Chia sẻ sách Đọc sách Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện

ĐI TÌM TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM

Một cuốn sách rất hay, rất đáng đọc của anh Nguyễn Quốc Vương. Cuốn sách gần 300 trang với vô số những điều khiến ta phải suy ngẫm. Vì cuốn sách đề cập tới rất nhiều các khía cạnh khác nhau trong giáo dục, vậy nên nếu muốn hiểu rõ chúng một cách tường tận, bạn nên trực tiếp đọc cuốn sách này. Mình rất thích đọc sách do anh Vương viết bởi nó sâu sắc, thẳng thắn, và luôn đi trực diện vào vấn đề. Sau đây là ba điều mình vô cùng tâm đắc trong cuốn sách này.

1. TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Trước kia mình cũng từng nghĩ triết lý là điều gì đó trừu tượng lắm. Có hiểu cũng sẽ chẳng có ích lợi gì, nhưng sau này càng lớn, càng trưởng thành, càng đọc nhiều sách thì mình hiểu triết lý quan trọng cỡ nào. Nó chính là đích đến mà ta hướng tới. Đích đến mà đã không đúng thì đi sai đường là lẽ đương nhiên. Trong giáo dục cũng vậy, nếu ta không có triết lý giáo dục đúng thì sẽ không có được phương hướng và cách thức đúng đắn. Triết lý giáo dục dù được định nghĩa thế nào đi chăng nữa nó đều chia hai thành tố:
Một là hình ảnh xã hội tương lai, xã hội mới mà ta muốn xây dựng, có thể gọi tên được và chỉ ra những đặc trưng cơ bản của nó.
Hai là hình ảnh con người mơ ước, đây là những con người sẽ cải tạo xã hội hiện tại để xây dựng nên một xã hội mới và bảo vệ nó.
Cần nhìn rõ hai thành tố này để có thể giáo dục nên những con người có năng lực, phẩm chất và thái độ phù hợp với xã hội tương lai – xã hội mà họ chính là chủ nhân. Đấy là đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước mang tính vĩ mô, còn với chúng ta thì sao? Có cần phải xây dựng triết lý giáo dục cho bản thân và con em mình không? Mình nghĩ là có, bởi nếu không có triết lý giáo dục đúng ngay từ đầu thì ta sẽ luôn cảm thấy hoang mang, lo lắng và bất an với hành trình của mình. Cá nhân mình mong muốn giúp bé con khám phá được những tiềm năng, tố chất và sở trường của bản thân, từ đó con biết con đam mê, hứng thú với điều gì để tập trung vào rèn giũa. Song song với đó chính là quá trình vun bồi nhân cách sống cho con, giúp con biết sống một cách khiêm tốn, tử tế, tích cực và chân thành với những người xung quanh.

2. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

Trước kia khi mình đọc “cao thủ Ielts 9.0” của bạn Lê Minh Hà, mình rấn tượng với chia sẻ của bạn ấy khi đi học trải nghiệm ở New Zealand, mà cụ thể đó chính là môn lịch sử. Cách dạy của họ giống hệt cách anh Vương chia sẻ trong cuốn sách này. Thay vì chỉ trao truyền kiến thức, các mốc sự kiện, hãy giúp các bạn nhỏ trở thành một nhà sử học tí hon. Phương pháp này mình tin không chỉ áp dụng trong môn lịch sử mà có thể áp dụng ở nhiều môn học khác nhau. Sách giáo khoa chỉ là tiền đề, là tài liệu để giáo viên tham khảo nhằm triển khai bài giảng sao cho phù hợp với học sinh của mình. Thứ chúng ta cần sử dụng làm nền tảng chính là các trải nghiệm trong đời sống của học sinh. Phải lấy làm xuất phát điểm để tạo nên những chủ đề khơi dậy hứng thú cho trẻ. Khi ấy những gì thầy cô dạy sẽ gắn bó mật thiết với đời sống của trẻ. Giúp trẻ có thể sử dụng tư duy, phương pháp ấy để nghiên cứu và giải mã các hiện tượng xã hội. Trong phần chia sẻ thực tế của bạn Minh Hà, mình nhớ bạn nói rằng khi học lịch sử học sinh sẽ chủ động đi tìm các dữ liệu bên ngoài thực tế để quan sát, nghiên cứu và trình bày trong buổi tham luận. Nhờ vậy đã kích thích được tinh thần làm việc nhóm, tư duy khoa học trong các em. Bạn nào cũng hào hứng, trao đổi, hợp tác và song hành cùng nhau. Chính nhờ điều đó mà tư duy hệ thống, tư duy phân tích và tư duy xử lý vấn đề của các bạn ấy được rèn giũa một cách sắc bén. Điều này tạo nên một lợi thế rất lớn sau khi kết thúc những năm tháng phổ thông. Trường học không chỉ là nơi học tập mà còn chính là một xã hội thu nhỏ để các em trải nghiệm và kiến tạo nên những kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ sống tích cực cho mai này.

3. MỌI SỰ THAY ĐỔI PHẢI ĐI TỪ GỐC

Mình rất thích tư duy này của anh Vương. Quả thực nếu không đi từ gốc rễ mà chỉ xử lý phần ngọn thì vấn đề này chưa xong, vấn đề khác đã xuất hiện. Khi ấy vấn đề sẽ ngày càng chồng chất lên nhau. Giải quyết bài toán nào cũng thế, từ câu chuyện lương của giáo viên, cho tới việc đồng hành cùng con. Chúng ta phải nhìn cho rõ căn nguyên gốc rễ của nó. Điều mình ấn tượng hơn cả chính là sự khen thưởng mà ta dành cho các con. Khen thưởng không nên chỉ nằm ở thành tích hay điểm số. Bởi nó chỉ là động lực bên ngoài. Nếu một đứa trẻ phấn đấu chỉ vì động lực bên ngoài, hơn thua với bạn bè, phấn đấu để đứng nhất nhằm nhận được phần thưởng, thể hiện bản thân với mọi người xung quanh thì sau này hết học là hết nỗ lực. Điều đó quả thực rất đáng tiếc. Ngược lại nếu đứa trẻ phấn đấu vì động lực bên trong, vì lòng tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh, tìm kiếm chân lý, khám phá chính mình, tìm ra sứ mệnh và con đường mà bản thân mong muốn thì đứa trẻ ấy sẽ liên tục tiến bước. Kể cả có tốt nghiệp đại học rồi thì đứa trẻ ấy vẫn không ngừng học tập, trau dồi, nỗ lực để khẳng định bản thân bằng việc tạo ra những gi á trị tốt đẹp cho xã hội. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là trẻ làm tốt, hoàn thành tốt ta không khen. Nhưng hãy nghĩ thêm những cách khen khác chứ không chỉ khen dựa trên điểm số hay thành tích. Khen thế nào để trẻ thêm tự tin vào bản thân, học được cách tôn trọng chính mình để từ đó trẻ có thêm nhiều động lực để rèn giũa, cố gắng vì bản thân chứ không phải vì điều gì khác. Một gợi ý rất thú vị của anh Vương đó chính là tổ chức cho các một buổi triển lãm trong lớp. Triển lãm sẽ tập hợp tất cả những thành phẩm mà các con đã làm được trong suốt năm học vừa qua. Các con lần lượt sẽ được đứng lên trình bày ý tưởng, cảm nhận của mình sau một năm học trước thầy cô, cha mẹ và bạn bè. Đó sẽ là trải nghiệm ý nghĩa nhất với các con, sau này dù khôn lớn, trưởng thành, các con vẫn sẽ luôn lưu giữ mãi cảm xúc ấy trong tim. Điều này chẳng những giúp con rèn luyện kỹ năng trình bày, diễn đạt, thể hiện ý tưởng của bản thân mà còn giúp con tự tin vào chính mình. Tự hào về điều con đã làm được, điều này là vô g ía, bởi nó sẽ là tiền đề tạo nên lòng tự tôn bên trong con. Sau này, đi đâu, làm gì con cũng sẽ nhớ mãi về khoảnh khắc ấy. Rất có thể chính khoảnh khắc ý nghĩa đó sẽ nâng đỡ và giúp con vượt qua những khó khăn, thử thách trên đường đời.

Mình tin chỉ cần chúng ta muốn, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được môi trường như thế trong gia đình, rồi sau đó là tới lớp học, trường học của con. Quan trọng là ta phải biết được mục tiêu thực sự mà ta hướng tới là gì. Nếu không càng đi sẽ càng cảm thấy mông lung, rối bời. Một cuốn sách rất hay và rất đáng đọc, mình mong các ba mẹ, thầy cô hãy một lần đọc cuốn sách này để chúng ta có thể nhìn thấy rõ những thách thức to lớn mà nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt. Thấy được vấn đề là đã đi được 50% quãng đường. 50% còn lại phụ thuộc vào sự nỗ lực và cố gắng của mỗi chúng ta. Mỗi người, mỗi nhà một chút dần dần mọi thứ sẽ đi đúng hướng thôi.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *