Bản thân Cuộc đời Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện Thái độ Thấu hiểu

LÀM SAO ĐỂ CHỮA LÀNH NHỮNG TỔN THƯƠNG

Trong khoá học tái sinh của mình có một bài tập đó chính là nhìn vào những tổn thương trong quá khứ của bạn và viết nó ra. Việc nhìn lại những tổn thương này quả thực chẳng dễ dàng, nhưng đã là những vết thương thì ta cần nhận diện được và chữa lành chúng. Nhân chủ đề này mình chia sẻ đến bạn cách mình đã tự chữa lành những tổn thương cho bản thân và song hành cùng bố mình xử lý những vết thương lòng đầy rẫy những nước mắt của ông.

Bố mẹ mình đều là người rất tình cảm, luôn yêu thương và quan tâm chị em mình hết mực. Dù gia đình thiếu thốn về vật chất nhưng tình cảm thì luôn đong đầy. Tuy nhiên bố mình lại là một người rất nóng tính, bố mình có thể ném cả nồi cơm đang nóng hổi bay qua nhà hàng xóm. Mâm bát mình chưa kịp đứng lên rửa bố mình cũng cho một phát ra sân. Mình nói chuyện với một người bạn nam khác giới đúng một tin nhắn bố biết được liền đốt hết sách của mình và tẩn cho mình một trận, lần ấy mẹ cũng giận quá khi mình cãi lại bố, mẹ tát cho mình hai cái.

Khỏi phải nói đêm ấy mình đau khổ như thế nào, một cô gái đang học cấp ba bị cả bố lẫn mẹ đánh mắng, đốt sách ngay trong đêm chỉ vì một tin nhắn “chúc em ngủ ngon” từ anh trai của người bạn mà cô ấy đang kèm học. Nhưng mình cũng không vì thế mà giận hay hận bố mẹ, mình chỉ buồn và có thêm nhiều nỗi sợ trong lòng. Nỗi sợ ấy ám ảnh mình đến tận những năm tháng đại học, mỗi lần bố gọi điện là mình lại lo lắng không biết gia đình có chuyện gì không? Nhà mình rất hay có những biến động như bố ngã xe, mẹ đi viện…thế nên mình bất an những lần nghe điện thoại của bố mẹ lắm.

Sau này khi nhận diện được chỉ là mình lo quá đó thôi, mình bắt đầu dành nhiều thời gian để trò chuyện với bản thân mình, mình nói với mình rằng “bố mẹ vẫn khoẻ mạnh, vẫn ổn, gia đình vẫn vui vẻ, không có chuyện gì hết”. Cứ thế mình học cách tin tưởng vào bố mẹ, vào gia đình mình và đuổi dần những nỗi sợ của mình ra khỏi cuộc sống. Sau này càng đi sâu vào bản thân thì mình nhận ra đôi lúc mình rất khó chịu với bố, mình khó chịu bởi sự nóng tính và cách làm chẳng giống ai của bố.

Mình nói mãi, phân tích mãi không được nên hai bố con mình đôi lúc vẫn cãi nhau rất lớn. Đỉnh điểm là mình đã từng yêu cầu chồng mình bây giờ là cưới em đi, em chán ở với bố em lắm rồi. Và chúng mình cưới nhau năm mình 24 tuổi, nhưng hài nhất là cưới xong mình lại về ở với bố mẹ tiếp. Lý do là vì chưa có nhà riêng, đường về nhà chồng xa nên chốt lại vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Đến đây khiến mình nhớ đến bài học về bảy tấm gương quan hệ, bài học nào mà chưa học xong thì còn lâu mà tốt nghiệp được, nó vẫn diễn ra hàng ngày. Mình với bố trừ những lúc tình cảm thì hai bố con vẫn cà khịa nhau thường xuyên. Nhưng bạn biết từ khi nào mình đã thay đổi tình hình này không? Có lẽ là từ lúc mình sinh ra bạn Cốm.

Có con mình trở nên nhạy cảm ơn, dễ xúc động hơn và biết yêu thương nhiều hơn. Những lúc ấy mình lại nghĩ đến bố, mình hiểu vì sao bố của mình lại nóng tính, lại có quá nhiều sự sợ hãi ở bên trong. Một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, lớn lên trong nước mắt, tủi hổ, không được đến trường, lại còn bị người ta đổ oan cho tội trộm cắp, bị đánh cho chảy máu mũi giữa trưa nắng. Sau này mới biết là oan nhưng không ai để ý đến những tổn thương mà họ đã gây ra cho đứa trẻ đó, bất giác mình nghĩ nếu đó là con mình thì mình sẽ đau đớn thế nào. Nhưng ngày ấy bố mình không có bất cứ ai đứng ra để bảo vệ ông, không một ai.

Một đứa trẻ như thế thì lớn lên sẽ thế nào nếu không phải là xù lông nhím ra để bảo vệ mình, một đứa trẻ như thế thì có gì để đáng tự hào hơn là những đứa con của anh ta. Một đứa trẻ vì thiếu thốn quá nhiều nên luôn đau đáu trong lòng là dù khổ cỡ nào cũng không để con mình phải khổ, một đứa trẻ vì sợ con mình hư hỏng, yêu đương sớm mà ảnh hưởng đến tương lai nên phải dạy con ngay từ trong trứng nước. Chỉ vì đứa trẻ ấy quá yêu con của hắn và muốn những điều tốt nhất cho những đứa con kia. Đứa trẻ ấy đã không ngại sương gió, không ngại những ngày đạp xích lô đến hăm cả háng để cho con có một tương lai tươi sáng mai này. Vậy thì chút nóng tính, chút bảo thủ, chút khó ưa kia có là gì với những hi sinh ấy.

Mình đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến bố, nghĩ đến những tổn thương, cay đắng mà bố phải gánh chịu. Kể từ đó mình và bố rất ít khi cãi nhau, mình chỉ hay đùa bố những lần bố bắt đầu làm mình căng thẳng “sao con vào ăn cơm với bố bố cứ cà khịa con nhề” thế là hai bố con cùng phá lên cười. Cười xong mình lại phân tích cho bố hiểu, còn nếu bố chưa hiểu thì mình sẽ nói vào một lúc khác. Mình muốn bảo vệ bố khỏi những tổn thương nên mình chọn cách dừng lại một nhịp và sẽ nói chuyện lại với bố khi bố đủ bình tĩnh.

Qua việc đào sâu, hiểu hơn về hoàn cảnh sống, về cuộc đời, về những vất vả, truân chuyên của bố, mình đã vượt lên trên những vấn đề thường ngày giữa hai bố con. Ở bên trên những vấn đề đó để học cách yêu thương, quan tâm, đỡ đần và chia sẻ với bố. Cũng nhờ cách này mình mới hiểu vì sao mẹ yêu và thương bố nhiều đến thế, dù nhiều khi sự nóng giận của bố làm mẹ rất buồn và tổn thương. Những lúc ấy mình lại song hành cùng mẹ, chia sẻ với mẹ vì sao bố lại như thế, và chia sẻ với mẹ cách để nói với bố sao cho hiệu quả.

Giờ đây gia đình mình đã vui vẻ, hạnh phúc hơn rất nhiều qua thời gian. Bố mình cũng dần buông bỏ được quá khứ từng ám ảnh bố, mình chỉ có duy nhất một nguyện vọng nữa mà thuyết phục bố chưa được đó là dạy bố học. Mình đang dành thời gian cuối tuần về để dạy em gái mình học chữ, em gái mà học thành công rồi mình sẽ thuyết phục bố dễ hơn nhiều. Bố mình đấy, dù đôi khi vẫn gia trưởng, vẫn bảo thủ lắm nhưng mình rất yêu bố và tự hào khi được làm con của bố.

Điều mình muốn nhắn nhủ với các học viên của mình đó là nếu ta chỉ đơn thuần nhìn một chiều ở phía ta cảm nhận thì đôi khi ta chỉ ôm ấp mỗi vết thương của chính mình nhưng khi ta đứng bên trên của tổn thương đó để nhìn thấu vào người làm mình tổn thương. Ta sẽ hiểu sâu sắc vì sao họ lại trở nên như vậy, khi ấy ta không còn buồn, không còn oán hận nữa mà ta sẽ thương họ.

Khi đã thương rồi thì ta sẽ tìm cách giúp được họ và giúp chính bản thân mình. Mấu chốt ở đây phải hiểu rồi thì mới thương được. Để làm được điều này ta cần thời gian để quan sát, để tìm hiểu và để đặt mình vào vị trí của họ. Khi ấy mọi thứ sẽ được tỏ tường, ta nhất định giúp được chính ta và người mà ta yêu mến!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *