Hôm qua có bạn hỏi mình, hiện tại mình đang có bao nhiêu cuốn sổ tay và mình thường sử dụng chúng như thế nào? Thực ra mình đã từng có bài viết chia sẻ về chủ đề này rồi, tuy nhiên để chào mừng năm mới 2024 mình sẽ chia sẻ đến bạn một bài viết thú vị xoay quanh chủ đề này nữa nhé. Với mình sổ tay chính là bậc thầy để tư duy sắc bén. Càng dùng sổ tay nhiều thì tư duy của chúng ta càng phát triển, bởi nó là sự kết hợp thông minh giữa đôi tay và khối óc. Khi sử dụng sổ tay, ta được thoải mái, tự do sáng tạo. Ta có thể nhận thức, tư duy rất sâu một vấn đề nào đó mà không bị phân tâm hay ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Sau đây là những cuốn sổ không thể thiếu đối với cá nhân mình. Các bạn có thể tham khảo và đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân.
SỔ THƯ VIỆN CÁ NHÂN
Đây là cuốn sổ mình dành để ghi lại những gì mình học hay đọc được. Chủ yếu là thông qua sách và các khoá học chuyên sâu. Mình thường ghi chú lại dưới dạng sơ đồ hoá cho dễ nhớ.
Sơ đồ hoá là cách vô cùng hiệu quả để mình nhìn ra điều cốt lõi mình đang tiếp nhận. Nó bao gồm những điều nào? Nó có quan hệ với nhau ra sao? Cái này sẽ dẫn tới cái kia như thế nào? Giữa chúng có điều gì đặc biệt? Nó khiến mình liên tưởng, suy ngẫm tới điều gì? Vì sao mình lại liên tưởng tới điều đó?
Ban đầu làm theo cách này, mình sẽ phải tư duy theo cách riêng của mình. Hơi mất thời gian một chút nhưng càng làm thì mọi thứ càng tỏ tường, càng thấu suốt. Hiểu được bản chất rồi thì trình bày mọi thứ sẽ vô cùng đơn giản và dễ dàng.
SỔ MỤC TIÊU, KẾ HOẠCH
Trước mình có làm cuốn sổ tay về quản lý thời gian. Cuốn sổ đó quý ở chỗ nó tới tư duy của mình. Mình tư duy từ tương lai về hiện tại. Đi từ bảng tầm nhìn, rồi tới năm, quý và tháng. Năm nay sổ bị đẩy gi á lên cao nên mình tạm dừng chương trình này, tuy nhiên cách tư duy vẫn không thay đổi. Mình vẫn viết ra tầm nhìn, mục tiêu năm, mục tiêu quý rồi từ đó đưa về mục tiêu tháng, tuần và ngày. Cách này mình đã áp dụng từ thời sinh viên, đến bây giờ nó vẫn còn vẹn nguyên giá trị nên chưa bao giờ mình mảy may nghi ngờ về hiệu quả mà nó mang lại cả. Trước đó mình cũng có nhận được chia sẻ của một bạn nói rằng khi viết ra bảng tầm nhìn, mục tiêu năm, ban đầu rất hăm hở nhưng sau đó không thực hiện được nên lại khiến bản thân thêm thất vọng. Mình bảo với bạn rằng, biết thất vọng là tốt nhưng đừng chìm sâu vào. Nếu bạn cứ mãi lo sợ thì sẽ khó tạo ra kết quả gì. Đừng nghe quá nhiều người nói hay bàn luận về hiệu quả của nó. Hãy bắt tay vào làm và tự mình kiểm chứng.
Tự hỏi tại sao năm trước mình thất bại? Bài học thật sự nằm ở đâu? Do bạn nghĩ quá nhiều và hành động quá ít chăng? Hay do bạn đánh giá sai nguồn lực của mình? Thiếu đi việc tổng kết ngày và tuần? Nếu thiếu đi việc đo lường, nhận diện và đánh giá thì sẽ rất khó để tạo ra thành quả. Mình thường soi mục tiêu chung của quý, rồi phân định nó thành 3 mục tiêu nhỏ cho từng tháng. Sau đó bắt đầu triển khai tháng đầu tiên. Bên phải là tổng quan cả tháng, nơi ghi chú những việc quan trọng trong tháng. Bên trái là chi tiết về tuần 1. Trong tuần sẽ có các ngày từ thứ 2 cho tới chủ nhật. Sau mỗi ngày sẽ có phần tổng kết xem hôm đó mình đã thực hiện được bao nhiêu đầu việc. Việc nào chưa được hoàn thành sẽ được đẩy sang ngày kế tiếp. Cứ như vậy cho tới chủ nhật. Mình sẽ tổng kết tuần 1 và lên lịch cho tuần 2. Mình cũng đánh giá lại những gì tuần 1 đã làm tốt, những điều gì chưa? Cần rút kinh nghiệm thế nào trong tuần tiếp theo. Mục tiêu nào trong tháng đã được hoàn thành sát nút, mục tiêu nào vẫn cần bám sát và triển khai trong các tuần còn lại. Cuốn sổ này sẽ chứa đựng tất tần tật những điều như thế, khi soi lại cũng rất dễ nhìn ra những điều cần lưu ý. Bạn làm theo cách này, theo đuổi đến cùng những mục tiêu và kế hoạch của bạn thì cuối tháng không muốn đạt được thành quả cũng khó. Bởi đã hành động là sẽ tạo ra giá trị mà đã tạo ra giá trị thì sẽ luôn có thành quả.
SỔ Ý TƯỞNG
Mình có hai ba cuốn sổ nhỏ thế này. Nhưng mình chọn cuốn sổ A6 để bỏ túi, sổ này mình sẽ ghi chú những đầu việc cần hoàn thành trong ngày. Ghi chú nhanh những ý tưởng có trong đầu.
Ví dụ như quan sát được chuyện gì đó hay, hoặc nhận được câu hỏi từ học viên. Mình sẽ ghi vào cuốn sổ này để tư duy sâu về nó. Tư duy xong mình sẽ viết ra những điều cốt lõi mà mình sẽ tập trung vào để chia sẻ góc nhìn với học viên. Cuốn sổ này mình cũng dùng để ghi chú từ mới Tiếng Nhật khi tranh thủ học ở bên ngoài. Tối về mình mới viết vào sổ chuyên để học ngoại ngữ.
SỔ CHUYÊN MÔN
Mình có cuốn sổ thường sử dụng cho việc đào tạo. Chẳng hạn như lên khung chương trình cho các lớp học. Từ khung này mình sẽ bắt đầu đi sâu vào từng tuần, từng nhiệm vụ. Hay khi lên bài giảng cho các buổi đào tạo, mình cũng sẽ dành thời gian để tư duy ra cuốn sổ này dưới dạng sơ đồ hoá. Hoàn thành xong trên này rồi mình mới đưa nó lên slide. Quá trình này giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Bạn có thể đổi sổ đào tạo của mình trở thành sổ chuyên môn của bạn. Nơi đó bạn sẽ ghi chú những cuộc họp, sáng kiến và quy trình trong công việc thường ngày. Chúng sẽ giúp bạn có được vô số ý tưởng thú vị, giúp bạn tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất làm việc của bản thân.
SỔ NGOẠI NGỮ
Có thể bạn sẽ thấy hơi nhiều nhưng mình là tín đồ của ghi chép, viết lách nên mình nhiều sổ lắm. Cuốn sổ ngoại ngữ mình sẽ viết lại những từ vựng mình học được từ Tiếng Nhật và những điều thú vị mình đọc được từ sách Tiếng Anh. Tiếng Anh mình cũng viết dưới dạng sơ đồ hoá như cách mình hệ thống sách Tiếng Việt. Việc này khiến mình mất khá nhiều thời gian lúc đầu nhưng bây giờ thì đã ổn hơn rất nhiều khi não bộ mình đã làm quen và thích nghi được với cách học mới mẻ này.
SỔ NHẬT KÝ
Sổ này bé cũng được, mình dùng sổ A6, mình thường viết lại những điều mình cảm nhận và nghĩ tới thường ngày. Đó là những phút mình tự vấn bên trong. Chẳng hạn khi mình đã nói to với con. Mình đã có phút tự vấn bản thân sau đó. Tại sao mình lại làm như thế? Mình học được bài học gì từ tình huống này? Lần tới làm thế nào để mình có thể nói nhẹ nhàng hơn với bé con? Và cũng chính nhờ những lần tự vấn ấy mình đã dần hoàn thiện bản thân với vai trò là một người mẹ. Mình cũng dùng cuốn sổ tí hon này để nhắc nhở bản thân về mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn mỗi sáng. Chỉ vài dòng nhật ký vào lúc sáng sớm và vài dòng tự vấn trước khi đi ngủ đã giúp mình duy trì được cách sống tỉnh thức từ bên trong.
Trên đây là nhữn cuốn sổ mà mình thường sử dụng. 4 cuốn sổ A4 theo dạng sổ vẽ, 2 cuốn sổ A6 tí hon. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm được một công cụ hữu ích nữa để phục vụ cho bản thân trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân về cả bốn khía cạnh thân, tâm, trí, thần.