Chia sẻ sách Đọc sách

KHUYẾN HỌC

Năm nay là năm mình đọc được rất nhiều dòng sách tư tưởng, và một trong những cuốn sách dễ hiểu nhất, chạm đến mình nhất thuộc dòng sách này chính là cuốn KHUYẾN HỌC của Fukuzawa Yukichi. Ông được nhắc tới như một bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại. Cuốn sách chạm đến mình những gì ông chia sẻ trong cuốn sách rất gần với đất nước Việt Nam chúng ta. Mình cũng lớn lên nhiều nhờ những dòng tư tưởng ấy, chia sẻ đến bạn những điều mình tâm đắc nhất khi đọc cuốn sách này.

1. HỌC VẤN LÀ SỨC MẠNH
Tựa đề cuốn sách đã nói lên được tinh thần của nó: KHUYẾN HỌC. Khuyến khích người người nhà nhà học tập, bởi chỉ có học tập mới làm mỗi cá nhân tiến bộ lên, từ đó mới làm cho quê hương, đất nước hưng thịnh, mạnh giàu. Trời không tạo ra người đứng trên người, đứng trên hay đứng dưới là do học vấn, do tri thức quyết định. Không có gì trên đời này đáng sợ hơn là ngu dốt. Mà sự ngu dốt ấy đó không phải là sinh ra đã vậy mà là vì không chịu khó học hỏi, tìm tòi. Mình ấn tượng nhất khi ông chia sẻ với thế hệ trẻ rằng, nếu học hãy tìm hiểu mọi thứ bằng tiếng Anh, dùng công cụ toàn cầu ấy mà tìm hiểu. Học những gì mà bản thân cảm thấy cần thiết, giúp ích nhất cho đời sống thì hãy học. Thứ mà ta cần hướng tới là THỰC HỌC, chứ không phải học để được điểm cao hay học để sau này có cái nghề. Học ra trường để có cái nghề nó chỉ là thứ yếu, học để khám phá bản thân, để đóng góp giá trị cho xã hội nó lớn lao hơn rất nhiều.

Thay vì nghĩ ta làm việc này để trang trải cuộc sống, hãy nghĩ lớn hơn, công việc này tạo ra giá trị gì cho xã hội, làm thế nào để có thể làm xuất sắc nhất công việc ấy. Những cải tiến cũng bắt đầu từ đó, làm công việc tay chân hay trí óc đều đáng quý, quan trọng nhất là khi làm hãy làm hết sức và không ngừng cải tiến nó để công việc ngày càng thuận lợi và phát triển hơn. Mình ví dụ một người làm bảo vệ, nếu anh ấy làm công việc bảo vệ như bao người, hết ngày đày công. Lúc có khách thì dắt xe, hết khách thì ngồi chơi game thì anh ấy cũng tạo ra giá trị cho công ty đó đó, nhưng không nhiều. Tuy nhiên nếu thay vì việc ngồi chơi game những lúc rảnh rỗi, anh ấy có thể ngồi quan sát xem làm thế nào để có thể xếp xe khoa học nhất, khách lấy được dễ dàng hơn mà công việc của anh ấy cũng nhàn hơn. Anh ấy cũng học cách hướng dẫn, phân luồng xe mỗi khi có khách tới. Từng bước một anh ấy cải tiến công việc bảo vệ của mình, sau khi xong việc lõi là sắp xếp xe khoa học, anh bắt đầu chú hơn đến việc giao tiếp với khách hàng. Đây đều là những việc không tên, chẳng được nhận lương hay thưởng luôn nhưng sẽ làm nghiệp vụ, kỹ năng của anh ấy phát triển mạnh mẽ. Khi giá trị anh ấy tăng theo thời gian thì cơ hội sẽ mở ra. Hãy cứ tập trung đào sâu và phát triển công việc của bạn xuất sắc trước, thành quả và cơ hội sẽ đi theo sau bạn. Vậy nên dù đang làm công việc gì, hãy để học vấn khai thông con đường tương lai của bạn bằng việc THỰC HỌC mỗi ngày bạn nhé.

2. TÍNH TRÁCH NHIỆM
Chúng ta không chỉ có trách nhiệm với bản thân, với gia đình mà còn cần có trách nhiệm với xã hội nữa. Bản thân ai ai trong chúng ta cũng đều có những quyền lợi và trách nhiệm đi cùng. Nếu là một giáo viên, bạn không những có trách nhiệm với nhà trường nơi bạn công tác, có trách nhiệm với học sinh thân yêu của bạn mà bạn còn có trách nhiệm với toàn xã hội. Bạn là người kiến tạo nên thế hệ tương tai của đất nước. Để đảm bảo được trách nhiệm ấy, bản thân bạn phải hiểu tường tận về nó, nỗ lực mỗi ngày để hoàn thành trách nhiệm mà bản thân được giao phó. Khi ấy, việc dạy học không còn đơn thuần là công việc của bạn nữa, nó chính là trách nhiệm, là con người của bạn. Nếu bạn dạy mà học sinh chưa yêu thích, chưa hứng thú và say mê với bài giảng của bạn. Hãy xem xét lại cách dạy của bản thân, hãy xem vì sao các con lại chưa tiếp nhận được những điều bạn muốn truyền tải. Nó nằm ở nội dung hay cách thức bạn truyền tải đến các con. Nhận diện mình chưa làm tốt ở đâu đã là một bước tiến quan trọng để giúp bạn thay đổi và phát triển sự nghiệp sang một hướng hoàn toàn mới.

Năm cấp ba mình có học với một thầy giáo dạy Vật Lý. Bạn biết đấy, Vật Lý là một môn khó nhằn, học đã thấy khó chứ chưa nói đến việc được truyền cảm hứng từ nó. Nhưng thầy của mình đã làm được điều ấy, thầy dạy một cách say xưa và thú vị. Mình chưa bao giờ thấy chán môn học của thầy, những định luật được thầy chia sẻ tường tận vì sao nó lại ra đời, nó ứng dụng vào cuộc sống như thế nào. Bất cứ câu hỏi nào của học sinh dù hóc búa cỡ nào thầy cũng có thể chia sẻ, giải thích một cách dễ hiểu. Chính vì vậy thầy luôn là tấm gương dạy giỏi của trường mình, được rất nhiều học sinh yêu mến. Mình dù không chuyên Lý nhưng khi học với thầy mình cũng mê tít môn ấy và mê luôn cách truyền lửa của thầy. Rõ ràng môn ấy không phải là môn dễ dạy, dễ tiếp thu nhưng bằng tình yêu nghề, bằng niềm say mê bất tận với công việc, người thầy ấy đã thổi một ngọn gió mới vào chính công việc giảng dạy của mình. Chính vì vậy, thầy không chỉ làm tròn trách nhiệm của mình mà còn tạo được một vị trí vững vàng trong lòng mỗi thế hệ học trò. Tính trách nhiệm này sẽ đi cùng với TƯ TƯỞNG của mỗi cá nhân. Người có tư tưởng, ý chí càng lớn thì tính trách nhiệm càng cao.

3. ỨNG DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG
Như chúng ta đã biết, học vấn không phải chỉ có việc đọc, đọc thật nhiều sách là đủ. Bản chất của học vấn phụ thuộc vào khả năng ứng dụng, người dù đọc rất nhiều sách nhưng lại không ứng dụng được chút gì vào đời sống thì không khác gì vô học cả. Để THỰC HỌC hiệu quả chúng ta cần động não, suy nghĩ và biết cách vận dụng những gì đã được học vào đời sống. Mình xin trích dẫn ba câu mình tâm đắc nhất ở phần này
“Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích luỹ tri thức
Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức
Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức”

Trong ba cái trên thì vế đầu tiên chúng ta có thể tự đạt được bằng sự nỗ lực của mình, còn hai cái dưới thì ta cần có người bàn, người trao đổi. Đó chính là khi ta tranh luận, diễn thuyết. Ở phương Tây họ có chương trình TED rất hay, họ đã tập hợp được những bộ óc vĩ đại để chia sẻ những điều bổ ích cho người nghe. Điều này ở nước ta vẫn chưa có nhiều, chưa được chú trọng nhiều, tuy nhiên mình tin tương lai nó cũng sẽ phát triển theo hương ấy. Để có thể đón đầu được xu hướng và cống hiến tài năng của mình thì ngay từ bây giờ ngoài việc tích luỹ tri thức mỗi ngày, bạn cần dành thêm thời gian để học cách nói năng, diễn thuyết sao cho thật hay, thật lôi cuốn. Vì đó sẽ là xu hướng trong tương lai của chúng ta. Mình thường hay chia sẻ với học viên rằng hãy biến ngôi nhà trở thành sân khấu để mỗi người trong gia đình được chia sẻ, diễn thuyết về một chủ đề nào đó. Điều này không chỉ giúp các thành viên gắn kết hơn, thấu hiểu nhau hơn mà còn giúp cho tư duy và kỹ năng của mỗi người phát triển theo.

Nếu bạn đọc về tự truyện của Benjamin Franklin bạn sẽ thấy bố ông ấy thường xuyên mời những người bạn ham đọc sách, giỏi chia sẻ về để thuyết giảng tại nhà cho những đứa con ông ấy nghe. Đó chính là cách mà cha của một vĩ nhân đã làm để phát triển tài năng và tầm vóc cho các con của mình kể cả khi gia đình ông không mấy khá giả.

Đây là cuốn sách hay, dễ đọc và dễ tiếp nhận, mình chia sẻ lại dựa trện những suy ngẫm của cá nhân mình, hi vọng hữu ích với các bạn!

 

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *