Bản thân Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện Thái độ Thấu hiểu

CHÁNH NIỆM ĐỂ TRỞ VỀ

Khoảng vài tháng trước, mình có tham gia chương trình Cấy Nền tại Huế. Trong hành trình ấy mình được Mộc Thanh chia sẻ về dự án “trường học hạnh phúc” của Giáo sự Hà Vĩnh Thọ.
Sau hơn 3 giờ xem và ghi chú lại những điều hữu ích từ chương trình, mình đã đặt cuốn sách “con đường hạnh phúc” của giáo sư về để đọc. Hành trình di chuyển từ Thanh Hoá đi Hà Nội rồi từ Hà Nội bay vào Huế đã giúp mình hoàn thành xong cuốn sách.

Cảm giác của mình lúc ấy là hạnh phúc, là rung động, là biết ơn. Là thấu tỏ những điều mình còn trăn trở. Mình có rất nhiều câu hỏi muốn được hỏi vị giáo sư đáng kính ấy, thật tiếc là ông không ở Việt Nam và không dùng mạng xã hội.

Nhưng bạn biết không? Điều kì diệu đã xuất hiện. Dường như tất cả những gì mình muốn hỏi, muốn tìm hiểu sâu nó đã có sẵn trong cuốn sách “hạnh phúc là con đường”. Trong đó CHÁNH NIỆM là chìa khoá quan trọng để mở ra bất cứ cánh cửa tươi sáng nào.

Mình biết đến luật hấp dẫn từ khá sớm, mình nhớ cuốn nào trong bộ sách luật hấp dẫn cũng nói tới thiền định. Tuy nhiên lúc đó mình nghĩ thiền định chỉ dành cho bậc chân tu. Mình là người thường thì không cần thiết phải thiền. Thế nên dù biết tác dụng to lớn của thiền nhưng mình vẫn phớt lờ nó.

Sau này, khi đọc được các cuốn sách vĩ đại thì mình bắt đầu nhận ra sự mông muội của bản thân. Thiền định, chánh niệm đâu chỉ dành cho chân tu, ai ai cũng cần. Việc sống trong một thế giới hỗn loạn, thay đổi chóng mặt như hiện nay thì thiện định, chánh niệm là cách để quay trở về tốt nhất.

Mỗi chúng ta thường chỉ hướng ra ngoài, ai ai cũng rất sợ hướng vào trong. Bởi chỉ cần ta yên tĩnh chút thôi là đứa trẻ bên trong ta sẽ trỗi dậy. Nó khiến ta cảm thấy bực bội, khó chịu và mệt mỏi.

Vì thế ta không muốn lắng nghe, không muốn đối diện với nó, ta lựa chọn làm gì đó để xua đuổi nó đi. Đứa trẻ kia nó lại về với căn hầm tiềm thức của mình, còn ta ta mời vô số những vị khách lạ tới căn phòng khách – ý thức của ta.

Nhưng vì nó là tâm của ta, nên chạy cỡ nào, chạy đi đâu ta cũng không thoát được. Càng chèn ép nó, nó sẽ càng trỗi dậy mạnh mẽ. Và khi sự trỗi dậy đó quá lớn nó có thể gây ra một số các căn bệnh về thần kinh, trong đó rối loạn nhân cách là ví dụ điển hình.

Một người lúc này có thật nhiều nhân cách khác nhau cùng trong một cơ thể. Có rất nhiều bộ phim về căn bệnh này, trong đó xuất sắc nhất phải kể đến bộ phim “Kill Me, Heal Me” của tài tử Ji Sung.

Bộ phim đã khiến mình hiểu ra nếu một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý sâu sắc, không có ai cùng tháo gỡ hay song hành, đứa trẻ đó sẽ mắc phải những căn bệnh về tâm lý rất thương tâm. Tâm thần phân liệt, đa nhân cách, trầm cảm, thần kinh là những căn bệnh điển hình hiện nay.

Vậy nên để có thể giúp bé con vui bồi nội lực, tin vào bản thân, yêu thích những việc mình làm thì cách đơn giản mà hiệu quả nhất chính là thực hành CHÁNH NIỆM.

CHÁNH NIỆM không chỉ giúp được bé con, mà còn giúp chính chúng ta thêm khoẻ mạnh, hạnh phúc và bình an. Bởi chánh niệm dạy ta cách sống trọn vẹn với giây phút hiện tại.

Chánh niệm không phải thứ gì cao xa, hay quá khó khăn để thực hiện, nó là quá trình ta tập trung sâu vào hơi thở của mình. Hít vào ta cảm nhận rõ được về bản thân đang ở đây, thở ra ta biết tâm ta cũng đang xuất hiện cùng. Khi thân tâm đồng nhất, là lúc ta trở về với bản thân – trở về nhà đúng nghĩa.

Trước kia mỗi lần xuống tinh thần, mình sẽ gọi điện để nói chuyện với mẹ, với chồng hoặc một người bạn thân nào đó. Nhưng bây giờ mỗi lần cảm thấy chênh vênh, trống trải, mình sẽ không làm gì, mình chỉ ngồi yên ở ban công, tập trung vào hơi thở và nhìn xa xăm.

Mình ngồi đó và lắng nghe suy tư của đứa trẻ bên trong, thay vì chốn chạy mình ôm lấy đứa trẻ ấy. Như cách mình ôm con gái bé nhỏ của mình. Mỗi lần như thế, mình nhận thấy đứa trẻ bên trong bắt đầu vui hơn, mạnh mẽ hơn. Chỉ sau khoảng 20 phút thì lòng mình bắt đầu nhẹ bẫng, muộn phiền tan đi và năng lượng tràn về.

Hôm nay khi hoàn thành xong cuốn “giận” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, mình đã hiểu được tường tận những gì mình làm. Hoá ra khi cơn giận, sự khó chịu bên trong dâng lên, nó sẽ có một vùng năng lượng toả ra nơi ấy.

Thay vì đàn áp vùng năng lượng kia thì mình chỉ cần tập trung vào hơi thở, để tâm bình an của mình xuất hiện. Chánh niệm sẽ khởi sinh ra vùng năng lượng số 2 để giúp xoa dịu, ôm ấp vùng năng lượng ban đầu kia.

Hãy tưởng tượng khi ta ốm, ta đau dạ dày, ta có muốn ném dạ dày của mình không? Hay ta sẽ tìm cách chăm sóc, yêu thương nó? Câu trả lời sẽ luôn luôn là tìm cách để chăm sóc, yêu thương nó rồi.

Cơn giận, sự khó chịu trong ta cũng vậy, nó cũng cần được ta chú ý, quan tâm, hỏi han và chuyển hoá. Nếu không có bùn thì làm gì có sen, tương tự nếu không có khổ đau thì làm sao có hạnh phúc.

Khi chúng ta trò chuyện (truyền thông) được với bản thân rồi, ta sẽ có khả năng tái lập truyền thông với những người khác. Đặc biệt là với những người mà ta yêu thương.

Để tái lập truyền thông với người khác, ta cần nhớ một số nguyên tắc sau đây.

1. Khi ta giận, ta không nên phản ứng, nghĩa là không nói, không làm bất cứ chuyện gì, vì khi hành động trong hoàn cảnh này ta sẽ chỉ làm đau chính mình và những người xung quanh.

2. Không ôm cơn giận quá 24 giờ, bởi ôm cơn giận sẽ khiến ta mệt mỏi, suy kiệt và phá vỡ đi mối quan hệ của mình. Hãy kí một hiệp ước trong gia đình là không được giận nhau quá 24 giờ. Nếu không thể nói ra hãy viết thư giãi bày.

3. Khi giận, hãy cho bản thân thời gian để ngồi lại với chính mình, để thân, tâm cùng xuất hiện. Để mặt trời chánh niệm trở về bên trong ta, ta cần thời gian để chuyển hoá cơn sân hận trong mình.

4. Khi bình tĩnh trở lại rồi, nếu vẫn còn giận hãy nói với người thương của ta rằng:
– Người thương ơi, tôi đang giận, tôi đang khổ
– Tôi sẽ cố gắng hết lòng
– Xin hãy giúp tôi.
Nói ra được những điều này, người kia sẽ hiểu những nỗi đau đang thường trực bên trong chúng ta để giơ tay ra đỡ lấy và cùng ta vượt qua.
Ví dụ khi giận với chồng mình sẽ nói: anh ơi, em đang giận, em đang rất đau khổ về cơn giận này. Em đang cố gắng hết lòng để vượt quá nó, anh giúp em với.

5. Khi một người phát tiết, cáu bẳn, hằn học thì anh ta chính là nạn nhân đầu tiên, chúng ta là nạn nhân thứ hai. Những người như thế cần ta giúp đỡ hơn là trừng phạt. Họ cũng đang đau khổ, chênh vênh nên họ mới lây lan sự đau khổ, chênh vênh ấy cho những người xung quanh.
Đây cũng là lý do vì sao mình nói, khi ta hiểu sâu sắc về người đã gây ra những nỗi đau cho chúng ta, ta thường dễ thông cảm, tha thứ cho họ hơn. Là bởi vì ta nhận ra họ cũng là nạn nhân của những sân hận được truyền lại mà thôi.

6. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, nó là sự đồng nhất của rất nhiều người. Khi cha mẹ, con cái ta đau khổ, ta chẳng thể nào hạnh phúc. Thế nên nếu cha mẹ của ta vẫn là nạn nhân của những lề lối, kết niệm xưa cũ thì ta cần giúp đỡ họ thoát ra để sống được bình an, hạnh phúc hơn. Họ có bình an, hạnh phúc thì ta mới hạnh phúc được. Nếu ta không giúp thì ai có thể giúp được họ nữa đây. Hiểu được rồi thì ta đừng trở thành người trực gây ra sự đau khổ, bất hạnh cho con cái mình.

7. Hãy viết cho bản thân bạn một lá thư, trong lá thư ấy hãy viết về những gì bạn đã trải qua, bạn đã cảm thấy bình an, hạnh phúc thế nào khi làm việc, khi chăm sóc con cái, khi trò chuyện cùng chồng. Hãy tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc bên trong bạn. Hãy làm nó liên tục và thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn được bình an, vững vàng hơn.

8. Sử dụng ái ngữ thường xuyên với những người thân yêu của bạn, hãy tưới tẩm hạt giống hạnh phúc, bình an bên trong mỗi người. Hãy nói với bé con rằng bạn yêu con nhiều như thế nào, hãy kể con nghe lần đầu tiên khi bạn nhìn thấy con, bạn đã hạnh phúc, rạng rỡ ra sao. Hãy ôn lại những kỉ niệm hạnh phúc giữa bạn và chồng, để tình yêu trong hai người vẫn luôn rực cháy và nồng nàn. Hãy bày tỏ với cha mẹ là bạn yêu và hạnh phúc thế nào khi được làm con của họ.

9. Cuối cùng hãy chú ý đến những gì bạn ăn, bạn có đang ăn những thứ tốt cho thân thể và tâm trí của bạn không? Ta ăn cái gì ta sẽ là cái ấy. Thế nên thức ăn cho thân cần phải đảm bảo rằng nó được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, còn thức ăn cho tâm phải là những món ăn tốt cho não bộ, cho trái tim và tâm hồn của bạn. Thực tập chánh niệm khi ăn, nhai tối thiểu 50 lần trước khi nuốt, nó cực kì có lợi cho tiêu hoá và sức khoẻ của bạn. Nhai kĩ, ăn ít sẽ tốt hơn là nuốt vội, ăn nhiều.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *