Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện Thái độ

HỌC TẬP KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT MÀ LÀ CON ĐƯỜNG BỀN VỮNG NHẤT.

Có nhiều người nói “thời đại bây giờ chẳng cần phải học giỏi, đầy người ngày xưa học rất giỏi giờ thua những thằng học dốt”. Bạn nghĩ sao về quan điểm này? Bạn đồng ý hay bác bỏ chúng? Mình nghĩ quan điểm kia có phần đúng nhưng chưa đủ, và điều họ thấy chỉ là phần rất nhỏ trong bức tranh mà họ nhìn. Giỏi-dốt ngày xưa được so sánh, định vị dựa trên điểm số, bằng cấp. Mà thứ đó phụ thuộc vào trí nhớ, sự chăm chỉ chứ ít khi tập trung vào tư duy, tố chất và khả năng của từng người. Thế nên sẽ rất kệch cỡm nếu ta nói đứa học giỏi không bằng thằng học dốt, giỏi dốt quan trọng gì.

Giỏi, dốt không quyết định bởi một chặng đường hay một tấm bằng mà nó quyết định bởi sự nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của mỗi người. Có người nghĩ mình giỏi nên không lo học hỏi, lúc nào cũng kiêu căng, tự phụ thì giỏi mấy cũng ngã ngựa. Ngược lại có người nghĩ mình kém cỏi nên cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Thất bại mấy cũng kiên cường vượt qua. Nung nấu ý chí, tinh thần để tôi luyện bản thân theo năm tháng. Và đó mới là câu trả lời xác đáng cho câu hỏi “tại sao người học dốt năm nào lại trở nên thành công rực rỡ bây giờ”. Trên chặng đường đó không thể thiếu được quá trình tự học hỏi để phát triển nhận thức, tư duy thông qua những trải nghiệm thực tế. Vậy nên mới nói học tập không phải là con đường ngắn nhất mà là con đường bền vững nhất.

1. Làm gì cũng cần có tư duy, học tập sẽ giúp bạn phát triển rất nhanh yếu tố này.

Giả sử bạn là một người cực kì khéo tay, làm điêu khắc cực kì đẹp, vì yêu thích điêu khắc nên bạn đã sớm bỏ học để đi học nghề. Bạn đi làm thuê, nhờ tay nghề cực kì giỏi nên bạn nhận được mức lương rất cao. Tuy nhiên, so với ông chủ của bạn thì số tiề.n đó nhỏ như hạt cát, vậy nên bạn mong muốn mở một công xưởng mang tên mình. Nói là làm, bạn đã rất nhanh có được những đối tác tốt để phát triển công việc kinh doanh của mình. Bạn có được điều này là do một thời gian dài làm việc, bạn nắm được cách thức làm ăn, tìm kiếm khách hàng của ông chủ. Tuy nhiên chỉ làm được 2 – 3 năm bạn không biết phải làm thế nào nữa vì công nhân của bạn liên tục xin nghỉ làm khi thấy những công xưởng khác trả lương cao hơn. Nguồn khách của bạn lúc này cũng bị chững lại, vì những đối tác cũ họ cũng bị các xưởng khác lấy mất do chính sách cạnh tranh về gi.á. Lúc này bạn cảm thấy thực sự làm chủ không dễ dàng, bạn bắt đầu nghi ngờ về bản thân, về công việc và con đường mà bạn đang theo đuổi. Đặc biệt khi công việc của bạn bắt đầu đổ vỡ do quá nhiều áp lực dồn về. Mấu chốt ở đây là gì? Mấu chốt nằm ở việc bạn thiếu kiến thức, kỹ năng để ứng phó với sự thay đổi của thị trường.|

Thứ nhất: Bạn không biết cách tạo động lực cho nhân viên, tạo thành văn hoá doanh nghiệp, tạo ra sự gắn kết cho họ dựa trên sự phát triển, sự thăng tiến chứ không đơn thuần là lương nữa.

Thứ hai: Bạn không biết cách chăm sóc khách hàng cũ, đối tác của bạn, biến họ thành khách hàng trung thành thay vì chỉ gắn kết với họ qua câu chuyện về mu.a – bá.n.

Thứ ba: bạn không biết cách marketing, truyền thông, đưa công ty của bạn tiếp cận với nhiều khách hàng mới thông qua mạng xã hội, các kênh online. Để làm được những điều đó, mình phần chuyên môn của bạn là chưa đủ, bạn giỏi sẽ có người giỏi hơn rất rất nhiều. Bạn cần có những kỹ năng khác đi kèm để hỗ trợ. Cách nhanh nhất để bạn có được những kỹ năng đó chính là con đường học vấn, bạn phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để có thể thích ứng được với sự phát triển của thị trường. Nếu không công việc của bạn sẽ rất nhanh lâm vào bế tắc.

2. Làm chủ cực kì nhiều áp lực, hãy làm thuê cho người giỏi để học hỏi được nhiều

Nếu bạn chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng mà vội làm chủ để thể hiện bản thân thì sẽ rất nguy hiểm. Bạn hãy tưởng tượng làm chủ mỗi tháng họ sẽ phải gánh rất nhiều chi phí cố định lẫn chi phí phát sinh, chưa kể họ còn phải chịu trách nhiệm trả lương cho vô số nhân viên ở phía dưới. Nó không màu hồng như bạn nghĩ, vậy nên nếu chưa thực sự sẵn sàng, hãy cứ đi làm thuê cho người giỏi để học hỏi. Bạn vừa được học về tư duy, về tinh thần và tâm thế của họ, hơn thế nữa lại còn được trả lương. Mình hay đùa đó là đi học mà còn nhận được học bổng. Làm việc với người giỏi là cách để bạn hoàn thiện và phát triển bản thân nhanh nhất.

Bản thân mình luôn biết ơn bố mẹ mình vì họ đã tạo cơ hội cho mình được học tập hết khả năng mặc dù bố mẹ mình đã phải hi sinh rất nhiều. Mình thực sự cảm ơn bố mẹ vì đã luôn động viên để mình học tập và tạo điều kiện tốt để mình được thoả mãn niềm đam mê học tập của bản thân. Nếu bố mẹ mình cũng nhìn ngắn hạn là cho mình học xong cấp ba rồi đi làm công nhân vài năm, có ít vốn rồi lấy chồng thì có lẽ giờ mình đang là sống ở một nơi khác và lấy một anh chồng rất khác chứ không phải anh xã nhà mình hiện tại. Mình chỉ có được những thứ bây giờ khi mình được học đại học và phát triển đúng con đường mà mình khao khát. Mình cũng vô cùng biết ơn đến những vị sếp tài năng của mình, họ đều là những người đã kiến tạo nên con người của mình hôm nay bằng những cách rất khác nhau. Có sếp động viên, khích lệ nhưng cũng có những sếp gây áp lực, bắt mình vượt ra khỏi vùng an toàn. Tất cả những điều đó đều giúp mình phát triển, vươn lên và có được ngày hôm nay.

Và cuối cùng, người khiến mình biết ơn nhiều nhất chính là bản thân mình vì dù ở hoàn cảnh nào mình cũng không ngừng học tập và vươn lên. Ngay cả những tình huống ngang trái, éo le nhất trong cuộc đời mình cũng chưa một lần oán trách, hay cho phép bản thân dừng lại. Vì mình tin rằng chỉ có học tập mới có thể giúp cuộc đời mình thay đổi. Và mình biết ơn bản thân vì niềm tin đó, ít nhất là với chính cuộc đời mình, mình đã đúng, rất đúng. Học tập luôn là con đường bền vững nhất.

3. Học phải là học thực, chứ không lý thuyết suông hay học vì bằng cấp.

Nhiều người sợ học, lười học, chán học là vì họ không có động lực học. Họ nhớ tới câu chuyện học thuộc rồi trả bài ngày xưa. Tuy nhiên việc học thực tế không diễn ra như vậy. Cách học truyền thống qua rồi, hãy gác lại dư âm của nó qua một bên. Bắt đầu việc học từ việc quan sát, lắng nghe những thứ xung quanh.
– Quan sát bản thân, những điều gợi lên trong ta những suy ngẫm, cảm nhận mà ta đã trải nghiệm.
– Quan sát, lắng nghe và học hỏi những người ta tiếp xúc trong ngày. Mỗi người ta gặp đều sẽ dạy cho ta ít nhất một bài học nào đó. Quan trọng là ta có đủ lắng đọng để nhận ra bài học đó hay không mà thôi.
– Học qua sách: đây là kênh học dễ dàng, đơn giản và hiệu quả nhất. Nó không phân biệt dân tộc, quốc tịch hay khoảng cách địa lý. Chỉ cần mong muốn là ta có thể học được. Khi học qua sách, thứ rẻ nhất chính là chi phí, thứ đắt nhất chính là thời gian, tâm sức và năng lượng của ta. Nếu biết khai thác kênh học này thì không bao giờ lo lạc hậu và kém hiểu biết dù xuất phát điểm thấp cỡ nào chăng nữa.

Tất cả các kênh học trên nhằm mục đích xây dựng nền tảng cho ta, cả về văn hoá lẫn chuyên môn. Khi hai nền tảng này vững thì đi đâu, làm gì cũng sẽ đều sẽ tạo ra sự đột phá trong công việc và cuộc sống của bản thân.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *