Lý do vì ngày bé gia đình rất nghèo, bố mẹ phải tất bật cả ngày đêm để mưu sinh kiếm sống. Ban ngày bố mẹ đi làm đồng, mình đi học, chiều về trông em. Tối đến mẹ nấu cám cho lợn, dọn nhà, cho hai em ngủ, bố mình đi xe ôm kiếm thêm thu nhập. Do đó việc học của mình từ bé tới lớn đều tự túc. Mình được toàn quyền quán xuyến việc học của bản thân. Đi học về tắm rửa, ăn cơm xong là ngồi vào bàn học. Đúng 7 giờ học, học xong là 9 giờ đi ngủ. Cứ liên tục như thế cho tới cuối tuần. Tối thứ 6 được nghỉ. Thứ 7 được đi chơi thoải mái, chủ nhật bắt đầu ôn lại bài ở lớp và chuẩn bị bài cho tuần mới. Mình không nhớ ai dạy cho mình phương pháp đó nhưng khi đi học mình nhận ra nếu mình chăm đọc bài trước khi lên lớp thì mình sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Hiểu bài hơn, trả lời câu hỏi của thầy cô giáo tốt hơn, do đó mình được khen nhiều hơn. Và điều đó làm mình có động lực hơn để học. Vậy là tối mình sẽ dành thời gian làm bài tập, xem lại bài thầy cô giảng trên lớp, sau đó dành 30 phút để đọc và chuẩn bị bài mới. Phương pháp này đi theo mình tới khi đi học đại học. Nhờ nó mà mình học càng ngày càng tốt hơn. Đây cũng là nền tảng chính để rèn luyện kỹ năng tự học. Do đó muốn rèn giũa được kỹ năng này, bạn hãy lưu ý những điều sau.

LÀM SAO ĐỂ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TỰ HỌC?
Đây là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Bản thân mình cũng đã dành thời gian suy ngẫm, đào sâu và tự vấn để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Mình được cho là người có khả năng tự học tốt, vì những gì cần học mình đều chủ động học. Không cần ai phải giám sát và nhắc nhở. Mà kỹ năng này mình đã có từ bé chứ không phải lớn lên mới có.
1. Biết được mục đích thật sự của việc học.
Bạn đừng bỏ qua bước này vì nếu không làm rõ nó từ ban đầu, bạn sẽ lạc lối. Làm gì cũng phải có đích đến, việc học cũng vậy. Nó chính là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho bạn. Ngày bé bố mẹ dù không có thời gian để kèm cặp, chỉ dẫn việc học cho mình nhưng lúc nào bố mẹ cũng nhắc nhở cho mình biết mục đích thật sự của việc học “học để thay đổi cuộc đời, học để thoát nghèo, học để được sống cuộc sống mà con muốn sống”. Và mình đã đi học trong tâm thế ấy. Từ bé tới khi đã trưởng thành. Kể cả bây giờ cũng vậy. Mình rất rõ lý do, mục đích tại sao mình phải học điều gì đó. Còn bây giờ thì sao? Sau khi biết bản thân cần phải học gì, làm rõ được mục đích, lý do thật sự ở phía sau. Mình sẽ bắt đầu lên lộ trình để học, chia ra từng chặng nhỏ rồi bắt đầu với hai tâm thế sau đây.
2. Chủ động trong việc học mà không cần ai giám sát, nhắc nhở.
Từ bé mình đã được tự chủ về việc học của bản thân. Học tập là việc của mình chứ không phải của bố mẹ nên mình không phải sợ hãi, tỏ ra chăm chỉ trước mặt bố mẹ. Miễn là mình sắp xếp học tốt là được. Nhà mình thường là bố mẹ nhắc mình đi ngủ sớm (đừng học nhiều quá kẻo mệt) chứ ít khi nhắc mình phải học nhiều lên. Trước kia hay bây giờ cũng vậy. Khi làm đào tạo, mình hiểu sự chủ động trong việc học nó cũng nói tới lòng tự trọng của mỗi người. Người có lòng tự trọng càng cao thì càng chủ động học tập. Bởi họ vẫn hành động bền bỉ khi không có ai giám sát hay nhắc nhở. Đây cũng là điều mình hướng tới cho các học viên trong các lớp học. Cả có phí hay miễn phí. Đó là lý do mình tuyệt đối tin tưởng vào sự trung thực và hết mình của học viên. Lòng tự trọng và sự chủ động không phải tự nhiên mà có, tự dưng mà thành, nó cũng cần được mài giũa, rèn luyện theo thời gian. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ trước, làm tới đâu chỉn chu, trọn trịa tới đó. Lúc này lòng tự trọng lại được nâng lên một bậc. Có tự trọng sẽ có tự lập, tự chủ và tự hào. Nhưng hành trình này bạn phải tự đấu tranh với sự lười biếng đang chực chờ nổi dậy trong bạn.
3. Nghiên cứu thật kĩ tài liệu rồi theo hướng dẫn một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Nhiều người ngay cả việc đọc còn lười thì rất khó để làm theo hướng dẫn hiệu quả. Điều cốt lõi là ta phải đọc, nghe, ghi chép sau đó nghiên cứu thật kĩ tài liệu để làm theo. Phần này rất quan trọng. Nhiều độc giả của mình đã chuyển hoá một cách mạnh mẽ nhờ phương pháp này. Thay vì đọc sách ào ào, họ nhấm nháp “muốn chuyển hoá sâu bắt đầu từ sách” từng chút một. Họ từng bước làm theo mình chỉ dẫn, có chị còn ghi hẳn ra sổ tay thư viện cá nhân. Họ bảo chị cảm giác như không phải đang đọc sách mà đang tham gia huấn luyện cùng cô Nghĩa. Họ chẳng những làm theo mình chỉ dẫn mà còn tiến thêm một bước nữa. Đào sâu, mở rộng phần kiến thức lõi mà mình đã đề cập tới. Kiến thức nền tảng và tư duy sâu cũng được hình thành từ đây. Mình biết việc này tốn sức, tốn thời gian và tốn cả năng lượng nên nhiều người ngại làm. Tuy nhiên đây là cách đơn giản, hiệu quả nhất để lập trình lại đời mình với chi phí rẻ mạt. Ai tập trung vào thì nhận được phần thưởng xứng đáng, ai bỏ qua thì lại phải tiếp tục vật lộn với những thách thức của cuộc sống một cách khốc liệt hơn.
Quan trọng nhất là lúc cần làm là phải làm chứ không phải sau này mới làm. Nhiều người bỏ lỡ thời điểm vàng, đến khi hối hận thì đã muộn màng. Mình mong các học viên đăng kí lớp quản lý thời gian hiệu quả sẽ tự học với tâm thế này. Đọc, ghi chép, suy ngẫm thật kĩ rồi bắt tay vào làm. Hãy đặt toàn bộ năng lượng, thời gian và tâm trí của bạn cho hành trình này. 20 phút làm bài nhưng phải là 20 phút thật sự chất lượng.