Hôm nay dung lượng máy tính của mình báo đầy, mình đã phải đi tìm những thứ không còn phù hợp nữa để xoá bỏ nhưng rồi cuối cùng, mình xoá hết. Sở dĩ mình làm điều này vì mình muốn khép lại những gì trước kia, mình muốn đầu mình được rỗng, rỗng như chiếc máy tính lúc này, có thế sự mới mẻ, sáng tạo mới thức sự được khởi hành. Chúng ta ai cũng mong có thể lấp đầy bản thân, dạ dày lấp đầy thức ăn, tâm trí lấp đầy thành tích, két sắt lấp đầy những kho báu. Nhưng thứ gì càng đầy, càng nhiều thì khả năng sáng tạo, làm cái mới sẽ trở nên thui chột. Vì sao, vì càng có nhiều sẽ càng bám víu vào, mà càng bám víu vào sẽ càng đánh mất đi bản thân.
Quan sát một cốc nước ta sẽ thấy, cốc nước đầy rồi thì sẽ không chứa thêm được bất cứ giọt nước nào nữa. Chúng ta cũng vậy, nếu để bản thân lấp quá đầy những thứ trước kia và cứ mãi chấp niệm vào nó thì sẽ không còn cơ hội để đón chào cho những điều mới mẻ xảy đến. Mình cũng từng nghĩ, sống tối giản nghĩa là dùng ít đồ đạc, quần áo, nhưng đó mới chỉ bề mặt, sự tối giản thực sự phải đến sâu từ tâm trí. Tâm trí càng thư thái, càng thong thả thì sẽ càng có không gian để phát triển. Ngược lại tâm trí luôn bị lấp đầy sẽ trở nên mụ mị, đờ đẫn và thiếu sáng suốt.
Đó là lý do vì sao mình thường nói với các học viên, đọc sách nhiều cũng tốt nhưng nếu chỉ biết đọc mà không có sự đào sâu, suy ngẫm và áp dụng thì chỉ dẫn tới sự béo phì về mặt tri thức. Sau khi ta đọc hay học hỏi bất cứ thứ gì, phải có thời gian để hệ thống, sắp xếp lại chúng. Hệ thống xong, phần nào ta cảm thấy có ý nghĩa với bản thân thì đem đi áp dụng, áp dụng cho đến khi ra kết quả mới thôi. Nhờ quá trình đi sâu vào vấn đề này ta mới tìm ra được giải pháp thật sự cho bản thân.
1. Thứ gì càng dễ dàng thì sẽ càng trở nên mất gi á trị
Mình đọc khá nhiều về trí tuệ nhân tạo, mình cũng biết những điều ý nghĩa mà nó đem lại và phục vụ cho con người. Thế nhưng có một điều rất thú vị mà mình mới ngộ ra đó chính là thứ gì càng dễ dàng thì sẽ trở nên mất gi á trị. Trước kia nếu ta thấy một hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp, được phối màu rất đẹp mắt, ngay lập tức ta sẽ bị thu hút, nhưng giờ đây những hình ảnh như thể lại nhan nhản, ở đâu cũng có. Và ngay lập tức chúng trở nên mất sức hút. Không phải vì nó không còn đẹp nữa mà vì chúng đã trở nên quá dễ dàng để tạo ra. Vậy nên thời đại bây giờ, khi trí tuệ nhân tạo càng phát triển thì nó đòi hỏi con người phải làm ra những sản phẩm có g i á trị, ý nghĩa thực sự. Những thứ này cần đến sự sáng tạo và tình yêu của con người chứ không phải tự động hoá.
2. Bỏ xuống những thứ không cần thiết
Chúng ta bị ai đó quay lưng, chỉ trích, và làm tổn thương từ nhiều năm trước. Thế nhưng ta cứ mãi nhớ về sự tổn thương đó nên đau khổ cứ mãi kéo dài, và sự kiện ấy đã luôn sống mãi với thời gian. Mình biết có những người đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa quên được những đau khổ, ai oán năm nào, thậm chí họ còn dặn dò con cháu phải nhớ lấy sự tổn thương xưa cũ kia. Chính điều đó đã khiến sự tổn thương, cay đắng tiếp tục được kéo dài trong nhiều thế hệ. Cách đơn giản nhất là tha thứ, bỏ xuống những thứ không quan trọng, không cần thiết. Người dù từng rất quan trọng, rất ý nghĩa với ta nhưng khi đã quyết định rời đi thì hãy để mọi thứ trở thành những kỉ niệm đẹp. Tha thứ cho những sai lầm, những tổn thương sẽ khiến hành trang ta đi trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Ôm mãi những nỗi đau chỉ khiến nó kéo dài và vết thương ta thêm sâu sắc mà thôi.
3. Chúng ta là nhân vật chính trong cuộc đời mình
Bạn có để ý mỗi khi ta so sánh với ai đó, ta sẽ thấy hoặc là ta kém hơn họ, hoặc là ta giỏi hơn họ. Điều này có ý nghĩa gì không? Thực tế nó rất vô nghĩa và chỉ khiến ta đánh mất đi bản thân. Nếu ta nghĩ ta hơn họ ta sẽ bắt đầu không xem người đối diện ra gì, cách ta ăn nói đâu đó vẫn thể hiện sự kiêu ngạo, thể hiện đẳng cấp. Thế nhưng nếu ta đặt người đối diện ta ở vị trí cao hơn mình, ta bắt đầu khúm núm, nói năng cẩn trọng và không dám làm gì khinh xuất. Tình huống nào thì ta cũng không phải là chính mình nữa, bởi khi sự sợ hãi hoặc kiêu ngạo xuất hiện thì sự thấu suốt cũng bị chúng nuốt chửng. Cách đơn giản nhất ở đây chính là luôn là chính mình. Dù là người giỏi giang, xuất sắc cỡ nào đi chăng nữa thì họ cũng chỉ đều là diễn viên phụ đi qua cuộc đời ta. Ta mới là nhân vật chính trong cuộc đời mình. Vậy nên dù tiếp xúc, trò chuyện hay học tập với bất cứ ai, phải luôn canh chừng tâm trí của bản thân, không để nó dễ dàng bị ai đó sở hữu hay điều khiển. Mọi thứ, hay bất cứ ai cũng chỉ là kênh tham khảo của ta, chỉ ta mới quyết định đâu là điều quan trọng mà ta cần tập trung vào.
4. Học cách yêu trọn vẹn những gì đang có
Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống, nếu không có tình yêu thì sẽ chẳng có thứ gì. Học cách yêu trọn vẹn mọi thứ ta có là bước khởi hành thông minh nhất. Yêu cơ thể, yêu tâm hồn, yêu trí tuệ và yêu tinh thần mà ta đang sở hữu. Yêu một cách trọn vẹn nó không chỉ trong suy nghĩ, lời hói mà cả những hành động nữa. Một người có tình yêu đủ đầy bên trong nó sẽ tràn cả ra ngoài và chạm được đến bất cứ ai. Yêu bản thân, yêu gia đình, yêu chồng, yêu những đứa con, yêu ngôi nhà, yêu mọi thứ như thể hôm nay bạn vừa được sinh ra một lần nữa vậy.
5. Chú tâm tới những gì đang diễn ra ở hiện tại
Lên kế hoạch, viết mục tiêu đều rất tốt, nhưng khi đã hoàn thành xong điều đó, hãy tập trung vào điều mà bạn đang làm thật tỉnh thức. Nếu nói chuyện với mẹ, hãy chỉ tập trung vào mẹ thôi. Nếu tập thể dục, hãy tập trung vào bài tập, vào sự chuyển động của các cơ bắp trong cơ thể. Luôn nhất quán giữa thân và tâm, chính điều này sẽ khiến ta nhìn thấy sự bình an, hạnh phúc luôn hiện diện trong cuộc sống của bản thân. Bởi nó là hiện tại – ngay trong giây phút này, nhớ về quá khứ cũng phải bắt đầu từ thực tại khi tâm trí ta nhớ về, nghĩ về tương lai khi ta cho tâm trí ta tiến tới. Thế nên chìa khoá quan trọng nhất chính là thực tại.