Cuốn sách mình phải đọc rồi suy ngẫm rất lâu mới hiểu hết được những điều mà học giả Nguyễn Duy Cần chia sẻ. Tuy hơi khó đọc, nhưng những bài học mình nhận được lại vô cùng quý giá. Chia sẻ tới bạn những bài học mình học được từ cuốn sách thú vị này.
1. ĐẠO, TÂM, VŨ TRỤ
Cuốn sách được chia làm bốn quyển, trong đó quyển một chia sẻ về đạo, tâm và vũ trụ. Đạo chính là sự sống chung của vũ trụ, vì nó vô hình, vô thức nên không có tính cách riêng. Tâm là đạo, khi biểu hiện vào ta thì nó trở thành tư tâm. Mà tư tâm này chính là bản ngã. Nếu ví đạo giống như nước thì khi nước không đổ vào bình chứa nào thì nó chính là đạo, còn khi đổ vào bình nó trở thành tâm. Đạo đi vào trong ta nó thành tư tâm – bản ngã, nếu muốn được giải thoát ta phải tiêu diệt được bản ngã – tư tâm của mình. Vũ trụ chính là vạn vật, vạn vật là một. Không có cái gì tách rời cái gì và cũng không có cái gì có thể tồn tại một mình. Bản thân chúng ta như muốn khám phá chân lý thì việc đầu tiên đó chính là chúng ta cần phải tin vào những điều mới mẻ với thái độ hoài nghi. Nhiều người hoặc là phản đối, hoặc là làm theo, cả hai cách này đều không thể khám phá ra chân lý. Cách tốt nhất là hoài nghi sau đó khám phá và suy xét nó. Mình rất thích phần này khi tác giả đề cập tới cách lựa chọn của Thánh nhân. Họ thường chấp nhận bánh xe của tạo hóa, họ thuận theo tự nhiên một cách ung dung, tự tại. Chính thái độ này lại khiến mọi chuyện tự nhiên thuận theo cách rất nhẹ nhàng. Thuận tự nhiên tự nhiên thuận chính là lẽ đó.
2. NHÂN SINH
Chân tâm như nước dù đựng trong các chai có muôn hình vạn trạng khác nhau nhưng vẫn là nước, không mắc vào bất cứ hình thức nào. Điều này muốn nói tới chính ta, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không được đánh mất cốt cách, cá tính của bản thân. Làm việc thiện chính là làm những việc có lợi cho nhân sinh, nhưng cần hợp thời thế, hoàn cảnh. Chứ không bị vướng mắc, cố chấp vào điều nào. Tế độ quần sinh nghĩa là giúp mà không ép. Lấy cái tự nhiên để giúp tự nhiên, giúp người khác mà không ép buộc họ đánh mất đi cá tính, cốt cách của bản thân. Giúp không mong được hồi đáp, cho đi là vì thật sự ta muốn vậy, không vì tư lợi riêng. Có tư lợi riêng là sẽ tạo ra khúc mắc trong lòng, từ đó tạo nên những khó chịu, tức tối. Thậm chí là phá vỡ đi mối quan hệ mà ta trân quý trước đó.
3. PHÂN BIỆT
Đây có lẽ là quyển mình thích nhất. Nó giúp ta phân biệt được hành động vô vi và hành động tư tâm. Trong khi hành động vô vi là hành động tự động chứ không hưởng ứng thì hành động tư tâm lại xuất phát và phụ thuộc vào hoàn cảnh. Điều này dẫn tới những người hành động vô vi thì luôn ung dung vì họ thực hiện vì động lực đến từ bên trong. Họ làm vì họ biết đó là việc cần làm như hoa thì toả hương, mặt trời thì soi sáng. Ngược lại những người hành động tư tâm thì luôn tù túng, bởi động lực của họ tới từ bên ngoài, họ làm vì bị tác động, làm theo phong trào, làm bằng sự hưởng ứng. Làm mà không biết tại sao mình lại làm, thấy mọi người làm thì làm theo. Hành động này sẽ chẳng đưa họ tới đâu cả, lý do vì động lực bên ngoài sẽ tắt ngấm ngay nếu hoàn cảnh hoặc tác nhân thay đổi.
4. GIẢI THOÁT
Thứ nhất, muốn giải thoát khỏi bản ngã, tư tâm thì việc đầu tiên chính là học cách nới ra, giảm bớt sức dụng công chiếm giữ lấy của riêng mình. Càng cố chiếm giữ thứ gì đó bản ngã – tư tâm của ta càng lớn. Sự chiếm giữ này không chỉ là vật chất mà còn là các mối quan hệ, là những người thân yêu của ta nữa. Bà mẹ mà luôn nghĩ đó là con của mình, chỉ có mình mới được con yêu thương, quan tâm, chăm sóc thì tới khi con lấy vợ sẽ tạo ra một bi kịch.
Thứ hai hãy luôn nhớ ta là một với toàn thể vũ trụ, do đó ta là cái tâm trung điểm nơi sự sống hiện ra. Do đó hãy luôn sống tự nhiên, không dụng công và bươn chải vất vả, đó chính là cách để ta luôn được thản nhiên vui vẻ. Một cuốn sách dù khá khó đọc, mình đã phải đọc cuốn này tới lần thứ 3 thì mới hiểu hết được ý của tác giả. Thực sự khi hiểu rồi mình thấy được khai sáng rất nhiều. Mình vẫn thế, luôn cảm thấy bản thân rất may mắn, có những thứ mình làm vì xuất phát điểm từ việc nghĩ tới cảm nhận của bản thân khi đặt mình vào vị trí của đối phương, từ đó mà đưa ra cách tiếp cận. Không ngờ cách đó luôn cho mình những hướng đi rất đúng.
Trong các khóa học, mình thường khuyến khích học viên tìm ra cá tính riêng của bản thân, thay vì việc biến học viên trở thành bản sao của mình, mình hướng học viên tới việc trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính họ. Nay đọc được chia sẻ của cụ, mình thực sự rất vui và hạnh phúc với những gì mà mình đã làm. Điểm nữa, mình cũng nhận ra, động lực bên trong thực sự có một sức mạnh vô cùng to lớn. Ta làm không phải để chứng minh, không phải để thể hiện cho ai đó thấy mà ta làm vì đó là việc ta muốn làm. Chính điều này khiến cho chúng ta có thể làm những điều ta cho là quan trọng suốt nhiều năm tháng mà không cần ai phải giám sát, nhắc nhở hay yêu cầu. Việc đọc sách và viết lách của mình cũng vậy, làm chỉ vì muốn làm, nó rất tự nhiên. Và hành trình ấy đến nay đã ròng rã 13 năm trời, dù ai nói gì, hoàn cảnh, môi trường ra sao thì mình vẫn duy trì nó bền bỉ theo thời gian.