Đọc sách Kiến thức Kỹ năng Phương pháp đọc sách Rèn luyện

65 BÍ KÍP ĐỌC SÁCH DÀNH CHO MỌI NGƯỜI (Để đọc sách trở thành lối sống)

Với 65 bí kíp, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã lần lượt trao đổi, bàn luận và chia sẻ tới người đọc những chủ đề liên quan tới văn hoá đọc. Có rất nhiều chủ đề khác nhau, nhưng mình đúc kết lại những điểm cốt lõi như sau.

1. Đọc sách giúp xây dựng nền tảng văn hoá cho mỗi người. Nền tảng văn hoá dùng để giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè, cấp trên và khách hàng. Chính điều này sẽ giúp ta hợp tác tốt với mọi người trong công việc, tạo đà cho sự tiến bộ và thăng tiến mai này. Cũng nhờ đọc sách mà ta lựa chọn được cách sống, thái độ sống cho phù hợp với con người bên trong của mỗi người.

2. Có kiến thức về nghề nghiệp sâu sắc và hệ thống. Nếu không đọc sách tính hệ thống và khả năng tiếp cận kiến thức sẽ không bao giờ sâu được.

3. Bồi dưỡng chuyên môn, học nghề mới. Xã hội bây giờ thay đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Nếu không cập nhật, tự học, tự tích luỹ thì ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Ngược lại nếu tự học tốt nhờ sách, ta có thể trở thành bất cứ phiên bản nào ta mong muốn, dù là ở lĩnh vực nào đi chăng nữa.

4. Sách phát triển bản thân không xấu nhưng nếu chỉ đọc duy nhất sách kỹ năng hoặc sách phát triển bản thân thì sẽ không ổn theo thời gian. Vì kiến thức, văn hoá nền tảng mới là chân tháp. Muốn lên được đỉnh tháp ta trang bị vững cả chân tháp lẫn lưng tháp.

5. Vậy ta cần đọc thế nào? Đọc sách của tác giả nhưng đồng thời cũng cần đọc cả về cuộc đời, con người của họ nữa. Hoặc đọc, tìm hiểu sâu các nhân vật được tác giả nhắc tới về các khía cạnh như con người, phẩm cách, tư tưởng, và nền tảng văn hoá.

6. Khi đọc sách, ta có thể đọc theo ba phương thức. Một là đọc theo chủ đề, hai là đọc theo tác giả và ba là đọc ngẫu nhiên. Đọc theo chủ đề, khoảng 5 cuốn sẽ giúp bạn có được kiến thức nền tảng về chủ đề đó. Đọc theo tác giả, khoảng 5-7 cuốn ta sẽ hiểu về con người, tư tưởng và phong cách viết của họ. Đọc ngẫu nhiên giúp kích thích sự sáng tạo của mỗi người.

7. Đọc khoảng 3 cuốn một thời điểm. Mình thường đọc từ 30 phút – 1 tiếng một cuốn. Sau đó đọc sang cuốn khác, cách nào giúp não bộ của ta được kích thích và mở rộng về các chủ đề khác nhau.

8. Đọc sao cho hiệu quả. Đọc ít cũng được nhưng trước khi đọc, ta cần đọc ta cần đặt ra câu hỏi: Tại sao tôi lại đọc cuốn sách này? Tôi muốn biết điều gì thông qua nó? Còn trong khi đọc, ta cần suy ngẫm, quan sát, liên tưởng, liên hệ với những trải nghiệm của bản thân. Điều này sẽ khiến cuốn sách sống trong chúng ta lâu hơn.

9. Cuối cùng đọc xong ta cần đóng gói lại, ghi ra những gì mà ta đã đọc, đã học được, chia sẻ nó bằng ngôn ngữ của bản thân. Cách này giúp ta rèn luyện cả kỹ năng viết lẫn thương hiệu cá nhân. Càng trao giá trị nhiều ta càng nhận được về nhiều giá trị. Rất nhiều học viên của mình trong dự án xây nền từ sách đã khoe, trước khi tham gia dự án, các anh chị em ấy đọc được vài cuốn là bỏ nhưng tới giờ, đã đọc được hơn 10 cuốn. 11 buổi học mà các anh chị em ấy đã đọc được hơn 10 cuốn là quá tuyệt rồi. Đó là món quà rất lớn dành cho mình.

Lý do các anh chị em ấy làm được như vậy là bởi vì họ hiểu sâu sắc giá trị và ý nghĩa mà sách đem lại. Thế nên trước khi tìm ra phương cách đọc sách hiệu quả (phần ngọn) thì ta phải tìm ra lý do tại sao ta cần phải làm, ta làm nó vì điều gì và cái giá ta phải trả là bao nhiêu (phần gốc). Gốc có vững thì ngọn mới tốt được.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *