Những năm gần đây mình được nghe rất nhiều về công dân toàn cầu. Mình cứ nghĩ đơn thuần công dân toàn cầu là người họ được sống và làm việc ở nhiều nơi, nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thế nhưng định nghĩa này thực sự rất khuyết thiếu, mình đã được mở mang và hiểu sâu sắc thế nào là công dân toàn cầu đúng nghĩa qua cuốn sách “CÔNG DÂN TOÀN CẦU, CÔNG DÂN VŨ TRỤ” của Giáo sư Phan Văn Trường.
Đây là cuốn sách mỏng nhất trong bộ sách của thầy, chỉ khoảng gần 200 trang. Mình đọc một nèo trên đường về quê trưa qua. Thực sự mình đã được truyển cảm hứng rất rất nhiều với những tấm gương tiêu biểu về công dân toàn cầu mà thầy chia sẻ. Họ có thể sống ở khắp mọi nơi trên thế giới, ở các độ tuổi khác nhau nhưng họ cùng chung một tinh thần: TINH THẦN YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI, YÊU THƯƠNG VŨ TRỤ. Chính vì thế mà đi đến đâu họ cũng lấp lánh, lấp lánh bởi tình yêu mà họ kiến tạo cho cuộc đời này.
1. YÊU THIÊN NHIÊN, YÊU VŨ TRỤ
Trong một workshop về Cấy Nền thầy có chia sẻ câu chuyện về một cậu bé sống ở Nha Trang, sáng nào em ấy cũng ra biển nhặt rác, lúc đó mình rất muốn được biết tên của em ấy nhưng thầy bảo thầy không tiện nhắc tên. Hôm qua khi đọc xong cuốn sách thì mình đã biết tên của em, em tên Phú Đạt. Em yêu biển và mong muốn biển sạch sẽ, trong lành, thế nên sáng nào em cũng ra biển để nhặt rác từ lúc 5h sáng. Em làm việc đó nhiều năm trời, từ ngày em còn bé xíu 4-5 tuổi cho đến bây giờ khi em đã 8-9 tuổi, em vẫn âm thầm làm công việc ấy. Em làm chẳng phải vì muốn được nổi tiếng, được nhiều người biết đến mà em làm vì em muốn biển được sạch sẽ, trong lành. Công việc của em dù thầm lặng nhưng mình tin nó đã tác động rất lớn để những người xung quanh. Có người vì cảm thấy xấu hổ mà không xả rác bừa bãi nữa, có người vì nhìn thấy tấm gương của em mà đã đứng lên cùng em dọn sạch bãi biển. Và cứ thế, người này nối tiếp người kia, một ngày nào đó các bãi biển của chúng ta sẽ trở nên sạch sẽ, tươi mát như cách mà người mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta thuở ban sơ.
Mình nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu làm một công dân toàn cầu từ bây giờ với tinh thần yêu môi trường, yêu thiên nhiên ở bất cứ nơi nào mà ta hiện diện. Hãy cứ làm gương trước, rồi lan toả tinh thần ấy đến những người thân yêu của mình. Vòng kết nối ấy sẽ ngày một lớn hơn, dài hơn, ý thức của mỗi người từ đó sẽ được nâng cao hơn. Mình nghĩ không cần phải làm việc gì lớn lao to tát, không cần phải hô hào, khẩu hiệu mà hãy cứ bắt đầu từ nơi mà ta đang sống, đang hiện diện mỗi ngày. Mình và con gái tháng trước vào tượng đài Lê Lợi chơi, mình thấy có rất nhiều rác thải trên bãi cỏ, hai mẹ con mình đã cùng nhau đi nhặt rồi bỏ vào thùng rác. Hôm đó con gái mình đã rất vui, con bảo con rất thích nhìn thấy mọi thứ xung quanh của mình sạch sẽ, trong lành mẹ ạ. Mẹ con mình hôm sau lại đi làm tiếp mẹ nhé. Mình cũng rất vui vì con đã sớm ý thức được việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên nơi con sống. Điều này dẫn đến sự nề nếp của con, dù con ở nhà, ở trường hay ở nơi công cộng. Con đều làm rất tốt việc bảo vệ môi trường sống, yêu thương người mẹ thiên nhiên trong lành. Ở nhà, mỗi khi đi chợ về mình cũng sẽ cất số túi nilong đã được sử dụng qua, mình gấp gọn, gom lại sau đó đem tặng lại cho các cô bán hàng. Không quên chia sẻ với họ về việc bảo vệ môi trường, các cô cũng rất vui và hưởng ứng theo mình. Cứ như thế mình lan toả tinh thần bảo vệ môi trường, thiên nhiên ở bất cứ nơi nào mà mình có thể. Mình tin càng ngày sẽ càng có nhiều tấm gương sáng như em Phú Đạt – những công dân toàn cầu, yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống và nỗ lực đến cùng để bảo vệ sự trong lành, tươi mát mà ta đã được vũ trụ ưu ái trao tặng.
2. YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI
Mình đã được truyền cảm hứng rất lớn từ những nhân vật mà thầy chia sẻ. Những nhân vật ấy chỉ có thể sử dụng hai từ “xuất chúng” để nói về họ. Họ ưu tú, chỉn chu trên mọi mặt trận. Họ hết lòng với bất cứ công việc nào mà bản thân được giao phó. Họ luôn dành thời gian để lắng nghe, ghi chép chi tiết đầy đủ những gì được thông qua, và khi cần thiết họ sẽ xuất hiện. Mà sự xuất hiện của họ chính để là để nâng đỡ, hỗ trợ mọi người, đưa đến một mục tiêu cao nhất “có lợi song phương”. Thế nên lời nói của họ có sức thuyết phục và ảnh hưởng ghê gớm. Một số những điều mình rất khâm phục ở những con người này, mình tin là chúng cũng sẽ rất hữu ích với các bạn.
Thứ nhất: luôn xuất phát từ tư duy win-win và tinh thần yêu thương, gắn kết mọi người
Tức là họ luôn nhìn cục diện một cách khách quan, không chỉ nghĩ cho bản thân mà còn đứng ở lập trường của đối phương để nhìn nhận, đánh giá và thấu hiểu. Vì thế khi họ đưa ra phương án để giải quyết, thống nhất thì đó luôn là phương án tối ưu, có lợi nhất cho cả đôi bên. Đó là lý do họ làm ở đâu cũng đạt được thành tựu lớn và được mọi người xung quanh yêu mến. Để có được điều này thì họ phải xuất phát từ tình yêu thương giữa người với người. Bất cứ đối tác nào họ làm việc cùng họ đều làm dưới tinh thần nâng đỡ, hỗ trợ và trân quý nhau. Thế nên mối quan hệ ấy không những tốt đẹp, hiệu quả mà còn bền vững, sâu sắc theo thời gian.
Thứ hai: Liên tục trau dồi, học hỏi nhất là khả năng sử dụng ngoại ngữ
Thú thật mình thấy giỏi được Tiếng Anh đã là một sự nỗ lực rất lớn rồi nhưng những công dân toàn cầu đúng nghĩa, họ tinh thông ít nhất 4 ngoại ngữ. Đó là lý do đầu óc họ trở nên nhanh nhạy, sắc bén, bởi một người giỏi ngoại ngữ thì tư duy, góc nhìn của họ cũng đã rất khác. Họ được quan sát vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, am hiểu nhiều nền văn hoá nên góc nhìn của họ cũng được mở rộng một cách đa chiều và hệ thống. Mục tiêu của mình là thông thạo bốn ngoại ngữ: Anh, Nhật, Trung và Hàn. Mình sẽ dành mỗi năm học chuyên sâu về một ngôn ngữ, từ giờ đến lúc 50 tuổi có lẽ mục tiêu này sẽ trở thành sự thật. Mình có tận 20 năm nữa để hiện thực hoá nó cơ mà. Chưa bao giờ tình yêu ngoại ngữ của mình lại bùng nổ như những năm gần đây. Có lẽ là do ba quân sư (Benjamin Franklin, Bác Hồ và Giáo sư Phan Văn Trường) mà mình yêu mến và ngưỡng mộ, họ đều là những người rất giỏi về ngoại ngữ.
Thứ ba: Ghi chép chỉn chu, khoa học
Tất cả những nhân vật mà thầy Trường chia sẻ đều là những người vô cùng chỉn chu trong công việc và cuộc sống. Khi họp hành, họ dành thời gian để lắng nghe và ghi chép cẩn thận những gì đã được thống nhất, thông qua. Đến khi cuộc họp kết thúc thì văn bản cũng đã được in ra và đưa đến tay của mỗi người. Việc rất nhỏ này nhưng lại cho chúng ta những kết quả vô cùng to lớn. Những điều gì đã được thông qua, sẽ không mất thời gian bàn lại nữa. Mình cũng là người ý thức được việc ghi chép lại trong mỗi buổi họp nhưng để chỉn chu, tỉ mỉ và chuyên nghiệp như nhân vật mà thầy chia sẻ thì đúng là chưa bằng một góc. Hihi, nhưng biết hình mẫu để mà rèn giũa thì chắc chắn mình sẽ làm được như anh ấy. Mình tin sự chỉn chu, khoa học ấy sẽ giúp mình rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Mới có thói quen ghi chép thôi mà mình đã thấy cuộc sống và học tập của mình rất rất khác rồi.
Việc ghi chép bài bản và khoa học đã giúp mình hệ thống kiến thức rất rất tốt khi đi học bằng lái xe B1. Kiến thức đó không chỉ phục vụ mình trong việc tham gia giao thông, thi cử mà còn giúp mình có thể chia sẻ tường tận với những học viên khác trong lớp. Mình biết có những bác đi học lái xe sẽ gặp phải nhiều vấn đề trong việc tiếp cận với kiến thức mới cũng như công nghệ. Thế nên mình thường dành thời gian để trao đổi, hỗ trợ các bác ấy. Có bác còn trêu mình, cô Nghĩa nên ở lại làm giáo viên khoa lý thuyết luôn đi. Mình cảm thấy rất vui khi mình đã được các bác ấy ghi nhận là truyền đạt dễ hiểu, giúp các bác ấy dễ dàng nắm được những gì mà thầy cô truyền dạy, bước đầu hoàn thành xuất sắc phần thi kết thúc học phần. Nếu không có quá trình ghi chép có lẽ mình đã không thể nào hệ thống, ghi nhớ kiến thức sâu như thế.
Thứ tư: Làm việc trong sự tỉnh thức
Mình đọc cuốn sách của thầy vào thời điểm mình đang dẫn dắt lớp đọc sách thực chiến gần 100 học viên. Lớp học này đang thực hành cuốn “thức tỉnh mục đích sống”. Mình vô cùng yêu thích cuốn sách ấy dù cho nó là một cuốn khá khó đọc, mang tính suy ngẫm rất cao. Mình tâm đắc rất nhiều thông điệp trong cuốn sách và một trong số đó chỉnh là “làm việc trong sự tỉnh thức”. Và thông điệp ấy được hiện diện rất rõ trong những nhân vật mà thầy Trường chia sẻ. Chính thầy cũng là người làm việc trong tỉnh thức, tập trung 100% năng lượng, tâm tưởng của mình cho từng việc mình làm. Thế nên vì sao khi thầy quan sát những người xuất chúng làm việc, nó lại tác động sâu sắc đến thầy như vậy. Họ hiện diện 100% ở đó và sẵn sàng làm mọi việc mà vũ trụ yêu cầu. Họ không làm chỉ để cho xong, để hoàn tất KPI mà công ty giao phó. Họ làm để tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc mà công việc mang tới cho họ. Những người không làm việc chăm chỉ, hết mình sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến này.
Hôm nay khi nói chuyện với Phương Thảo – trợ lý đầu tiên của mình. Chị ấy bảo “sao giờ mình khác thế, dù ngày nào hai chị em cũng nói chuyện với nhau nhưng chị vẫn cảm nhận rất rõ sự thay đổi của em”. Dường như mình chẳng còn nói nhiều đến mục tiêu tài chính, phải đo lường thế này, phải phát triển thế kia để đạt KPI. Tất cả của mình gói gọn trong việc LÀM TRỌN VẸN MỌI THỨ mà thời điểm này mình được yêu cầu. Và quả thực chưa bao giờ mình cảm nhận được sự an yên đến vậy trong cuộc sống của bản thân. Mình dành 6 tiếng đồng hồ chỉ để nhìn lại hành trình mà học viên của mình đã cùng mình đi qua. Sau đó viết ra những điều mình dặn dò, gửi gắm sau khoá học. Và bạn biết không, những gì xuất phát từ trái tim nó sẽ chạm đến trái tim. Học viên của mình đã vô cùng xúc động, lần lượt những lời chia sẻ được gửi đến mình. Và mình biết rằng đó là niềm hạnh phúc mà công việc đem lại. Chỉ những người dành trọn tâm trí và trái tìm mình cho công việc thì mới cảm nhận được điều này. Vậy nên bạn ạ, công dân toàn cầu nó bắt đầu từ việc nhỏ nhất là hết mình với bất cứ điều gì bạn làm. Hãy dành trọn vẹn trái tim, khối óc và tình yêu thương của bạn cho từng phút giây mà bạn hiện diện. Bạn sẽ thấy sự đủ đầy, bình an nằm ngay ở chính trong công việc mà bạn vẫn đang làm bao lâu nay.
3. LOẠI BỎ NHỮNG ĐỊNH KIẾN
Mình thấy có rất nhiều người Việt của chúng ta còn thường trực rất rất nhiều định kiến trong tâm tưởng. Và một trong số đó chính là định kiến thường trực trong quan hệ gia đình. Tiêu biểu
– Định kiến về nối dõi tông đường: Nhiều gia đình chỉ vì điều này mà ảnh hưởng tâm lý đến tất cả thành viên trong gia đình, thậm chí tạo ra những tổn thương không đáng có. Nhất là ở những vùng quê nghèo thì tư tưởng này lại càng nặng nề. Họ lo rằng sau này không còn ai nối dõi, không có ai thờ phụng, già không có ai nương tựa…Điều này dẫn đến rất rất nhiều những bi kịch trong gia đình. Vợ chồng lục đục, chồng thậm chí ngoại tình để cố kiếm được một thằng cu ở bên ngoài. Có gia đình dù con cái đã lớn, lập gia đình rồi, vợ có tuổi không thể sinh nở được nữa nhưng vì vẫn khao khát có một thằng cu nối dõi nên đã tìm kiếm nhân tình bên ngoài. Gây ra sự tổn thương rất lớn cho người vợ và sự chua xót cho những đứa con. Ba cô con gái xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt nhưng lại không là gì trong mắt cha. Đặc biệt nỗi đau lớn nhất của họ lại là cảnh nhìn cha ghẻ lạnh với mẹ mình – người bạn đời đầu ấp tay gối của ông. Sự bất hạnh ấy xuất phát từ định kiến trọng nam khinh nữ, và muốn có người nối dõi tông đường của người cha. Mình nghĩ mỗi một đứa trẻ đến với cuộc đời của chúng ta đều là duyên phước rất lớn được tích luỹ từ nhiều kiếp. Vậy nên con trai hay gái thì hãy trân quý, yêu thương và biết ơn vì con đã đến bên mình. Hãy chỉ sinh con khi sẵn sàng và có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi nấng hay dạy dỗ con.
– Định kiến về con mình, con người: Con dâu, con rể thì cũng đều là con trong gia đình nhưng rất nhiều cha mẹ hà khắc với các con chỉ vì “khác máu tanh lòng”. Có những gia đình mẹ chồng chỉ cần thấy con trai giúp vợ rửa bát là ngay lập tức mặt nặng mày nhẹ với con dâu. Tại sao mẹ luôn than phiền là bố không giúp đỡ mẹ làm việc nhà nhưng lại không cho con trai mẹ làm điều đó cho vợ của mình? Tại sao mẹ cũng đi làm dâu nhưng lại không yêu thương, giúp đỡ và trân quý con dâu của mình? Thế nên chúng ta, sống trong thể kỉ XXI, để trở thành một công dân toàn cầu ta phải phá bỏ định kiến in sâu vào tâm tưởng này. Hãy yêu thương, quan tâm và tạo điều kiện cho các con. Chứ không phải hà khắc, chỉ trích và phá hoại những gì mà các con đã cất công xây dựng. Và theo mình con cái khi lập gia đình nên ở riêng để vợ chồng có không gian riêng tư, mối quan hệ với cha mẹ cũng sẽ được thắt chặt khi cuối tuần xum vầy thay vì ngày nào cũng chạm chán. Khoảng cách hai thế hệ, rồi những thói quen, suy nghĩ thường ngày sẽ khó mà khớp được luôn. Thế nên cách tốt nhất vẫn nên là có không gian riêng, sự phù hợp, tinh chỉnh sẽ dần dần được vun bổi, xây đắp theo thời gian.
– Ép rượu, gắp thức ăn trên bàn ăn: Ép rượu là một trong những thói quen rất xấu của người Việt mình. Điều này đã gây ra rất nhiều hệ luỵ sau này như sức khoẻ suy yếu, xích mích giữa người với người hoặc nặng nề hơn là tai nạn, mất mạng sau cuộc rượu. Bỏ đi cách cư xử này sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn với công dần toàn cầu đúng nghĩa.
Tiếp đó là việc hiếu khách bằng việc gắp thức ăn trên bàn ăn, ở Việt Nam chúng ta thì cho đó là thiện chí nhưng với rất nhiều những nền văn hoá khác thì đó lại là điều nên tránh. Bởi có thể món ăn không hợp với khẩu vị của người kia, họ đã không muốn ăn. Khi ta gắp vào, chưa nói đến vấn đề vệ sinh, nếu món ăn đó không phải là món ăn họ thích, họ lại thêm đôi phần khó xử. Ăn hết thì họ sẽ cảm thấy rất khó chịu ở bên trong, còn không ăn thì lại thể hiện họ không tôn trọng chúng ta. Từ đó đưa vị khách của mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sau này rất có thể họ sẽ không muốn kết giao sâu với chúng ta chỉ vì tình huống lần này. Bởi ta đã mang cho họ một cảm giác không thoải mái.
Nói chung, đây là một cuốn sách rất hay, rất đáng đọc và rất đáng suy ngẫm. Cuốn sách này không chỉ dành cho các bạn trẻ mà mình tin rằng bất cứ ai cũng nên đọc để hiểu hơn về thông điệp mà vũ trụ đang trao đến cho mỗi chúng ta. Thông điệp toàn bài mà thầy Trường muốn chia sẻ chính là để làm công dân toàn cầu bạn phải là công dân vũ trụ trước. Bạn phải biết quý trọng người mẹ thiên nhiên, quý trọng những gì mà bạn đã được vũ trụ ưu ái ban tặng. Cuốn sách này cũng là một trong số những sự ưu ái mà vũ trụ dành cho mỗi chúng ta.