Gần đây mình nhận được rất nhiều tâm sự của các chị em chia sẻ về vấn đề nuôi dạy con cái. Sau khi nghe các chị ấy trải lòng, mình có hỏi chị một số những câu hỏi như:
– Chị có biết TẠI SAO con lại phản ứng như vậy không?
– Con đang muốn nói hoặc thể hiện ĐIỀU GÌ?
– LÀM THẾ NÀO để lần tới con biết cách biểu đạt điều đó một cách đúng đắn?
Thường những câu hỏi này sẽ khiến nhiều cha mẹ bối rối bởi họ khá bận, làm gì có nhiều thời gian để mà tìm hiểu. Những điều các cha mẹ chúng ta thường mong muốn ở con mình chính là ngoan ngoãn, nghe lời, học giỏi…Nó đã trở thành một tiêu chuẩn vô hình được truyển lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu con cãi cha mẹ chứng tỏ con hư, con không học giỏi chứng tỏ con dốt…Bạn nhỏ nào phạm phải những điều trên hoặc sẽ bị mắng cho té tát, hoặc bị quất cho lằn mông. Hệ quả là gì, là những dư chấn của năm tháng tuổi thơ ấy ám ảnh trẻ đến tận mai này.
Mình may mắn có được cơ hội đồng hành cùng rất nhiều cha mẹ, tuy nhiên việc đồng hành này không phải là đồng hành về phương pháp nuôi dạy con hiệu quả mà là đồng hành dưới hình thức huấn luyện phát triển cá nhân. Nhờ quá trình ấy, mình nhận ra rằng 90% niềm tin sai lầm của các chị em ấy về bản thân ở hiện tại đều xuất phát từ sự tổn thương trong quá khứ. Điều đó có nghĩa là gì, là ngày xưa các cha mẹ không thực sự chú trọng đến đời sống tinh thần của trẻ. Điều đó gây ra rất nhiều hệ luỵ sau này.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể chấm dứt cái vòng tròn luần quẩn đó? Câu trả lời chính là cha mẹ hãy CHẬM lại một nhịp, bình tĩnh hơn để có thể THÂU HIỂU con cái của mình. Chỉ có THẤU HIỂU sâu sắc ta mới có thể yêu thương và nuôi dạy con đúng cách được. Trở lại ba câu hỏi ban đầu mà mình thường dành để hỏi các học viên.

Sau giờ học mình thường dành ra 30 phút đến 1 tiếng nán lại trường để cho con gái chơi cùng với các bạn. Nhờ những giờ vui chơi như thế, con có thêm được những người bạn mới và cũng trở nên hiểu các bạn hơn. Hôm đó con đang chơi cùng bạn thì xảy ra xung đột, mình cùng chị phụ huynh của bạn kia tiến đến để xem có chuyện gì. Hoá ra Cốm đang chơi thì bạn của con đòi món đồ chơi mà con đang chơi, trong khi con mới chơi được mấy phút. Cốm cương quyết không đưa, nên bạn kia khóc rất ghê. Mình quay sang hỏi con “Con có thể cho bạn mượn vài phút được không con? mẹ thấy bạn khóc rồi”.
Khi nghe mẹ hỏi vậy, Cốm lập tức bỏ đi, vừa đi vừa khóc, vừa nói “mẹ không thương con, mẹ đi mà ở với bạn ấy đi”. Mình chạy theo con, vừa đi vừa gọi “chờ mẹ với, mẹ rất yêu con mà, mẹ chỉ hỏi ý kiến của con thôi chứ mẹ có bảo con phải nhường đâu”. Rồi mình bắt kịp con, ôm con vào lòng, chờ đến lúc con bình tĩnh rồi mình mới chia sẻ kĩ để con hiểu. Mình bảo con, con hãy nhớ lại lúc ấy mẹ chỉ hỏi ý kiến con, rồi lặp lại câu hỏi để con nhớ. Mẹ biết tình huống kia đã làm con bối rối, nhất là khi bạn khóc, nên mẹ chỉ muốn hỏi xem con có thể cho bạn mượn đồ chơi vài phút không? Nếu con nói không, mẹ cũng hoàn toàn tôn trọng quyết định của con mà.
Sau đó mình hỏi con, tại sao con lại bỏ chạy và nghĩ rằng mẹ không thương con. Con gái bảo vì con cứ nghĩ mẹ bắt con nhường đồ chơi cho bạn, điều đó có nghĩa là mẹ không yêu con. Mẹ yêu bạn ấy hơn. Mình ôm con vào lòng rồi chia sẻ với con vì sao mình lại hỏi ý kiến con, sau đó chia sẻ để con biết rằng nếu con muốn chơi với bạn được lâu, con cần là thủ lĩnh tinh thần của các bạn. Nghĩa là con cần biết cách tổ chức trò chơi sao cho bạn nào cũng vui vẻ chơi cùng, có như thế các bạn mới thích được chơi cùng con. Nhờ bài học đó lần sau chơi với bạn, con đã biết tổ chức các trò chơi để các bạn cùng chơi. Khi thì trò chơi gia đình, khi thì trò chơi phù thuỷ…các bạn cười khoái chí.
Điều mình muốn nhắn nhủ ở đây chính là cha mẹ hãy lùi lại một nhịp, dùng cặp mắt của mình để quan sát con sau đó đưa ra câu hỏi TẠI SAO bé con lại làm như thế? Câu hỏi này sẽ giúp chúng ta tìm ra câu chuyện phía sau của con.

Có lần để gọi con dậy mình đã bật hết đèn ở phòng ngủ lên, nàng nhà mình bị chói mắt nên rất tức giận với mẹ. Dù mẹ đã nói trước với bạn ấy là nếu con không dậy mẹ sẽ bật hết đèn lên đó. Nhưng cơn giận của cô con gái đang ngái ngủ vẫn chẳng thể nguôi ngoai. Trong khi mẹ đang cúi xuống để lấy tất cho cả hai mẹ con thì nàng ấy lao đến giật tóc mẹ rất đau. Lúc ấy mình giận lắm vì bị đau điếng người. Mình cầm tay con rồi quay lại nói “mẹ rất đau đấy, mẹ thực sự giận em, mẹ không đưa em đi học nữa, em tự đi đi”. Rồi mình rời ra ngoài, nếu không rất có thể mình sẽ nổi cơn tam bành với con.
Mình đi ra hít thở thật sâu để bình tĩnh lại. Lúc này bé con cũng nhận ra mình sai nên chạy ra ôm rồi xin lỗi mẹ. Bạn ấy bảo “con xin lỗi, lần sau con sẽ không làm thế nữa, vì lúc đó con giận quá, mẹ làm mắt con rất khó chịu”. Rồi mình quay lại ôm con, mình bảo con muốn cho biết là con đang rất giận mẹ phải không? Bạn ấy bảo vâng, con không muốn làm mẹ đau, con chỉ muốn nói rằng con đang khó chịu với việc mẹ bật hết đèn lên. Mình cũng xin lỗi con vì đã khiến mắt con khó chịu như thế. Sau đó mình hỏi con, cách mà con đánh ai đó để nói rằng mình đang rất giận, đó không phải là cách khôn ngoan. Chúng ta hành động như thế, không những gây tổn thương cho người khác mà còn khiến chúng ta trở thành người đáng sợ trong mắt mọi người. Có những người chỉ vì tức giận quá, dẫn đến đánh bị thương người khác rồi bản thân lại phải vào tù. Tối về con có thể hỏi bố những câu chuyện này, mẹ tin con sẽ hiểu vì sao khi tức giận ta không nên làm đau người khác.
Rồi mình hỏi con, khi cơn giận xâm chiếm chúng ta, con nghĩ xem ta có thể làm những cách nào để khống chế nó? Con bảo con sẽ học mẹ, con nói ra là con đang rất tức giận, sau đó con sẽ bỏ đi ra ngoài một chút. Mình bảo cách đó hay quá, con cũng có thể hít thở sâu hoặc đứng lên đi đi lại lại, mẹ tin là con sẽ hết giận ngay. Lý do là vì chuyển động sẽ giúp chúng ta làm chủ cảm xúc rất tốt. Từ đó mỗi lần giận mẹ, con gái sẽ nói ra là con đang giận mẹ đấy…để mẹ biết được cảm xúc bên trong của con.

Khi chúng ta hiểu được vì sao con lại làm như vậy, con làm thế để thể hiện điều gì thì việc đưa ra giải pháp như thế nào rất dễ dàng. Quan trọng nhất ở đây chính là cha mẹ hãy cùng con thảo luận để đưa ra giải pháp. Các cha mẹ sẽ cực kì ngạc nhiên vì sự sáng tạo, đáng yêu của các bạn nhỏ.
Tối qua khi trò chuyện với học viên K4 lớp tái sinh, chị ấy cũng có chút vấn đề với bé con. May mắn nhất là chị đã ngồi lại để lắng nghe con sau khi hai mẹ con có mâu thuẫn về việc dạy sớm đi học. Chàng trai thậm chí đã vẽ rồi còn chú thích mẹ giống ác quỷ. Nếu là ngày xưa chị ấy sẽ giận rồi tâm trạng mấy ngày, nhưng vì đã được học về tư duy của người kiến tạo nên chị ngồi lại để thủ thỉ, tâm sự cùng con. Chàng trai khi được mẹ lắng nghe, vỗ về và giải thích thì đã hiểu hơn về mẹ. Nói lời yêu mẹ chứ không hờn giận rồi nói mẹ như ác ma nữa. Sau khi kết nối với con xong, chị mới hỏi “làm thế nào để lần sau mẹ gọi con dậy là con dậy luôn nhỉ?”. Suy nghĩ giây lát rồi chàng ấy hiến kế cho mẹ, mẹ chỉ cần đọc câu thần chú này, con sẽ dậy luôn “2-3 con mực, mẹ yêu con cực”. Thế là từ đó sáng nảo mẹ cũng dùng câu thần chú này, cậu ấy dậy luôn, còn không quên cười với mẹ một cái. Câu thần chú có lẽ cũng là điều mà cậu ấy luôn muốn được nghe từ người mẹ thân yêu của mình.
Hành trình nuôi dạy con tuy không dễ dàng nhưng mình tin rằng nó rất thú vị và hạnh phúc. Mình mong các cha mẹ hãy biến những tình huống mà ta cùng con trải qua trở thành một CƠ HỘI để ta có thể giúp con học hỏi thêm một điều gì đó ý nghĩa hơn. Đó chính là hành trình tuyệt vời nhất để giúp bé con nâng cao nhận thức, phát triển tư duy và trở thành phiên bản tốt nhất của chính con theo thời gian.