Tối qua mình nhận được tâm sự từ học viên của mình về con trai chị. Cậu bé tuổi teen với rất nhiều sự đổi thay từ tính cách cho đến tâm sinh lý. Đặc biệt là con thích được ở một mình, được làm những điều con thích đến tận 2-3 giờ sáng. Chị ấy không biết phải làm thế nào để giúp con. Mình tin đây là tình huống không hiếm gặp ở các gia đình.
Bản thân mình cũng từng có khoảng thời gian đồng hành cùng em trai tuổi teen nên mình rất hiểu những thay đổi của độ tuổi này. Dù môi trường, hoàn cảnh sống và tính cách từng bạn có đôi phần khác nhau nhưng những phần lõi thì mình tin rằng chúng đều có những nét tương đồng.
Em trai mình cũng từng có khoảng thời gian mê game, thậm chí còn bỏ học để chơi game cùng bạn. Bố mình thì nóng tính, những lần gặp con chơi game, bố thường bực dọc mà đánh em. Mình biết là vì bố giận quá, thương quá mà không biết phải làm gì giúp con, nên bố điên lên và đánh em như vậy. Nhưng đánh con chưa bao giờ là giải pháp hiệu quả tại bất cứ tình huống nào.
Ngày ấy bố mẹ mình gọi ra bảo: nó học như thế thì bố cho đi học lái xe rồi đi lái xe taxi, còn không thì cho đi làm thợ mộc. Mình dĩ nhiên chẳng vấn đề với những ngành nghề mà bố đưa ra nhưng mình nói với bố, bố phải xem em thích hay không đã chứ. Nếu em không thích thì làm sao mà ép em được. Làm công việc em không say mê em sẽ nhanh nản mỗi lần gặp khó khăn, thử thách.
Bố bảo bố không quan trọng, có nghề nuôi bản thân là được. Không chịu học thì chỉ có thế thôi, bố nói không được. Mình cũng hơi nóng ruột nên ra trường xong mình về nhà ngay lập tức để giúp em. Và chặng đường ấy đã cho mình quả ngọt đến tận hôm nay. Quyết định về quê và hiện diện bên em đã khiến gia đình mình có những bước ngoặt lớn sau này.
Em trai mình đậu đại học, đậu tốt nghiệp, và quan trọng nhất là em tự tin vào bản thân. Em đã học được bài học mà mình trao gửi “người ta làm được thì em cũng làm được, thứ duy nhất em cần tập trung vào là rèn luyện mà thôi”. Đến tận bây giờ em trai mình vẫn khắc ghi bài học này. Em luôn tự tìm tòi và học hỏi những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc của mình. Tối qua em chia sẻ với mình, giờ em dẫn luôn cả đám cưới rồi nha. Lâu nay cu cậu hay dẫn tour, dẫn sự kiện, làm hoạt náo viên, giờ thì thêm MC đám cưới.
Mình còn trêu là dẫn thử đám cưới của anh chị để chị kiểm tra xem nào. Ai dè, cu cậu dẫn hay ơi là hay. Mình vui lắm, và chia sẻ thêm với em ấy là, nếu em muốn dẫn hay hơn, có dấu ấn riêng nữa thì em cần đọc nhiều sách hơn. Em đọc các dòng sách văn học, sách truyện để làm giàu vốn từ, khi ấy cách dẫn dắt của em sẽ tự nhiên và có hồn hơn nữa. Em trai mình cười tít mắt và xin chị vài cuốn đem đi thủ đô đọc. Mình bảo sách thì cần chị sẽ tài trợ cho, quan trọng là em ấy chịu đọc.
Quay lại câu chuyện ngày xưa mình đã làm gì để giúp em mình thay đổi. Cách làm của mình vẫn thế: kết nối và tái định hướng.
Mình xa em 4 năm, dĩ nhiên em cũng có rất nhiều thay đổi nên lúc về mình phải kết nối lại với em đã. Mình hỏi thăm về việc học của em, hỏi xem em có thích cô nào chưa, cần chị viết thư tay cho không, chị ngày xưa toàn viết thay mấy chú nhà ta tán gái đó. Cu cậu nghe vậy thì cười khoái trí, hay dành thời gian để trò chuyện với mình.
Mình cũng kể cho em nghe về những kỉ niệm của mình khi đi học. Những thử thách mà mình trải qua, những khi ấy mình sẽ làm gì để vượt qua, rồi kể chuyện về người yêu mình là chồng bây giờ. Cu cậu được nghe chị kể ti tỉ thứ, vậy nên rất thích nói chuyện với chị. Kết nối được với em, em tin tưởng mình rồi mình mới bắt đầu tái định hướng.
Mình thường khéo léo đưa những bài học vào từng câu chuyện mà mình kể. Mấu chốt là nếu lúc ấy chị không chịu khó học hỏi, chị nản lòng thì chị sẽ bị xếp cuối. Khi ấy em biết rồi, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn, tiền ăn không có, tiền học cũng không, bố mẹ thì em thấy đấy. Bố đạp xe cả ngày mới kiếm được 100K. Rồi mình hỏi xem em nghĩ gì? Em thương bố mẹ chứ?
Thật ra mình hỏi vậy vì mình biết em trai mình cực kì yêu thương bố mẹ, chỉ là em đi sai hướng mà thôi. Bạn bè biết em chơi game giỏi, hiền lành nên bạn rất quý, toàn bao em chơi game nên cu cậu cứ chơi vì thấy không mất gì. Nhưng em quên mất rằng chính lựa chọn ấy đã suýt đánh mất đi tương lai của em.
Điều quan trọng nhất ở đây chính là mình kết nối sâu sắc được với em thông qua chuyện trò, chia sẻ rồi khơi dậy lý tưởng sống trong em. Mình rất hay hỏi em xem em thích làm công việc gì? Để trở thành người như vậy em cần những kiến thức, kỹ năng nào? Dù ban đầu cu cậu rất lúng túng, nhưng mình bảo em cứ suy ngẫm đi.
Song song với điều đó mình dành thời gian để giúp em rèn những kỹ năng cần thiết. Thuyết trình là kỹ năng dễ rèn nhất nên mình bắt em thuyết trình hàng ngày. Thú thật từ bé mình đã rất đanh đá, phát xít và kỷ luật nên em trai mình sợ lắm. Em ấy biết nếu không xong thì sẽ khó mà được ngủ nên cứ làm như chị hướng dẫn. Ngày đầu còn xấy hổ nhưng chỉ đi qua một tuần có thể tư vấn khách hàng cho chị ngon lành.
Đó chính là lúc mình chốt với em “em hoàn toàn có thể trở thành con người mà em muốn, chỉ cần em luôn hướng về nó thì không gì là không thể. Giờ em đi thủ đô học, em sẽ được tự do làm những điều em muốn, em có thể cả ngày ru mình trong game. Chị và bố mẹ sẽ không thể kiểm soát được. Chị chỉ giúp em được những thứ mà chị nghĩ là cần thiết cho em khi em ra thủ đô, còn quyết định thế nào thì là ở em. Chị chỉ mong trước khi làm gì đó em hãy nhớ đến giọt mồ hôi của bố, giọt nước mắt của mẹ và sự nỗ lực của chị. Chỉ vậy thôi chàng trai ạ”. Rồi mình ôm em vào lòng, và không quên nói mình rất tin ở em, chàng trai của chị ạ.
Và ra thủ đô em trai mình đã trở thành một con người rất khác. Hành trình của em trai mình nếu bạn muốn nghe, mình sẽ kể ở bài tiếp theo nha. Còn giờ mình phải đi học đã hihi.