Trừ các dòng sách văn học, tiểu thuyết đọc để suy ngẫm, giải trí thì với các dòng sách còn lại ta thường có xu hướng đọc để lĩnh hội kiến thức, kỹ năng mà tác giả chia sẻ. Nhất là sách giáo trình, chuyên ngành hay học thuật, các bạn có thể tham khảo phương pháp này để chinh phục. Đặc biệt là khi chúng ta đã nắm chắc và thực hành tốt phương pháp này thì có thể chỉ dẫn lại cho bé con, để giúp con học đâu nhớ đấy. Hữu ích vô cùng với các bạn nhỏ từ cấp 2 trở lên. Chúng ta hãy cùng bắt đầu.
Trước khi vào chủ đề chính, bạn hãy dành ra 3 giây để trả lời câu hỏi của mình. Khi đọc sách bạn hay đọc theo cách nào?
A. Đọc từ đầu tới cuối
B. Đọc phần bản thân quan tâm nhất
C. Đọc mục lục rồi đọc từng chương
Nếu bạn đã trả lời xong, ta đi tiếp nhé. Thực ra dù bạn đang đọc theo cách nào A, B, hay C thì sẽ đều hữu ích khi bạn áp dụng phương pháp này. Bởi nó sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn từng phần khi đọc. Trong ba cách đọc trên, nếu để bắt đầu hiệu quả nhất, ta hãy bắt đầu từ C, sau đó quay sang A hoặc B đều khả quan.
Sở dĩ mình nói vậy vì khi ta đọc được phần mục lục, ta sẽ nhìn được tổng quan về cuốn sách định đọc. Mục lục giống như bộ khung sườn của sách. Nó sẽ cho ta biết tư duy của tác giả, họ triển khai cuốn sách thế nào? Bao nhiêu chương? Ta sẽ nhìn thấy những phần ta quan tâm nhất ở đây. Đánh dấu nó lại để phục vụ cho quá trình lĩnh hội kiến thức của bản thân. Sau khi xem qua phần mục lục rồi, ta bắt đầu đọc. Có bạn sẽ bắt đầu với chương đầu tiên nhưng có bạn sẽ bắt đầu với chương mà bạn ấy quan tâm nhất. Bắt đầu với chương nào cũng tốt cả, miễn là bạn biết khai thác chúng đúng cách.
Mở chương bạn muốn bắt đầu ra nhưng đừng đọc luôn. Hãy dạo quanh chương đó bằng việc xem kĩ những phần in đậm, in nghiêng, hình ảnh, chú thích…đọc một lượt. Sau đó mới bắt đầu đọc từ đầu trang đầu tiên của chương. Sở dĩ làm như vậy vì khi ta đọc được các nội dung mấu chốt mà mình đã nói tới (tiêu đề, mục in đậm, in nghiêng, hình ảnh, chú thích) nó sẽ giống như ta có được những chiếc móc trước khi bắt tay vào phân loại quần áo vậy. Những chiếc móc kia sẽ giúp ta thẩm thấu nội dung dễ dàng và hiệu quả hơn. Tiếp đó khi đọc, hãy khai thác tối đa cuốn sách bạn có. Viết, ghi chú, tô màu, làm đủ thứ miễn là điều đó khiến não bộ hào hứng và tập trung cao độ. Đừng cố để giữ cho sạch đẹp đẽ, mới cóng mà hãy tận dụng tối đa nó để học hỏi và lĩnh hội. Mình thích đọc sách giấy là vì lẽ này, tha hồ viết, ghi chú, tô màu, sơ đồ hoá nhanh những gì mình cho là quan trọng vào đó. Với ebook thì mất công hơn chút nếu phải đọc bản PDF vì cần một cuốn sồ nhỏ kế bên. Còn với định dạng EPUB đọc trong mục books của Ipad hay Iphone thì rất tiện lợi. Làm các bước mình hướng dẫn phía trên đều rất dễ dàng. Kể cả việc tô màu, ghi chú cũng thoả thích vì app books hỗ trợ tính năng này cực tốt.
Đọc xong thì buộc phải sơ đồ hoá lại. Nếu ta đọc sách về chuyên môn hay bé con học sách giáo trình nào đó thì việc sơ đồ hữu dụng tới mức chỉ cần nhìn lại là ta nắm ngay được phần then chốt. Tư duy logic, tư duy hệ thống cũng vì vậy mà phát triển vượt trội. Mình đã áp dụng cách này thời sinh viên, cực kì hiệu quả và tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Quan trọng nhất là chúng ta cần đầu tư cho bản thân và bé con một cuốn sổ A4 giấy trơn để sơ đồ lại sau mỗi lần học. Cách này không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu những gì vừa học được, mà còn phục vụ cho quá trình thiết lập nền móng kiến thức hoặc ôn tập lại sau này.
Cuối cùng là đóng gói những gì học được. Học xong hãy sử dụng ngôn từ của bản thân để diễn đạt lại những điều vừa mới học. Ngôn ngữ nói hay viết đều rất hiệu quả. Ngày sinh viên khi học xong mình hay sơ đồ lại rồi vận dụng vào việc làm bài tập hoặc trả lời các câu hỏi ôn tập trong đề cương. Hiểu càng sâu thì làm các bài tập vận dụng này càng nhanh, chưa kể khi có một số bạn trong lớp hỏi, mình sẽ chia sẻ lại với các bạn bằng ngôn ngữ và tư duy của bản thân. Cách này giúp kiến thức đi sâu vào tâm trí, và giúp mình chứng thực câu nói “cách học hiệu quả nhất chính là dạy lại cho người khác”. Sau này ra trường đi làm, dù không cần phải hoàn thành các đề cương hay dự án nhưng mình vẫn sử dụng phương pháp này để học sâu. Việc đóng gói được mình chuyển thành bài viết trên trang cá nhân. Sau này khi dạy học thì nó được chuyển thể thành vô số những workshop tri ân sau đó.
Với mình nếu đã học xong một bài giảng hoặc đọc xong một cuốn sách nhưng không đóng gói, kết nối với những trải nghiệm cá nhân thì việc học đó trở nên vô nghĩa. Bởi những gì đã đọc, đã học sẽ được mình quên đi nhanh chóng chỉ sau vài tuần. Mình mong sẽ không có một ai đi vào sai lầm này.