc cơ quan về nhà
Bạn đều biết nếu tập trung vào những việc cần làm, bạn sẽ tạo ra sự đột phá trong thời gian tới, nhưng tại sao thay vì tập trung vào những việc đó, bạn lại thả trôi bản thân vào những việc không được làm? Nguyên do nó nằm ở yếu tố thứ hai

2. Cảm xúc
Một ngày bạn có gần 60.000 suy nghĩ nhưng cảm xúc thì chỉ có hai loại đó chính là tích cực hoặc tiêu cực. Tiêu cực không xấu nhưng nếu bạn liên tục để nó gặm nhấm bạn ngày qua ngày thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị chúng phá huỷ. Nhất là những người đã để tiêu cực thành thói quen thì sẽ phải cần rất nhiều thời gian để loại bỏ những thói quen ấy.

Để giữ cho bản thân những cảm xúc tích cực thì mỗi khi bạn cảm thấy bị cảm xúc tiêu cực xâm chiếm bạn cần nhận diện, đọc tên được những cảm xúc này. Bạn sẽ tự hỏi chính mình xem
“bạn đang cảm thấy như thế nào?; tại sao bạn lại cảm thấy như vậy?” Sau khi trả lời xong bạn đừng để bản thân tiếp tục chìm đắm vào cảm xúc đó mà hãy hỏi thêm một câu nữa “tôi học được bài học gì từ tình huống này?” sau đó chuyển đổi cảm xúc bằng việc thay đổi trạng thái cơ thể.

– Đứng lên, di chuyển cơ thể
– Ngồi thẳng lưng, chuyển động cơ miệng, bạn có thể cười, mếu hoặc làm bất cứ động tác nào
– Đi dạo nơi có nhiều cây xanh
– Hít thở sâu, sau đó vươn vai và nói “Mỗi một vấn đề đến với tôi đều sẽ được tôi giải quyết ổn thoả”
Cảm xúc xuất phát từ hai yếu tố đó là nhận thức và trạng thái cơ thể, phần nhận thức thì mình sẽ nói sâu hơn ở bài tới nhé, vì nó tương đối dài, giải pháp ngắn hạn là bạn có thể xử lý cảm xúc tiêu cực bằng việc thay đổi trạng thái cơ thể.
Đến đây sẽ nhiều bạn hỏi mình là vậy cảm xúc sẽ được sinh ra từ đâu? Phải chăng cảm xúc nó sẽ tự xuất hiện? Câu trả lời cảm xúc được kiến tạo từ yếu tố thứ ba

3. Thái độ
Đây chính là quan điểm của ta về cuộc sống, có những người có thái độ rất tốt nhưng có những người lại có thái độ không tốt về một vấn đề nào đó. Mình ví dụ khi công ty có những thay đổi về quy trình vận hành sẽ luôn có hai phản ứng khác nhau từ nhân viên

– Nhóm có thái độ tốt tin rằng công ty làm vậy để có thể nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian và bắt kịp với xu thế, vậy nên họ rất hợp tác, lắng nghe kĩ quy trình mới để thực thi cho hiệu quả.
– Ngược lại nhóm thái độ không tốt sẽ có ý kiến rằng đang yên đang lành lại thay đổi, mấy thằng ở tổng ăn no dững mỡ không có việc gì làm, cứ ngồi nghĩ ra đủ thứ trên đời, bọn mình là khổ nhất. Vậy nên dù học về quy trình mới họ cũng không hứng thú mà còn cảm thấy rất khó chịu, bức bối.

Nó dẫn đến những kết quả khác nhau giữa hai nhóm nhân viên này, nhóm nào có thái độ tốt hơn sẽ tiếp thu nhanh và hiệu quả hơn so với nhóm còn lại. Một sự khác biệt nhỏ này thì không đáng kể nhưng nếu chúng được cộng gộp theo thời gian thì sẽ tạo ra những cú hích rất lớn.
Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây đó là thái độ khác biệt này được tạo ra, kiểm soát và ảnh hưởng bởi yếu tố nào? Câu trả lời chính là yếu tố thứ tư

4. Niềm tin
Những gì ta tin tưởng sẽ quyết định thái độ, tạo ra cảm xúc và chỉ đạo những hành động của ta. Vì vậy niềm tin vô cùng quan trọng. Niềm tin ở đây không cần phải là sự thật, quan trọng là ta tin nó.
Mình hay chia sẻ với học viên của mình rằng trong chúng ta có hai con sói: một con sói khôn ngoan và một con sói ngu ngốc, bạn nghĩ con sói nào sẽ chiến thắng? Có người nói là dĩ nhiên con sói không ngoan sẽ chiến thắng rồi, có người lại nói con sói ngu ngốc thắng vì bản thân chúng ta luôn nghĩ mình ngu ngốc. Câu trả lời của mình là con sói nào bạn cho ăn nhiều hơn.

Nghĩa là con sói nào bạn dành thời gian để nuôi dưỡng, chăm sóc nó thì nó sẽ thắng. Niềm tin cũng hoạt động như vậy, bạn nghĩ bạn giỏi giang, xinh đẹp và thông minh thì bạn sẽ tìm những dẫn chứng để củng cố cho niềm tin ấy, ngược lại bạn nghĩ bạn xấu xí, ngu dốt, kém cỏi thì bạn cũng sẽ tự động tìm những dẫn chứng để củng cố cho niềm tin ấy.
Đó là lý do vì sao ta thường hay nói rằng “bạn là những gì bạn tin, bạn là những gì bạn nói với chính bạn mỗi ngày”. Vậy niềm tin này được hình thành do đâu, nó được hình thành bởi yếu tố cuối cùng

5. Lập trình
Bạn được lập trình thông qua điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống. Từ bé bạn được cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh lập trình về bạn. Cha mẹ bạn nói rằng “ngày xưa mẹ học dốt Toán lắm nên có lẽ giờ con cũng theo gen mẹ, học dốt môn này rồi, con cố lên nhé”. Mẹ ta vì sự thiếu hiểu biết của mình nên đã vô tình lập trình cho bé con là con dốt Toán. Từ đó bạn hình thành nên một niềm tin là bạn dốt Toán bẩm sinh, có cố cũng không cải thiện được nhiều. Từ niềm tin này bạn có thái độ không tốt với môn Toán, cứ đến giờ Toán là bạn căng thẳng, chán nản (cảm xúc), dẫn đến việc bạn muốn cúp học môn này (hành động).

Về nhà bạn cũng ít khi dành thời gian cho môn học này vì những gì bạn định hình về Toán đều không mấy tốt đẹp. Do đó cha mẹ phải rất cẩn trọng về việc nhận xét con của mình bởi chính chúng ta đang vô tình “lập trình” con đó. Mỗi lần ta định nói gì đó thì hãy hỏi bản thân mình đây có phải là điều ta muốn con mình trở thành trong tương lai hay không? Nếu không hãy dừng lại 3 giây và thay đổi câu nói đó, nói đúng thông điệp mà ta hướng tới cho con.

Còn bản thân chúng ta thì sao – những người làm cha làm mẹ? Chúng ta cần phải tự lập trình lại cho chính mình, đừng để những người xung quanh vô tình lập trình chúng ta và chúng ta mặc định tin vào điều đó. Kể cả họ có là sếp, là quản lý, là đồng nghiệp hay cha mẹ chúng ta. Hãy chọn lựa ra những thứ mà bạn mong muốn trở thành và tin tưởng vào nó. Đừng để ai lập trình thay ta và cũng cho phép họ làm điều đó. Bởi tiềm thức ta không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, chúng sẽ ghi nhớ tất tần tật những gì bạn tin và gửi vào bên trong chúng mà thôi.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *