Mình biết có rất nhiều cha mẹ mong muốn bé con mình được tự tin, tuy nhiên nhiều cha mẹ lại chưa ý thức được rằng ta chính là người tước đi của con sự tự tin ấy. Bài chia sẻ này của mình không có ý trách cứ cha mẹ (vì trong từ điển của mình không có từ này) mà mình mong muốn giúp cha mẹ tỉnh thức. Đó là nền tảng quan trọng nhất để vun bồi sự tự tin cho trẻ.
Mình gặp rất nhiều em bé không dám tự ý làm việc gì, con định làm gì cũng phải ngước lên nhìn sắc mặt của mẹ. Thậm chí gặp người lạ, được hỏi chuyện con cũng không dám phản hồi lại. Lý do vì sao? Vì con sợ làm sai, nói sai mẹ sẽ trách phạt. Thói quen này xuất phát từ việc trẻ bị cha mẹ uốn nắn quá nhiều trong gia đình. Dẫn đến tâm lý làm gì cũng sợ sai, nói gì cũng sợ không đúng, dẫn đến việc con không dám nói ra những suy nghĩ của mình. Chính tâm lý này của con lại thường bị cha mẹ gán cho là nhút nhát, hướng nội, không dám nói chuyện với ai mà không biết rằng chính cha mẹ chúng ta là nguyên nhân chính tạo nên sự nhút nhát, tự ti ấy của trẻ.
Ta có đồng ý với nhau rằng bản thân những người làm cha mẹ như chúng ta cũng phạm phải rất nhiều sai lầm không? Và cũng nhờ những sai lầm ấy ta mới khôn ra, trưởng thành hơn. Khi mình đi học lái xe, có những bài thầy dạy rồi nhưng khi vào một khu vực mới não mình chưa kịp xử lý dẫn đến làm sai. Thầy giáo của mình không mắng mà chỉ ra cho mình từng sai lầm mà mình gặp phải. Dĩ nhiên thầy cũng nói âm lượng lớn hơn bình thường nhưng mình vẫn cảm nhận được tận tâm, và hết lòng của thầy dành cho học viên. Chỉ sau lần chỉ dẫn ấy mình đã lái ngon ngay. Tâm lý của chúng ta khi phạm phải sai lầm là gì? Là ta đã sợ lắm rồi, chỉ mong có thể rút kinh nghiệm và làm tốt trong lần kế tiếp. Đó chính là lý do vì sao sau mỗi lần được thầy chỉ ra cho những điều cần tránh mình lại làm rất tốt.
Quay trở lại câu chuyện của bé con, mỗi khi phạm phải một sai lầm nào đó, con đã khá lo lắng và ân hận rồi. Một đứa trẻ có tâm lý bình thường thì sẽ luôn ý thức được điều này. Vậy nên cha mẹ ạ, những lúc đó ta hãy khoan dung với con, giữ cho con chút thể diện để tránh gây ra tâm lý sợ hãi, bất an trong con. Câu chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, lời con nói cũng đã vô tình nói ra rồi. Nếu ta có trách phạt cũng không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ khiến cho con thêm căng thẳng. Chưa kể có những em bé bị dồn nén tâm lý lâu ngày sẽ tạo ra sự phẫn nộ, chống đối mà cha mẹ hay gọi là ương bướng đấy. Ương bướng không phải tự nhiên mà có, nó xuất phát từ tâm lý con đã bị cha mẹ dồn nén, áp đặt quá lâu.
Chồng mình là người khá nghiêm khắc và rất quy tắc. Thế nên mỗi lần con làm gì sai bố thường nói với âm lượng lớn hơn bình thường (dù đó không phải là những câu nói nặng lời), vẫn khiến bé con nhà mình sợ hãi. Mình phải dành thời gian trò chuyện riêng với chồng. Mình không muốn mối quan hệ giữa hai cha con có vấn đề, cũng không muốn làm tổn thương lòng tự trọng của con. Mình quan sát thấy, mỗi lần con phạm phải sai lầm gì đó, con đều rất hối hận, liền ra chia sẻ thật với mẹ. Những lúc ấy mình thường cùng con ra xem sai lầm của mình, rồi nói với con “ngày trước mẹ cũng thế mà, con đừng lo lắng, quan trọng là ta rút ra bài học để lần sau không phạm phải là được con gái ạ”.
Khi nghe mẹ nói vậy, con đều rất vui vẻ nhận ra bài học và cùng mẹ xử lý sai lầm của bản thân. Chính vì những điều này nên bé con của mình không sợ phạm phải những sai lầm, vì con biết rằng sai lầm không đáng sợ, mỗi lần làm điều gì mới phạm phải sai lầm là bình thường. Thế nên mỗi lần con làm sai, con đều chia sẻ với mình, bởi con biết rằng mẹ luôn tin tưởng vào con và cùng con lớn lên sau mỗi lần vấp ngã. Anh nhà mình đã thay đổi rất nhiều, anh trở nên bao dung, nhẫn nại và tâm lý với con hơn. Mối quan hệ giữa hai bố con cũng trở nên gắn kết và khăng khít hơn bao giờ hết.
Nhiều mẹ đọc đến đây sẽ lo lắng nếu ta không rèn, không uốn nắn cho con từ đầu lỡ con hư mất thì sao. Mình thì nghĩ rằng đứa trẻ khi được cha mẹ tôn trọng thì con sẽ học được cách tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác thì rất khó để con hư hỏng. Mình nhận ra trong gần sáu năm đồng hành cùng con, con rất ít khi phạm phải những sai lầm trước đó. Mình ví dụ khi bé con làm vỡ cốc, con ra chỗ mẹ rồi nói “con xin lỗi mẹ, con làm vỡ cốc mất rồi”. Mình liền đứng lên và hỏi xem con có bị thương ở đâu không? Khi được bé con xác nhận là không thì mình mới an tâm cùng con ra dọn chiến trường.
Mình bảo con lấy giúp mẹ cái chổi và cái đựng rác, bé con nhanh nhảu ra lấy cho mẹ. Vừa giúp con dọn mình vừa hỏi sao cốc lại rơi hả con, nàng ấy bảo con đi lấy nước không may đụng tay vào chiếc cốc nên nó rơi xuống mẹ ạ. Ôi vậy à, thế lần tới em cẩn thận hơn nhé. Mẹ thi thoảng cũng hay làm vỡ cốc lắm, nhưng toàn do mẹ vừa đọc sách vừa lấy nước thôi. Nàng ấy thấy có đồng minh mẹ nên không còn lo lắng nữa, cười hì hì. Sau khi dọn xong hai mẹ con mình cùng tìm ra bài học để lần tới rút kinh nghiệm như để ít cốc ở chỗ uống nước thôi, khi lấy nước cần tập trung để lấy. Và những lần sau đó con gái rất ít khi làm vỡ cốc, người làm vỡ cốc nhiều nhất nhà là mình.
Khi mình có bạn tới nhà chơi, mình đều giới thiệu con với một niềm tôn trọng. Thế nên nàng nhà mình cũng rất thoải mái, vui vẻ với những người bạn của bố mẹ. Nhất là những bác học viên đáng yêu của mẹ, khi các bác về con còn nhắc mãi không thôi. Vừa rồi có bác Hảo và bác Huyền vào nhà mình đi chơi, con ra trò chuyện, kết nối và làm quen với bác hết mình. Tối còn xin mẹ sang ngủ cùng hai bác nữa, mẹ cũng vui vẻ đồng ý, kèm theo lời nhắc nhở là “con và hai bác nói chuyện một lát thôi rồi đi ngủ, hai bác đi đường cả ngày mệt rồi con gái ạ.” Và thế là tối đó ba bác cháu nói chuyện rồi ôm nhau ngủ rất ngon.
Các mẹ có thể nói vì đó là con cô Nghĩa. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, con ai không quan trọng mà quan trọng là cha mẹ có ý thức để giúp con nuôi dưỡng sự tự tin của bản thân hay không. Sự tự tin ấy được thể hiện qua những điều nhỏ nhất thường ngày. Đó có lẽ là lý do vì sao các bạn nhỏ khi học cùng mình, kể cả bé nhỏ và nhát nhất con cũng trở nên tự tin hơn. Là bởi vì cô ý thức hàm dưỡng nó cho các con trong quá trình đồng hành.
Mình nhớ năm trước có cặp anh em sinh đôi, các con ban đầu nói bị lặp từ, rất khó để biểu đạt câu từ cho gãy gọn. Mẹ khá lo lắng, nhưng mình động viên chị, chị cứ bình tĩnh, con đã nói lặp bao lâu nay, giờ không thể một sớm một chiều khắc phục luôn được. Ta hãy cứ tập trung ghi nhận những gì con làm tốt, đừng quá tập trung vào yếu điểm của con nữa chị ạ. Và rồi kết quả vượt cả mong đợi của mình cùng mẹ của hai bé. Tuần cuối cùng hai con đã tự tin livestream rất tự tin, nói năng rất lưu loát, rõ ràng. Mình vô cùng hạnh phúc và xúc động khi xem bài thi cuối khoá của hai chàng trai ấy.
Cha mẹ thấy không, mình không làm gì nhiều cả, mình chỉ đơn thuần là GHI NHẬN những gì con đã làm được, cho con nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân sau những nỗ lực cố gắng. Nếu con chưa làm tốt ở đâu mình sẽ chỉ ra cho con nhưng trong một tâm thế rất hào hứng, vui vẻ. Đó là lý do ngày xưa khi Minh nhà chị Phương Thảo học với mình liền bảo mẹ “mẹ ơi cô Nghĩa hay khen con trước rồi mới góp ý mẹ ạ”. Đúng là một cu cậu tinh ý, quả thật cô có làm như thế kể cả lớp người lớn hay trẻ con. Bởi ai cũng muốn được ghi nhận, được người dẫn dắt nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực của mình nên các con sẽ cực kì phấn khởi để làm tốt hơn.
Năm ngoái cũng có một em bé học trường quốc tế từ nhỏ nên Tiếng Việt con lại không nhiều vốn từ bằng Tiếng Anh. Mình đón nhận con, khuyến khích con cứ mạnh dạn chia sẻ những điều con nghĩ và cảm nhận. Dần dần con nói rất trôi chảy, ngôn từ phong phú, lúc livestream còn chủ động hát tặng mẹ một bài hát nữa. Mình cùng mẹ của bé rất hạnh phúc, hai chị em mình còn gọi điện để chia sẻ niềm vui với nhau. Mẹ bé sau đó còn giới thiệu cháu ruột là sinh viên đại học học khoá thuyết trình người lớn của mình. Chị bảo đúng là ban đầu chị có hơi đắn đo một chút về khoá học, nhưng sự thay đổi của con đã khiến chị vô cùng vui sướng và hài lòng em ạ.
Ba mẹ thấy không, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều muốn thể hiện bản thân mình, chỉ là con chưa biết cách hoặc chưa được cha mẹ tạo điều kiện để thoả mãn khao khát đó mà thôi. Mình mong các cha mẹ có con học lớp thuyết trình kid mùa 3 của mình hãy nhớ lấy điều này để động viên, khích lệ con. Đừng lo lắng khi bé con làm chưa tốt những nhiệm vụ đầu tiên, hãy nhẫn nại, bao dung và tin tưởng vào con.
Chúng ta đều gặp những khó khăn nhất định khi mới làm một việc gì đó, thế mà đôi lúc ta lại muốn con làm trọn vẹn, hoàn hảo mọi thứ ngay từ đầu. Đó chính là mong muốn không tưởng cha mẹ ạ, vậy nên bất cứ lúc nào cha mẹ định đứng lên khiển trách con hãy tự hỏi bản thân mình rằng “ta muốn nuôi dưỡng sự tự tin của con hay phá huỷ nó” cha mẹ nhé. Mình tin là chỉ cần có câu hỏi đó dẫn đường, cha mẹ sẽ đưa ra sự lựa chọn khôn ngoan cho bản thân mình!