Chúng ta bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng đều mong muốn đem tới những điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên nếu ta không có tư duy đúng thì rất dễ ta chỉ nhân danh tình yêu thương mà làm tổn hại đến con, không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần của trẻ nữa. Vết thương về thể xác thì có thể nhanh chóng lành lại nhưng nỗi đau tinh thần thì có thể sẽ tồn tại mãi mãi. Nếu những đứa trẻ ấy không biết cách để vượt qua, chữa lành những nỗi đau tinh thần ấy thì rất có thể chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ sau này.
Bản thân mình trước kia đọc rất nhiều đầu sách làm cha mẹ, nhưng đọc xong mình vẫn thấy sao nhiều bí quyết, công thức và mô hình quá. Mình muốn một thứ gì đó đơn giản thôi, và may mắn hành trình tìm kiếm điều đó đã cho mình rất nhiều những bài học quý giá. “Giáo dục tuyệt vời nhất bằng đơn giản nhất” chính là một trong số những điều quý giá mà mình tìm được. Cuốn sách dù rất dài, hơn 500 trang nhưng đọc tới đâu là thấm tới đó. Những kiến thức về kết nối và song hành cùng con cứ thế được hệ thống lại một cách chân thực, dễ hiểu. Cuốn sách có rất nhiều điều tương đồng với nhận thức và tư duy của mình trên hành trình song hành cùng con. Nên thực sự nó rất chạm đến mình. Sau đây là những điều giá trị mà mình rút ra được sau khi hoàn thành cuốn sách thú vị này.
1. Hãy bảo vệ tuổi thơ hồn nhiên của con
Trong thời đại hiện nay, để bảo vệ một tuổi thơ hồn nhiên cho con quả thực là điều chẳng hề dễ dàng. Cha mẹ không những cần phải nhìn xa, nhìn rộng mà thực sự phải rất quyết tâm, kỉ luật với chính mình nữa. Vì sao? Vì con cái và cha mẹ sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách, đặc biệt là sự thay đổi và phát triển chóng mặt của công nghệ. Con cái và cha mẹ rất dễ mất kết nối mỗi ngày với nhau nhờ các thiết bị thông minh và các thuật toán trên các nền tảng xã hội. Rất nhiều cha mẹ bị cuốn trôi đi bởi những khao khát cá nhân, có người cả ngày đi làm về mệt rồi tối chỉ muốn giải trí, nghỉ ngơi. Và cách duy nhất họ lựa chọn chính là chìm mình trên thế giới ảo. Và một cảnh tượng mà khắp nơi đâu đâu cũng dễ dàng nhìn thấy, bố mẹ mỗi người một chiếc điện thoại, bé con thì một mình một chiếc ti vi. Và thế là tuổi thơ hồn nhiên của con được xoay quanh các thiết bị điện tử mỗi ngày như thế. Các căn bệnh về tâm lý, rối loạn cảm xúc, nói chậm cũng xuất phát từ điều này. Cha mẹ cũng thường xuyên căng thẳng với nhau cũng bời họ mở cửa các giác quan của mình cho các nhà làm phim, các tập đoàn công nghệ tha hồ chi phối.
Thử thách thứ hai mà cả cha mẹ và con cái cùng phải đối diện chính là bệnh thành tích trong giáo dục. Có những đứa trẻ học từ sáng sớm đến đêm muộn, não không có một chút thời gian để nghỉ ngơi. Đứa trẻ ấy chỉ mong nhanh được làm người lớn để sướng như bố mẹ chẳng phải học, học thật là cơn ác mộng. Thay vì bé con được tham gia các trò chơi, được đi giao lưu, kết nối cùng bạn bè thì con lại phải vật lộn với những con số và chữ viết. Bố mẹ không quan tâm nhiều đến cảm xúc của con mà chỉ mong con có thể học thật giỏi, chỉ thế sau này con mới có tương lai. Mình xin nhấn mạnh lại khoảng 200 năm trước việc học tập và ghi nhớ thông tin xuất sắc sẽ cực kì có giá trị nhưng 200 trăm trở lại đây thì điều này là thừa thải và không có bất cứ ý nghĩa gì. Tại sao lại cần nhớ khi chỉ cần vài giây tìm kiếm con đã có thể biết được câu trả lời. Thứ ta cần dạy con chính là cách tư duy sâu, cách con biết tìm kiếm và sử dụng thông tin ấy như thế nào chứ không phải nhớ chúng. Nhiều ông bố bà mẹ vẫn chỉ nhớ những gì được dạy ngày xưa và đem những thứ đó để truyền lại lên người con, mà chính họ không nhận ra thời cuộc đã thay đổi. Thứ duy nhất thời đại này con cái họ không cần dùng đến lại chính là kinh nghiệm, bởi nó chỉ đúng trong những môi trường ít biến động mà thôi. Còn ngày nay, chỉ sau một ngày những gì hôm qua đang là xu hướng thì hôm nay đã xếp xó mất rồi.
Vậy cha mẹ cần bảo vệ tuổi thơ cho con bằng cách nào? Bằng cách cho con trải nghiệm một tuổi thơ đúng nghĩa, cho con được thoả thích vui chơi, làm những điều con thực sự say mê và hứng thú. Chúng ta cùng đồng quan điểm rằng nhiệm vụ của giáo dục chính là giúp mỗi đứa trẻ HIỂU HƠN VỀ BẢN THÂN, giúp chúng nhận ra chúng thích làm gì, đam mê, hứng thú với điều gì và cuối cùng chúng giỏi làm gì nhất. Đây chính là lúc trẻ tìm ra được tố chất, thế mạnh của bản thân. Đây là nền tảng rất quan trọng để sau này con làm đúng việc, tìm ra sứ mệnh của đời mình. Để con không đi vào vết xe đổ, con là cá, giỏi bơi nhưng bố mẹ lại cứ bắt con phải trèo cây. Dẫn đến đứa trẻ ấy luôn thấy mình kém cỏi, sống không hạnh phúc vì không được làm điều mình thích, còn cha mẹ thì lúc nào cũng thấy con mình yếu kém, làm gì cũng không nên hồn. Bởi cha mẹ đâu có biết, con mình là cá thì dù có cố nhiều thế nào đi chăng nữa thì con vẫn không thể nào leo cây giỏi như con khỉ vừa mới sinh ra. Để có thể cho con vui chơi, trải nghiệm nhiều nhất có thể cha mẹ không những cần phải vượt qua “sĩ diện” về điểm số của con mà còn phải rất kỉ luật trong việc dành thời gian cho con mỗi tối. Đó là thứ không ai có thể xâm phạm được. Kể cả nhu cầu thèm được xem phim cho thoả thích của bản thân.
Mình rất khâm phục tác giả, vì chị ấy đã có thể bàn bạc với anh xã là dành nguyên một bức tường để con gái được tự do vẽ vời khi biết bé con rất thích thú với việc vẽ lên tường. Nhờ đó bé con rất say mê với bộ môn mỹ thuật, ngày nào con gái cũng thích thú vẽ để trang trí bức tường theo ý thích của mình. Nhiều người vào nhà nhìn thấy ngôi nhà rất đẹp, rất thẩm mĩ tại sao lại có một bức tường nham nhở như vậy. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của cô con gái thì họ đã hiểu được câu trả lời. Bức tường kia chỉ cần gọi thợ đến sơn một buổi sáng là nó lại đẹp như thuở ban sơ nhưng tuổi thơ của con gái thì không bao giờ có thể nhờ ai đó mà lấy lại được. Vậy nên hi sinh chút ít lợi ích trước mắt cha mẹ đã có lợi ích lâu dài mà không thứ nào so bì được.
Gia đình mình dù không có một bức tường để con gái vẽ vời như tác giả nhưng lại có vô số giấy, bảng vẽ và sổ cho bé con. Mình không ngại việc con học mà làm nhà cửa trở nên bừa bộn, mình muốn con được thoải mái, tự do để yêu thích việc học một cách tự nhiên. Có lẽ đó là lý do mà gia đình mình luôn là điểm đến của rất nhiều các bạn trỏ cùng tầng chung cư. Ngay cả các bạn cùng lớp của con cũng luôn rất thích được đến nhà để học và chơi cùng với con gái. Bởi ở ngôi nhà của chúng mình các con được hân hoan chào đón, được học, được làm, được chơi những điều mà các con say mê, hứng thú. Quan trọng nhất là ở đây đủ an toàn để các con có thể được làm những điều các con yêu thích.
2. Nuôi dạy con thuận tự nhiên
Mình biết có rất nhiều quan điểm, tư tưởng nuôi dạy con khác nhau. Bản thân mình luôn tìm tòi, học hỏi sau đó lựa chọn những gì đơn giản và phù hợp nhất để đem về áp dụng. Và may mắn những gì mình áp dụng đều mang lại những kết quả rất tuyệt vời, vượt xa mong đợi và kì vọng của bản thân mình. Mình nhớ khi mới bầu Cốm, mình đọc những dòng sách về thai giáo cho con. Mình không nhớ rõ những bước cụ thể nhưng mình nhớ nhất là những nguyên lý khi áp dụng, đó chính là làm những điều khiến mình vui và hạnh phúc. Mình hạnh phúc thì bé con mới hạnh phúc được. Tiếp theo là việc tương tác và trò chuyện cùng với con. Mình đã mang những điều ấy để biến nó thành cách thai giáo riêng của mình.
Mình hay đọc sách nên tối tối mình lấy sách ra đọc, và cứ đến 9h là mình chúc bé con ngủ ngon. Hôm nay ta đọc đến đây thôi, tới giờ đi ngủ rồi, gái yêu của mẹ ngủ ngoan nhé. Sáng mai mẹ sẽ gọi em dậy để hai mẹ con ta cùng ăn sáng nha. Việc trò chuyện với con được mình làm đều đặn hàng ngày, tới mức lần về quê nghỉ thai sản. Mình ở nhà một mình, chồng mình đi làm tối mới về, có người đi qua cứ nghe mình nói chuyện xong cười một mình, họ tưởng mình bị làm sao. Tối qua hỏi thăm, hoá ra mình nói chuyện với gái yêu trong bụng, có đoạn mình đọc sách hài quá nên cười sặc sụa…họ đi qua nghe mà hết hồn. Chắc họ tưởng mình bị trầm cảm, nhưng sự thật là mình cười như được mùa khi ở một mình trò chuyện cùng con gái.
Thú thật là mình cứ làm vì lúc đó mình đọc được sách nói rằng bé con đã có thể nghe và hiểu những gì mẹ chia sẻ ngay từ trong bụng nên mình làm. Vì mình biết nó cũng chẳng tổn hại gì đến con, kết quả là con gái mình ngày đầu tiên ra đời đã nhận được giọng nói quen thuộc của bố mẹ. Khi nghe bố kể chuyện mắt nàng ấy cứ liếc nhìn theo bố, chồng mình hạnh phúc lắm, ngày xưa cùng vợ thai giáo vì chiều vợ khi vợ đang bầu nhưng sau này khi tự anh kiểm chứng kết quả, anh đã hoàn toàn tin mình. Nhờ thai giáo mà mình nuôi con khoẻ re, nàng nhà mình ti ngoan, ngủ ngoan, mẹ không hay phải thức đêm. Vì thế mẹ con mình đã có những năm tháng đồng hành đầu đời cùng con rất hạnh phúc.
Mình thừa thắng xông lên, tiếp tục áp dụng nguyên lý trò chuyện với con mỗi ngày. Làm gì mình cũng nói cho con nghe, mình không bao giờ dùng ngôn ngữ của một đứa trẻ để nói chuyện với con, mình nói với con như hai người bạn. Ví dụ con khóc mình sẽ nói “em khóc à, mẹ xem em làm sao nào, em đói bụng à con, mẹ cho em ti nhé” rồi mình cho con ti sữa, nhưng nếu bé con không chịu ti, mình sẽ nhẹ nhàng đặt con xuống để kiểm tra bỉm cho con, miệng vẫn không quên nói chuyện “thế là không phải do em đói rồi, để mẹ kiểm tra bỉm cho em nhé, đúng rồi, bỉm đầy rồi mà mẹ không biết nên làm em khó chịu, em nằm ngoan chờ mẹ đi lấy bỉm thay cho em nha”. Rồi mình vừa thay vừa nói chuyện với con. Ngoài ra vì có khả năng hát tốt nên khi con ngủ mình cũng thường xuyên hát ru con. Nhờ đó mà sau này khi lớn lên bé con của mình cũng có khả năng cảm thụ âm nhạc, thơ ca khá tốt.
Mình chia sẻ những câu chuyện của bản thân vì trong cuốn sách tác giả cũng rất đề cao việc nuôi con thuận tự nhiên. Thứ gì đi ngược lại với tự nhiên đều sẽ có vấn đề. Rất nhiều bà mẹ vì muốn thai giáo cho con mà đã mở nhạc lớn, áp vào bụng cho con nghe, dẫn đến sau này khi ra đời thính giác của đứa trẻ có vấn đề. Có bà mẹ dù chẳng am hiểu chút gì về nhạc cổ điển nhưng nghe nói nhạc đó rất có lợi cho trẻ nên lúc nào cũng mở cho con nghe còn bản thân vì nghe nhiều mà chẳng hiểu gì nên đâm ra chán ghét. Điều đó rất bất lợi cho thai nhi, thế nên hãy làm những gì mà bạn yêu thích, khiến tâm trạng của bạn vui vẻ, chỉ có như vậy mới tốt cho bé con của bạn.
Một điểm nữa mà mình thấy rất nhiều người truyền tai nhau đó là khi con bé, bà mẹ không nên bế hay cưng nựng con nhiều vì sau này con sẽ theo hơi mẹ, đi làm sẽ rất khó. Mình không biết nguyên lý này lấy ở đâu ra, mình cũng được nghe mẹ mình và những người xung quanh nói nhưng mình từ chối áp dụng. Bởi với mình những năm tháng đầu đời của trẻ, sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Bé con nhà mình, ngày nào mình cũng ôm ấp, bế bồng và trò chuyện cùng con. Mình thấy con chẳng có vấn đề gì khi mình đi làm cả, ngược lại con rất vui tươi, khoẻ mạnh, con có thể chơi cùng với ông bà và mọi người rất tốt khi mẹ đi làm. Mẹ về là lại lao vào vòng tay của mẹ, hai mẹ con cứ thế ôm ấp, hít hà hơi của nhau.
Đến nay việc thơm con hàng ngày, vợ chồng mình vẫn thường xuyên làm, chồng mình còn mắc thêm bệnh ngắm con. Anh ấy đã ngắm bé con của mình tới nay gần 6 năm mà vẫn chưa chán bởi quá yêu con gái. Nàng nhà mình vì luôn nhận được sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ, ông bà và những người xung quanh nên khả năng hồi phục của con rất tốt. Kể cả con có thất bại hay thua cuộc một trò chơi, cuộc thi nào đó thì nó ít khi ảnh hưởng tới sự tự tin của con vào ngày hôm sau. Lý do vì con biết con luôn có bố mẹ và những người thân yêu yêu thương, cổ vũ cho con. Vậy nên cha mẹ hãy cứ yêu thương, quan tâm và nuôi con thuận tự nhiên thì tự nhiên mọi chuyện sẽ thuận.
3. Ba báu vật quan trọng
Đọc sách: Mình và chồng đều có thói quen đọc sách mỗi ngày, nhà mình đâu đâu cũng có sách. Bé con nhà mình cầm vào cuốn sách dễ hơn nhiều so với đi tìm điều khiển ti vi. Thế nên việc con yêu thích sách là lẽ đương nhiên. Bởi mình đã tạo ra môi trường yêu sách cho con từ bé. Từ ngày trong bụng bé tới nay lúc nào con cũng được bố mẹ đọc sách, kể chuyện cho nghe. Nàng ấy cũng khám phá ra được vô vàn những câu chuyện thú vị, đặc sắc từ sách. Chỉ năm ngoái thôi mình còn được lựa chọn đầu sách đọc mỗi tối cho con nhưng năm nay thì không. Trước khi đi ngủ nàng ấy sẽ tự ra giá sách của mình, lựa 4 cuốn truyện mà nàng ấy thích để đưa cho bố hoặc mẹ đọc. Đọc xong cả nhà lại chơi trò hỏi xoáy đáp xoay để xem bé con có hiểu gì về câu chuyện không. Thói quen này khiến nàng nhà mình nắm bắt câu chuyện rất tốt, trả lời câu hỏi cũng rất nhanh chóng và chính xác.
Mình đề cao thói quen này là bởi vì sách chính là ân nhân và cũng là người thầy lớn của cuộc đời mình. Mỗi một cuốn sách đi qua, mình đã không còn là mình của vài tiếng trước nữa. Hơn ai hết mình hiểu được tác dụng to lớn của việc đọc sách mang lại, thế nên cả hai vợ chồng mình đã dành thời gian để bồi dưỡng chon con từ bé. Ngay cả trường cấp 1 sắp tới của con mình cũng ưu tiên lợi thế có thư viện sách và một tiết đọc sách chính thức trong thời khoá biểu của trường để lựa chọn.
Sự tự do: Tự do ở đây không có nghĩa là dung túng, bỏ mặc mà là ta cho trẻ ba quyền, quyền được lựa chọn, quyền được thử nghiệm và quyền được phạm lỗi. Mình luôn để cho con được lựa chọn làm những điều con muốn và cho phép con được chịu trách nhiệm về hành động của mình. Mình nghĩ rằng bản thân mình khi mới làm việc gì đó, làm gì đã đúng ngay từ đầu, chính mình cũng đã phạm rất nhiều sai lầm, thì tại sao mình lại tước đi của con cái quyền ấy. Mấu chốt là sau mỗi lần phạm lỗi con rút ra được bài học cho mình và tốt nghiệp chúng là được. Con cần có tự do thì con mới có thể tự giác được, mình thấy có rất nhiều cha mẹ thường lo sợ con làm sai mà luôn tìm cách để chỉ đạo con hoặc làm hộ cho con. Chúng ta liệu có thể làm hộ cho con mãi mãi không? Với cách làm hộ như thế thì bao giờ con mới có thể làm được những sản phẩm đầu tiên mang tên con?
Mình và chồng thường để cho con được lựa chọn làm những gì con muốn, kể việc mặc quần áo, phối đồ. Có hôm trời nắng lắm nhưng nàng ấy cứ thích mặc chiếc quần bò dài, mình vẫn tôn trọng con. Tới lớp cô hỏi bạn ấy bảo cô yên tâm 100% cotton nên không nóng đâu cô ạ, về cô kể cho mẹ, mẹ chỉ cười. Hôm sau mẹ hỏi xem em có muốn mặc lại chiếc quần đó nữa không thì bạn ấy bảo, con thấy cũng mát nhưng mà hơi khó chịu vì nó dài mẹ ạ. Nên con sẽ mặc quần giả váy cho thoải mái, nói rồi nàng ấy vào nhà lấy chiếc quần mà nàng ưng ý ra mặc rồi đi học.
Câu chuyện về con chọn gì, mặc gì không phải là chuyện mới nhưng nó sẽ phản ánh được cách ta cho trẻ quyền lựa chọn và dám chịu trách nhiệm với những sai lầm của mình. Hôm sau tự trẻ sẽ rút ra bài học cho bản thân. Đôi khi cha mẹ cứ hay lo cho trẻ, thực tế cha mẹ chỉ nên lo là ta có đang tước mất sự tự do của con hay không mà thôi.
Tấm gương tốt: Chúng ta đừng chỉ nói với con mà còn cho con thấy sự đồng nhất giữa lời nói và hành động của ta. Bé con sẽ luôn dõi theo cách ta làm mọi việc, rồi biến nó thành một phần bên trong trẻ lúc nào chẳng hay. Mình thường hay chia sẻ với các học viên, ta cứ nói với bé con rằng khi gặp chuyện gì con phải luôn giữ được sự bình tĩnh. Nhưng lại rất ít cha mẹ có thể đủ bình tĩnh với trẻ. Có những ông bố bà mẹ khi nhận được tin con mình ẩu đả với bạn đã ngay lập tức về nhà quát tháo, đánh đập con. Đánh xong mới bảo con ra để nói chuyện rồi bắt đầu giao giảng đạo lý, bố đi làm đã rất vất vả để nuôi con nên con phải…Thực sự đó không phải là tình yêu thương đúng đắn của một người cha. Ta chỉ đang xảo biện cho cái sai của mình mà thôi, đánh con chưa bao giờ là giải pháp hiệu qủa và đúng đắn cả.
Nếu muốn dạy cho trẻ cách bình tĩnh cha mẹ cũng cần là người bình tĩnh, điềm đạm trước thì mới có thể dạy con được. Bởi đứa trẻ sẽ nhìn theo cách cha mẹ mình đã làm gương để mà học chứ không phải những điều mà cha mẹ nói. Thế nên mỗi lần định làm gì đó ta hãy tự hỏi ĐÂY CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU MÀ TA MUỐN DẠY CHO BÉ CON CỦA MÌNH HAY KHÔNG? Nếu không phải thì hãy dừng lại, chuyển hướng sang làm đúng với những gì ta muốn con nhìn thấy và học theo.
4. Hãy trở thành cha mẹ thú vị, độc lập
Nhiều cha mẹ rất giỏi ở ngoài xã hội nhưng lại nuôi dạy nên những đứa con bất tài, vô dụng, thậm chí là phá gia chi tử. Có những gia đình, cha mẹ cực kì giàu có nhưng vì nuôi dạy con sai cách nên chỉ sau một thời gian đứa con trai phá sạch, cha mẹ không còn nhà để dung thân. Nhìn lại hành trình ấy thì rất nhiều ông bố bà mẹ đến tuổi xế chiều mới nhận ra cái sai của mình, đó là họ quá áp đặt con, họ mang luôn chức danh, vị trí ngoài xã hội cùa mình để trút lên đứa con.
Đứa con chỉ làm theo mệnh lệnh, như mộ cái máy, lâu dần đâm ra uất ức, phản kháng. Sau này đứa trẻ ấy chỉ muốn khiến cha mẹ của mình phải hối hận vì cách mà họ đã làm với anh ta. Ở đây ta đều hiểu cha mẹ luôn chỉ muốn tốt cho con, nhưng cái cha mẹ muốn chắc gì là cái mà đứa trẻ cần. Nếu ta muốn giúp con thì phải lấy con làm trọng tâm, làm gốc chứ không phải lấy mong muốn của ta làm nển tảng. Con thích bơi vì con là cá nhưng cha mẹ lại muốn con phải trèo cây vì với họ trèo cây mới có thể nhìn thấy thế giới trên cao, mới hơn nhiều người ở dưới mặt đất mà không biết rằng, hành trình trèo cây ấy đã khiến đứa trẻ mỏi mệt, tổn thương và đánh mất chính mình.
Một kiểu cha mẹ khác, dù không quá giỏi giang như cha mẹ trên kia nhưng họ cũng áp đặt không kém đến con của mình. Bởi họ đã hi sinh mọi thứ vì con, và vì thế họ không bao giờ chấp nhận được việc con không nghe lời mình, không còn nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa. Họ ép con ăn kể cả khi con nói con đã rất no rồi, họ ép con mặc những bộ quần áo mà con không thích, họ muốn con làm việc ở gần nhà vì họ không thể nào xa con được. Nếu con phản kháng, chống cự họ sẽ lấy lý do họ hi sinh cả đời cho con rồi mà sao con lại đối xử với họ như thế. Những kiểu cha mẹ này có rất nhiều và thực sự là mối nguy hại của con cái mai này, nhất là khi đứa trẻ lập gia đình. Cha mẹ sẽ không ngừng can thiệp vào cuộc sống của con, nào là cho con ăn thế nào, nuôi dạy ra sao, đặt tên cháu là gì, bao nhiêu lâu thì sẽ cai sữa….
Nhìn qua thì ta sẽ thấy hai kiểu cha mẹ trên không có điểm chung với nhau nhưng thực tế thì họ vẫn có. Dù kinh tế, bối cảnh và môi trường sống khác nhau nhưng họ đều thích áp đặt và quản lý đứa con của mình. Điểm chung tiếp theo là họ thường là những người khá nhạt nhẽo. Những ông bố bà mẹ này ngoài công việc ra thì chỉ còn mỗi chuyện con cái nên nếu không được can dự vào chuyện của con họ sẽ thấy lo lắng, bất an và thiếu thốn. Thế nên cha mẹ ạ, ta cần phải có những sở thích riêng của mình để bản thân trở nên thú vị, yêu đời hơn.
Ta có thể học nhảy, học đàn, học nấu ăn, học cắm hoa, học hát, học vẽ…có rất nhiều thứ mà ta có thể học để khiến mình yêu đời hơn, hạnh phúc hơn. Là cha mẹ chính ta cũng cần học cách phân ly, buông tay cho con lớn dần để con trưởng thành và phát triển. Bản thân mình luôn thấy mình rất may mắn, vì nhà nghèo, bố mẹ bận rộn làm ăn nên việc gì cũng để mình tự quyết định, tự lo liệu, kể cả việc học, việc chọn trường cho đến việc làm ở đâu và lấy ai. Khi mình sinh con bố mẹ cũng ở bên động viên, sát cánh chứ ít khi can thiệp vào việc nuôi dạy con của mình. Vì thế mối quan hệ của mình và bố mẹ đều rất vui vẻ. Sau này khi bé con của mình lớn khôn, trưởng thành mình sẽ tha hồ làm những điều mà ngày trẻ mình thèm làm nhưng chưa dám. Với mình tuổi sinh học chỉ là một phần rất nhỏ thôi, tuổi đời, tuổi tinh thần thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi sinh học kia.
Một bài siêu dài, còn muốn viết tiếp nhưng thôi, hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các cha mẹ có thêm một tấm gương nữa để ta soi chiếu mình trên đó. Mình khâm phục những ai đã đọc tới đây lắm ấy.